Từ điển bệnh lý

Bệnh than : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh than

Vi khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than, là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, gặp cả người và động vật. Trong lịch sử loài người, vi khuẩn từng được sử dụng như vũ khí sinh học trong các cuộc chiến tranh.

Bệnh thanBệnh than là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, gặp cả người và động vật

Bệnh cảnh lâm sàng bệnh than đa dạng, khác nhau liên quan đến các con đường lây truyền khác nhau. Người bệnh có thể nhiễm trùng ở da, đường hô hấp, đường tiêu hóa,… từ triệu chứng nhẹ đến bệnh cảnh nhiễm trùng huyết toàn thân, nguy cơ tử vong cao. Với liệu pháp kháng sinh hiệu quả và có vắc xin  phòng bệnh, tỉ lệ mắc bệnh than đã giảm đáng kể trong nhiều năm gần đây, ghi nhận những ca bệnh lẻ tẻ, tuy nhiên với khả năng tồn tại bền vững ở ngoại cảnh, kèm theo khả năng gây bệnh và gây tử vong cao, bên cạnh đó vẫn có khả năng là vũ khí sinh học nên bệnh than vẫn được quan tâm trong bối cục thế giới hiện nay.


Nguyên nhân Bệnh than

Bacillus anthracis thuộc họ Bacillaceae, giống Bacillus, là trực khuẩn gram dương. Tính chất không di động, có hình thái vuông hai đầu, vi khuẩn thường hay xếp thành chuỗi, phát triển tốt trong môi trường pH trung tính.

Hình ảnh vi khuẩn than

Vi khuẩn than dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và một số hóa chất thông thường. Mặc dù vậy, vi khuẩn than có thể tồn tại rất lâu dưới dạng bào tử ở ngoài môi trường. Sức đề kháng của bào tử trực khuẩn than rất cao ngay cả trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, do đó chúng tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí hàng chục năm mà vẫn còn khả năng gây bệnh với con người và động vật. Ngoài khả năng gây bệnh than ở con người, và từng là một vũ khí sinh học trong chiến tranh và các cuộc khủng bố, trực khuẩn than còn gây bệnh ở các loài gia súc (thường gặp hơn là các loài gia súc ăn cỏ) với tên gọi là bệnh nhiệt than.


Triệu chứng Bệnh than

Các biểu hiện của bệnh than thường gặp

- Tại da: Là một trong những thể bệnh phổ biến nhất. Đường vào nhiễm trùng ban đầu thường qua các vết thương, vết xước, vùng da không lành lặn, vi trí  mặt, cổ, cánh tay và bàn tay hay gặp. Thời gian ủ bệnh có thể từ 1-12 ngày, trung bình khoảng 5-7 ngày. Tổn thương da ban đầu là sẩn nhỏ,ngứa, và to dần, ban đầu không đau, sau phát triển thành mụn nước, vỡ ra để lại vết loét hoại tử đóng vảy đen. Vùng xung quanh tổn thương bị phù nề nhiều, kèm theo có sưng viêm hạch bạch huyết lân cận. Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc như người mệt mỏi, mệt lử, khó chịu, đau đầu, đau mỏi người và có biểu hiện sốt. Đây là thể bệnh nhẹ nhất, tỉ lệ khỏi cao nhất và nguy cơ tử vong thấp nhất trong các thể bệnh than.

- Tại đường hô hấp: Đường vào gây bệnh do con người hít phải các bào tử của trực khuẩn than tại môi trường, chúng qua vùng hầu họng gây bệnh tại tiểu phế quản, tế bào phế nang. Từ phổi, trực khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, gây nhiễm khuẩn các cơ quan khác như màng não,… Thời kỳ ủ bệnh trung bình khoảng từ 1-7 ngày, nhiều trường hợp báo cáo thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn > 1 tháng, người bệnh thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Thời kỳ khởi phát có các triệu chứng không đặc hiệu. Người bệnh có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc với biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, đau mỏi người, đau nhức cơ xương khớp, sốt cao, trường hợp nặng có rối loạn tri giác. Các triệu chứng hô hấp như đau ngực, cảm giác khó thở, ho đờm, ho máu. Theo thời gian, các triệu chứng trên ngày càng trầm trọng, người bệnh khó thở nhiều hơn, suy hô hấp, thậm chí biểu hiện sốc, tử vong nhanh. Trên phim chụp X-quang ngực thấy hình ảnh tổn thương thâm nhiễm phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi lan tỏa,… Đây là thể bệnh gây tử vong cao trong các thể bệnh của trực khuẩn than.

Biểu hiện của người mắc bệnh than tại da

Biểu hiện của người mắc bệnh than tại da

- Biểu hiện bệnh than ở đường tiêu hóa: Có thể tổn thương tất cả các vị trí của đường tiêu hóa. Đường vào chính của thể bệnh này do con người ăn phải thịt gia súc bị bệnh hoặc thức ăn chưa được nấu chín. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 1-6 ngày, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Tổn thương tại đường tiêu hóa gây viêm, loét, hoại tử niêm mạc đường tiêu hóa kèm theo triệu chứng của viêm hạch mạc treo ruột. Các tổn thương trên xảy ra dọc ống tiêu hóa, trường hợp nặng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh có triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, sốt cao,người mệt, môi khô, lưỡi bệnh, đau đầu, đau mỏi người, chán ăn, buồn nôn,…. Biểu hiện tại vùng hầu họng: viêm phù nề và sưng đau, có vết loét hoại tử, bề mặt được bao phủ bởi giả mạc trắng, viêm hạch bạch huyết vùng cổ. Thể bệnh than ở đường tiêu hóa tiên lượng tử vong cao mặc dù được điều trị sớm và tích cực.

- Viêm màng não: Đường vào có thể từ tổn thương da, đường hô hấp, đường tiêu hóa. Trên lâm sàng có hội chứng nhiễm trùng và hội chứng màng não. Người bệnh sốt cao, da xanh tái, môi khô, lưỡi bệnh, mệt lử, mạch nhanh,… Hội chứng màng não với đau đầu, buồn nôn và nôn, táo bón, rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng, các thiếu hụt chức năng thần kinh khác, thăm khám thực thể thấy gáy cứng, vạch màng não dương tính, kernig dương tính,… Chọc dịch não tủy thấy áp lực tăng, dịch đục, xét nghiệm tế bào bạch cầu dịch não tủy tăng, protein dịch não tủy tăng, đường giảm, cần nhuộm soi và nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh. Trường hợp nặng có thể gặp xuất huyết não. Tỉ lệ tử vong cao có thể trên 75% trường hợp.


Các biến chứng Bệnh than

- Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

- Tràn dịch màng phổi, suy hô hấp

- Phù não, tăng áp lực nội sọ,…

- Xuất huyết tiêu hóa,…


Đường lây truyền Bệnh than

Các con đường xâm nhập và lây truyền bệnh chính

- Qua da: Trực khuẩn than có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua các vết thương, vết xước, vùng da không lành lặn,… từ đó gây biểu hiện bệnh than tại da, đây cũng là thể bệnh ít nguy hiểm nhất.

- Đường hô hấp: Con người khi hít phải các bào tử của trực khuẩn than trong môi trường, từ đó chúng xâm nhập vào phế quản, phế nang gây bệnh. Khi nhiễm bệnh than ở phổi nguy cơ tử vong thường cao

- Đường tiêu hóa: Ở động vật, đặc biệt động vật ăn cỏ, có thể ăn phải bào tử trực khuẩn than trong môi trường. Con người lây bệnh qua con đường này chủ yếu do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn hoặc chưa được nấu chín.

Người ăn phải thịt của những động vật ăn cỏ chưa được nấu chín bị nhiễm khuẩn Bacillus anthracis có thể mắc bệnh than

Người ăn phải thịt của những động vật ăn cỏ chưa được nấu chín bị nhiễm khuẩn Bacillus anthracis có thể mắc bệnh than

- Ngoài ra trực khuẩn than có thể lây bệnh qua tiêm trực tiếp vào cơ thể người (ví dụ tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch,…)


Đối tượng nguy cơ Bệnh than

Bất kỳ lứa tuổi nào đều có thể mắc bệnh than. Tuy nhiên, một số đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao hơn như người chăn nuôi, chế biến, giết mổ, phân phối các động vật ăn cỏ, nhân viên xưởng da, nhân viên thú y, nhân viên y tế làm việc trong các phòng thí nghiệm, khi làm việc ở ngoài môi trường mà có các vết thương, vết xước và da không lành lặn,…. Bên cạnh đó việc sử dụng thực phẩm thịt gia súc bị bệnh hoặc chưa được nấu chín cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.


Phòng ngừa Bệnh than

- Khi phát hiện người mắc bệnh than, cần cách ly và báo cáo ngay với cơ quan y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật ở địa phương để tiến hành các biến pháp chống dịch.

- Giáo dục sức khỏe, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao sức khỏe.

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cá nhân đúng, đặc biệt là vệ sinh tay, khi tiếp xúc với gia súc bị bệnh hoặc chất thải của chúng phải đeo đồ bào hộ, xử lý xác động vật đúng quy định,…

- Sử dụng nguồn nước sạch, ăn chín, uống sôi, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thịt gia súc bị bệnh , không ăn thịt chưa được nấu chín,…

- Uống kháng sinh dự phòng (doxycycline, ciprofloxacin) đối với những người có tiếp xúc với người bệnh.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh than cho đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh than

Ngoài các yếu tố về dịch tễ, lâm sàng, chẩn đoán xác định bệnh than cần dựa vào các xét nghiệm. Tiêu chuẩn vàng là nuôi cấy phân lập được vi khuẩn từ các loại bệnh phẩm của cơ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các phòng thí nghiệm đều có thể nuôi cấy vi khuẩn, bên cạnh đó một tỉ lệ nhất định kết quả nuôi cấy là âm tính. Do đó, hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh có thể dựa vào các xét nghiệm khác như nhuộm soi, kỹ thuật PCR, các xét nghiệm huyết thanh,…

- Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn: Bệnh phẩm là máu, dịch đường hô hấp, dịch màng phổi, dịch nốt phỏng da, dịch đường tiêu hóa,…

- Nhuộm soi: các bệnh phẩm trên trong khi chờ kết quả nuôi cấy có thể soi tìm vi khuẩn: tính chất là trực khuẩn bắt màu Gram dương, xung quanh có thể bắt gặp hình ảnh bạch cầu đa nhân

- Xét nghiệm PCR: đắt tiền và yêu cầu kỹ thuật cao

- Xét nghiệm huyết thanh: Xác định  kháng nguyên hoặc kháng thể vi khuẩn than

- Các xét nghiệm khác cần làm như: Xét nghiệm công thức máu (có thể thấy tăng số lượng bạch cầu, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính), các marker viêm (protein phản ứng C-CRP, procalcitonin, tốc độ lắng hồng cầu tăng, xét nghiệm sinh hóa (bất thường chức nắng gan, chức năng thận, rối loạn điện giải,…), chụp X-quang ngực thấy hình ảnh trung thất giãn rộng, tổn thương viêm phổi, tràn dịch màng phổi, ….

Cần chẩn đoán bệnh than với bệnh nhiễm trùng tại da, phổi, đường tiêu hóa, màng não do các căn nguyên vi sinh vật khác.


Các biện pháp điều trị Bệnh than

Liệu pháp kháng sinh

Trực khuẩn than còn khá nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh như chloramphenicol, tetracyclin, erythromycin, streptomycin, penicillin, clindamycin, kháng sinh nhóm fluoroquinolone, carbapenem, linezolid. Tuy nhiên, trực khuẩn than không nhạy cảm với nhóm kháng sinh cephalosporin hoặc cotrimoxazole. Bên cạnh đó vi khuẩn có thể sinh betalactamase đề kháng với một số kháng sinh nhóm betalactam.

- Viêm màng não: Dùng kháng sinh sớm nhất có thể, kháng sinh đường tĩnh mạch và phối hợp nhiều loại kháng sinh (có thể phải phối hợp 3 loại kháng sinh). Liều một số kháng sinh là ciprofloxacin 400 mg/mỗi lần x 3 lần/ngày ở người lớn, 30mg/kg/lần x 3 lần/ngày ở trẻ nhỏ; meropenem 2 g/lần x 3 lần/ngày ở người lớn, 120mg/kg chia 3 lần/ ngày ở trẻ nhỏ; linezolid 600mg/lần x 2 lần/ngày ở người lớn, ở trẻ em 30 mg/kg/lần chia 2-3 lần/ngày, levofloxacin 750mg/lần x 1 lần/ngày; … Các kháng sinh khác như chloramphenicol, clindamycin, vancomycin,… có thể sử dụng. Thời gian điều trị ít nhất từ 2-3 tuần hoặc có thể kéo dài hơn (3-6 tuần), đánh giá đáp ứng trên lâm sàng và dịch não tủy. Kháng sinh uống được chỉ định một thời gian dài (1-2 tháng) sau khi kết thúc liệu pháp kháng sinh đường tĩnh mạch.

- Trường hợp không có viêm màng não: Cần chọc dò dịch não tủy nếu không có chống chỉ định để loại trừ không có viêm màng não. Liệu pháp kháng sinh dùng sớm, phối hợp kháng sinh trong trường hợp nặng. Các kháng sinh trên được khuyến cáo, ví dụ phác đồ như sau: ciprofloxacin phối hợp với clindamycin hoặc linezolid. Thời gian điều trị ít nhất 2 tuần, đánh giá đáp ứng về lâm sàng và xét nghiệm, sau đó chuyển sang phác đồ đường uống. Các kháng sinh đường uống vẫn thuộc các nhóm kháng sinh trên.

- Trường hợp biểu hiện nhẹ ở da có thể dùng kháng sinh uống ngay từ đầu. Các kháng sinh có thể sử dụng như ciprofloxacin 500 mg/lần x 2 lần/ ngày hoặc doxycycline 100mg/lần x 2 lần/ngày, moxifloxacin 400mg/ngày, clindamycin 600mg/lần x 3 lần/ngày, amoxicillin 1g/lần x 3 lần/ngày nếu vi khuẩn còn nhạy cảm,… Thời gian điều trị trung bình từ 7-10 ngày.

Điều trị khác

- Raxibacumad, obitoxaximab, các kháng thể đơn dòng, globin miễn dịch với trực khuẩn than có thể được chỉ định nhằm mục đích chống lại độc tố vi khuẩn và trung hòa chúng. Chỉ định trong những trường hợp nặng.

- Glucocorticoids: có thể sử dụng trong viêm màng não, tuy nhiên vẫn còn tranh cãi và cần nghiên cứu thêm.

- Dẫn lưu màng phổi: đã được chứng minh giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân tổn thương phổi nặng, tràn dịch màng phổi.

- Hạ sốt bằng paracetamol 10-15 mg/kg/lần khi sốt cao từ 38.5oC, mỗi lần cách nhau ít nhất 4-6 tiếng.

- Bảo đảm dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, đảm bảo cân bằng kiềm toan.


Tài liệu tham khảo:

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.