Từ điển bệnh lý

Bỏng da : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Bỏng da

Bỏng da là một trong những tổn thương phổ biến do nhiều tác nhân khác nhau gây ra. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ tổn thương có thể nhẹ, chỉ ảnh hưởng đến lớp bên ngoài của da. Cũng có trường hợp nghiêm trọng, bỏng gây tổn thương sâu đến cơ và xương. Bỏng có thể gây đau đớn, mất nước, nhiễm trùng và để lại sẹo vĩnh viễn.

Bỏng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là bỏng nhiệt (do lửa, nước sôi, vật nóng), bỏng hóa chất (do axit hoặc kiềm mạnh), bỏng điện, bỏng bức xạ (tia X, tia cực tím) và bỏng do ma sát.

Bỏng là tổn thương ở da do nhiều tác nhân gây ra.

Bỏng là tổn thương ở da do nhiều tác nhân gây ra.


Nguyên nhân Bỏng da

Bỏng do nhiệt

Đây là loại bỏng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% tổng số ca bỏng. Bỏng nhiệt xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ cao (>45°C), làm biến đổi protein trong tế bào da và gây hoại tử mô. Trong trường hợp hoả hoạn, nạn nhân ngoài bỏng còn có thể bị ngộ độc carbon monoxide.

Các dạng bỏng nhiệt phổ biến:

  • Bỏng do nhiệt khô: Do lửa, tia lửa điện, vật kim loại nóng chảy, nhựa đường nóng… Loại bỏng này thường rất sâu và gây tổn thương nặng.
  • Bỏng do nhiệt ướt: Gây ra bởi nước sôi, hơi nước, dầu ăn nóng, thức ăn lỏng nóng. Nhiệt độ không cao bằng bỏng do lửa nhưng có thể lan rộng hoặc lan nhanh trên bề mặt da.
  • Bỏng do nhiệt độ quá thấp (bỏng lạnh): Khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp, da và mô bị đóng băng, gây tổn thương vi tuần hoàn và hoại tử mô.

Bỏng do điện

Bỏng do điện có cơ chế tổn thương phức tạp, không chỉ gây bỏng tại chỗ mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác do dòng điện chạy qua cơ thể. Mức độ tổn thương tuỳ thuộc vào điện thế, điểm vào và điểm ra của luồng điện, thời gian bị, khu vực cơ thể chịu ảnh hưởng của luồng điện. 

Trường hợp bỏng do điện cao thế (> 1000 vôn), tổn thương da bên ngoài thường rất ít, tuy nhiên các mô sâu bên dưới như cơ, thần kinh và mạch máu có thể bị tổn thương diện rộng. Có 3 cơ chế bỏng do điện: Bỏng do luồng điện trực tiếp; do tia lửa điện; vừa do luồng điện vừa do tia lửa điện.

Bỏng do điện thường lan rộng đến các mô ở sâu như thần kinh, cơ xương và mạch máu.

Bỏng do điện thường lan rộng đến các mô ở sâu như thần kinh, cơ xương và mạch máu.

Bỏng do hóa chất

Bỏng hóa chất xảy ra khi da tiếp xúc với các chất ăn mòn mạnh như axit, bazơ, dung môi công nghiệp. Cụ thể:

  • Bỏng do axit: Gây hoại tử đông tụ, hình thành lớp hoại tử khô trên bề mặt da, tổn thương giới hạn nhưng ăn sâu vào mô.
  • Bỏng do kiềm: Gây hoại tử hóa lỏng, khiến tổn thương lan rộng và tiếp tục nặng lên dù đã loại bỏ hóa chất.
  • Bỏng do các chất độc: Một số chất như phenol, phốt pho trắng, khí mù tạt có thể gây tổn thương nghiêm trọng trên da và hệ hô hấp.

Mức độ tổn thương do hóa chất phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ, diện tích tiếp xúc và thời gian tiếp xúc. Một số hóa chất có thể thẩm thấu qua da vào máu, gây ảnh hưởng toàn thân.

Bỏng do bức xạ

Bỏng bức xạ thường gặp nhất là cháy nắng do tia cực tím (UV) từ mặt trời. Ngoài ra, còn có các loại bỏng bức xạ khác như:

  • Bỏng do tia X hoặc tia gamma: Gây tổn thương DNA của tế bào, dẫn đến viêm da bức xạ hoặc thậm chí ung thư da.
  • Bỏng do phóng xạ hạt nhân: Xảy ra ở những người làm việc trong môi trường có phóng xạ cao.
  • Bỏng do laser hoặc giường tắm nắng: Tiếp xúc quá mức với nguồn bức xạ nhân tạo cũng có thể gây tổn thương da.

Bỏng do bức xạ có thể gây mất nước, suy yếu hàng rào bảo vệ da, viêm loét chậm lành và tăng nguy cơ ung thư da.

Các tổn thương giống bỏng

Một số bệnh lý và tình trạng khác có thể gây tổn thương da tương tự như bỏng:

  • Hội chứng Stevens-Johnson: Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây phồng rộp và bong tróc da.
  • Hoại tử da nhiễm độc: Biến chứng nặng của dị ứng thuốc, gây bong tróc toàn bộ lớp biểu bì.
  • Loét do tì đè: Xảy ra ở bệnh nhân nằm lâu không xoay trở, gây tổn thương da nghiêm trọng.
  • Tổn thương do tai nạn: Như trượt ngã, ma sát mạnh, tai nạn lao động hoặc giao thông có thể gây tổn thương giống bỏng.

Triệu chứng Bỏng da

Dấu hiệu lâm sàng theo độ sâu

Các tổn thương bỏng trên da được phân loại theo độ sâu, từ mức nhẹ chỉ ảnh hưởng lớp ngoài của da đến mức nghiêm trọng hơn, gây hoại tử sâu vào các mô dưới da, cơ và xương. Dưới đây là phân loại chi tiết theo tiêu chuẩn của Viện Bỏng Quốc Gia:

Bỏng độ I (bỏng nông nhất)

  • Ảnh hưởng lớp biểu bì ngoài cùng của da.
  • Da khô, đỏ, có cảm giác rát nhẹ, nhưng không có bọng nước.
  • Mức độ đau nhẹ, không để lại sẹo.
  • Thời gian hồi phục: khoảng 1 tuần.
  • Ví dụ: Bỏng nắng, bỏng nước nóng thoáng qua.

Bỏng độ II (bỏng trung bì)

Bỏng độ II gây tổn thương đến lớp trung bì, nhưng vẫn giữ nguyên một số cấu trúc da quan trọng. Loại này được chia thành hai dạng:

Bỏng trung bì nông:

  • Tổn thương đến lớp trung bì nông, nhưng các nang lông và tuyến mồ hôi còn nguyên vẹn.
  • Xuất hiện bọng nước chứa dịch trong, nền da đỏ, ướt.
  • Cảm giác đau rất rõ ràng do dây thần kinh vẫn còn nguyên vẹn.
  • Hồi phục sau 1-2 tuần, ít để lại sẹo.

Bỏng trung bì sâu:

  • Ảnh hưởng đến lớp trung bì sâu hơn, chỉ còn một phần của tuyến mồ hôi.
  • Bọng nước có thể màu trắng xen lẫn hồng, giảm cảm giác đau hơn so với trung bì nông.
  • Khi dùng kẹp gắp lông tóc, bệnh nhân ít hoặc không có cảm giác đau.
  • Thời gian hồi phục 4-6 tuần, có thể để lại sẹo.

Bỏng độ III (bỏng sâu toàn bộ lớp da)

  • Toàn bộ lớp da bị hoại tử hoàn toàn, có thể mất lớp tế bào gốc tái tạo.
  • Không còn bọng nước, vùng bỏng có màu trắng xám, vàng hoặc cháy đen.
  • Bệnh nhân không đau do dây thần kinh đã bị hủy hoại.
  • Nếu diện tích tổn thương nhỏ hơn 5cm, có thể tự lành nhưng để lại sẹo co rút.
  • Nếu diện tích lớn hơn 5cm, cần can thiệp phẫu thuật ghép da để phục hồi.

Bỏng độ IV (hoại tử da và mô dưới da)

  • Bỏng lan rộng xuống lớp mô dưới da, bao gồm mỡ, cân cơ, gân.
  • Da có thể xuất hiện tình trạng hoại tử ướt hoặc hoại tử khô:
    • Hoại tử ướt: Da màu trắng bệch, đỏ xám, có hoa vân, sờ vào mềm ướt, dễ bong tróc sau 2 tuần.
    • Hoại tử khô: Da cứng, khô, màu vàng cháy hoặc đen, sờ vào thấy thô ráp, xung quanh có viền đỏ nề, không bong tự nhiên.

Bỏng độ V (tổn thương nghiêm trọng, xâm phạm sâu vào cơ thể)

  • Bỏng phá hủy toàn bộ lớp da, xâm lấn vào cân cơ, xương khớp, mạch máu, thần kinh.
  • Đây là mức độ bỏng nặng nhất, thường gặp trong bỏng điện cao thế, bỏng do hóa chất mạnh hoặc lửa cháy dữ dội.
  • Nguy cơ mất chức năng chi thể, phải cắt cụt rất cao.

Các biến chứng Bỏng da

Biến chứng toàn thân

Mức độ tổn thương bỏng càng nặng và diện tích bỏng càng lớn, nguy cơ xảy ra biến chứng toàn thân càng cao. Những yếu tố làm tăng nguy cơ này bao gồm:

  • Diện tích bỏng rộng: Bỏng ≥ 40% tổng diện tích cơ thể có nguy cơ cao dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
  • Độ tuổi: Trẻ nhỏ (< 2 tuổi) và người cao tuổi (> 60 tuổi) dễ gặp biến chứng do sức đề kháng kém.
  • Chấn thương kết hợp: Nếu bỏng đi kèm với chấn thương do tai nạn, ngạt khói hoặc bỏng hô hấp, nguy cơ tử vong càng cao.

Sốc giảm thể tích

  • Khi bị bỏng nặng, cơ thể mất dịch và huyết tương qua vùng tổn thương, dẫn đến tụt huyết áp, giảm tưới máu đến các cơ quan quan trọng như tim, não, thận.
  • Biểu hiện: Chóng mặt, mệt mỏi, tụt huyết áp, giảm lượng nước tiểu, thậm chí có thể gây sốc.

Nhiễm trùng huyết

  • Nhiễm trùng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân bỏng nặng. Khi lớp da bị tổn thương, vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng toàn thân (nhiễm khuẩn huyết).
  • Biểu hiện: Sốt cao, lừ đừ, tụt huyết áp, suy đa cơ quan.

Rối loạn chuyển hóa và suy nội tạng

  • Bỏng nặng gây ra rối loạn chuyển hóa protein, chất điện giải, giảm albumin và suy dinh dưỡng.
  • Một số bệnh nhân bị suy thận cấp do mất nước hoặc tiêu cơ vân (khi bỏng sâu vào cơ, dẫn đến sản phẩm phân hủy cơ thể gây tắc nghẽn thận).
  • Nếu bỏng hô hấp, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp cấp, phù phổi, viêm phổi.

Biến chứng tại chỗ

Sẹo co rút và mất chức năng vận động

  • Nếu bỏng sâu, vết thương có thể để lại sẹo co rút, làm hạn chế cử động của khớp, đặc biệt nếu bỏng ở vùng bàn tay, bàn chân, cổ, khuỷu tay hoặc đầu gối.
  • Ví dụ: Nếu bỏng ở bàn tay, sẹo có thể làm cứng ngón tay, không thể duỗi thẳng hoặc nắm chặt đồ vật.

Sẹo lồi và sẹo xấu

  • Một số bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, đặc biệt là người có da sẫm màu.
  • Sẹo có thể lớn, đỏ, ngứa và gây mất thẩm mỹ.

Hoại tử da và nhiễm trùng tại chỗ

  • Nếu bỏng quá sâu, vùng da bị tổn thương có thể hoại tử, trở nên đen, cứng, không lành lại.
  • Nếu không xử lý kịp thời, hoại tử có thể lan rộng, thậm chí phải cắt cụt chi.

Sẹo lớn làm hạn chế cử động, ngứa và ảnh hưởng đến ngoại hình người bệnh.Sẹo lớn làm hạn chế cử động, ngứa và ảnh hưởng đến ngoại hình người bệnh.



Đường lây truyền Bỏng da

Bỏng gây ra tổn thương mô theo cơ chế biến tính protein, làm mất chức năng hàng rào bảo vệ của da. Khi da bị tổn thương, hàng loạt phản ứng viêm xảy ra:

  • Mất dịch và điện giải: Bỏng làm tăng tính thấm của mạch máu, khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, gây sốc giảm thể tích nếu bỏng diện rộng.
  • Nhiễm trùng: Lớp da bị phá hủy tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.
  • Biến đổi tuần hoàn: Co mạch và hình thành cục máu đông nhỏ có thể làm tắc nghẽn vi tuần hoàn, dẫn đến hoại tử mô lan rộng.
  • Rối loạn chuyển hóa: Cơ thể phản ứng bằng cách tăng cường chuyển hóa để bù đắp tổn thương, dẫn đến tiêu hao năng lượng nhanh, mất cơ, giảm miễn dịch.

Đối tượng nguy cơ Bỏng da

Bỏng là một trong những tai nạn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và trong môi trường làm việc. Theo Hiệp hội Bỏng Hoa Kỳ, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 400.000 ca bỏng được điều trị tại khoa cấp cứu, trong đó khoảng 4.000 trường hợp tử vong do bỏng nặng hoặc biến chứng liên quan.


Phòng ngừa Bỏng da



Các biện pháp chẩn đoán Bỏng da

Chẩn đoán bỏng dựa vào đánh giá lâm sàng về diện tích bỏng, độ sâu tổn thương. Các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết có thể thực hiện ở bệnh nhân mức độ nặng, cần nhập viện.

Đánh giá diện tích bỏng

Bác sĩ sử dụng các phương pháp sau để tính diện tích bỏng:

  • Quy tắc số 9 của Wallace (dành cho người lớn):
    • Đầu, mặt, cổ: 9%
    • Ngực: 9%, bụng: 9%
    • Lưng: 18%
    • Mỗi cánh tay: 9%
    • Mỗi chân: 18%
    • Vùng sinh dục: 1%
  • Phương pháp Palm: Dùng kích thước lòng bàn tay của bệnh nhân (tương đương 1% diện tích da) để ước lượng vùng bỏng nhỏ.
  • Biểu đồ Lund-Browder: Được áp dụng cho trẻ em, do tỷ lệ giữa đầu và cơ thể khác với người lớn.

Quy tắc số 9 của Wallace đánh giá diện tích bỏng dựa trên vùng da tổn thương.Quy tắc số 9 của Wallace đánh giá diện tích bỏng dựa trên vùng da tổn thương.

Đánh giá độ sâu bỏng

  • Bỏng độ I.
  • Bỏng độ II (bỏng trung bì nông và bỏng trung bì sâu).
  • Bỏng độ III.
  • Bỏng độ IV.
  • Bỏng độ V.

Xét nghiệm cận lâm sàng về bỏng da

Được thực hiện nhằm đánh giá mức độ tổn thương và tiên lượng bệnh. Đặc biệt trong trường hợp người bệnh bỏng nặng hoặc có nguy cơ bị biến chứng toàn thân.

Xét nghiệm đánh giá chức năng cơ quan:

  • Công thức máu: Phát hiện nhiễm trùng, tình trạng cô đặc máu (Hct tăng do mất huyết tương).
  • Cấy dịch: Phát hiện vi khuẩn bội nhiễm từ vết bỏng.
  • Xét nghiệm CRP, procalcitonin để đánh giá tình trạng viêm.
  • Sinh hóa máu: Kiểm tra điện giải đồ, ure, creatinin để đánh giá suy thận.
  • Xét nghiệm myoglobin trong nước tiểu: Phát hiện tan máu hoặc tiêu cơ vân.
  • Khí máu động mạch: Xác định toan chuyển hóa, suy hô hấp.

Xét nghiệm đặc biệt để đánh giá độ sâu bỏng:

  • Xanh methylen tiêm tĩnh mạch: Xác định vi tuần hoàn ở vùng da bỏng.
  • Chất huỳnh quang Chlortetracycline: Đánh giá mức độ tổn thương mạch máu ở vùng bỏng.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • X-quang phổi: Kiểm tra bỏng hô hấp hoặc viêm phổi do hít.
  • Siêu âm tim, điện tim: Đánh giá ảnh hưởng tim mạch.

Các biện pháp điều trị Bỏng da

Sơ cứu ban đầu

  • Tránh xa, loại bỏ nguyên nhân gây bỏng
  • Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn.
  • Dập lửa trên người, loại bỏ quần áo, trang sức bị nóng (trừ khi dính chặt vào da).
  • Đánh giá tình trạng nạn nhân
  • Kiểm tra ý thức, đường thở, hô hấp và tuần hoàn.
  • Nếu ngừng tim, ngừng thở, lập tức hồi sức tim phổi (CPR).
  • Ngâm rửa vùng bỏng
  • Dội hoặc ngâm vết bỏng trong nước sạch (không quá lạnh) trong 15-45 phút để giảm đau và tổn thương.
  • Tránh dùng đá lạnh hoặc các chất như kem đánh răng, nước mắm.
  • Che phủ vết bỏng
  • Dùng gạc sạch, vải mềm hoặc khăn sạch che phủ vùng bỏng, tránh nhiễm trùng.
  • Bù nước và giữ ấm
  • Cho nạn nhân uống nước sạch, oresol nếu còn tỉnh táo.
  • Giữ ấm cơ thể, tránh để vùng bỏng tiếp xúc trực tiếp với nhiệt lạnh.
  • Vận chuyển đến cơ sở y tế
  • Đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
  • Nâng cao chi bị bỏng, đặt nạn nhân ở tư thế phù hợp nếu nghi ngờ bỏng hô hấp.

Dội vết bỏng dưới vòi nước sạch là biện pháp giúp giảm đau và dễ thực hiện nhất.Dội vết bỏng dưới vòi nước sạch là biện pháp giúp giảm đau và dễ thực hiện nhất.

Tại cơ sở y tế

  • Bù dịch và điện giải bằng đường truyền tĩnh mạch, tiêm phòng uốn ván.
  • Làm sạch vết bỏng, băng bó vết thương, giữ vết thương ẩm.
  • Kiểm soát đau, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn
  • Phẫu thuật ghép da và vật lý trị liệu khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Anh

  1. Carter, D. W. (2024). Bỏng. Cẩm nang MSD. Retrieved from MSD Manual
  2. Rice, P. L. Jr., & Orgill, D. P. (2025). Assessment and classification of burn injury. UpToDate. Retrieved March 11, 2025, from UpToDate

Tiếng Việt

  1. Điều trị bỏng người lớn (2013). Phác đồ điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy.
  2. Điều trị bỏng người lớn (2014). Quyết định số 182/QĐ-BV ngày 13/3/2014, Bệnh viện Nhân dân 115.
  3. Quy trình sơ cứu, cấp cứu tổn thương bỏng nhiệt. Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và Bệnh nghề nghiệp, HCDC.
  4. Tiếp cận chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân bỏng. Khoa Ngoại, Bệnh viện Nguyễn Trãi.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ