Từ điển bệnh lý

Bệnh giang mai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh giang mai

Bệnh giang mai là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay gặp, do trực khuẩn Treponema pallidum gây bệnh và đã được biết đến từ lâu. Ngoài con đường lây truyền chính qua quan hệ tình dục, các con đường lây bệnh khác ít gặp hơn là lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ - con. Biểu hiện lâm sàng bệnh đa dạng và có thể tổn thương nhiều cơ quan khác nhau: tổn thương da và niêm mạc hay gặp, tổn thương thần kinh, cơ xương khớp, tim mạch,… hoặc giang mai bẩm sinh. Chẩn đoán bệnh dựa vào các yếu tố khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên vi sinh. Giang mai vẫn là một trong các vi khuẩn còn nhạy cảm kháng sinh thông thường, tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể gây biến chứng tại nhiều cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh,… Hiện nay các biện pháp phòng bệnh chính là không đặc hiệu, chủ yếu là phòng các con đường lây nhiễm.

Bệnh giang mai là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Bệnh giang mai là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục


Nguyên nhân Bệnh giang mai

Treponema pallidum là xoắn khuẩn có hình dạng đặc biệt hình lò xò, vòng xoắn trung bình khoảng 6 – 14 vòng, chuyển hóa kỵ khí, không có vỏ vi khuẩn và không sinh nha bào.  Xoắn khuẩn có sức đề kháng yếu ngoài ngoại cảnh, có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao và hóa chất thông thường. Con người là nguồn bệnh duy nhất. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, trong một thời gian xuất hiện kháng thể đặc hiệu trong huyết thanh, có thể tồn tại thời gian dài trong vi khuẩn. Ngày nay, vẫn chưa thể nuôi cấy vi khuẩn trong các môi trường nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Treponema pallidum là xoắn khuẩn có hình dạng đặc biệt

Treponema pallidum là xoắn khuẩn có hình dạng đặc biệt


Triệu chứng Bệnh giang mai

Lâm sàng bệnh giang mai: trải qua 03 thời kỳ: giang mai thời kỳ I, giang mai thời kỳ II, giang mai thời kỳ III.

+ Giang mai thời kỳ I

 * Triệu chứng thường khởi phát sau phơi nhiễm khoảng 3 – 4 tuần ( trung bình 10 – 90 ngày)

* Tổn thương là săng sang mai và hạch.

 * Săng giang mai: hình dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, thường bằng phẳng so với bề mặt da, không có bờ lõm hay gờ trên bề mặt da, là vết trượt mất một phân thượng bì (vết trượt nông) màu đỏ, trên nền cừng và sờ chắc ( phân biệt với tổn thương trượt do một số nguyên nhân khác). Người bệnh không có cảm giác đau, không ngứa, không tạo áp xe, không sinh mủ, đôi khi người bệnh không chú ý thấy. Bộ phận sinh dục là vị trí săng hay gặp nhất kèm theo có xuất hiện hạch vùng lân cận: môi lớn, môi bé, nếp gấp sinh dục, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, miệng sáo, bao quy đầu, rãnh sinh dục, xương mu, bẹn,… Vị trí khác như quanh hậu môn, trực tràng nếu người bệnh quan hệ tình dục qua đường hậu môn- trực tràng; niêm mạc miệng, lưỡi, vòm họng nếu người bệnh quan hệ tình dục qua đường miệng; hoặc ngón tay, ngón chân, vú,….

* Hạch: xuất hiện một thời gian ngắn ở vùng lân cận sau khi xuất hiện săng. Hạch bị viêm, nhiều hạch tập hợp lại thành chùm, trong số các hạch đó thường xuất hiện một hạch chúa, kích thước to hơn các hạch còn lại. Theo diễn biến thời gian hạch không đau, không tạo mủ, không dính vào nhau và xâm lấn tổ chức xung quanh, dễ dàng di động.

+ Giang mai thời kỳ II:

* Giang mai II sơ phát

- Đào ban: người bệnh xuất hiện các thương tổn dạng đào ban, với đặc điểm bằng phẳng, thường có hình bầu dục, giống màu cánh đào hồng, người bệnh không cảm giác ngứa, không cảm giác đau, tổn thương không bị thâm nhiễm, số lượng từ ít đến nhiều. Vị trí của đào ban thường là mặt, thân mình, gan bàn tay, bàn chân, da đầu,… Theo tiến triển một thời gian sau, đào ban mất đi để lại vết nhiễm sắc tố trắng đen loang lổ ngay cả khi không can thiệp điều trị.

 - Mảng niêm mạc: trên bề mặt niêm mạc xuất hiện vết trợt nông, kích thước vài mm đến khoảng 1 cm, bờ không có, bề mặt có thể bằng phẳng hoặc sần sùi, đóng vảy tiết ( khi vảy tiết bong dễ phát tán xoắn khuẩn). Mảng niêm mạc được tìm thấy ở niêm mạc miệng, mũi, hậu môn và cơ quan sinh dục.

- Hạch: hạch có thể xuất hiện nhiều nơi trong cơ thể, không dính và không xâm lấn tổ chức xung quanh, dịch hạch có nhiều xoắn khuẩn

 Các triệu chứng khác như đau nhức đầu, tóc bị gãy rụng ( rụng tóc kiểu rừng thưa).

Các triệu chứng khác như đau nhức đầu, tóc bị gãy rụng ( rụng tóc kiểu rừng thưa).

 

* Giang mai II tái phát: sau mắc giang mai I thường khoảng 4 – 12 tháng

- Xuất hiện tổn thương đào ban tái phát với kích thước to hơn, hay tập trung thành một vùng hình vòng.

- Sẩn giang mai: nổi gờ lên bề mặt da, ấn chắc, thường có hình bán cầu, màu sắc thường gặp đỏ hồng, chân rộng, kích thước tương đối to, vị trí thường gặp xung quanh cơ quan sinh dục, hậu môn, lòng bàn tay – chân, theo tiến triển một thời gian có thể bong vảy, xung quanh tổn thương tạo viền vảy mỏng.

- Biểu hiện khác: một số cơ quan tổn thương khác như viêm họng, viêm mống mắt, đau xương khớp, viêm gan,…

+ Giang mai thời kỳ III: thường sau khoảng 3 năm, có trường hợp sau 3 – 10 năm, giai đoạn này là giai đoạn muộn, thường xuất hiện ở người bệnh không điều trị (khoảng 30 – 50 % tổng số người bệnh). Các tổn thương giang mai thường khu trú lại ở một số cơ quan, tuy nhiên xâm nhập và phá hủy tổ chức, không được điều trị kịp thời gây các biến chứng và di chứng hoặc đe dọa tính mạng.

- Củ ( gôm giang mai): theo tiến triển thời gian thường bị hoại tử gôm giang mai, loét, khó lành, nguy cơ lây trong giai đoạn này thấp. Vị trí gôm giang mai có thể gặp tại nhiều vị trí trên cơ thể, vị trí nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

- Trên hệ tim mạch: xảy ra nhiều năm, thậm chí hàng chục năm sau nhiễm giang mai. Viêm động mạch chủ, giãn, vỡ phình động mạch, tổn thương các van tim,… là các thương tổn có thể gặp.

- Trên hệ thần kinh: sau vài năm đến vài chục năm kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Các biểu hiện thần kinh đa dạng: từ rối loạn ý thức; thay đổi tâm sinh lý, tính tình; ảo giác, hoang tưởng; co giật,….

Giang mai bẩm sinh

Phụ nữ có thai bị mắc bệnh giang mai sẽ lây truyền sang thai nhi, sự lây truyền này thường xảy ra vào tuần thứ 16 trở đi của thai kỳ. Giang mai bẩm sinh bao gồm

+ Giang mai bẩm sinh sớm: biểu hiện bệnh thường trong 02 năm đầu cuộc đời: trong thời kỳ chu sinh, trẻ có thể bị lưu thai, sảy thai nếu nhiễm trùng nặng, hoặc đẻ non, mất sau sinh. Trường hợp còn lại, trẻ có thể khởi phát bệnh sau khoảng 6 – 8 tuần sau sinh, các tổn thương giang mai gần tương tự giang mai II sơ phát, trẻ có thể có phỏng nước, bong vảy da, giả liệt Parrot, trẻ nhẹ cân, gầy gò, da nhăn nheo, mất sự mềm mại, kèm theo gan, lách to, chướng bụng,…

+ Giang mai bẩm sinh muộn: trẻ phát bệnh sau 2 năm hoặc lâu hơn: biểu hiện lâm sàng đa dạng, gần tương tự giai đoạn lâm sàng III, đôi khi có thể không có triệu chứng rõ rệt. Biểu hiện đó là: viêm mống mắt, giảm/mất thính lực/thị lực, biến dạng mũi, to đầu gối, tổn thương cơ xương khớp, tổn thương tim mạch, thần kinh,….


Các biến chứng Bệnh giang mai

Bệnh có thể có nhiều biến chứng: nhiễm trùng thần kinh trung ương; dị tật mắt, đồng tử nhỏ giảm phản xạ ánh sáng, ảnh hưởng thị lực; nhiễm trùng khớp, theo tiến triển thời gian cấu trúc xương bị suy yếu, gãy xương; ảnh hưởng co thắt cơ trơn dạ dày, bàng quang, vùng chậu; ….


Đường lây truyền Bệnh giang mai

Như trên đã trình bày, con đường lây truyền chính là lây truyền qua đường tình dục. Các con đường lây truyền phổ biến ít hơn là lây truyền mẹ - con, đường máu. Ở người bệnh, xoắn khuẩn có thể tìm thấy tại các tổn thương da và niêm mạc, hạch,… Khi quan hệ tình dục, da và niêm mạc bị trầy xước tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lan truyền. Khi tiếp xúc trực tiếp với các vết thương cũng có thể lây nhiễm vi khuẩn. Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm giang mai bẩm sinh trong thời kỳ chu sinh hoặc nhiễm trùng khi sinh trong chuyển dạ.


Đối tượng nguy cơ Bệnh giang mai

Như trên đã trình bày, con đường lây truyền bệnh chủ yếu là quan hệ tình dục, đặc biệt quan hệ tình dục không an toàn. Các đối tượng hoạt động mại dâm, nhiều bạn tình, mắc các bệnh đường sinh dục khác, tổn thương chấn thương đường sinh dục, nhiễm HIV/AIDS, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, đường miệng, … nguy cơ mắc bệnh cao. Tỉ lệ thấp hơn người bệnh có thể lây giang mai qua đường máu như tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm,… hoặc tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da và niêm mạc của người mắc giang mai mà không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn.

Con đường lây truyền bệnh chủ yếu là quan hệ tình dục, đặc biệt quan hệ tình dục không an toàn.

Con đường lây truyền bệnh chủ yếu là quan hệ tình dục, đặc biệt quan hệ tình dục không an toàn.

Bên cạnh đó, trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm giang mai trong thời kỳ mang thai sẽ mắc giang mai bẩm sinh, hoặc nhiễm trong quá trình chuyển dạ khi tiếp xúc với niêm mạc đường sinh dục của mẹ.


Phòng ngừa Bệnh giang mai

- Chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu

- Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu là quan trọng, đặc biệt là phòng các con đường lây nhiễm.

+ Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức, nâng cao sức khỏe

+ Quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh: chung thủy một bạn tình, không quan hệ với gái mại dâm, người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, sử dụng bao cao su đúng cách, lưu ý chăm sóc, vệ sinh cơ quan sinh dục, răng miệng,…

+ Không tiêm chích ma túy, không sử dụng chung bơm kim tiêm

Không tiêm chích ma túy, không sử dụng chung bơm kim tiêm

Không tiêm chích ma túy, không sử dụng chung bơm kim tiêm

 

+ Phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ với người bệnh, điều trị cho bạn tình. 

+ Đối với phụ nữ mang thai: cần chẩn đoán sớm và điều trị sớm, để phòng tránh nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh. Cần sàng lọc phản ứng huyết thanh đặc hiệu với vi khuẩn đối với phụ nữ có thai.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh giang mai

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào nhiều yếu tố: khai thác tiền sử bệnh (phơi nhiễm yếu tố nguy cơ), triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên vi khuẩn.    

Như trên đã trình bày, hiện nay chưa thể nuôi cấy và phân lập được xoắn khuẩn giang mai trong phòng thí nghiệm. Các xét nghiệm hiện nay được sử dụng để phát hiện sự có mặt của xoắn khuẩn đó là:

+ Soi kính hiển vi tìm xoắn khuẩn: Bệnh phẩm thường được sử dụng là vết trợt, loét, dịch tiết và dịch chọc hạch, dịch não tủy,… đặc biệt trong những giai đoạn sớm của bệnh, kỹ thuật soi dưới kính hiển vi nền đen, hình ảnh ghi nhận xoắn khuẩn giang mai hình lò xo di động. Tuy nhiên kết quả có thể gây nhầm lẫn với một số xoắn khuẩn khác.

Soi kính hiển vi tìm xoắn khuẩn

Soi kính hiển vi tìm xoắn khuẩn

+ Phản ứng huyết thanh học: có thể tìm kháng thể đặc hiệu hoặc không đặc hiệu với giang mai.

- Tìm kháng thể đặc hiệu: TPHA (Treponema pallidum haemagglutination assay)/TPPA (Treponema pallidum passive particle agglutination); FTA-abs (xét nghiệm hấp thụ kháng thể Treponema huỳnh quang); EIA (xét nghiệm miễn dịch enzym); CLIA (xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp hóa phát quang; ECLIA (xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp điện hóa phát quang).

-  Tìm kháng thể không đặc hiệu: VDRL, RPR

Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như tổn thương ghẻ, nhiễm virus Herpes ở niêm mạc, tổn thương da do dị ứng thuốc, do các căn nguyên vi sinh khác ( vi rus, nấm,…), vảy nến, bệnh lao, viêm hạch, ung thư hạch,…


Các biện pháp điều trị Bệnh giang mai

+ Nguyên tắc điều trị: điều trị sớm, đúng phác đồ, tuân thủ điều trị

+ Liệu pháp kháng sinh:

* Giang mai thời kỳ I,II

- Người lớn: khuyến cáo sử dụng Benzathin penicilin G 24.000.000 IU x 01 liều duy nhất

- Trẻ nhỏ: khuyến cáo sử dụng Benzathin penicilin G 50.000 IU/kg (tối đa 24.000.000 IU x 01 liều duy nhất

Trường hợp không thể sử dụng Benzathin penicilin G có thể thay thế một số kháng sinh sau nếu không có chống chỉ định: Doxycyclin 100 mg/lần x 2 lần/ngày; ceftriaxone 1-2 g/ lần x 01 lần/ ngày. Thời gian điều trị khoảng 10 – 14 ngày.

* Giang mai thời kỳ III: cần chọc dịch não tủy để đánh giá có nhiễm trùng thần kinh trung ương.

- Dịch não tủy bình thường: khuyến cáo sử dụng  Benzathin penicilin G 24.000.000 IU x 01 liều/ tuần x 3 tuần.   

- Giang mai thần kinh, giang mai mắt: khuyến cáo sử dụng Penicillin G 3.000.000 – 4.000.000 IU/lần, cách nhau 04 giờ. Thời gian điều trị trung bình là 10 – 14 ngày.

Trường hợp người bệnh không thể sử dụng Penicillin G, có thể sử dụng Ceftriaxone 2 g/lần x 01 lần/ngày. Thời gian điều trị trung bình là 10- 14 ngày.

* Giang mai bẩm sinh: khuyến cáo sử dụng: penicillin G 50.000 IU/kg/ lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ x 7 ngày, 3 ngày sau mỗi lần cách nhau 8 giờ.

Hiệu quả các kháng sinh khác trong điều trị giang mai bẩm sinh còn đang tranh luận, cần nghiên cứu thêm. Trường hợp trẻ nhỏ có dị ứng Penicillin, nên giải mẫm cảm với kháng sinh trước khi chỉ định phác đồ.


Tài liệu tham khảo
  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu. | Bộ Y tế 2015 
  • Hook EW. Syphilis. Lancet. 2017 Apr 15;389(10078):1550-1557
  • Forrestel AK, Kovarik CL, Katz KA. Sexually acquired syphilis: Historical aspects, microbiology, epidemiology, and clinical manifestations. J Am Acad Dermatol. 2020 Jan;82(1):1-14

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ