Từ điển bệnh lý

Bệnh giun móc : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh giun móc

Bệnh giun móc là một bệnh tương đối phổ biến, người ta ước tính rằng có khoảng 500 triệu người bị nhiễm giun móc trên toàn thế giới. Bệnh thường không gây ra tử vong nhưng lại là một trong những nguyên nhân chính gây thiếu máu trên người. Nhiễm giun móc phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tỷ lệ nhiễm giun móc cao nhất ở châu Phi cận Sahara, tiếp theo là châu Á, Mỹ Latinh và Caribe. Ở những vùng có lượng mưa thấp, bệnh thường ít xảy ra.

Tại Việt Nam, bệnh do nhiễm giun móc/mỏ vẫn là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến, đặc biệt là trong những cộng đồng dân cư đặc biệt như những người nông dân thường xuyên tiếp xúc với bùn đất hay những người làm việc trong các hầm mỏ.

Bệnh do nhiễm giun móc là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến


Nguyên nhân Bệnh giun móc

Có hai loài giun móc chính gây bệnh cho người: Ancylostoma duodenale (ở các nước Địa Trung Hải, Iran, Ấn Độ, Pakistan và Viễn Đông) và Necator americanus (ở Bắc và Nam Mỹ, Trung Phi, Indonesia, các đảo Nam Thái Bình Dương) và các vùng của Ấn Độ). Ngoài ra, còn một loài giun móc ở chó và mèo, (Ancylostoma ceylanicum) đã được công nhận là nguyên nhân phổ biến gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Australia nhiệt đới và một số quần đảo Melanesian Thái Bình Dương.


Triệu chứng Bệnh giun móc

Biểu hiện ở da

Sự xâm nhập của ấu trùng qua da thường tạo ra nốt ban sẩn ngứa khu trú tại vị trí xâm nhập của ấu trùng. Thậm chí có thể nhìn thấy các dấu vết ngoằn ngoèo của sự di cư trong da của ấu trùng, điều này tương tự như di trú của ấu trùng qua da.. Ngứa và nổi các dấu vết ngoằn ngoèo thường xảy ra giữa các ngón chân và thường khỏi trong vài ngày.

Ấu trùng qua phổi

Ấu trùng qua phổi thường không có triệu chứng. Ho nhẹ và kích ứng hầu họng có thể xảy ra trong quá trình ấu trùng di chuyển trong đường hô hấp, mặc dù hình ảnh thâm nhiễm phổi và tăng bạch cầu ái toan (triệu chứng ở phổi do giun đũa ) ở bệnh giun móc là rất hiếm. Ở những người nhiễm giun móc thực nghiệm, thường

không có các triệu chứng ở phổi, rửa phế quản và phế nang ở những người này cho thấy chỉ có ban đỏ niêm mạc phế quản mà không có bạch cầu ái toan nổi bật trong dịch rửa phế quản.

Các triệu chứng đường tiêu hóa

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đường tiêu hóa tại thời điểm ấu trùng di chuyển đến ruột non: Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đầy hơi, đau vùng quanh rốn,… Các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn ở những người nhiễm trùng lần đầu so với những người tái nhiễm. Ở những người bị nhiễm giun móc nặng, đặc biệt là ở những vùng bệnh lưu hành, bệnh có thể gây xuất huyết tiêu hóa rõ rệt. Các triệu chứng tiêu hóa hầu hết đều được cải thiện sau khi điều trị.

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đường tiêu hóa tại thời điểm ấu trùng di chuyển đến ruột non

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đường tiêu hóa tại thời điểm ấu trùng di chuyển đến ruột non

Suy dinh dưỡng mãn tính

Ảnh hưởng chính của nhiễm giun móc là tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực bệnh lưu hành, nơi trẻ em và phụ nữ mang thai có thể bị hạn chế về dinh dưỡng. Ngoài ra, mẹ bị nhiễm giun móc có liên quan đến việc sinh con nhẹ cân.

Giun móc gây mất máu trong quá trình bám vào niêm mạc ruột bằng cách làm rách các mao mạch và hút máu đã thoát mạch. Chúng còn sản xuất ra các chất chống đông máu để việc hút máu được thuận lợi. Mỗi cá thể giun N. americanus và A. duodenale tiêu thụ lần lượt khoảng 0,3 mL và 0,5 mL máu mỗi ngày. Sự thất thoát máu, sắt và albumin có thể dẫn đến thiếu máu và góp phần làm suy giảm dinh dưỡng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.


Các biến chứng Bệnh giun móc

- Dị ứng, phản vệ với ấu trùng giun móc

- Ấu trùng lạc chỗ gây bệnh ở các cơ quan trong cơ thể như khớp, da, cơ, não,…

- Mất máu cấp do giun hút máu và tiết ra chất chống đông máu

- Viêm loét tá tràng, ruột non do nhiều giun móc bám vào thành ruột

- Biến chứng lâu dài gây suy dĩnh dưỡng, trẻ chậm phát triển trí tuệa


Đường lây truyền Bệnh giun móc

Ba điều kiện quan trọng để giun móc lây truyền: Đất bị nhiễm phân người, điều kiện đất thuận lợi cho sự tồn tại của ấu trùng (độ ẩm, độ ấm, bóng râm) và sự tiếp xúc của da người với đất bị ô nhiễm. Những người đi chân trần hoặc đi giày dép hở trên đất bị ô nhiễm phân có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhóm nguy cơ bao gồm cư dân của các khu vực lưu hành, khách du lịch và quân bộ binh.

Vòng đời của giun móc bắt đầu bằng việc giun trưởng thành đẻ trứng và thải ra phân. Trứng giun móc nở ra trong đất để giải phóng ấu trùng trưởng thành và gây bệnh. Ấu trùng gây bệnh bằng cách xâm nhập qua da người, chỉ cần ba ấu trùng là đủ để gây bệnh. Từ da, ấu trùng di chuyển vào mạch máu và được đưa đến phổi. Khoảng 8 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh, ấu trùng xâm nhập vào phế nang phổi, đi lên cây phế quản đến hầu, và bị nuốt chửng. Ngoài sự xâm nhập của ấu trùng qua da (phương thức lây truyền chính), nhiễm trùng A. duodenale cũng có thể lây truyền qua đường miệng.

Vòng đời của giun móc

Vòng đời của giun móc

Trong ruột non, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và bám vào thành ruột dẫn đến mất máu. Ấu trùng A. duodenale có thể tồn tại trong các mô trước khi quay trở lại ruột. Sau khi được thụ tinh bởi giun đực trưởng thành, những con cái trưởng thành đẻ trứng trong ruột. Trứng có thể phát hiện được trong phân khoảng 6 đến 8 tuần sau khi nhiễm N. americanus . Hầu hết giun trưởng thành được đào thải sau một đến hai năm, mặc dù nhiễm trùng có thể tồn tại trong nhiều năm.


Đối tượng nguy cơ Bệnh giun móc

Dựa vào đặc điểm và chu kỳ sống của giun móc, những đối tượng sau đây dễ có nguy cơ nhiễm bệnh:

- Nông dân canh tác nông nghiệp

- Công nhân hầm mỏ

- Người làm việc về địa chất

- Khách du lịch đến các vùng lưu hành bệnh

- Quân đội thuộc bộ binh

- Trẻ em


Phòng ngừa Bệnh giun móc

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:Uống nước sạch đã được đun sôi, làm sạch và nấu chín thức ăn đúng cách, rửa tay và đi giày, không đi chân trần.

Tẩy giun thường xuyên cho các nhóm có nguy cơ, bao gồm trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, tăng trưởng kém.

Vắc xin phòng bệnh vẫn đang được nghiên cứu và có nhiều hứa hẹn trong tương lai

Các biện pháp phòng ngừa giun móc?

 


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh giun móc

Chẩn đoán lâm sàng

Các dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của nhiễm giun móc bao gồm các biểu hiện lâm sàng như mô tả ở trên, cùng với tiền sử da tiếp xúc với đất có khả năng bị ô nhiễm và /hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu không rõ nguyên nhân. Chẩn đoán có thể được xác định bằng cách xét nghiệm phân. Các xét nghiệm sinh học phân tử có thể chẩn đoán phân biệt với các loài giun khác. Xét nghiệm huyết thanh

học thường không đủ độ tin cậy để chẩn đoán. Trong một số trường hợp, giun móc có thể được phát hiện qua nội soi, phát hiện giun bám vào niêm mạc dạ dày và ruột non

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu

Tăng bạch cầu ái toan: Tăng bạch cầu ái toan không giải thích được có thể là dấu hiệu chính cho sự hiện diện của nhiễm ký sinh trùng. Tăng bạch cầu ái toan là do giun trưởng thành bám dai dẳng vào niêm mạc ruột. Mức độ tăng bạch cầu ái toan khi nhiễm giun móc thường nhẹ và thay đổi trong quá trình bệnh. Trong số những người tình nguyện bị nhiễm bệnh thực nghiệm, bạch cầu ái toan trong máu tăng dần sau hai đến ba tuần và đạt đỉnh điểm vào năm đến chín tuần. Số lượng bạch cầu ái toan cao nhất dao động từ 1350 đến 3828 tế bào/ microL.

Xét nghiệm phân

Kiểm tra phân tìm trứng của N. americanus , A. duodenale, hoặc A. ceylanicum rất hữu ích để phát hiện nhiễm giun móc. Sự bài tiết trứng qua phân có thể phát hiện được khoảng tám tuần sau khi N. americanus xâm nhập qua da và lên đến 38 tuần với A. duodenale. Xét nghiệm phân không có giá trị trước khi bệnh xảy ra ở đường ruột, kể cả trong giai đoạn đầu của bệnh liên quan đến da, phổi hoặc ruột.

Phương pháp xét nghiệm phân hay được sử dụng là kỹ thuật Kato Katz. Các kỹ thuật khác cũng có thể được sử dụng bao gồm kỹ thuật tuyển nổi natri nitrat đơn giản (SNF), FLOTAC và mini-FLOTAC. Các phương pháp xét nghiệm phân bằng kính hiển vi để phát hiện nhiễm giun móc rất đa dạng, nhưng tương đối kém nhạy cảm, đặc biệt là với các trường hợp nhiễm số lượng độ thấp, vì vậy cần phải kiểm tra hàng loạt.

Phương pháp xét nghiệm phân hay được sử dụng là kỹ thuật Kato Katz.

Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR)

Xét nghiệm PCR đa hợp có thể đồng thời phát hiện giun móc, Ascaris lumbricoides và Trichuris trichiura đã được phát triển. PCR có độ nhạy cao hơn so với kính hiển vi. Xét nghiệm PCR trên phân người có thể phát hiện được cả A. ceylanicum.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt giun móc với các bệnh khác phụ thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng:

- Giai đoạn xâm nhập qua da: Biểu hiện trên da của nhiễm giun móc có thể giống như di trú của ấu trùng qua da (nhiễm giun móc chó hoặc mèo, Ancylostoma braziliense hoặc Ancylostoma caninum ). Giun móc gây ra các tổn thương da khu trú tại vị trí xâm nhập qua da của ấu trùng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự di cư của ấu trùng giun móc tạo ra một đường di cư ngoằn ngoèo.

- Giai đoạn qua phổi: Các biểu hiện ở phổi do nhiễm giun móc có thể giống với nhiễm trùng phổi do A. lumbricoides hoặc Strongyloides . Trong một số trường hợp, xét nghiệm đờm hoặc soi phân có thể giúp phân biệt chẩn đoán

- Giai đoạn các triệu chứng tiêu hóa cấp tính: Các triệu chứng tiêu hóa do nhiễm giun móc không đặc hiệu nên có thể khó phân biệt với các nguyên nhân khác gây đau bụng và đầy hơi. Các bệnh gây ra các triệu chứng tương tự bao gồm bệnh giardia, giun lươn và Dientamoeba fragilis.

- Giai đoạn suy giảm dinh dưỡng mãn tính: Các loài A. lumbricoides và T. trichiura truyền qua đất cũng có thể gây chậm phát triển và suy dinh dưỡng. Nói chung, thiếu máu do thiếu sắt có liên quan chặt chẽ nhất đến nhiễm giun móc. Có thể phân biệt giun sán truyền qua đất dựa trên soi phân dưới kính hiển vi

- Dấu hiệu tăng bạch cầu ái toan: Cần phân biệt các nguyên nhân do ký sinh trùng và không do ký sinh trùng khác gây tăng bạch cầu ái toan.


Các biện pháp điều trị Bệnh giun móc

Thuốc điều trị đặc hiệu:

- Albendazole (400 mg một liều duy nhất khi đói) (ưu tiên) hoặc

- Mebendazole (100 mg x 2 lần mỗi ngày x 3 ngày có hiệu quả hơn uống liều 500 mg duy nhất) hoặc

- Pyrantel pamoate (11 mg / kg/ ngày x 3 ngày, không quá 1 g/ ngày)

- Các thuốc khác: Tribendimidine, một chất tẩy giun sán phổ rộng, cũng có hiệu quả chống lại giun móc. Ivermectin có hiệu quả kém đối với giun móc.

Thuốc điều trị đặc hiệu giun móc

Điều trị hỗ trợ

Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vi chất đặc biệt là sắt.

Điều trị giun móc ở những bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng kém có tác dụng có lợi đối với sự tăng trưởng, khả năng hoạt động và nhận thức. Ngay cả ở những người không bị suy dinh dưỡng, liệu pháp tẩy giun sán có thể cải thiện nồng độ huyết sắc tố. Chỉ việc bổ sung sắt cũng có thể giúp khôi phục mức huyết sắc tố bình thường ở những người bị nhiễm giun móc, nhưng có thể xảy ra tình trạng thiếu máu tái phát trừ khi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tẩy giun.


Tài liệu tham khảo:

  • Peter F Weller, MD et al, “Hookworm infection”, Jul 29, 2021, Uptodate.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.