Từ điển bệnh lý

Bệnh sán dây lợn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Bệnh sán dây lợn

Bệnh sán dây lợn và bệnh ấu trùng sán dây lợn xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng Việt Nam, ghi nhận số ca nhiễm sán dây lợn ở người tại nhiều địa phương trên toàn quốc với các tên khác nhau như: sán dải, sán dải heo, bệnh lợn gạo.

Trong năm 2024, tại các cơ sở y tế của MEDLATEC có khoảng 900 ca bệnh được chẩn đoán mắc bệnh do giun sán liên quan đến sán dây lợn, sán lá gan, giun đũa chó mèo hoặc nhiễm ấu trùng của các loại giun sán kể trên.

Khái niệm

  • Bệnh sán dây lợn/ấu trùng sán dây lợn (tên khoa học là cysticercosis) lây truyền từ động vật sang người. Người bị nhiễm bệnh do ăn phải thực phẩm, nước uống hoặc thịt lợn bị nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng sán dây lợn. Khi vào cơ thể người, ấu trùng sẽ ký sinh gây tổn thương các cơ quan khác nhau như cơ, mắt, não…
  • Chẩn đoán bệnh do giun sán gây nên cần dựa vào yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Bệnh sán dây lợn hoặc ấu trùng sán dây lợn cần được phát hiện kịp thời, điều trị đúng, tránh lây nhiễm rộng trong cộng đồng.

Dịch tễ

  • Ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém hoặc người thường xuyên tiếp xúc với lợn, với thực phẩm không đảm bảo vệ sinh đều có khả năng mắc bệnh. Sau khi nhiễm bệnh, cơ thể có sản xuất ra kháng thể kháng sán dây lợn nhưng không bền vững, nên có thể tái nhiễm sau đó.
  • Sán dây lợn trưởng thành sống ký sinh ở ruột non, ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở các mô cơ, mắt, não của người, lợn hoặc ở một số gia súc khác (trâu, bò, ngựa…).
  • Thời gian ủ bệnh khoảng 8-10 tuần. Bệnh lây truyền khi trứng sán, đốt sán thoát ra ngoài môi trường, ký sinh lên vật chủ khác.
  • Trứng sán, đốt sán có khả năng tồn tại ngoài môi trường (nguồn nước, thức ăn) trước khi vào cơ thể người, lợn. Ấu trùng sán trong thịt lợn sống sẽ bị tiêu diệt khi đun sôi kỹ trong vòng 3 đến 5 phút.

 Vòng đời, đường lây nhiễm của ấu trùng sán dây lợn

 Vòng đời, đường lây nhiễm của ấu trùng sán dây lợn



Nguyên nhân Bệnh sán dây lợn

Tùy thuộc vào tác nhân xâm nhập qua đường tiêu hóa là trứng sán hay nang ấu trùng sán (có trong nguồn thức ăn, nước uống) thì người bệnh bị mắc thể bệnh ấu trùng sán dây lợn hoặc bệnh sán dây lợn trưởng thành.
Bệnh ấu trùng sán dây lợn

Người bệnh hoặc lợn ăn phải thức ăn, nước uống có chứa trứng sán dây lợn. Trứng sán khi vào dạ dày sẽ bị men tiêu hoá và dịch dạ dày trong ruột phân hủy vỏ ngoài, ấu trùng sán sau khi thoát khỏi vỏ trứng sẽ chui qua thành ruột vào máu, di chuyển tới kí sinh tại các bộ phận trong cơ thể (cơ, não, mắt, tim...) và tiếp tục tạo nang ở đó.

Trường hợp này người hoặc lợn sẽ bị bệnh ấu trùng sán dây lợn.


Bệnh sán dây lợn

Người bệnh ăn phải thịt lợn có chứa nang sán dây lợn (lợn bị bệnh ấu trùng sán dây lợn), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ phá vỡ nang thoát ra ngoài, di chuyển và ký sinh tại ruột non. Tại ruột non người, sán mới nở có đầu và một đoạn cổ, đầu sán có các móc bám chặt vào thành ruột non, cổ sán sẽ nảy mầm, mọc thành các thân đốt sán. Đốt sán mới mọc nối nhau từ phía đốt cổ, đốt sán trưởng thành nối liền nhau, thân sán có thể dài từ 2 đến 7 mét, có thể dài đến 20 mét.

Trường hợp có sán dây lợn ký sinh trong cơ thể, người bệnh sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh sán dây lợn.

Các đốt sán già sẽ tự rụng (đoạn cuối cùng của sán) theo phân ra ngoài cơ thể, tiếp tục vòng đời của ấu trùng sán (ảnh 1).

Cấu tạo của sán dây lợn

Cấu tạo của sán dây lợn



Triệu chứng Bệnh sán dây lợn

Đối với thể bệnh sán dây lợn, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó chịu) hoặc có thể nhìn thấy những đốt sán nhỏ, dẹt, màu trắng ngà tự rụng theo phân ra ngoài. 

Đối với thể bệnh nhiễm ấu trùng sán dây lợn, tùy vào vị trí ký sinh và số lượng nang sán tại các cơ quan khác nhau trong cơ thể mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau:

Ấu trùng sán dây lợn ở cơ là thể bệnh thường gặp song triệu chứng thường không rõ ràng nên khó phát hiện.

  • Nhiều nang ấu trùng sán dây lợn ký sinh ở mô cơ có thể gây co giật cơ. Các nang sán khi chết đi sẽ bị thoái hóa hoặc vôi hóa, chụp X-quang có thể phát hiện được các nang đã bị vôi hóa.
  • Nang ấu trùng sán ký sinh ở cơ tim: có thể có triệu chứng rối loạn nhịp tim.
  • Nang ấu trùng sán dây lợn nằm ở vị trí cơ vân (thường gặp ở tay và ngực) là các hạt, nốt đặc có hình tròn, kích thước bằng hạt đỗ (đường kính 1 - 2 cm), di động, không ngứa, không gây đau (hình 2). Nang sán tồn tại lâu trong cơ có thể tự thoái hóa hoặc bị vôi hóa.

Ấu trùng sán dây lợn ở não có một số triệu chứng như: 

  • Động kinh: là triệu chứng thường gặp nhất.
  • Đau đầu, buồn nôn, nôn
  • Não úng thủy (nang sán ký sinh ở não làm tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy).
  • Rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, rối loạn cảm giác, nhìn mờ.
  • Bệnh nhân có thể bị rối loạn vận động, liệt... Trường hợp nhiều nang sán ký sinh tại não có thể đột quỵ hoặc hôn mê dẫn đến tử vong.

Ấu trùng sán dây lợn ở tủy sống thường ít gặp hơn các thể bệnh trên, triệu chứng không đặc hiệu có thể gặp: tê bì chân, tay, đau lưng, yếu cơ, rối loạn đại tiểu tiện hoặc nặng nhất là bị liệt.

Tùy theo vị trí, số lượng nang sán ký sinh trong não, tủy sống mà có các triệu chứng không đặc hiệu khác nhau trên từng người bệnh, một số trường hợp nghiêm trọng có khả năng tử vong. 

Người bệnh có thể được phát hiện qua hình ảnh chụp Cắt lớp vi tính hoặc Cộng hưởng từ não, tủy sống, đầu.

Ấu trùng sán dây lợn ở mắt: là thể bệnh hiếm gặp, chiếm khoảng 3% tổng số các trường hợp ấu trùng sán dây lợn.

  • Nang sán dây lợn xâm nhập vào mắt thông qua mạch võng mạc, ký sinh bất cứ đâu trong ổ mắt.
  • Các biểu hiện thường gặp: đau mắt, cộm mắt, giảm thị lực…



Đối tượng nguy cơ Bệnh sán dây lợn

Những người có nguy cơ nhiễm sán dây lợn hoặc ấu trùng sán dây lợn như:

  • Sống ở nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém làm tăng khả năng nhiễm các bệnh giun sán như: sử dụng hố xí không đảm bảo vệ sinh (các vùng nông thôn), sử dụng phân lợn tươi để bón cây không xử lý đúng quy trình hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn
  • Người thường xuyên tiếp xúc với lợn (chăn nuôi lợn, giết mổ thịt lợn…)
  • Người tiếp xúc nhiều với nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (ăn thịt lợn tái, nem chua, gỏi thịt lợn bị nhiễm sán/ấu trùng, uống nước sông, ao có chứa ấu trùng sán lợn…)



Phòng ngừa Bệnh sán dây lợn

Một số biện pháp giúp hạn chế nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn, bệnh sán dây lợn như:

  • Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn để chủ động phòng chống (tác hại, đường lây truyền, biện pháp dự phòng bệnh).
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn.
  • Ăn chín, uống chín. Các đồ ăn sống (rau sống, gỏi, nem chua) phải được chế biến đảm bảo quy trình.
  • Sử dụng nguồn nước uống sạch (tránh nước ao, hồ tù đọng, nước giếng gần chuồng nuôi gia súc, gia cầm), nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng.
    Trong chăn nuôi và trồng trọt, cần lưu ý xử lý nguồn phân tươi hợp lý, đảm bảo vệ sinh.
  • Tẩy giun, sán định kỳ 6-12 tháng/lần. 
  • Những người có yếu tố nguy cơ dễ nhiễm bệnh sán dây lợn hoặc ấu trùng sán dây lợn, khi có triệu chứng nghi ngờ, cần thăm khám để được phát hiện, chẩn đoán, điều trị đúng.

 Các biện pháp phòng ngừa bệnh sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh sán dây lợn

Sau khi thăm khám, khai thác dịch tễ, tiền sử, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp các phương tiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng để kiểm tra như:

  • Xét nghiệm

Xét nghiệm phân: soi phân tìm trứng sán dây, đốt sán dây, các loại ký sinh trùng khác.

Xét nghiệm máu (các xét nghiệm nhóm miễn dịch): tìm kháng thể kháng ấu trùng sán dây lợn trong huyết thanh.

Sinh thiết nang sán: tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định là tìm thấy ấu trùng sán lợn trong tế bào của cơ thể, tuy nhiên thủ thuật sinh thiết đúng vị trí có nang sán khá khó để thực hiện.

  • Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: phát hiện hình ảnh nang ấu trùng sán dây lợn tại các cơ quan như hệ thần kinh, não, tủy sống. Ngoài ra kết quả cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính thể hiện được vị trí chính xác, phân loại được tổn thương và giai đoạn do nang sán gây nên.
  • Siêu âm: Có thể phát hiện trường hợp nang sán ký sinh ở cơ, dưới bao cơ.
  • Chụp X-quang: có thể thấy hình ảnh nang sán đã vôi hoá ở cơ, tim, não... 
  • Soi đáy mắt: tìm các nang ấu trùng sán dây lợn (nang nước trong, hình tròn hoặc bầu dục) trường hợp nghi ngờ sán não, mắt… 
  • CHẨN ĐOÁN

Ca bệnh nghi ngờ: có yếu tố dịch tễ liên quan đến sán dây lợn (thói quen ăn rau sống, ăn thịt lợn chưa chín, nơi sinh sống cũng có người được chẩn đoán mắc bệnh sán dây lợn, công việc thường xuyên tiếp xúc với lợn) và có thêm một trong các đặc điểm sau:

  • Triệu chứng lâm sàng hướng đến bệnh ấu trùng sán dây lợn.
  • Kết quả xét nghiệm miễn dịch dương tính với kháng thể kháng ấu trùng sán dây lợn (người bệnh từng nhiễm)
  • Kết quả hình ảnh chụp X-quang có nốt vôi hóa ở dưới cơ.

Ca bệnh xác định: là ca bệnh nghi ngờ và có thêm ít nhất một trong các đặc điểm:

  • Sinh thiết nang sán cho kết quả có ấu trùng sán dây lợn trong tế bào của cơ thể.
  • Kết quả dương tính với xét nghiệm kháng nguyên ấu trùng sán dây lợn.
  • Chẩn đoán hình ảnh có kết quả hình ảnh đặc hiệu nang ấu trùng sán dây lợn.
  • Soi đáy mắt phát hiện hình ảnh nang ấu trùng sán dây lợn.

Bác sĩ cần phối hợp các phương tiện cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh sán dây lợn/ấu trùng sán dây lợn, lưu ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh có dấu hiệu tương tự như: 

  • Người bệnh có tổn thương dưới da: u mỡ và các tổ chức bã đậu.
  • Các triệu chứng bệnh tại mắt.
  • Người bệnh có tổn thương ở hệ thần kinh trung ương cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lao, ung thư, hoặc bệnh do ký sinh trùng khác gây nên như giun đũa chó mèo…



Các biện pháp điều trị Bệnh sán dây lợn

Nguyên tắc chung khi điều trị các bệnh do giun sán gây ra là kết hợp điều trị thuốc đặc hiệu và thuốc điều trị triệu chứng.

  • Thuốc tẩy giun sán và ấu trùng sán đặc hiệu giúp loại trừ các nang sán còn hoạt động, với các thuốc như Albendazol, Praziquantel với liều dùng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị triệu chứng liên quan đến các thể bệnh, với các thuốc chống viêm corticoid, thuốc chống động kinh kết hợp với các thuốc và thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ (tăng cường tuần hoàn não, hỗ trợ chức năng gan, viêm loét dạ dày, giảm đau…)
  • Trong một số trường hợp, tùy vào vị trí của nang sán, mức độ tổn thương tại vị trí nang sán ký sinh mà bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật để loại bỏ nang sán.

Để đánh giá tình trạng và hiệu quả điều trị, người bệnh cần được theo dõi kỹ và thực hiện các xét nghiệm định kỳ hàng tháng, chụp chiếu kiểm tra định kỳ 3-6 tháng.

Người bệnh được xác định khỏi bệnh khi hết các triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm miễn dịch âm tính với kháng nguyên sán dây lợn, trên các kết quả X-quang, Cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính không có hình ảnh nang ấu trùng sán dây lợn hoạt động.

Tại hệ thống Y tế MEDLATEC có đầy đủ bác sĩ, chuyên gia về lĩnh vực Truyền nhiễm và hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ thăm khám và chẩn đoán xác định các bệnh liên quan đến sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn. 

Qúy khách hàng có thể liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch thăm khám khi cần



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ