Từ điển bệnh lý

Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương bao gồm các bệnh prion ở hệ thần kinh trung ương. Prion là tác nhân gây bệnh mới, chưa được hiểu biết rõ ràng, gây bệnh nhiều cơ quan trong đó ảnh hưởng nhiều nhất ở não, tỉ lệ tử vong rất cao.

Một số prion gây bệnh đã được biết đến như bệnh bò điên, bệnh lý não xốp bán cấp, bệnh viêm toàn não xơ hóa bán cấp, bệnh Kuru, bệnh lý não chất trắng đa ổ tiến triển,

Biểu hiện lâm sàng của các bệnh này thường tiến triển nhanh với các triệu chứng như sa sút trí tuệ, rung giật cơ, hội chứng ngoại tháp, mất điều hòa động tác, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn tâm thần,… Theo tiến triển thời gian, các chức năng thần kinh và tâm thần bị rối loạn nặng, dần dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán như cộng hưởng từ sọ não, điện não đồ, dịch não tủy,… trong đó xét nghiệm phát hiện các prion bất thường trong thần kinh trung ương là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp điều trị vẫn là điều trị hỗ trợ và  điều trị triệu chứng. Người bệnh thường tử vong sau khoảng 1-2 năm từ khi khởi phát bệnh.


Nguyên nhân Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Prion là gì? Cơ chế gây bệnh như thế nào? Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chắc chắn có bao nhiêu loại prion. Thuật ngữ prion được viết tắt từ cụm từ chuyên ngành: Proteinaceous Infectious Particle - hạt truyền nhiễm protein (theo Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ).  Bản chất prion là phân tử protein, ngoài ra không chứa thành phần nucleic acids nào (để mã hóa protein đó). Prion vẫn tồn tại trong cơ thể người khỏe mạnh và ít khi gây bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi hoặc lý do nào đó mà con người chưa giải thích rõ, các prion thay đổi cấu trúc, là các protein lệch tâm, cấu trúc xoắn bất thường, kích thước có thể nhỏ hơn rất nhiều lần so với các virus đã biết, tạo thành các prion bất thường (ký hiệu là PrPSc), từ đó gây bệnh cho cả con người và động vật. Các bệnh do prion được biết đến như một số bệnh trên đa số đều ảnh hưởng đến cấu trúc cơ quan thần kinh, tiến triển nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao cho cả người và động vật.

Cấu trúc lỗ “tế vi” hiển thị đặc tính phần mô bị nhiễm prion


Triệu chứng Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Biểu hiện các bệnh đã nói trên đa dạng, tuy nhiên có đặc điểm chung là suy giảm chức năng thần kinh và tâm thần tiến triển nhanh, người bệnh thường tử vong sớm từ khi khởi phát triệu chứng. Biểu hiện trong một số bệnh như:

Bệnh bò điên

Người bệnh suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ, khả năng phán đoán, sa sút trí tuệ, bất thường về hành vi, mất ngôn ngữ, hội chứng thùy trán,… Bệnh nhân thờ ơ, triệu chứng trầm cảm là phổ biến, đôi khi dễ xúc động, lo lắng, rối loạn giấc ngủ (thường gặp là mất ngủ), trường hợp nặng hơn người bệnh có biểu hiện loạn thần, ảo giác, hoang tưởng.

Triệu chứng bệnh bò điên

- Triệu chứng khác: Run giật cơ, bệnh nhân hay giật mình;

- Biểu hiện tổn thương tiểu não: rung giật nhãn cầu, mất điều hòa chức năng thăng bằng, chóng mặt,…

- Biểu hiện tổn thương tủy sống như: Co cứng cơ, tăng phản xạ,..;

- Dấu hiệu ngoại tháp: giảm vận động, loạn trương lực cơ, cứng khớp,… có thể xảy ra.

Có sự khác nhau giữa bệnh nhân trẻ tuổi và lớn tuổi khi bị bệnh bò điên. Ở người trẻ, các biểu hiện về tâm thần (ví dụ trầm cảm) thường nổi bật hơn và diễn biến lâm sàng thường kéo dài hơn so với bệnh nhân lớn tuổi. Theo tiến triển thời gian, người bệnh ngày càng biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh và tâm thần nhiều hơn, co cứng cơ và rung giật cơ ngày càng nhiều, thậm chí xuất hiện các cơn co giật.

Bệnh Kuru

Đã có giả thuyết cho rằng nghi lễ ăn thịt đồng loại tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây truyền từ người sang người. Người bệnh có biểu hiện triệu chứng khởi đầu thường là run các chi, mất điều hòa động tác, mất thăng bằng và không ổn định tư thế, người bệnh có biểu hiện rùng mình. Các rối loạn thị giác như nhìn mờ, song thị,… có thể gặp. Theo tiến triển thời gian, bệnh nhân mất khả năng vận động, rung giật cơ, múa vờn, co giật và ảnh hường hệ thần kinh thực vật. Người bệnh ngày càng biểu hiện rõ sa sút trí tuệ, thờ ơ, vô cảm với mọi sự việc xung quanh và thường tử vong trong khoảng 9-24 tháng kể từ khi khởi phát bệnh.


Các biến chứng Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Các biến chứng có thể gặp như loét tỳ đè do nằm lâu; bội nhiễm vi khuẩn như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết; suy kiệt; mất phản xạ nuốt; người bệnh mất nhận thức hoàn toàn; sống cuộc sống thực vật; … cuối cùng là tử vong.

Sống thực vật và tử vong 

Sống thực vật và tử vong 


Đường lây truyền Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Cơ chế lây truyền các bệnh do prion còn chưa được hiểu biết rõ. Nhìn chung, bệnh không dễ lây truyền ở người qua các con đường thông thường như tiếp xúc, đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường quan hệ tình dục,…

Một số ghi nhận con đường lây truyền như: Đa số là tự phát (ví dụ như bệnh bò điên tự phát ), có tính chất di truyền như người trong gia đình bị mắc bệnh hoặc có đột biến gen liên quan đến prion (ví dụ bệnh bò điên gia đình), trong quá trình tiếp xúc với mô nhiễm bệnh (phẫu thuật, cấy ghép tạng), có giả thuyết cho rằng lây truyền bệnh Kuku liên quan đến nghi lễ ăn thịt đồng loại ở một số bộ tộc,… Quan điểm ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh (ví dụ bệnh bò điên ở động vật) có thể gây bệnh cho người còn tranh cãi.


Đối tượng nguy cơ Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Chưa rõ cơ chế gây bệnh và đối tượng nguy cơ có thể xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố có liên quan được xác định như: tuổi khởi phát trung bình khoảng 62 tuổi, ít xảy ra ở thanh niên hoặc người trên 80 tuổi; giới nam hay nữ đều có thể mắc bệnh; tiền sử mắc bệnh rối loạn tâm thần hoặc gia đình có người mắc bệnh; tiếp xúc với mô tạng bị nhiễm bệnh; sống cư trú trong các trang trại; tục lệ ăn thịt đồng loại; ….

Fore, bộ tộc có nhiều người mắc bệnh prion do tục ăn thịt người gây ra

Fore, bộ tộc có nhiều người mắc bệnh prion do tục ăn thịt người gây ra


Phòng ngừa Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Các biện pháp phòng bệnh chung như:

- Sống lành mạnh;

- Vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, tăng cường nâng cao sức khỏe;

- Thực hiện an toàn truyền máu;

- Đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn khi thực hiện các phẫu thuật thủ thuật; có biểu hiện bệnh lý về thần kinh hoặc tâm thần cần đi khám sớm;…


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Ngoài các biểu hiện lâm sàng đã được mô tả, người bệnh cần được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như đánh giá dịch não tủy, chụp cộng hưởng từ sọ não, điện não đồ.

Bệnh bò điên 

Trong bệnh bò điên, có thể ghi nhận một số tổn thương như:

- Cộng hưởng từ sọ não: Trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh hiện nay, cộng hưởng từ sọ não (MRI sọ não) được cho là phương pháp hữu ích nhất trong chẩn đoán các bệnh nói trên. Bên cạnh đó, MRI giúp loại trừ một số nguyên nhân khác gây tổn thương tại hệ thần kinh trung ương. Độ nhạy và độ đặc hiệu của MRI thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn sớm, ghi nhận sự tăng tín hiệu DWI tại vỏ não và/hoặc thể vân, có thể đối xứng hai bên. Giai đoạn tiếp theo thấy tăng tín hiệu tại vị trí tổn thương so với xung FLAIR. Ngoài tổn thương chất xám, bệnh bò điên có thể gây tổn thương chất trắng não trong giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, hình ảnh teo não rõ, giãn não thất nhiều, mất tín hiệu DWI tại vỏ não và hạch nền.

Chụp cộng hưởng từ MRI sọ não

Chụp cộng hưởng từ MRI sọ não

- Cắt lớp vi tính sọ não (CT sọ não): Không nhạy bằng MRI trong đánh giá tổn thương não, đặc biệt trong giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, CT giúp chẩn đoán loại trừ với tổn thương não trong một số bệnh khác như tai biến mạch máu não. Giai đoạn muộn, chụp CT thấy hình ảnh teo não và giãn não thất nhiều.

- Chọc dịch não tủy: Biến đổi sinh hóa và tế bào không đặc hiệu, số lượng tế bào thường bình thường, có thể tăng nhẹ protein dịch não tủy nhưng không đặc hiệu, glucose dịch não tủy thường bình thường. Bên cạnh đó việc chọc dịch não tủy có thể làm xét nghệm RT-QUIC nhằm mục đích phát hiện lượng hoạt chất prion tối thiểu trong dịch não tủy. Độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau trong từng nghiên cứu, có thể lên đến 95% và 100%, tuy nhiên cần đánh giá với kích thước mẫu lớn hơn. Đây là kỹ thuật khó, hiện đại, cần máy móc và thiết bị kỹ thuật cao, tốn tiền và chỉ thực hiện được tại một số cơ sở y tế hiện đại.

- Protein 14-3-3 trong dịch não tủy được coi là xét nghiệm bổ trợ chẩn đoán. Xét nghiệm âm tính không loại trừ chẩn đoán, xét nghiệm dương tính cho biết khả năng xác suất cao bị mắc bệnh bò điên. Bên cạnh đó, xét nghiệm có thể dương tính giả trong một số bệnh thoái hóa thần kinh khác.

- Điện não đồ: Có thể ghi nhận hình ảnh sóng nhọn có tính chất chu kỳ đặc trưng, có thể thoáng qua, thường xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh.

- Sinh thiết não: Khó thực hiện.

Bệnh Kuru

Trong bệnh Kuru: Chẩn đoán bệnh thường khó, tổn thương não trên MRI, dịch não tủy hoặc điện não đồ thường không đặc hiệu.

Việc phát hiện các prion bất thường bên ngoài hệ thần kinh trung ương vẫn còn đang tranh cãi và thách thức các nhà khoa học. Bệnh phẩm có thể là mẫu da, dịch hô hấp, dịch tủy xương, nước tiểu, máu,… Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có cơ sở khoa học đánh giá toàn diện lợi ích của xét nghiệm này.

Chẩn đoán bệnh prion ở hệ thần kinh trung ương cần nghi ngờ ở những bệnh nhân có biểu hiện sa sút trí tuệ diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, kèm theo các biểu hiện khác như rung giật cơ, mất điều hòa và phối hợp động tác, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác,…

Các chẩn đoán cận lâm sàng như: Cộng hưởng từ sọ não, điện não đồ, đánh giá dịch não tủy giúp hỗ trợ chẩn đoán. Mặc dù tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhóm bệnh này là phát hiện PrPSc trong hệ thần kinh trung ương.

Bệnh prion hệ thần kinh trung ương cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như: bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ thể lewy, viêm não tự miễn, rối loạn tâm thần khác,….


Các biện pháp điều trị Bệnh do virus không điển hình ở hệ thần kinh trung ương

Hiện nay, vẫn không có các biện pháp điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và triệu chứng.

Người bệnh cần hỗ trợ giao tiếp với những người xung quanh, sử dụng các dịch vụ xã hội hỗ trợ người bệnh thực hiện được nhu cầu chăm sóc bản thân hàng ngày, tư vấn cho gia đình hỗ trợ người bệnh những nhu cầu cơ bản đó.

Điều trị thuốc với các triệu chứng thần kinh như: Chống động kinh với các thuốc levetiracetam, valproate; giảm đau ; …

Một số biện pháp điều trị mới đang được nghiên cứu và đánh giá hiệu quả như: Thuốc giảm đau nonopioid thần kinh trung ương, pentosan polysulfate (được cho rằng có liên quan đến quá trình chuyển đổi prion bình thường thành các PrPSc gây bệnh), Doxycyclin,…


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.