Từ điển bệnh lý

Bệnh lý tuyến bartholin : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh lý tuyến bartholin

Tuyến Bartholin phát hiện vào năm 1677 bởi nhà giải phẫu học người Hà Lan tên là Caspar Secundus Bartholin. Sau khi nghiên cứu về các tuyến trong vùng âm hộ - âm đạo của động vật thì nhà khoa học này đã nghiên cứu ra chúng.

Về giải phẫu và sinh lý của tuyến Bartholin: có 2 tuyến bartholin ở vị trí 4h và 8h vùng tiền đình của âm hộ, gần với màng trinh. Đây là tuyến tiết chất nhầy. 

- Tuyến bartholin có dạng hình cầu với đường kính khoảng 1cm (tương đối giống với hạt đậu), bên trong được lót bởi lớp tế bào trụ tiết nhầy. Với chức năng bài tiết chất nhầy ở vùng tiền đình thông qua một ống tuyến dài 2,5 cm, với bề mặt ống tuyến là các tế bào chuyển tiếp. Với vị trí ở nếp gấp giữa màng trinh và môi nhỏ của âm hộ là lỗ của ống tuyến và được lót bởi biểu mô lát.

- Thông thường, tuyến Bartholin bắt đầu hoạt động trên cơ thể khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì. Thông qua sự bài tiết chất nhầy của tuyến này sẽ có chức năng bôi trơn trong giao hợp và giúp giữ ẩm bề mặt âm hộ, bảo vệ “cô bé”.

Bên cạnh đó, nang và áp xe tuyến Bartholin là một trong số những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo đó, hàng năm số lượng người mắc bệnh hoặc bị nang tuyến Bartholin chiếm tới 2% số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện và phòng khám sản phụ khoa. Mặc dù, việc điều trị bệnh lý này đơn giản, thường được điều trị ngoại trú nhưng vấn đề tồn tại được quan tâm đó là sự tái phát, chẩn đoán và phân biệt nang tuyến với abscess và những tổn thương ác tính. Chính bởi thế, việc tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề liên quan tới tuyến Bartholin sẽ được cung cấp trong phần thông tin bên dưới đây.

Định nghĩa

Nang tuyến Bartholin được hình thành là do sự tắc nghẽn ống tuyến trong khi tuyến vẫn tiếp tục tiết ra chất nhầy, dẫn tới việc hình thành một nang có thành mỏng. Nguyên nhân gây nên sự tắc nghẽn ở ống tuyến có thể là do nhiễm trùng từ (vi khuẩn lậu cầu, chlamydia,...) phù nề gây nên chèn ép ống tuyến hoặc cũng có thể không do nguyên nhân nhiễm trùng như (tắc miệng ống tuyến) gây ra.

Ở người bình thường không sờ nắn thấy được tuyến Bartholin vì nang tuyến có kích thước rất nhỏ khoảng 1cm  như hạt đậu. Nhưng khi nang tuyến phình to, kích thước thay đổi từ vài cm đường kính đến chiếm toàn bộ môi lớn, do vậy có thể sờ nắn được.

Hình ảnh mô tả bệnh lý tuyến Bartholin

Hình ảnh mô tả bệnh lý tuyến Bartholi


Nguyên nhân Bệnh lý tuyến bartholin

1. Nang tuyến Bartholin

Gây nên nang tuyến Bartholin thường do lậu cầu, Chlamydia, hoặc các vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu,… từ viêm âm hộ nhiễm khuẩn lan đến tuyến Bartholin làm các ống tiết bị tắc, tuyến biến thành nang.

2. Áp xe nang tuyến Bartholin

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng áp xe nang tuyến Bartholin chủ yếu do vi khuẩn lậu và Chlamydia. Tuy nhiên, hiện nay khoa học đã có nghiên cứu với những bằng chứng vi sinh học và kết luận rằng tác nhân gây áp xe nang tuyến Bartholin có thể do đến 67 loại vi khuẩn gây ra như: Staphylococcus aureus, Streptococcus faecalis, Clostridium perfringens,…


Triệu chứng Bệnh lý tuyến bartholin

1. Nang tuyến Bartholin

Nang tuyến Bartholin thường không có biểu hiện triệu chứng gì, trừ khi nang tăng kích thước hoặc bị nhiễm trùng sẽ có biểu hiện các triệu chứng như:

- Đau vùng âm hộ.

- Đau khi giao hợp.

- Cảm giác căng đầy ở vùng âm hộ.

- Gây khó chịu trong mọi tư thế:ngồi, đứng, đi lại.

- Khi nang tuyến bị nhiễm trùng có thể nhìn thấy nang sưng to, tấy đỏ, sờ có cảm giác nóng, chạm vào đau.

Khi có các triệu chứng bất thường này, người bệnh nên chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra sức khỏe cũng như sức khỏe sinh sản, đảm bảo có một cơ thể luôn khỏe mạnh nhất.

2. Áp xe nang tuyến Bartholin

- Bệnh nhân có sưng, nóng, đỏ, đau vùng nang tuyến bị nhiễm trùng.

- Đau tăng khi vận động, đi lại.

- Cảm giác tức vướng, khó chịu trong sinh hoạt.

- Kèm theo: ra nhiều khí hư bất thường, ra nhiều khí hư, đặc trắng hay xanh đục. Kèm theo tình trạng đái buốt, đái rắt.

- Toàn thân có sốt, thường là sốt nhẹ.

Đau nhức, vướng tức là khó chịu trong sinh hoạt ở chị em phụ nữ

Đau nhức, vướng tức là khó chịu trong sinh hoạt ở chị em phụ nữ


Các biến chứng Bệnh lý tuyến bartholin

1. Nang tuyến Bartholin

Việc cần thiết phải chẩn đoán phân biệt nang tuyến Bartholin với các bệnh lý vùng âm hộ - âm đạo khác cũng có biểu hiện giống với nang tuyến Bartholin để có biện pháp điều trị phù hợp, cụ thể như sau:

- Hiện tượng tụ máu vùng âm hộ: đặc điểm của hiện tượng này thường xảy ra sau khi bị chấn thương thông thường trong những tư thế như ngã dạng chân, tai nạn sau khi chơi thể thao hoặc bị cưỡng hiếp,...

- Xuất hiện u xơ vùng âm hộ - âm đạo và hiện tượng này thường gặp nhất là ở vùng âm hộ. Những khối u xơ này thường không có dấu hiệu, triệu chứng với đặc điểm thường là u lành tính. Nhưng trong một vài trường hợp cũng có thể thoái hóa nhầy và chuyển biến thành khối u ác tính.

- U mỡ có thể xuất hiện ở trên môi lớn và phần âm vật, đặc điểm của loại u này là u đặc, lành tính, có kích thường nhỏ xíu từ vài mm hoặc có thể lớn hơn tới vài cm.

- U tuyến mồ hôi, loại u này có thể phát triển trên cơ quan sinh dục ở cả môi nhỏ và môi lớn (thường gặp hơn). Là u lành tính hiếm gặp, u có kích thước nhỏ (2mm - 3cm) và lớn chậm. Trong trường hợp u có biểu hiện triệu chứng cần phải sinh thiết và phẫu thuật lấy u.

- Ngoài u ra thì nang có chứa biểu bì ở vùng âm hộ cũng là một trong số các biểu hiện thường gặp, chúng có cơ chế tương tự như nang ở các vùng khác của cơ thể. Bên cạnh đó, loại nang này thường không có bất cứ triệu chứng nào, chúng lành tính và có khả năng di động tốt.

- Nang nhầy tiền đình ở môi lớn, ở tiền đình và xung quanh âm vật, những tổn thương này thường nằm nông bên dưới da, nhỏ hơn khoảng 2cm với một bề mặt trơn láng và thường không gây nên bất kỳ triệu chứng nào cho cơ quan sinh dục cũng như cơ thể.

- Nang ống Nuck phát triển trong cơ quan sinh dục của phụ nữ ở môi lớn và phần đồi vệ nữ, loại nang này có thể biểu hiện giống với hiện tượng thoát vị bẹn, do đó việc thăm khám trực tiếp đặc biệt quan trọng.

- Nang tuyến Skenne, loại nang này nằm ngay bên cạnh lỗ tiểu, chúng lành tính và không có triệu chứng. Nhưng tới khi chúng đã phát triển thành u kích thước lớn hơn thì có thể gây rối loạn tiểu tiện.

- Bên cạnh đó, các loại tổn thương khác của vùng âm hộ có thể liệt kê như u ống tuyến mồ hôi, lạc nội mạc tử cung, u nguyên bào cơ, u cơ trơn, u mạch sừng hóa,... thường hiếm gặp nhưng không có nghĩa là không có người mắc phải.

2. Ung thư tuyến Bartholin

Ung thư nguyên phát của tuyến Bartholin có thể nói là một trong những bệnh lý phụ khoa hiếm gặp ở nữ giới, căn bệnh này chỉ chiếm khoảng 1% ung thư đường sinh dục ở nữ giới và chiếm khoảng 2 - 7% ung thư ở vùng âm hộ. 

Dù tỉ lệ % là rất ít nhưng chị em phụ nữ cũng không nên chủ quan bởi loại ung thư này có triệu chứng điển hình giống với abscess tuyến, đó là: có các khối u ở âm hộ, âm hộ có hoặc không có vết loét, luôn xuất hiện hiện tượng đau khi giao hợp,...

Do ung thư tuyến Bartholin thuộc một trong số những loại bệnh hiếm gặp nên các đặc điểm dịch tễ học của các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này vẫn chưa được các nhà khoa học cho biết rõ. Tuy nhiên, thông thường một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến, đó là:

- Phụ nữ trung tuổi hoặc cao tuổi, cụ thể phụ nữ ở độ tuổi trên 50 tuổi mà có nang tuyến Bartholin thì sẽ có khả năng bị ung thư cao hơn những phụ nữ trẻ tuổi hay nói cách khác là dưới ngưỡng tuổi 50 này.

- Trong cơ thể người phụ nữ đó có mắc ung thư gây nên khối u ung thư của những vùng mô lân cận hoặc từ những nơi khác di căn tới,...


Phòng ngừa Bệnh lý tuyến bartholin

Phòng ngừa nang tuyến Bartholin là một trong những việc làm đặc biệt quan trọng để chăm sóc sức khỏe cũng như sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Bởi hiện nay có khoảng 20% trường hợp những người có nang tuyến và áp xe Bartholin bị tái phát, chính bởi thế việc tìm hiểu các biện pháp dự phòng là đặc biệt quan trọng. Cụ thể:

- Thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách thông qua sử dụng nước ấm để rửa sạch sẽ vùng kín, sau đó lau bằng khăn mềm ít nhất 1 - 2 lần/ngày. Đặc biệt hơn nữa ở trong những ngày hành kinh, cần thực hiện thay băng vệ sinh 3 - 4 giờ/lần, hãy ghi nhớ điều này vì nếu để lâu hơn sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi làm cho vùng kín có mùi và gây nên nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó việc lựa chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, phù hợp, có thành phần thiên nhiên để đảm bảo an toàn, tránh các nguy cơ gây kích ứng da cũng là điều quan trọng để phòng ngừa căn bệnh này. Cần tránh sử dụng các dụng cụ thụt rửa âm đạo, nước hoa âm đạo và xà phòng để vệ sinh ở bên trong âm đạo. Theo bác sĩ chuyên khoa, những sản phẩm này theo quảng cáo tưởng chừng sẽ giúp âm đạo sạch sẽ hơn, thơm tho hơn nhưng về bản chất thì ngược lại bởi chúng có chứa các chất hóa học độc hại làm mất cân bằng nồng độ pH của âm đạo, từ đó dễ gây viêm nhiễm.

- Nên lựa chọn đồ lót phù hợp với cơ thể, có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, tránh mặc những đồ lót được làm từ chất liệu như lụa, ren, da, polyester,... trong một thời gian dài.

- Cần thực hiện quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn và sử dụng các biện pháp tránh an toàn khi quan hệ để tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu chẳng may bị mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục cần tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị triệt để.

- Quan sát các dấu hiệu bất thường ở vùng kín như: khí hư, các triệu chứng gây khó chịu,… Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng kín cần đi khám sớm và được điều trị sớm.

- Cần có một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, nên uống đủ nước cho ocw thể mỗi ngày (từ 1.5 - 2 lít nước).

- Thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần. 

Cần được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời

Cần được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời


Các biện pháp điều trị Bệnh lý tuyến bartholin

1. Nang tuyến Bartholin

Có 2 phương pháp hỗ trợ điều trị nang tuyến Bartholin, đó là:

- Thực hiện rạch bóc nang tuyến, sau đó thực hiện khâu viền túi làm thông tuyến - kỹ thuật này được gọi là khâu thông túi bằng chỉ tự tiêu, hỗ trợ tái tạo nang tuyến hiệu quả.

- Bóc tách toàn bộ nang tuyến được khâu các mũi rời nhau bằng chỉ tự tiêu. Đây được gọi là biện pháp cắt bỏ đi hoàn toàn nang tuyến. Khi thực hiện xong cần được kết hợp với kháng sinh và thuốc giảm đau, kháng viêm. Những mẫu mô sau khi được bóc tách ra trong quá trình thực hiện cần được gửi đi làm giải phẫu bệnh để xác định được bản chất của nang tuyến.

2. Áp xe nang tuyến Bartholin

- Điều trị nội khoa tích cực trong 2 - 4 ngày : Kháng sinh toàn thân tùy theo tác nhân gây nhiễm trùng, kết hợp với giảm đau, chống viêm.

- Sau 24 - 48 giờ: bác sĩ sẽ tiến hành rạch khối áp xe của tuyến Bartholin để đặt penrose dẫn lưu. Tùy vào từng tình trạng bệnh nhân có thể cắt bỏ hoàn toàn tuyến Bartholin. Sau khi thực hiện thủ thuật, tiếp tục cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh bằng đường uống trong vòng 5 - 7 ngày.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ