Từ điển bệnh lý

Bệnh giun Dracunculus : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh giun Dracunculus

Bệnh giun Dracunculus (hay bệnh giun Guinea) do loài giun Dracunculus medinensis gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người; tuy nhiên, đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh ở động vật (như chó, mèo). Giun cái trưởng thành có thể chứa 3 triệu trứng, dài từ 600 đến 800 mm và có đường kính 2mm. Người mắc bệnh chủ yếu do sử dụng nguồn nước bẩn từ ao, hồ, giếng nông,… có chứa bọ chét nước (copepods) nhiễm ấu trùng của D.medinensis. Sau khi nuốt phải loại bọ chét này, chúng sẽ chết do acid dịch vị trong dạ dày vật chủ và giải phóng các ấu trùng. Các ấu trùng tiếp theo sẽ xâm nhập qua thành dạ dày và ruột non của vật chủ vào ổ bụng, khoang sau phúc mạc. Sau đó, ấu trùng di chuyển đến da bệnh nhân và biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Bệnh giun Dracunculus (hay bệnh giun Guinea) do loài giun Dracunculus medinensis gây bệnh

Bệnh giun Dracunculus (hay bệnh giun Guinea) do loài giun Dracunculus medinensis gây bệnh

Bệnh giun Dracunculus thường xuất hiện ở người trưởng thành sống trong các vùng nông thôn. Mặc dù hiện nay, Tổ chức Y tế thê giới đã công nhận 199 quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực không có tình trạng lây nhiễm bệnh Dracunculus; các ca bệnh vẫn thường xuất hiện ở khu vực Cộng hòa Chad, Angola và Nam Sudan.


Nguyên nhân Bệnh giun Dracunculus

Giun Dracunculus medinensis là căn nguyên gây bệnh. Người mắc bệnh sau khi sử dụng nguồn nước bẩn từ ao, hồ, giếng nông,… có chứa bọ chét nước (copepods) nhiễm ấu trùng của D.medinensis. Loài bọ chét này sẽ chết do acid dịch vị và giải phóng các ấu trùng xâm nhập qua thành dạ dày và ruột non, vào ổ bụng và khoang sau phúc mạc của vật chủ - nơi giun đực, giun cái gặp nhau và thụ tinh.

Giun Dracunculus medinensis là căn nguyên gây bệnh

Giun Dracunculus medinensis là căn nguyên gây bệnh

Sau 10 đến 14 tháng tiếp theo, giun đực sẽ chết trong tổ chức; trong khi đó, giun cái (có thể dài 70 đến 120 cm và có đường kính 2mm) sẽ di chuyển đến mô dưới da và cơ. Khoảng một năm sau khi nhiễm bệnh, giun cái trưởng thành được thụ tinh (có thể giải phóng hàng ngàn ấu trùng) sẽ di chuyển đến bề mặt da và gây ra nốt sẩn, mụn nước đau. Các tổn thương có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào, nhưng thường ở chi dưới (cẳng chân, bàn chân); ngoài ra, cũng có thể thấy ở bộ phận sinh dục, mông và thân mình. Các mụn nước gây cảm giác đau đớn, nóng rát và vỡ trong vòng 24 đến 72 giờ. Khi bệnh nhân ngâm chân trong nước lạnh để giảm bớt triệu chứng khó chịu hay sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày (lấy nước, tắm gội, giặt quần áo,…), giun D.medinensis sẽ giải phóng chất dịch trắng sữa chứa hàng triệu ấu trùng vào nguồn nước. Các ấu trùng này lại được tiêu hóa bởi loài bọ chét nước và khiến bọ chét nhiễm bệnh sau 2 tuần. Khi người nuốt phải loài bọ chét này, chu trình mới lại bắt đầu.


Triệu chứng Bệnh giun Dracunculus

Bệnh nhân thường không xuất hiện triệu chứng trong vòng 1 năm đầu khi mắc bệnh. Một vài ngày hay vài giờ trước khi xuất hiện nổi mụn nước trên da, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, nổi mề đay, ngứa, chóng mặt, buồn nôn, nôn và tiêu chảy; sưng đau tại nơi giun xuất hiện. Phần lớn tổn thương xuất hiện ở cẳng chân và bàn chân; tuy nhiên, cũng có thể ở các vị trí khác trên cơ thể.

Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, nổi mề đay, ngứa

Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, nổi mề đay, ngứa

Các bệnh nhân nhiễm bệnh giun Dracunculus thường không có điều kiện đến khám tại các cơ sở y tế. Khi giun D.medinensis di chuyển ở da, sẽ xuất hiện mụn nước. Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều, hạn chế di chuyển, vận động. Ngoài ra, tổn thương có thể nhiễm trùng thứ phát khiến cho tình trạng bệnh nhân càng nặng hơn và kéo dài thời gian hồi phục thêm vài tuần đến vài tháng

Hiếm khi giun di chuyển lạc chỗ đến phổi, mắt, màng ngoài tim, tủy sống và hình thành các ổ áp xe tại những vị trí này. Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng cũng tạo điều kiện cho nhiễm trùng thứ phát, và gây nhiễm khuẩn huyết. Viêm khớp và co cứng cơ mạn tính có thể xuất hiện nếu giun di chuyển đến các khớp.

Trong một số trường hợp, giun có thể chết trước khi xâm nhập qua da. Lúc đó, giun có thể bị calci hóa và chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp Xquang hay sờ thấy dưới da.


Các biến chứng Bệnh giun Dracunculus

Ngoài gây đau khi các mụn nước vỡ, quá trình di chuyển của giun cũng rất đau đớn. Nếu vết thương không được chăm sóc phù hợp có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, gây tình trạng viêm mô bào, áp-xe, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp nhiễm khuẩn và biến dạng khớp, uốn ván,…

Ngoài gây đau khi các mụn nước vỡ, quá trình di chuyển của giun cũng rất đau đớn

Ngoài gây đau khi các mụn nước vỡ, quá trình di chuyển của giun cũng rất đau đớn

Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp, tàn phế là di chứng thường gặp ở bệnh nhân nhiễm bệnh giun Dracunculus. Bệnh giun Dracunculus có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và trở thành gánh nặng kinh tế và xã hội cho cộng đồng mắc bệnh. Giun Dracunculus di chuyển qua da chậm và khiến bệnh nhân đau đớn nhiều, thậm chí tàn phế do bội nhiễm. Người bệnh nhiễm bệnh giun Dracunculus không thể làm việc hay chăn nuôi gia súc. Điều này dẫn đến bất ổn nguồn lương thực và các vấn đề về tài chính cho gia đình. Trẻ em không thể đến trường do nhiễm bệnh hoay phải đi làm thay người lớn trong gia đình bị nhiễm bệnh. Bởi vậy, bệnh giun Dracunculus là bệnh của nghèo đói và cũng là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói do các di chứng của nó.


Đường lây truyền Bệnh giun Dracunculus

Đường lây truyền chủ yếu do người dân sử dụng nguồn nước bẩn từ ao, hồ, giếng nông,… có chứa bọ chét nước (copepods) nhiễm ấu trùng của giun D.medinensis. Sau khi bọ chét bị nuốt và chết do dịch vị, sẽ giải phóng các ấu trùng xâm nhập qua thành dạ dày và ruột non, vào ổ bụng, khoang sau phúc mạc và di chuyển đến da.

Đường lây nhiễm giun D.medinensis

Đường lây nhiễm giun D.medinensis

Vật chủ của D.medinensis chủ yếu là con người, tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở các loài động vật khác (như chó, mèo). Do đó, bệnh giun Dracunculus cũng có thể lây nhiễm cho cả con người và động vật khi ăn các động vật mang mầm bệnh sống trong môi trường nước (như cá, ếch,…). Nếu cá, ếch chưa được nấu chín, ấu trung giun Dracunculus có thể được giải phóng vào đường tiêu hóa của người và động vật.


Đối tượng nguy cơ Bệnh giun Dracunculus

Bênh giun Dracunculus ảnh hưởng chủ yếu đến các khu vực nghèo, xa xôi hẻo lánh ở châu Phi (như cộng hòa Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan), nơi không có nguồn nước sạch để sử dụng. Những người mắc bệnh do sử dụng nguồn nước nhiễm ấu trùng từ các hồ, ao tù nước động. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, tuy nhiên khoảng thời gian số ca bệnh gia tăng ở mỗi nơi lại khác nhau. Ở các vùng khô hạn, bệnh nhân thường mắc bệnh vào mùa mưa, khi các vũng nước ứ động xuất hiện nhiều. Ngược lại, ở khu vực mưa nhiều, bệnh lại thường xảy ra vào mùa khô, khi nước bay hơi và nước tù đọng nhiều.

Ngoài ra, những người thường xuyên ăn các loaì động vật sống dưới nước chưa nấu chín như cá, ếch,… cũng có nguy cơ mắc bệnh giun Dracunculus.

Nguy cơ mắc bệnh giun Dracunculus đa dạng theo giới tính, tuổi, nghề nghiệp và chủng tộc. Sự khác biệt này phản ánh địa điểm và cách người dân uống nước ở các vùng và quốc gia khác nhau. Nhìn chung, tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh như nhau. Tuy nhiên, lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 45 tuổi, có thể liên quan đến đặc điểm nghề nghiệp ở lứa tuổi này thường là nông dân, người chăn nuôi gia súc và nguy cơ uống nước ở những khu vực tù đọng, xa hộ sinh hoạt gia đình.

Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở những khu vực có người nhiễm bệnh giun Dracunculus trước đó. Do bệnh giun Dracunculus không có miễn dịch, dân cư trong khu vực dịch tễ có thể nhiễm bệnh từ năm này qua năm khác do dùng chung nguồn nước liên tục bị nhiễm bẩn và điều kiện sống không cải thiện. Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều mắc bệnh, một số người dễ cảm nhiễm với mầm bệnh hơn những người khác.


Phòng ngừa Bệnh giun Dracunculus

Bệnh giun Dracunculus có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng nguồn nước sạch, các chương trình giám sát cộng đồng và giáo dục người dân về đường lây truyền bệnh.

- Chỉ sử dụng nguồn nước an toàn, không mang mầm bệnh

- Trong trường hợp không thể có nguồn nước sạch, người dân cần biết sử dụng các biện pháp xử lý nguồn nước không an toàn (vùng ao tù, nước động, khu vực giếng đào bằng tay không có tường bao quanh,…) như sử dụng thiết bị lọc nước, thuốc diệt côn trùng trong nguồn nước để diệt bọ chét nước.

- Ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, cần nấu chín cá, ếch trước khi ăn. Khi chế biến cá, cần xử lý các phần thừa, bỏ đi của cá, tránh để chó ăn phải.

Ăn chín, uống sôi đặc biệt, cần nấu chín cá, ếch trước khi ăn để phòng bệnh

Ăn chín, uống sôi đặc biệt, cần nấu chín cá, ếch trước khi ăn để phòng bệnh

- Không cho chó ăn các loài cá, ếch sống, chưa nấu chín

- Người bị bệnh giun Dracunculus cần băng kín chỗ vết thương và không tiếp xúc với nguồn nước sạch cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho mọi người.

- Chó có các biểu hiện bệnh nhue mụn nước, sưng nề, có giun xuất hiện ở vết thương cũng cần tránh đến các khu vực nguồn nước sạch cộng đồng.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh giun Dracunculus

Chẩn đoán bệnh giun Dracunculus chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ; hiện chưa có các xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán khẳng định. Với các bệnh nhân nhiễm giun Dracunculus, xét nghiệm máu có thể tăng bạch cầu ái toan, soi dịch tiết vết thương có thể thấy ấu trùng giun Dracunculus.

Xét nghiệm máu có thể tăng bạch cầu ái toan

Xét nghiệm máu có thể tăng bạch cầu ái toan


Các biện pháp điều trị Bệnh giun Dracunculus

Hiện tại, chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh do giun Dracunculus. Khi phát hiện người bệnh mắc bệnh giun Dracunculus, cần ngăn không cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn nước. Vết thương cần được vệ sinh sạch sẽ. Có thể ngâm vị trí tổn thương trong nước (không phải nguồn nước sinh hoạt) để khiến giun giải phóng nhiều ấu trùng ra ngoài; giúp việc lấy bỏ giun được dễ dàng hơn. Một khi một phần của giun lộ ra ngoài qua vết thương, có thể dùng que để kéo vài centimet chiều dài của giun ra ngoài cơ thể mỗi ngày. Việc dùng que để quấn lấy giun, rút giun hoàn toàn ra khỏi cơ thể mất vài tuần đến vài tháng. Cần thận trọng để tránh giun bị vỡ trong quá trình rút. Một khi giun bị vỡ hoặc không được lấy ra hết, vị trí có giun có thể sưng đau, có phản ứng viêm xung quanh và dễ dẫn đến nhiễm trùng thứ phát hay các biến chứng của bệnh. Sau khi lấy được giun ra, cần băng lại vị trí tổn thương để tránh bội nhiễm.

Các thuốc kháng viêm, giảm đau có thể giúp điều trị triệu chứng sưng, đau; ngoài ra, cần điều trị kháng sinh khi có nhiễm khuẩn và dự phòng bội nhiễm.


Tài liệu tham khảo:

  • Karin Leder, Peter F Weller. Miscellaneous nematodes, Uptodate, 2021.
  • WHO. Dracunculiasis (Guinea-worm disease)
  • CDC. Dracunculiasis

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.