Từ điển bệnh lý

Bệnh nấm da : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh nấm da

Bệnh nấm da là một trong những bệnh nhiễm trùng da hay gặp, vi nấm gây nhiễm trùng ở mô keratin hóa như da, lông, tóc, móng,… Căn nguyên gây bệnh do các vi nấm ưa keratin gây ra, gây bệnh trên cả con người và động vật, tuy nhiên rất hiếm khi gây nhiễm bệnh tại các tạng. Các vị trí nhiễm trùng hay gặp là các vùng da kín, nhiều mồ hôi như nách, bẹn, thắt lưng, kẽ chân, tóc, móng,… Mặc dù ít khi gây nguy hiểm tính mạng người bệnh, tuy nhiên nhiễm nấm da thường gây bệnh trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh nấm da  ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh

Bệnh nấm da  ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh


Nguyên nhân Bệnh nấm da

Nguyên nhân gây bệnh gồm khoảng trên 30 loài nấm, chủ yếu thuộc các chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, phân bố rộng rãi trên thế giới. Nhiệt độ thích hợp cho vi nấm phát triển khoảng 25 - 30oC, các điều kiện thuận lợi khác như nhiệt độ cao, pH từ 6,9 – 7,2. Trên cơ thể người, vi nấm hay gặp tại những vùng da ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi, pH thuận lợi như bẹn, kẽ chân, thắt lưng, nách, trẻ nhỏ hay bị nấm tóc, … Trên hình ảnh vi thể thấy các sợi nấm có vách ngăn, không màu, hình thức sinh sản chủ yếu bằng các bào tử, một số loài có thể sinh sản hữu tính,…

Có khoảng hơn 30 loài nấm gây bệnh nấm da chủ yếu thuộc các chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum

Có khoảng hơn 30 loài nấm gây bệnh nấm da chủ yếu thuộc các chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum


Triệu chứng Bệnh nấm da

Một số thể lâm sàng của bệnh nấm da hay gặp:

Nấm da đầu

Vi nấm chủ yếu gây bệnh ở tóc, ngoài ra da dầu cũng có thể bị bệnh. Có các dạng hình thái lâm sàng có thể gặp như nấm đầu mảng xám (vi nấm xâm nhập vào các nang tóc, phá vỡ sợi tóc, sinh sản nhiều bào tử bao lấy sợi tóc, hậu quả tóc xám đục, gãy, hình thành các mảng tròn và lan rộng dần,..); nấm đầu chấm đen (vi nấm cũng xâm nhập và làm sợi tóc bị yếu đi, đứt gãy ngay chân tóc, da đầu bị viêm nhiều chấm đen); nấm đầu lõm chén (vi nấm gây nhiễm trùng mạn tính vùng da đầu, tổn thương có hình lõm chén, tính chất bờ hơi gồ cao, không đều, chân tóc có thể có mủ, không bị đứt gãy nhưng kém bóng và có mùi hôi), nấm đầu mưng mủ ( vi nấm gây bệnh thường là T.mentagrophytes, M.canis; các nang tóc bị viêm mủ quanh chân tóc, hậu quả bị trụi tóc,…).

Nấm kẽ chân, kẽ tay

Nấm kẽ chân tay

Nấm kẽ chân tay

Hay gặp ở kẽ chân, thường liên quan đến việc đi giày và ra mồ hôi nhiều, lội nước nhiều, lội bùn nhiều,… Vị trí tổn thương hay gặp kẽ ngón 3-4, da vùng kẽ chân tay bị bợt trắng, ngứa, đôi khi xuất hiện mụn nước ở rìa ngón, da thương tổn bị trợt, loét, tạo vảy tiết, vùng tổn thương lan dần, bàn chân có thể sưng nề. Cơ thể có thể nổi hạch phản ứng lân cận.

Nấm da tay chân

Người bệnh thường có biểu hiện tăng sừng ở lòng bàn tay, chân

Nấm móng

Vi nấm gây bệnh hay gặp là Trichophyton và Epidermophyton, có thể gặp tổn thương một móng hoặc nhiều móng. Ban đầu thương tổn thường từ bờ tự do của móng, sau đó dày lên, vàng đục, móng bị biến dạng, có thể thấy các mảnh vụn cạo ra hơi vàng, theo tiến triển tổn thương lan dần, móng tách khỏi nền móng. Do hoạt động của người bệnh, tổn thương có thể lan từ móng này sang móng khác, dai dẳng nhiều ngày tháng và hay bị tái phát.

Hắc lào

Thường gặp nhiều vùng đùi, bẹn, thắt lưng, cổ,… Ban đầu tổn thương có hình ranh giới rõ, bờ viền, hơi đỏ, xuất hiện mụn nước nhỏ li ti xung quanh bờ viền, theo tiến triển thời gian lan rộng thành đám, kích thước có thể từ 1 cm đến mảng rộng.

Bệnh hắc lào

Bệnh hắc lào


Các biến chứng Bệnh nấm da

Bệnh nấm da thường ít khi gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tạng khác trong cơ thể, ít khi nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Một số các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ; 
  • Tổn thương, chảy máu và tạo điều kiện thuận lợi bội nhiễm da;
  • Gây khó chịu cho người bệnh như ngứa, đau,..;
  • Tái phát…

Nấm da gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh

Nấm da gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh


Đường lây truyền Bệnh nấm da

Vi nấm có thể lây truyền và gây bệnh theo nhiều cách. Con người có thể bị bệnh khi nhiễm các bào tử nấm trong không khí và môi trường khác như môi trường đất, nước,… , hoặc khi tiếp xúc với người bệnh, dùng chung đồ dùng, ….

Tiếp xúc hoặc dùng chung đồ với những người bị nấm da có thể bị nhiễm nấm

Tiếp xúc hoặc dùng chung đồ với những người bị nấm da có thể bị nhiễm nấm


Đối tượng nguy cơ Bệnh nấm da

Như trên đã trình bày, vi nấm gây bệnh phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia, khu vực có điều kiện khí hậu nóng ẩm. Với điều kiện độ ẩm cao và pH thích hợp, vi nấm dễ phát triển gây bệnh. Các vị trí trên da hay bị bệnh như vùng da ẩm ướt, nhiều mồ hôi, vùng da kín như nách, bẹn, kẽ chân, thắt lưng,… Ở trẻ nhỏ hay gặp nấm tóc. Các điều kiện thuận lợi khác như sống cùng gia đình, dùng chung đồ dùng với người bệnh, vệ sinh cá nhân và môi trường sống kém, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng các thuốc corticoid, kháng sinh dài ngày, ….

Ở trẻ nhỏ hay gặp nấm tóc

Ở trẻ nhỏ hay gặp nấm tóc


Phòng ngừa Bệnh nấm da

Cần áp dụng các biện pháp bảo vệ da, hạn chế làm da bị thương tổn, có vết xước; thường xuyên vệ sinh da, tránh ra nhiều mồ hôi, tắm giặt thường xuyên, giữ khô và sạch sẽ các vùng da kín và nhiều nếp gấp; vệ sinh da đầu, tóc thường xuyên, tránh bụi bẩn, tránh ẩm ướt, sử dụng dầu gội thích hợp,..; vệ sinh móng tay, móng chân, cắt tỉa gọn gàng; lựa chọn quần áo và giày dép phù hợp;…

Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh ở những nơi chật hẹp, ẩm ướt; không dùng chung đồ dùng và vật dụng cá nhân; người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách, xử lý chất thải đúng quy định, các đồ dùng vật dụng của người bệnh cần vệ sinh đúng, …

Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để phòng ngừa bệnh nấm da

Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để phòng ngừa bệnh nấm da


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh nấm da

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện thương tổn trên lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên. Yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với người bệnh bị nấm da, nấm móng, các yếu tố thuận lợi khác,… Tổn thương trên lâm sàng đã mô tả trên. Các biện pháp, xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên bệnh nấm da có thể sử dụng như:

- Soi đèn Wood: Biện pháp đơn giản, hướng dẫn người bệnh vào buồng tối, chiếu đen Wood với tia cực tím, cách da đầu khoảng 15 – 30 cm, có thể thấy hình ảnh sợi tóc màu xanh trắng đục nếu bị nhiễm vi nấm T.schoenleinii, hoặc màu xanh vàng sáng nếu bị nhiễm vi nấm M.audouinii, M.canis, M.ferrugineum,…

- Cạo tổn thương da, tóc, móng,… nhuộm soi: Thường sử dụng kali hydroxit (KOH) với nồng độ từ 10 – 20%. Ưu điểm kết quả thường nhanh chóng, chi phí thấp và có thể áp dụng tại nhiều cơ sở y tế, trên hình ảnh nhuộm soi thấy các sợi nấm phân đoạn, cần chú ý phân biệt với nấm Candida. Nhược điểm yêu cầu lấy bệnh phẩm đúng cách, kinh nghiệm và kỹ thuật nhuộm soi của kỹ thuật viên cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Với các tổn thương nấm da, nên lấy bệnh phẩm tại vị trí viền thương tổn của các mảng bám, với tổn thương nấm da có mụn nước, mụn mủ, nên lấy bệnh phẩm ở vùng mái của các mụn nước,…

- Nuôi cấy và phân lập vi nấm: Môi trường thường được sử dụng là môi trường Sabouraud ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên thời gian trả kết quả thường lâu, có thể kéo dài từ 1 - 3 tuần.

Nuôi cấy và phân lập vi nấm

Nuôi cấy và phân lập vi nấm

- Phản ứng PCR: Kỹ thuật hiện đại, đắt tiền, không sẵn có tại nhiều cơ sở y tế, mục đích giúp phát hiện DNA của vi nấm gây bệnh, thời gian trả kết quả thường sau 1 - 2 ngày. Đây là kỹ thuật mới, hứa hẹn nhiều ưu điểm trong tương lai, đặc biệt với bệnh nấm móng.

- Mô bệnh học: Thường được chỉ định trong một số trường hợp khó chẩn đoán, hoặc trong 1 số trường hợp nấm móng. Bệnh phẩm thường được nhuộm PAS, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.   

- Một số các thử nghiệm khác như nuôi cấy vi nấm trên môi trường Dermatophute (DTM) hoặc sử dụng kính hiển vi huỳnh quang đã chứng minh hiệu quả trong một số nghiên cứu.

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh nấm da với một số thương tổn tại da, tóc, móng,… như viêm da, móng do vi khuẩn;  các bệnh lý gây rụng tóc khác như một số bệnh tự miễn, …; viêm nang lông lan tỏa; loạn dưỡng móng; …


Các biện pháp điều trị Bệnh nấm da

- Nguyên tắc điều trị: Sử dụng thuốc kháng nấm liên tục và đủ liều lượng, đủ thời gian, đa số là sử dụng thuốc điều trị nấm tại chỗ, trường hợp nhiễm trùng lan rộng, khó điều trị tại chỗ có thể chỉ định thuốc kháng nấm đường uống; kết hợp các yếu tố vệ sinh và chăm sóc tại chỗ; tuân thủ điều trị và áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế lây bệnh cho người khác;…

- Một số nhóm thuốc có thể chỉ định như:

  • Thuốc mỡ: Benzosali, thuốc kháng nấm tại chỗ như miconazole, clotrimazole, ketoconazole,…;

Thuốc trị nấm da

Thuốc trị nấm da

  • Thuốc uống: Griseofulvin, terbinafine ( là thuốc được đánh giá tốt trong điều trị nấm da, đặc biệt là nấm móng), nhóm Azole như, Itraconazole, Fluconazole … ;
  • Thuốc nước như ASA, BSI,…
  • Cần chú ý tác dụng phụ của các thuốc kháng nấm trên các cơ quan khác khi sử dụng trong thời gian dài.

- Thời gian điều trị phụ thuộc vào tổn thương và cá thể người bệnh, có thể kéo dài từ 7 ngày đến 12 tuần.

- Phác đồ với nấm da đầu: có thể chỉ định terbinafine 250 mg/ngày với thời gian điều trị khoảng 4 tuần, itraconazole 100mg/ngày với thời gian điều trị khoảng 4 tuần, griseofulvin 500mg/ngày trong khoảng 6 - 8 tuần, kết hợp với điều trị tại chỗ.       

- Phác đồ điều trị với nấm da: Trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ, tổn thương da rộng và nhiều hơn có thể chỉ định thuốc bôi tại chỗ kết hợp thuốc chống nấm đường uống như Itraconazole 200 mg/ ngày trong 1 - 2 tuần, Terbinafine 250 mg/ ngày trong 2 - 4 tuần, griseofulvin 500mg/ngày trong khoảng 4 - 6 tuần.

- Điều trị nấm móng:

  • Chỉ định thuốc chống nấm tại chỗ và đường uống, phối hợp với một số biện pháp điều trị khác như điều trị bằng laser, phẫu thuật,… 
  • Chỉ định terbinafine 250 mg/ ngày trong 6 tuần với nấm móng tay và 12 tuần với nấm móng chân, kết hợp với điều trị tại chỗ như Efinaconazole, Tavaborole, Ciclopriox,... Itraconazole là lựa chọn thay thế cho Terbinafine với liều dùng 100 mg x 2 lần/ ngày trong  6 tuần với nấm móng tay, trong 12 tuần với nấm móng chân hoặc chỉ định liều ngắt quãng 200 mg x 2 lần/ ngày x 1 tuần/ tháng trong 2 tháng với nấm móng tay, trong 3 tháng với nấm móng chân.
  • Một số thuốc kháng nấm thay thế khác như Fluconazole, Griseofulvin, Posaconazole,...  có hiệu quả trong một số nghiên cứu. Ketoconazole không được khuyến cáo trong điều trị nấm móng do nhiều tác dụng phụ và tương tác thuốc.
  • Phẫu thuật cắt bỏ móng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa.

- Cần tư vấn người bệnh tuân thủ điều trị và áp dụng các biện pháp phòng bệnh để tránh tái phát sau điều trị. Các liệu pháp kháng nấm dự phòng tái phát còn tranh cãi.


Tài liệu tham khảo: 

1. Elewski BE, Hughey LC, Sobera JO. Fungal diseases. In: Dermatology, 3rd ed, Bolognia JL, Jorizzo JL, Schaffer JV (Eds), Elsevier Limited, 2012. Vol 2, p.1251.

2. Van Zuuren EJ, Fedorowicz Z, El-Gohary M. Evidence-based topical treatments for tinea cruris and tinea corporis: a summary of a Cochrane systematic review. Br J Dermatol. 2015 Mar;172(3):616-41. Epub 2015 Feb 9. 

3. Carla Andréa Avelar Pires, Natasha Ferreira Santos da Cruz. Clinical, epidemiological, and therapeutic profile of dermatophytosis. An. bras. dermatol. 89 (2), 2014

4. Solomon M, Greenbaum H . Toe Web Infection: Epidemiology and Risk Factors in a Large Cohort Study. Dermatology. 2020

5. Hawkins DM, Smidt AC . Superficial fungal infections in children. Pediatr Clin North Am. 2014 Apr;61(2):443-55. 2014


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ