Từ điển bệnh lý

Bệnh sốt hồi quy : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh sốt hồi quy

Bệnh sốt hồi quy do xoắn khuẩn thuộc nhóm Borrelia gây bệnh; bệnh được đặc trưng bởi các đợt sốt tái diễn liên quan đến sự xuất hiện của xoắn khuẩn trong máu. Bệnh sốt hồi quy thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm do tiết túc (chủ yếu do ve và chấy rận) gây bệnh. Trong đó, sốt hồi quy do ve đốt lây truyền từ động vật sang người, với căn nguyên gây bệnh chủ yếu là B.hermsiiB.turicatae. Trong khi đó, bệnh sốt hồi quy do chấy rận đốt lây truyền từ người sang người, do B.recurrentis gây bệnh và có thể gây ra đại dịch. Bệnh sốt hồi quy thường xuất hiện ở các cá bệnh riêng lẻ hoặc gây ra các vụ dịch nhỏ, khu trú ở một khu vực. Đặc biệt, những khách du lịch hoặc những người nhập cư đến tử châu Phi có thể xuất hiện triệu chứng sau khi từ vùng dịch về.


Nguyên nhân Bệnh sốt hồi quy

Căn nguyên gây bệnh sốt hồi quy do xoắn khuẩn Borrelia gây bệnh. Xoắn khuẩn Borrelia gồm 2 nhóm chính: Một nhóm gồm các căn nguyên gây bệnh Lyme – Nhóm còn lại thuộc các xoắn khuẩn lây truyền qua ve, rận; gây bệnh sốt hồi quy.

Hình ảnh xoắn khuẩn gây bệnh sốt hồi quy

Xoắn khuẩn có hình xoắn ốc hoặc lượn sóng, với chiều ngang khoảng 0.2 micromet và chiều dài từ 10 đến 30 micromet. Mặc dù Borrelias không có nội độc tố nhưng lại có nhiều lipoproteins có thể kích hoạt các cytokine gây viêm. Xoắn khuẩn Borrelia nhạy cảm với diều kiên môi trường khô, ưu trương hay nhược trương, dung dịch sát khuẩn hoặc nhiệt độ trên 42 độC. Khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn sẽ theo dòng máu gây tổn thương các tạng như hệ thần kinh trung ương, mắt, gan,…Hình ảnh giải phẫu bệnh thường gặp là phù nề tế bảo biểu mô, thoát vi mạch, tế bào đơn nhân xâm nhập vào mạch máu, xuất huyết và vi áp xe; tương ứng là biểu hiện viêm cơ tim, hoại tử gan, lách. Trong khi bệnh nhân xuất hiện sốt, có thể quan sát thấy xoắn khuẩn trong máu bệnh nhân; ngược lại, xen kẽ giữa các đợt sốt, số lượng xoắn khuẩn trong máu giảm đến mức không thể phát hiện qua soi dưới kính hiển vi. Mức độ nặng của mỗi đợt sốt hồi quy liên quan đến số lượng xoắn khuẩn trong dòng máu. Để tránh phản ứng miễn dịch của vật chủ mỗi lần xuất hiện, một chủng xoắn khuẩn Borrelia có thể có nhiều typ huyết thanh khác nhau


Triệu chứng Bệnh sốt hồi quy

Bệnh sốt hồi quy biểu hiện bằng sự xuất hiện đột ngột của các đợt sốt, xen kẽ là các giai đoạn hết sốt. Nhiệt độ thường trên 39 độC và có thể cao tới 43 độC. Thời gian ủ bệnh từ lúc phơi nhiễm đến khi có cơn sốt đầu tiên là 3 đến 12 ngày.

Đợt sốt đầu tiên kéo dài khoảng 15 đến 30 phút, bao gồm rét run, tăng dần thân nhiệt, mạch và huyết áp. Tiếp đó, người bệnh sẽ chảy mồ hôi, giảm thân nhiệt và hạ huyết áp sau vài giờ. Tử vong trong bệnh sốt hồi quy thường xuất hiện ở giai đoạn tăng thân nhiệt. Thời gian giữa các đợt sốt của sốt do ve đốt và do chấy rận đều từ 4 đến 14 ngày. Tuy nhiên, sốt hồi quy do ve đốt có nhiều đợt sốt, mỗi đợt kéo dài từ 1 đến 3 ngày; còn sốt hồi quy do chấy rận mỗi đợt sốt thường kéo dài liên tục từ 3 đến 6 ngày.

Bệnh sốt hồi quy biểu hiện bằng sự xuất hiện đột ngột của các đợt sốt, xen kẽ là các giai đoạn hết sốt

Các triệu chứng khác có thể xuất hiện trong bệnh sốt hồi quy bao gồm biểu hiện toàn thân (đau đầu, đau mỏi cơ, khớp, gan, lách to…), biểu hiện thần kinh (chóng mặt, mê sảng, hôn mê, mất thị lực,…), triệu chứng tim mạch – hô hấp như viêm cơ tim, suy hô hấp,…, rối loạn đông máu (xuất huyết da, niêm mạc, xuất huyết dưới nhện,…).

Ở phụ nữ có thai, biểu hiện bệnh sốt hồi quy thường kéo dài và nghiêm trọng hơn; có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu. Xoắn khuẩn có thể lây nhiễm qua rau thai, trẻ sơ sinh mắc sốt hồi quy tăng nguy cơ các biến chứng


Các biến chứng Bệnh sốt hồi quy

Các bệnh nhân sốt hồi quy có rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, viêm cơ tim, suy dinh dưỡng, suy gan, viêm phế quản phổi hoặc đồng nhiễm bệnh sốt rét, thương hàn có nguy cơ tử vong cao hơn.

Biến chứng nặng nề nhất có thể tử vong

Ở phụ nữ có thai, biểu hiện bệnh sốt hồi quy thường kéo dài và nghiêm trọng hơn; có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu. Xoắn khuẩn có thể lây nhiễm qua rau thai, trẻ sơ sinh mắc sốt hồi quy tăng nguy cơ các biến chứng.


Đường lây truyền Bệnh sốt hồi quy

Bệnh sốt hồi quy thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với ve hoặc chấy rận có mang xoắn khuẩn. Ngoài ra, có thể lây truyền từ mẹ sang con qua rau thai. Tuy nhiên, bệnh sốt hồi quy hiếm khi lây qua truyền máu hoặc khi máu người bệnh tiếp xúc với vùng da trầy xước, niêm mạc. Thời gian ủ bệnh từ thời điểm phơi nhiễm đến khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên là từ 3 đến 12 ngày. Bệnh không lây truyền qua giọt bắn, đồ vật truyền bệnh, nước tiểu, phân hay quan hệ tình dục.

Trung gian truyền bệnh sốt hồi quy do ve truyền là ve Ornithodoros. Loài ve này có thể sống từ 15 đến 20 năm và sống không cần hút máu trong vài năm. Ve Ornithodoros thường sống gần nơi sinh sống của động vật (loài gặm nhấm, lợn) và con người; chúng không xuất hiện trong rừng hay các bụi rậm. Người mắc bệnh sốt hồi quy khi bị ve đốt và qua dịch tiết của ve ở trên da. Ve thường đốt vào buổi tối; do đó, phần lớn mọi người không để ý. Biểu hiện của vết đốt có thể chỉ là nốt đỏ nhỏ hoặc nốt tím với loét eschar trung tâm xuất hiện vài ngày sau bị đốt. B.duttoni có thể có vật chủ tích trữ là con người và các động vật có xương sống khác như loài gặm nhấm, dơi, lợn,…

Trung gian truyền bệnh sốt hồi quy do chấy rận là rận người Pediculus humanus corporis; sống trong quần áo, nhưng không có ở da và tóc. Loài rận này chỉ hút máu người và có thời gian sống hàng tuần. Xoắn khuẩn sống trong khoang cơ thể của rận nhưng không xuất hiện ở nước bọt hay phân. Khi con người dùng ngón tay nghiến chấy rận, xoắn khuẩn sẽ cư trú ở vùng bị cắn, hoặc kết mạc khi dụi mắt. B.recurrentis chỉ có vật chủ tích trữ là con người.


Đối tượng nguy cơ Bệnh sốt hồi quy

Bệnh sốt hồi quy do ve truyền xảy ra ở khắp các châu lục ngoại trừ Nam Cực, Australia và khu vực tây nam Thái Bình Dương. Bệnh thường phổ biến hơn ở Nam Mỹ, châu Phi. Bệnh sốt hồi quy do chấy rận tồn tại chủ yếu ở Ethiopia và khu vực Sudan, Somalia. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh sốt hồi quy là nạn đói, chiến tranh và sự di cư của những người tị nạn; điều này làm gia tăng tình trạng đông đúc, vệ sinh kém, ít thay quần áo và không có điều kiện giặt giũ.


Phòng ngừa Bệnh sốt hồi quy

Giảm tiếp xúc: Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt hồi quy là giảm tiếp xúc với chấy rận và ve; do hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt hồi quy. Tỷ lệ mắc của bệnh sốt hồi quy do ve truyền giảm khi xây nhà bằng bê tông, nhà ở không có mái tranh hay tường bùn. Bệnh sốt hồi quy do chấy rận có thể phòng bằng cách vệ sinh cá nhân, tránh nơi đông người và nâng cao điều kiện vệ sinh.

Điều trị sau phơi nhiễm: Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm có thể dùng doxycycline cho các đôi tượng có nguy cơ cao ở các vùng dịch tễ. Ngoài ra, có thể điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ở bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh sốt hồi quy

Bệnh nhân cần nghĩ đến chẩn đoán bệnh sốt hồi quy khi có biểu hiện lâm sàng (các đợt sốt tái diễn) và yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với ve hoặc chấy rận ở khu vực dịch tễ).

Các xét nghiệm giúp chấn đoán bệnh sốt hồi quy, bao gồm:

  • Tìm xoắn khuẩn trực tiếp ở bệnh phẩm máu hoặc mô. Lam máu giọt dày và giọt mỏng được tiến hành ngay khi bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh sốt hồi quy. Thời gian lấy máu lý tưởng là giữa lúc khởi đầu cơn sốt và đỉnh cơn sốt. Xoắn khuẩn thường không thể phát hiện được khi thân nhiệt bệnh nhân giảm hoặc trở lại bình thường.
  • Xét nghiệm PCR: Nếu bệnh nhân nghi nhiễm sốt hồi quy nhưng xét nghiệm lam máu âm tính, có thể tiến hành làm PCR. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện thần kinh cần được tiến hành chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR dịch não tủy.
  • Nuôi cấy: Khi bệnh nhân nghi nhiễm sốt hồi uy nhưng cả xét nghiệm lam máu và PCR đều âm tính. Tuy nhiên, ít phòng xét nghiệm có đủ điều kiện nuôi cấy Borrelia.
  • Huyết thanh chẩn đoán: thường không sử dụng trong chẩn đoán.

Tìm xoắn khuẩn trong máu để xác định nguyên nhân gây bệnh

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh sốt hồi quy với các căn nguyên khác như sốt rét, nhiễm trùng do babesia, sốt thương hàn, nhiễm Ricketsia, nhiễm Leptospira, sốt do chuột cắn,…


Các biện pháp điều trị Bệnh sốt hồi quy

Cần điều trị kháng sinh với bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh sốt hồi quy. Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm với các bệnh nhân có triệu chứng và yếu tố dịch tễ của bệnh. Các kháng sinh có thể lựa chọn là penicillin G, tetracyclines và macrolide; xoắn khuẩn Borrelia nhạy với hầu hết các cephalosporins (ngoại trừ cephalexin và cephalosporins thế hệ 1) và chloramphenicol. Tuy nhiên, xoắn khuẩn kháng với rifampin, metronidazole, nhóm fluoroquinolones và aminoglycoside.

Bệnh sốt hồi quy do ve truyền: Phần lớn bệnh nhân sốt hồi quy có triệu chứng nặng cần nhập viện. Kháng sinh lựa chọn ban đầu là nhóm beta-lactam đường tĩnh mạch (penicillin hoặc ceftriaxone).

  • Với bệnh nhân không có triệu chứng thần kinh trung ương: thời gian điều trị là 10 ngày nếu bệnh nhân không có thai và không có triệu chứng thần kinh trung ương. Khi tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân có thể chuyển sang kháng sinh đường uống như tetracycline, doxycycline. Nếu bệnh nhân không dung nạp nhóm beta-lactam hoặc tetracycline, có thể lựa chọn nhóm macrolide thay thế.
  • Với bệnh nhân có triệu chứng thần kinh trung ương: thời gian điều trị kháng sinh penicillin hoặc ceftriaxone đường tĩnh mạch kéo dài 14 ngày. Ngoài ra, kháng sinh nhóm tetracycline cũng có thể qua hàng rào máu não tốt.
  • Với phụ nữ có thai: Thời gian điều trị kháng sinh penicillin hoặc ceftriaxone đường tĩnh mạch ở phụ nữ có thai được khuyến cáo là 14 ngày để giảm nguy cơ tử vong của mẹ và thai nhi.

Bệnh sốt hồi quy do chấy rận: Phần lớn bệnh nhân có thể điều trị penicillin liều duy nhất tiêm bắp (người lớn: liều penicillin G procaine từ 400.000 đến 800.000 đơn vị; trẻ em: liều từ 200.000 đến 400.000 đơn vị) hoặc liều doxycycline duy nhất (dạng uống hoặc đường tĩnh mạch; người lớn liều 200mg – trẻ em: liều 5 mg/kg cân nặng, tối đa là 200mg). Có thể lựa chọn kháng sinh thay thế là tetracycline 500mg liều duy nhất (ở bệnh nhân người lớn và không có thai) hoặc nhóm macrolide (eryhtromycine, azithromycine). Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi phản ứng Jarisch – Herxheimer (rét run, đau cơ, tăng thân nhiệt, nhịp thở và hạ huyết áp), thường xuất hiện trong vòng 4 giờ sau sử dụng kháng sinh.

Phần lớn bệnh nhân có thể điều trị penicillin liều duy nhất tiêm bắp


Tài liệu tham khảo: 
  1. Alan G Barbour. Microbiology, pathogenesis and epidemiology of relapsing fever, Uptodate, 2021.
  2. Alan G Barbour. Clinical features, diagnosis, and management of relapsing fever. Uptodate, 2020.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ