Từ điển bệnh lý

Bệnh Pinta : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh Pinta

Bệnh pinta do xoắn khuẩn Treponema carateum gây bệnh. Cùng với bệnh giang mai không lây qua đường tình dục (do Treponema endemicum gây bệnh) và bệnh ghẻ cóc (do Treponema pertenue gây bệnh), bệnh pinta thuộc nhóm bệnh xoắn khuẩn lưu hành trong cộng đồng. Các vi khuẩn này có đặc điểm hình thái và phản ứng huyết thanh không thể phân biệt được với xoắn khuẩn Treponema pallidum là căn nguyên gây bệnh giang mai. Tuy nhiên; khác với bệnh giang mai không lây qua đường tình dục và bệnh ghẻ cóc gây tổn thương da và xương, bệnh pinta chỉ gây tổn thương da. Số liệu liên quan đến dịch tễ bệnh pinta còn hạn chế; tuy nhiên, bệnh đã có xu hướng giảm đáng kể. Hiện nay, bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng hẻo lánh của Mexico, vùng trung tâm và Nam Mỹ (khu vực Amazon như Brazil, Colombia, Venezuela, Peru). Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh pinta ở độ tuổi trưởng thành (từ 15 đến 50 tuổi, trung bình từ 30 đến 34 tuổi). Triệu chứng lâm sàng của bệnh pinta gồm tổn thương ban đầu là các sẩn ngứa, đỏ, có vảy hoặc các mảng có kích thước trên 10 cm nhưng không loét. Sau đó, các tổn thương này sẽ sừng hóa và lan rộng từ chi, mặt, cổ đến khắp cơ thể. Nếu không được điều trị, tổn thương pinta thường tồn tại kéo dài.

Bệnh pinta do xoắn khuẩn Treponema carateum gây bệnh

Bệnh pinta do xoắn khuẩn Treponema carateum gây bệnh


Nguyên nhân Bệnh Pinta

Căn nguyên gây bệnh pinta do xoắn khuẩn Treponema carcateum gây bệnh. Cùng với bệnh giang mai không lây qua đường tình dục (do Treponema endemicum gây bệnh) và bệnh ghẻ cóc (do Treponema pertenue gây bệnh), bệnh pinta thuộc nhóm bệnh xoắn khuẩn lưu hành trong cộng đồng. Các vi khuẩn này có đặc điểm hình thái và phản ứng huyết thanh không thể phân biệt được với xoắn khuẩn Treponema pallidum là căn nguyên gây bệnh giang mai. Nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử cho thấy không có nhiều khác biệt về hình thái giữa Treponema carcateum với các xoắn khuẩn khác thuộc nhóm Treponema. Xoắn khuẩn có chiều dài từ 10 đến 15 microns và đường kính 0.2 microns; do đó, chỉ quan sát được các xoắn khuẩn dưới kính hiển vi nền đen. Treponema carcateum dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, điều kiện môi trường khô và tiếp xúc với không khí. Vi khuẩn nhân lên chậm và không thể tồn tại ngoài cơ thể vật chủ. Xoắn khuẩn không nuôi cấy được, kháng sinh đồ chỉ được thực hiện qua các phương pháp xét nghiệm gián tiếp hay PCR phát hiện đột biến kháng kháng sinh.

Bệnh nhân sau khi tiếp xúc với tổn thương, xoắn khuẩn sẽ xâm nhập qua da và lớp tế bào biểu mô, gắn với bề mặt phủ fibronectin trên chất nền ngoại bào của tế bào chủ. Tổn thương xuất hiện khi có từ 107 vi khuẩn/ mg mô. Sau khi xâm nhập, vi khuẩn xuất hiện ở hạch lympho sau vài phút và phân tán rộng trong vòng vài giờ, di chuyển tới các vùng da và niêm mạc ở xa, tăng nguy cơ các lần lây truyền tiếp theo. Xoắn khuẩn là các căn nguyên ngoại bào, có thể di chuyển tốt trong môi trường dạng gel như mô liên kết. Đây là đặc điểm đóng vai trò quan trọng trong sự lây truyền của xoắn khuẩn và hình thành các tổn thương mạn tính.

Ở bệnh nhân pinta, không có tổn thương loét nào tương tự như bệnh ghẻ cóc. Giai đoạn sớm của tổn thương, xuất hiện tình trạng mất sắc tố ở tế bào đáy và thoái hóa lỏng. Có thể quan sát sự xâm nhập nông, quanh mạch máu của tế bào lympho và tương bào ở lớp hạ bì. Giai đoạn muộn, có thể thấy teo biểu bì và thực bào chứa melanin xuất hiện ở lớp hạ bì. Ở các tổn thương giảm sắc tố điển hình, thường không có sự xuất hiện của xoắn khuẩn và tế bào viêm.


Triệu chứng Bệnh Pinta

Tương tự các bệnh do xoắn khuẩn lưu hành trong cộng đồng; thời gian ủ bệnh của bệnh pinta từ 9 đến 90 ngày (trung bình là 21 ngày) và trải qua nhiều giai đoạn: thời kỳ tiên phát, thời kỳ thứ phát và thời ky muộn.

Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh pinta ở giai đoạn trưởng thành với các sẩn hoặc các mảng ngứa hoặc xuất hiện cả hai ở chi dưới. Tổn thương của bệnh pinta chỉ giới hạn ở các tổn thương da và có biểu hiện nhẹ nhất trong các bệnh do xoắn khuẩn gây nên.

Tổn thương tiên phát là nốt sẩn với đặc điểm ngứa, đỏ, có vảy hoặc mảng có kích thước có thể hơn 10cm nhưng không có loét. Các tổn thương này thường xuất hiện ở chi dưới, vùng da bộc lộ ra ngoài và chứa nhiều xoắn khuẩn. Các tổn thương xung quanh và sưng hạch lân cận cũng là triệu chứng thường gặp

Tổn thương tiên phát là nốt sẩn với đặc điểm ngứa, đỏ, có vảy hoặc mảng

Tổn thương tiên phát là nốt sẩn với đặc điểm ngứa, đỏ, có vảy hoặc mảng

Giai đoạn tổn thương thứ phát tiến triển sau vài tháng và xuất hiện ở các vùng da khác với đặc điểm các vết thương dày và phẳng hơn (được gọi là pintids), tương tự với tổn thương ban đầu và ngứa. Tiếp đó, xuất hiện sự thay đổi màu sắc đa dạng từ đỏ sang màu đồng, xám và xanh đen. Tổn thương thứ phát vẫn hoạt động và có thể lây nhiễm hàng năm, dẫn đến sự lan rộng của các mảng mất sắc tố tương tự bạch biến.

Tổn thương giai đoạn muộn được đặc trưng bởi nhiều mức độ như giảm sắc tố, mất săc tố, bạch biến; có thể lan rộng toàn cơ thể.


Các biến chứng Bệnh Pinta

Tổn thương của bệnh pinta chỉ giới hạn ở các tổn thương da và có biểu hiện nhẹ nhất trong các bệnh do xoắn khuẩn gây nên. Khác với bệnh giang mai không lây qua đường tình dục hay bệnh ghẻ cóc, bệnh pinta không ảnh hưởng đến xương. Tổn thương giai đoạn muộn được đặc trưng bởi nhiều mức độ như giảm sắc tố, mất săc tố, bạch biến; các tổn thương này có thể tồn tại kéo dài nếu không được điều trị sớm.


Đường lây truyền Bệnh Pinta

Bệnh pinta lây qua tiếp xúc trực tiếp da với da. Vi khuẩn ở dịch tiết tổn thương của bệnh nhân mắc bệnh pinta có thể gây tổn thương da ở những người chưa mắc bệnh trước đó. Sự lây truyền thường xảy ra trong gia đình; khi không có lây truyền giữa những người trưởng thành trong gia đình, tỷ lệ mắc giữa các trẻ em cũng rất thấp. Do đó; ngoài điều trị bệnh nhân pinta, cần điều trị những người tiếp xúc cùng khu vực sống.


Đối tượng nguy cơ Bệnh Pinta

Tương tự các xoắn khuẩn lưu hành trong cộng đồng thường, bệnh pinta phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, chủ yếu ở các vùng hẻo lánh của Mexico, vùng Nam Mỹ (khu vực Amazon như Brazil, Colombia, Venezuela, Peru). Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh pinta ở độ tuổi trưởng thành (từ 15 đến 50 tuổi; trung bình từ 30 đến 34 tuổi)

Vùng hẻo lánh của Mexico, vùng Nam Mỹ

Vùng hẻo lánh của Mexico, vùng Nam Mỹ


Phòng ngừa Bệnh Pinta

Bệnh nhân mắc bệnh pinta cần được chẩn đoán sớm và điều trị kip thời đế tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Ngoài ra, các đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh pinta (thành viên trong gia đình, bạn cùng lớp,…) nên được điều trị theo kinh nghiệm để hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Do bệnh tập trung ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém; do đó, việc đảm bảo điều kiện vệ sinh, nâng cao kiến thức của người dân về biểu hiện và phòng tránh bệnh là vô cùng quan trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng trong cộng đồng như:

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi tiếp xúc với tổn thương của người mắc bệnh).

Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng

Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng

  • Rửa sạch vật dụng, sàn nhà
  • Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn
  • Bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với người khác khi đang mắc bệnh.
  • Cải thiện điều kiện sống, điều kiện nơi ở; đặc biệt là ở những nơi đông dân cư.
  • Trang bị kiến thức cho người dân về bệnh pinta. Từ đó, giúp mọi người phát hiện sớm về biểu hiện lâm sàng, đường lây truyền và phòng bệnh pinta; giúp bệnh nhân pinta chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Các biện pháp chẩn đoán Bệnh Pinta

Để chẩn đoán bệnh pinta, cần phối hợp vào triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ và các xét nghiệm chẩn đoán (huyết thanh, PCR,…).

Triệu chứng lâm sàng của bệnh pinta gồm tổn thương ban đầu là các sẩn ngứa, đỏ, có vảy hoặc các mảng có kích thước trên 10 cm nhưng không loét

Yếu tố dịch tễ của bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm và Nam Mỹ

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh pinta gồm: xét nghiệm huyết thanh hoặc quan sát trực tiếp vi khuẩn trên mẫu bệnh phẩm.

  • Xét nghiệm huyết thanh: tương tự xét nghiệm chẩn đoán giang mai; do đó, xét nghiệm này không thể chẩn đoán phân biệt bệnh pinta và giang mai.

Xét nghiệm huyết thanh

Xét nghiệm huyết thanh

  • Xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu: kháng thể không đặc hiệu dương tính ở bệnh nhân không điều trị và có thể sử dụng để theo dõi điều trị. Xét nghiệm có thể dương tính giả trong trường hợp nhiễm sốt rét, bệnh phong hay bệnh lý khớp. Xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu dương tính trong 2 đến 4 tuần kể từ lúc xuất hiện tổn thương đầu tiên.
  • Xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu: các kháng thể này có độ đặc hiệu cao hơn các xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu; tuy nhiên, xét nghiệm này không phân biệt được tình trạng nhiễm xoắn khuẩn đã điều trị với tình trạng mắc mới chưa điều trị. Xét nghiệm có thể dương tính ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị khỏi.
  • PCR: Xét nghiệm PCR phát hiện pinta chưa được phát triển.

Ngoài ra, cần chẩn đoán bệnh pinta với các bệnh lý khác như

  • Tổn thương giai đoạn tiên phát và thứ phát cần chẩn đoán phân biệt vơi eczema, lichen phẳng, giang mai, bệnh phong thể củ, vảy nến, viêm da do thiếu hụt vitamin, lupus ban đỏ, ghẻ cóc
  • Tổn thương giai đoạn mất sắc tố cần chẩn đoán phân biệt với vảy phấn trắng, bạch tạng, nám da, bệnh phong, lang ben,…

Các biện pháp điều trị Bệnh Pinta

Với bệnh nhân pinta, phác đồ điều trị được ưu tiên là penicillin G benzathine tiêm (trẻ dưới 10 tuổi: liều duy nhất 1.2 triệu đơn vị; bệnh nhân từ 10 tuổi trở lên: liều duy nhất 2.4 triệu đơn vị). Tương tự như bệnh ghẻ cóc hay giang mai không lây qua đường tình dục, azithromycin có thể được lựa chọn thay thế trong điều trị bệnh pinta. Ngoài ra, nhưng người tiếp xúc với bệnh nhân mắc pinta nên được điều trị theo kinh nghiệm bằng penicillin G benzathine để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổn thương da trong bệnh pinta thường lành trong vòng 6 đến 12 tháng sau điều trị. Điều trị kháng sinh ở giai đoạn sớm giúp da được phục hồi; ngược lại, điều trị kháng sinh khi nhiễm trùng tiến triển không thể thay đổi lại được màu sắc da.

Bệnh nhân với tổn thương pinta nhưng không cải thiện sau 4 tuần điều trị kháng sinh nên được điều trị như bệnh nhân ghẻ cóc thất bại điều trị.

Bệnh nhân mắc pinta cần được theo dõi xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu sau 6 và 12 tháng sau điều trị. Bệnh nhân có kết quả hiệu giá kháng thể không phù hợp có thể điều trị lại bằng penicillin G benzathine.


Tài liệu tham khảo

Oriol Mitjà, David Mabey. Yaws, bejel and pinta, Uptodate, 2019.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ