Từ điển bệnh lý

Bệnh Legionnaire : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh Legionnaire

Vi khuẩn Legionnaire chính là tác nhân gây nên căn bệnh truyền nhiễm Legionnaire, chúng thường sinh sôi trong các nguồn nước bị ô nhiễm. Hình thái của vi khuẩn:

- Đây là vi khuẩn Gram âm, vi khuẩn có hình dáng như dạng sợi hoặc dạng trực khuẩn.

- Chúng có khả năng di chuyển, không có vỏ, không sinh nha bào, ở 1 đầu có một sợi lông.

- Kích thước vi khuẩn: 0,3 - 0,9 µm x 2 - 20 µm.

Vi khuẩn Legionnaire

Vi khuẩn Legionnaire

Bệnh Legionnaire có khả năng gây sốt Pontiac có biểu hiện giống như khi bị cúm và có thể tự khỏi. Ngoài ra Legionnaire còn tiến triển thành viêm phổi nặng - loại viêm phổi do nguyên nhân nhiễm trùng, nếu không được điều trị tỷ lệ tử vong có thể từ 5 - 30%. Bên cạnh đó, nguy cơ tử vong ở người bệnh còn tùy thuộc vào thể trạng và mức độ nặng của bệnh. Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và không được điều trị thì tỷ lệ tử vong còn cao hơn nhiều (> 40%). Trên thực tế mặc dù kháng sinh được sử dụng để điều trị khỏi bệnh Legionnaire, nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh nhân sau khi kết thúc điều trị vẫn còn phải trải qua những triệu chứng dai dẳng.

Bệnh Legionnaire được tìm thấy rải rác ở khắp các nơi trên thế giới và chưa thống kê được tỷ lệ mắc bệnh cụ thể ở từng quốc gia. Tuy nhiên trong lịch sử cũng đã ghi nhận các đợt bùng phát của bệnh Legionnaire, điển hình phải kể đến đó là dịch viêm phổi xảy ra tại Mỹ năm 1976 gây ra bởi vi khuẩn Legionnaire. Trong đó, đối tượng nam giới từ 50 tuổi trở lên là nhóm bệnh nhân chiếm tỷ lệ mắc Legionnaire cao.


Nguyên nhân Bệnh Legionnaire

Như ở trên đã đề cập, vi khuẩn Legionnaire ưa sinh sống ở những vùng đất, nước ngọt và đặc biệt là nước nhiễm bẩn trên khắp thế giới như các khu vực suối, ao, sông, hồ,... Mức nhiệt mà vi khuẩn có thể phát triển là từ 20 - 50 độ C, và 35 độ C là mức nhiệt hoàn hảo nhất đối với chúng. Với nhiệt độ này thì vi khuẩn Legionnaire hoàn toàn sống được trong môi trường hệ thống nước nhân tạo, đặc biệt là khi không thường xuyên bảo dưỡng, duy trì tốt các hệ thống nước, ví dụ như hệ thống nước nóng trong các bồn tắm, hệ thống tháp làm lạnh và điều hoà không khí trong ngành công nghiệp.

Vi khuẩn Legionnaire ưa sinh sống ở những nước nhiễm bẩn trên khắp thế giới

Vi khuẩn Legionnaire ưa sinh sống ở những nước nhiễm bẩn trên khắp thế giới

Nhờ vào việc ký sinh trong cơ thể hay trong các màng sinh học ở các động vật nguyên sinh, vi khuẩn có thể sống, tồn tại và phát triển được được. Cơ chế này xảy ra tương tự khi vi khuẩn thực hiện quá trình xâm nhập và lây nhiễm vào các tế bào của cơ thể con người. Không phải 100% các ca nhiễm vi khuẩn Legionnaire đều tiến triển thành bệnh Legionnaire mà phần lớn các trường hợp nhiễm trùng lại không gây bệnh. Nhìn chung, khả năng mắc bệnh còn tùy thuộc vào các yếu tố như chủng vi khuẩn mắc phải, nồng độ vi khuẩn có trong nguồn nước, tình trạng miễn dịch của cơ thể người bệnh.


Triệu chứng Bệnh Legionnaire

Phụ thuộc vào từng thể bệnh mà bệnh nhân mắc phải, biểu hiện lâm sàng của bệnh Legionnaire cũng có sự khác nhau.

Một trong những thể nhẹ điển hình của bệnh Legionnaire là sốt Pontiac, không kèm theo viêm phổi. Trên lâm sàng, các triệu chứng của sốt Pontiac thường rất giống với bệnh cảm cúm cấp tính với các biểu hiện như: mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ toàn thân,... Thông thường sau khoảng vài ngày là bệnh có thể tự khỏi và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong khi bị sốt Pontiac.

Một trong những thể nhẹ điển hình của bệnh Legionnaire là sốt Pontiac

Một trong những thể nhẹ điển hình của bệnh Legionnaire là sốt Pontiac

Xét về thể nặng khi mắc Legionnaire đó là khi bệnh tiến triển thành viêm phổi. Thời gian ủ bệnh không cố định, có khi kéo dài đến tận 10 ngày.

Các triệu chứng trong giai đoạn sớm thường bao gồm:

- Sốt.

- Mệt mỏi, đau cơ bắp.

- Nhức đầu.

- Chán ăn.

- Rối loạn tiêu hóa.

Ở giai đoạn sau, bệnh nhân thường bị:

- Ho, hơn 50% ho kèm đờm, có khi ho ra máu.

- Đau ngực.

- Hụt hơi.

- Các biểu hiện bất thường về tiêu hoá: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.

- Thậm chí là các thay đổi về tâm thần, hay bị lẫn lộn.

Mặc dù phổi là cơ quan chủ yếu bị ảnh hưởng bởi bệnh Legionnaire, nhưng đôi khi vi khuẩn Legionnaire còn gây nên tình trạng nhiễm trùng ở các vết thương và ở các bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả tim.


Các biến chứng Bệnh Legionnaire

Khi mắc Legionnaire thể nặng, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị sớm tại viện, nếu không thì có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó có di chứng về não. Khi ở thể nặng bệnh có xu hướng diễn tiến nhanh và dễ dẫn tới nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân bị viêm hô hấp cấp tính tiến triển từ viêm phổi, có khả năng kèm theo hiện tượng sốc đồng thời suy đa tạng.

Đối tượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn cả là người cao tuổi, những người sức đề kháng yếu, suy giảm hệ thống miễn dịch. Trong các ca bệnh tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng từ 5 - 15%.

Đối tượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn cả là người cao tuổi

Đối tượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn cả là người cao tuổi


Đường lây truyền Bệnh Legionnaire

Có một điều may mắn là bệnh Legionnaire không lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc với nhau, mà bệnh lây truyền thông qua các ổ chứa vi khuẩn trong môi trường bên ngoài. Chúng ta có thể hít phải vi khuẩn Legionnaire chứa trong những hạt nước lơ lửng trong không khí từ hệ thống điều hoà không khí, bình xịt nước bị ô nhiễm, các loại máy làm ẩm, hoặc từ hệ thống ống nước có cấu trúc phức tạp được bố trí ở các tòa nhà cao tầng.


Đối tượng nguy cơ Bệnh Legionnaire

Bên cạnh độc lực và nồng độ vi khuẩn thì khả năng bệnh nhân mắc bệnh Legionnaire còn phụ thuộc vào chính đặc điểm của bản thân người bệnh. Những đối tượng có các đặc điểm sau thường có nguy cơ cao nhiễm Legionnaire, đó là:

- Nam giới trên 50 tuổi.

- Người nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc.

- Lạm dụng rượu bia, đồ uống có cồn.

- Những người mắc phải bệnh lý ác tính.

- Bệnh nhân bị đái tháo đường, suy thận mạn tính.

- Đã từng mắc các bệnh lý liên quan tới phổi và đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản.

Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản có nguy cơ nhiễm bệnh Legionnaire

Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản có nguy cơ nhiễm bệnh Legionnaire

- Những người có hệ miễn dịch suy giảm như bị HIV/AIDS hoặc ghép tạng.

- Người đã và đang sử dụng corticoid trong thời gian dài.


Phòng ngừa Bệnh Legionnaire

Để phòng tránh khả năng mắc bệnh Legionnaire, đầu tiên chúng ta cần phải quan tâm đến vệ sinh các hệ thống nước như máy điều hoà, thiết bị làm mát không khí, máy làm ẩm, hồ bơi, hệ thống ống nước. Biện pháp cụ thể như sau:

- Bảo trì, làm sạch và khử trùng kết hợp sử dụng các chất diệt khuẩn trong những thiết bị, hệ thống làm mát một cách định kỳ và thường xuyên.

- Đối với các hệ thống nước lạnh, nước nóng cần lưu ý tới nhiệt độ của nước: duy trì nước lạnh thấp hơn 20 độ C, nước nóng trên 60 độ và kết hợp với các chất khử trùng.

Những cách này đem lại hiệu quả cao do giải quyết được nguồn gốc gây bệnh, chủ động phòng ngừa sự lây nhiễm Legionnaire cho nhiều người cùng lúc. Ngoài ra, bản thân chúng ta cũng cần áp dụng những biện pháp giúp nâng cao thể lực, củng cố sức đề kháng và bảo vệ lá phổi của mình trước sự tấn công của vi khuẩn bên ngoài môi trường bằng cách:

- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

- Có lối sống lành mạnh: chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc mỗi ngày.

- Không hút thuốc và chủ động tránh xa khói thuốc.

- Duy trì thói quen bổ sung nước đầy đủ (từ 6 - 8 ly nước/ngày).

- Tích cực điều trị các bệnh lý khác theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Thực hiện tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm.

- Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt và tuyệt đối không được tự ý điều trị. Đồng thời nếu mắc bệnh thì tái khám theo lịch hẹn để theo dõi chặt chẽ diễn tiến của bệnh.

- Rửa tay sạch sẽ hàng ngày để vi khuẩn không có cơ hội lây lan và gây bệnh. Có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng lại và rửa tay ngay sau đó.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh Legionnaire

Các biểu hiện lâm sàng ở người mắc bệnh Legionnaire khá mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó ngoài việc dựa trên các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng có tác dụng hỗ trợ xác định, chẩn đoán tác nhân gây bệnh một cách chính xác hơn. Các xét nghiệm dưới đây có thể được áp dụng trong công tác chẩn đoán bệnh Legionnaire:

- Sinh thiết mô phổi.

- Xét nghiệm đờm: soi tươi hoặc nuôi cấy vi khuẩn.

- Xét nghiệm nước tiểu: mục đích tìm kháng thể kháng Legionnaire.

Nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh Legionnaire, người bệnh có thể phải thực hiện thêm các chỉ định khác bao gồm:

- Chụp X-quang phổi: để kiểm tra mức độ viêm nhiễm tại phổi.

Chụp X-quang phổi để kiểm tra mức độ viêm nhiễm tại phổi

Chụp X-quang phổi để kiểm tra mức độ viêm nhiễm tại phổi

- Xét nghiệm công thức máu.

- Chụp CT lồng ngực.

- Chọc dò tuỷ sống hoặc chụp CT sọ não: phát hiện các biến chứng về thần kinh nếu nghi ngờ bệnh dựa trên các biểu hiện lâm sàng.

- Phương pháp khí máu động mạch: đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu.

- Sinh thiết mở phổi: thực hiện trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng và không thể áp dụng các biện pháp chẩn đoán khác.

- Nội soi phế quản: hiếm khi sử dụng.

Nếu chậm trễ trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh thì sẽ dẫn tới hệ quả là tiên lượng bệnh xấu. Do đó nếu bệnh nhân gặp các biểu hiện lâm sàng nghi ngờ mắc Legionnaire cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.


Các biện pháp điều trị Bệnh Legionnaire

Thường thì nếu bị sốt Pontiac, bệnh nhân có thể không cần nhập viện để điều trị do bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên khi không chắc chắn về thể bệnh mìnhđang mắc phải, người bệnh vẫn nên cẩn thận đi khám tại viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Phương pháp điều trị chủ yếu đối với những người mắc Legionnaire là dùng thuốc kháng sinh. Phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân mà có mức độ đáp ứng khác nhau. Để người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn thì cần thời gian điều trị trong khoảng vài tuần, thậm chí là vài tháng. Càng sớm phát hiện và điều trị bệnh thì càng có cơ hội giảm thiểu nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ