Từ điển bệnh lý

Bệnh Ebola : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh Ebola

Bệnh do vi rút Ebola, hay còn gọi là bệnh Ebola, là một bệnh nhiễm khuẩn rất nặng, do vi rút gây nên, với tỉ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 90% (trung bình là 50%) theo một số nghiên cứu. Vi rút lây một cách dễ dàng từ người sang người qua máu, các loại dịch tiết của bệnh nhân khi tiếp xúc gần với người lành. Bệnh từng là nỗi kinh hoàng của người dân khu vực châu Phi suốt từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1976 tại 2 ngôi làng, và xảy ra liên tục tại các nước vùng nhiệt đới cận sa mạc Saharan- Châu Phi cho đến tận năm 2013.

Vi rút Eblola được phát hiện tại Châu Phi

Vi rút Ebola, cùng với Marburgvirus và Cuevavirus là ba giống thuộc họ Filovirus, virus Ebola bao gồm 5 chủng khác nhau, trong đó có các chủng Zaire (EBOV), Bundibugyo (BDBV) và Sudan (SUDV) đã từng gây dịch lớn tại châu Phi, trong khi hai chủng Reston (RESTV) và Tai Forest (TAFV) chưa từng gây dịch


Nguyên nhân Bệnh Ebola

Vi rút Ebola là một vi rút RNA sợi đơn không phân đoạn, giống với Rhabdovirus (bệnh dại) và paramyxovirus (sởi, quai bị) ở đặc điểm tổ chức của bộ gen và cơ chế sao chép. Virus là một thành viên của họ Filoviridae , lấy từ tiếng Latinh "filum" có nghĩa là giống sợi, dựa trên cấu trúc dạng sợi của chúng.

Trước đây, vi rút Ebola và Marburg được phân loại là "vi rút gây sốt xuất huyết", dựa trên các biểu hiện lâm sàng của chúng, bao gồm các khiếm khuyết về đông máu, chảy máu và sốc, tuy nhiên, thuật ngữ "sốt xuất huyết" không còn được sử dụng để ám chỉ bệnh do vi rút Ebola vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân Ebola thực sự phát triển xuất huyết đáng kể, và nó thường xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh gây tử vong, khi bệnh nhân đã bị sốc.

Hình ảnh vi rút Ebola 

Chi Ebolavirus được chia thành 5 loài ( Zaire , Sudan , Tai Forest , Bundibugyo và Reston ). Bốn loài sau đây gây bệnh cho người:

● Virus Zaire, kể từ lần đầu tiên được tìm ra vào năm 1976, vi rút đã gây ra nhiều đợt bùng phát lớn ở Trung Phi, với tỷ lệ tử vong từ 55% đến 88%. Virus Zaire là tác nhân gây ra đại dịch Tây Phi 2014-2016 và nó đã gây ra nhiều đợt bùng phát ở Công-gô kể từ năm 2018.

● Virus Sudan có thể gây tỷ lệ tử vong khoảng 50% và liên quan đến bốn vụ dịch: hai vụ ở Sudan vào những năm 1970, một vụ ở Uganda vào năm 2000, và một vụ khác ở Sudan vào năm 2004.

● Virus Bundibugyo xuất hiện ở Uganda vào năm 2007, gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh do virus Ebola với tỷ lệ tử vong trong thấp hơn so với nhưng tác nhân gây dịch Ebola khác (khoảng 30%). Việc xác định trình tự gen cho thấy tác nhân virus này có mối quan hệ gần nhất với virus Tai Forest

● Virus Tai Forest chỉ được xác định là nguyên nhân gây bệnh cho một người ở Bờ Biển Ngà, và người này đã vươt qua được. Sự phơi nhiễm đã xảy ra khi một nhà giải phẫu học mổ xác một con tinh tinh được tìm thấy đã chết trong Rừng Tai, khi ông nhận thấy số lượng vượn đã giảm rõ rệt.

● Loài Ebola thứ năm, vi rút Reston, khác biệt rõ rệt với những loài khác, được tìm thấy ở Philippine chứ không phải ở châu Phi từ năm 1989. Không có thêm thông tin gì về virus Reston cho đến năm 2008, người ta đã có thêm bằng chứng rằng vi rút Ebola Reston có thể gây nhiễm trùng nhẹ hoặc không có triệu chứng ở người.


Triệu chứng Bệnh Ebola

Các triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh: Bệnh nhân mắc bệnh do vi rút Ebola thường khởi phát đột ngột các triệu chứng trung bình 6 đến 12 ngày sau khi phơi nhiễm (từ 2 đến 21 ngày). Không có bằng chứng cho thấy người chưa có dấu hiệu bị bệnh có thể lây nhiễm sang người khác. Tuy nhiên, tất cả những người có triệu chứng được cho là có vi rút trong máu và các chất dịch cơ thể khác, và cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp.

Các triệu chứng điển hình của bệnh là:

● Hội chứng nhiễm virus ban đầu: Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy và chán ăn. Ngoài ra có thể gặp yếu, đau cơ, cũng như sốt cao kèm theo nhịp tim chậm tương đối như trong bệnh sốt thương hàn

● Phát ban: Ban đỏ lan tỏa, dát sần không ngứa có thể phát triển vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 của bệnh. Phát ban thường ở mặt, cổ, thân và cánh tay, và có thể bong vảy; nó thường dễ nhìn thấy hơn ở những người da sáng.

● Tiêu hóa: Các dấu hiệu và triệu chứng tiêu hóa là phổ biến và thường phát triển trong vài ngày đầu tiên của bệnh. Bao gồm đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn và đau bụng. Nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến hạ huyết áp và sốc.

Các triệu chứng của bệnh Ebola biểu hiện rõ 

● Xuất huyết: Nhiều bệnh nhân bị chảy máu ở một mức độ nào đó trong thời gian bị bệnh, biểu hiện phổ biến nhất là có máu trong phân (khoảng 6%), chấm xuất huyết, vết bầm tím, rỉ dịch từ các vị trí chích tĩnh mạch và / hoặc chảy máu niêm mạc

● Thần kinh: Bệnh nhân có thể bị viêm màng não, với các dấu hiệu như thay đổi mức độ ý thức, tăng phản xạ, bệnh cơ, cứng cổ, dáng đi không ổn định và / hoặc co giật. Những biểu hiện lâm sàng này thường phát triển vào khoảng ngày thứ 8 đến ngày thứ 10 của bệnh.

● Tim mạch: Mạch nhiệt phân ly, đau ngực, viêm cơ tim có thể gặp.

● Hô hấp: Thở nhanh và khó thở có thể biểu hiện tình trạng thiếu oxy hoặc giảm thông khí do mệt cơ hô hấp, góp phần dẫn đến suy hô hấp.

●Mắt: Bệnh nhân có thể có triệu chứng của viêm màng bồ đào

Các xét nghiệm

● Giảm bạch cầu: Tổng số lượng bạch cầu giảm, ngoài ra có thể gặp tế bào hạt chưa trưởng thành và tế bào lympho bất thường, bao gồm tế bào plasmacytoid và nguyên bào miễn dịch

● Giảm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu giảm trong giai đoạn cấp tính của bệnh, nhưng nhìn chung không giảm xuống dưới 50 đến 100 G/L

● Hematocrit bất thường: Bệnh nhân mắc bệnh do vi rút Ebola có thể có biểu hiện tăng hoặc giảm hematocrit.

● Tăng transaminase: Vì vi rút Ebola có thể gây hoại tử gan đa ổ, các xét nghiệm hóa học máu thường cho thấy nồng độ aspartate aminotransferase (AST) và alanine aminotransferase (ALT) trong huyết thanh tăng cao.

● Bất thường về đông máu: Thời gian prothrombin (PT) và một phần thromboplastin (PTT) có thể kéo dài và các sản phẩm thoái hóa fibrin tăng cao, phù hợp với đông máu nội mạch lan tỏa.

● Bất thường về thận: Có thể gặp protein niệu, và suy thận với tăng urê máu và creatinin máu

● Bất thường về điện giải: Bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải:Hạ natri máu, hạ kali máu, tăng kali máu, hạ kali máu và hạ calci máu thứ phát sau các biểu hiện tiêu hóa của bệnh.


Các biến chứng Bệnh Ebola

Các biến chứng sớm

  • Tổn thương thận cấp
  • Nhiễm khuẩn huyết- Sốc nhiễm khuẩn
  • Đông máu nội quản rải rác
  • Sảy thai

Các biến chứng muộn

  • Suy nhược cơ thể, giảm cân và đau khớp, bong vảy da, rụng tóc.
  • Các biểu hiện muộn trong giai đoạn hồi phục thường không phổ biến, có thể là: Viêm tinh hoàn, viêm tủy, viêm não- màng não, viêm đa khớp, viêm tuyến mang tai, viêm tụy, viêm gan, rối loạn tâm thần,…
  • Những người sống sót cũng có nguy cơ bị viêm màng bồ đào (trước, sau hoặc lan tỏa), có thể dẫn đến các biến chứng cấu trúc thứ phát, suy giảm thị lực hoặc mù lòa.

Đường lây truyền Bệnh Ebola

  • Lây truyền trực tiếp từ người sang người: Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể bệnh nhân như : phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch, hoặc khi người lành có các vết xước, tổn thương trên da hay niêm mạc mà tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm có chứa virus Ebola trong các chất tiết của người nhiễm virus như: quần áo, ga trải giường, giày dép nhiễm bẩn hay bơm kim tiêm đã qua sử dụng.

Con đường lây truyền từ động vật sang người 

  • Lây truyền từ động vật sang người: Virus lây truyền khi người bình thường tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới. Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi bệnh nhân không may tiếp xúc gần với máu, chất tiết hay ăn thịt chưa chín của động vật bị nhiễm.

Đối tượng nguy cơ Bệnh Ebola

Các đối tượng sau có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola, bao gồm:

  • Thợ săn, người chuyên giết mổ động vật, người sống trong rừng và có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết: vượn người, tinh tinh, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…v..v
  • Thành viên trong gia đình có người nhiễm bệnh Ebola hoặc là những người có tiếp xúc gần bằng nhiều cách với người bị bệnh.
  • Nhân viên nhà tang lễ, an táng bệnh nhân, người tham gia đám tang có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân.
  • Các cán bộ và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân.

Phòng ngừa Bệnh Ebola

Nguyên tắc phòng ngừa

-  Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt trong bệnh viện cũng như tại địa phương nơi đang xảy ra dịch bệnh

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt trong bệnh viện

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt trong bệnh viện

– Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ nhiễm virus Ebola, cần báo cáo ngay để cán bộ y tế thăm khám và cách ly kịp bệnh nhân kịp thời.

– Phải thực hiện các phương pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây tại các cơ sở y tế và cơ sở cách ly

– Thực hiện khai báo thông tin kịp thời, báo cáo ca bệnh theo hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.

Đối với người bệnh đang mắc bệnh Ebola

– Cách ly nghiêm ngặt, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng và đủ để hạn chế lây truyền bệnh ra môi trường xung quanh.

– Cần phải hạn chế tiếp xúc, vận chuyển bệnh nhân nhiều, trong trường hợp bất khả kháng cần vận chuyển bệnh nhân, phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân và xe vận chuyển chuyên dụng. Xử lý và khử trùng các vật dụng bị ô nhiễm, đồ thải bỏ và chất thải của bệnh nhân theo đúng quy định, hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

– Xử lý tử thi theo hướng dẫn của Bộ Y tế về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng người chết.

Đối với người tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola

– Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (như khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giầy, quần áo) rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.

– Cần phải hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

– Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.

Phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị

  • Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho bác sĩ, điều dưỡng, người chăm sóc bệnh nhân và các bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Khử trùng xử lý môi trường và chất thải bệnh viện
  • Tuân thủ qui trình về xử lý môi trường, chất thải theo qui định như đối với khu vực cách ly các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch khác

Vắc xin phòng bệnh đặc hiệu

Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu với bệnh do virus Ebola.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh Ebola

Ca bệnh nghi ngờ

– Có yếu tố dịch tễ trong vòng 3 tuần (21 ngày) trước khi khởi phát triệu chứng:

+ Tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của bệnh nhân được xác định hoặc đang bị nghi ngờ nhiễm bệnh Ebola

+ Đang sống hoặc đi tới vùng dịch bệnh Ebola đang lưu hành

+ Trực tiếp xử lý, tiếp xúc với dơi, chuột hoặc động vật linh trưởng nghi nhiễm bệnh từ các vùng dịch tễ bệnh đang lưu hành

– Đang có biểu hiện lâm sàng của bệnh Ebola

Ca bệnh xác định

Là ca bệnh nghi ngờ và sau đó được khẳng định mắc bệnh bằng xét nghiệm PCR dương tính với virus Ebola

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh do virus Ebola cần phải phân biệt với một số căn nguyên gây sốt và phát ban khác.


Các biện pháp điều trị Bệnh Ebola

Nguyên tắc điều trị bệnh

– Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chỉ là điều trị hỗ trợ.

– Tất cả các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, phải được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh.

  • Các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.

Điều trị hỗ trợ

  • Khi sốt > 38oC, đau nhiều: Hạ nhiệt, giảm đau bằng Paracetamol
  • Tiêu chảy, nôn, có dấu hiệu mất nước, rối loạn điện giải: Cho uống Oresol ngay cả khi chưa có dấu hiệu mất nước. Các thuốc chống nôn có thể làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân uống được Oresol để bù nước và điện giải.
  • Co giật: Dùng thuốc cắt cơn giật như Seduxen, Diazepam,..
  • Khi có dấu hiệu của chảy máu cấp hoặc sốc: Truyền máu và bù đủ dịch, đảm bảo khối lượng tuần hoàn và duy trì dấu hiệu sinh tồn ổn định. Nếu không cải thiện có thể phải dùng thuốc vận mạch hoặc lọc máu.

Tài liệu tham khảo:

  • “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola”. Ban hành kèm theo Quyết định số 2968/QĐ-BYT ngày 8/8/2014 của Bộ Y tế
  • "2014 Ebola Outbreak in West Africa". Centers for Disease Control and Prevention (CDC). 4 August 2014. Archived from the original on 2 October 2014. Retrieved 5 August 2014.
  • John W. King; Ebola virus infection; Medscape updated: Aug 19, 2014.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.