Từ điển bệnh lý

Bụi phổi kết hợp với lao : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bụi phổi kết hợp với lao

Như chúng ta đã biết, bệnh lao là một bệnh nguy hiểm, đã từng được xếp vào một trong “tứ chứng nan y” trước đây. Hiện nay, tuy bệnh lao có thể được điều trị được nhưng tình hình dịch tễ vẫn rất phức tạp mà con người chưa thể kiểm soát hoàn toàn được nó.

Bệnh bụi phổi Silic cũng là một bệnh khá đặc biệt, tiến triển không hồi phục và gây ra những hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Việc mắc lao ở người bệnh bụi phổi là một tình trạng bệnh đã nặng còn nặng thêm, khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn cũng như để lại những hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Vậy, ngày hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguy cơ mắc lao ở người bệnh bụi phổi nhé


Nguyên nhân Bụi phổi kết hợp với lao

Có nhiều nguyên nhân mắc lao ở người bệnh bụi phổi.

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu bệnh bụi phổi là gì và lao phổi là gì?

Bệnh bụi phổi là bệnh gây ra do hít phải bụi than cacbon cao, hạt silic (trong than đá, than mỡ) trong thời gian dài (thường > 20 năm). Vì vậy, bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong mỏ than, khoáng sản, các công nhân trong phân xưởng sản xuất nhựa đường, làm cầu đường, bê tông, thủy tinh, công nhân trên công trường xay, nghiền, khoan đá và bê tông,... Các đại thực bào sẽ “ăn” các hạt bụi lắng đọng trong các phế nang tạo ra chuỗi phản ứng viêm, giải phóng các chất trung gian hóa học gây phá hủy dần các mô liên kết, sợi elastin, sợi collagen,... trong thời gian dài và dần để lại di chứng xơ phổi.

Bệnh bụi phổi silic

Bệnh lao phổi là bệnh gây ra bởi vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Đây là một bệnh truyền nhiễm và có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể như: Phổi, cơ xương khớp, tai, hạch, ruột, màng não,... Trong đó thì lao ở phổi là thường gặp nhất, khoảng 80%.

Tuy nhiên, việc nhiễm lao không đồng nghĩa là mắc lao. Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, vi khuẩn lao sẽ đủ sức chống lại sự tấn công của hệ miễn dịch và sinh sôi nảy nở, phát bệnh nhanh chóng. Những người có sức đề kháng tốt, hệ miễn dịch khỏe thì phát bệnh chậm hơn, hoặc có thể không phát bệnh.

Bệnh lao phổi

Mắc lao ở người bệnh bụi phổi là tình trạng những công nhân bị bụi phổi bị mắc lao. Ở những bệnh nhân bị bị phổi, sức đề kháng của phổi sẽ kém hơn người bình thường nên việc nhiễm lao sẽ rất dễ tiến triển thành mắc lao. Tình trạng phổi bị xơ hóa, viêm mạn tính, giãn phế quản hay phế nang trong bệnh bụi phổi là điều kiện thuận lợi lý tưởng cho các vi trùng lao cư trú và phát triển.


Triệu chứng Bụi phổi kết hợp với lao

Mắc lao ở người bệnh bụi phổi có triệu chứng chung của cả hai bệnh lao phổi và bụi phổi.

Bệnh bụi phổi giai đoạn đầu thường ít triệu chứng. các triệu chứng của bệnh thường do các vấn đề khác tác động, hoặc là biểu hiện của một bệnh khác chồng lấp cùng bệnh bụi phổi, ví dụ như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi hay lao phổi,...

Triệu chứng thường gặp nhất là ho, có thể trở thành mạn tính và triệu chứng này còn kéo dài ngay cả khi bệnh nhân không còn làm việc trong môi trường nhiều khói bụi hay thuốc lá. Thường bệnh nhân có ho khan nhưng đôi khi cũng có tình trạng ho ra đờm trắng hoặc đờm lẫn các hạt hoặc đám màu đen gọi là các hạt melanoptysis.

Giai đoạn sau của bệnh bụi phổi có thể xuất hiện triệu chứng hụt hơi, khó thở tăng dần. Nặng hơn có thể là tình trạng tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải và có thể tiến triển thành các đợt suy hô hấp. Người bệnh suy kiệt dần, giảm cân, đau tức ngực và có thể xuất hiện sốt khi có bội nhiễm phổi

Các triệu chứng của lao phổi tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh:

Ở thời kỳ ủ bệnh thường rất ít triệu chứng. Sức đề kháng của cơ thể là mấu chốt của việc kéo dài thời kỳ này. Rất khó phát hiện bệnh lao trong giai đoạn này bởi các triệu chứng rất nghèo nàn, thậm chí không có. Ở thời kỳ này lao phổi không lây.

Bệnh lao có thể gặp ở nhiều cơ quan nên sẽ có những triệu chứng đặc hiệu  ở các cơ quan mắc lao. Các triệu chứng của lao phổi thường là:

  • Ho kéo dài trên 3 tuần, tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng. Ho có thể là ho khan hoặc có đờm, nguy hiểm nhất là ho ra máu. Ho kéo dài là triệu chứng điển hình của bệnh  lao phổi.
  • Khó thở và đau ngực là những triệu chứng có thể xuất hiện.
  • Vã mồ hôi trộm về đêm.
  • Sốt dai dẳng về chiều cũng là một trong những triệu chứng điển hình của lao phổi
  • Gầy sút cân nhanh chóng trong vài tháng.
  • Mệt mỏi, suy kiệt.

Trong các trường hợp người bệnh mắc lao tiềm ẩn, sẽ không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào mà người bệnh có thể cảm nhận được.

Đối với mắc lao ở người bệnh bụi phổi, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm và nặng nề, rầm rộ hơn. Bởi vì bụi phổi là một bệnh nền, mắc lao ở người bệnh bụi phổi thường có tiến triển nặng và khó hồi phục hơn.


Các biến chứng Bụi phổi kết hợp với lao

Biến chứng của mắc lao ở người bệnh bụi phổi là sự tổng hợp của các biến chứng gây ra bởi bệnh bụi phổi và bệnh lao. Những biến chứng này hiệp đồng và gây nặng hơn tình trạng bệnh.

Bệnh bụi phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: Viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn gọi là COPD), nguy hiểm nhất là ung thư phổi.

Có nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ của bệnh bụi phổi với bệnh xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp và ung thư dạ dày. Và đương nhiên, người bệnh  bụi phổi luôn được xếp vào nhóm những đối tượng có nguy cơ mắc lao cao nhất.

Mắc lao ở người bệnh bụi phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho phổi bị tổn thương ngày càng nặng nề gây ra các tình trạng ho ra máu, đau ngực, khó thở, thậm chí suy hô hấp và tử vong.

Mắc lao ở người bệnh bụi phổi khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém dần có thể khiến cho vi khuẩn lao lây lan ra khắp cơ thể, từ đó ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và chức năng của các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hóa, thận, cơ xương khớp,...


Đường lây truyền Bụi phổi kết hợp với lao

Như chúng ta đã biết, lao phổi là một bệnh lây nhiễm.

Bản thân bệnh bụi phổi không lây, nhưng nó có tính chất nghề nghiệp trên một nhóm công nhân cùng làm việc trong môi trường bụi than.

Vì vậy mắc lao ở người bệnh bụi phổi cũng sẽ rất dễ lây nhiễm cho những đồng nghiệp bị bụi phổi khác nếu như không sớm tìm ra người bệnh bụi phổi bị mắc lao.

Mắc lao ở người bệnh bụi phổi là khi người bệnh bụi phổi hít phải không khí chứa vi khuẩn lao. Khi đã xâm nhập được vào cơ thể, vi khuẩn lao sẽ đi theo đường máu tới các cơ quan và gây bệnh tại đó nếu gặp điều kiện thuận lợi. Phổi là cơ quan cửa ngõ và cũng là cơ quan dễ bị mắc lao nhất. Vì bụi phổi thường xuất hiện ở những công nhân ngành than làm việc lâu năm trong môi trường hầm mỏ và lại có xu hướng sống tập thể nên đây là một môi trường lý tưởng cho lao phát triển và lây nhiễm. Vì vậy, mắc lao ở người bệnh bụi phổi là cực kỳ nguy hiểm cho một tập thể công nhân làm việc cùng nhau.


Các biện pháp chẩn đoán Bụi phổi kết hợp với lao

Việc chẩn đoán mắc lao ở người bệnh bụi phổi tương đối khó khăn. Bởi chúng ta cần phải chẩn đoán hai bệnh song song. Thường các bệnh nhân bụi phổi được chẩn đoán từ trước đó nếu có phát hiện ra bệnh lao thì sẽ dễ chẩn đoán hơn việc tìm ra bệnh nền bụi phổi từ một bệnh nhân mắc lao phổi. Vì vậy mà mắc lao ở người bệnh bụi phổi có thể bị bỏ  sót khiến cho việc điều trị gặp khó khăn hoặc chưa triệt để.

Để chẩn đoán mắc lao ở người bệnh bụi phổi sẽ cần hỏi kỹ tiền sử, khám xét kỹ trên lâm sàng và nhiều phương tiện máy móc cũng như xét nghiệm để chẩn đoán:

Trước hết là cần giám định  bệnh bụi phổi dựa vào tiền sử thời gian tiếp xúc với bụi than > 20 năm, hình ảnh Xquang ngực hoặc CT lồng ngực có các nốt mờ tròn đều hoặc các đám mờ lớn, Đo chức năng hô hấp theo dõi rối loạn thông khí hạn chế hoặc hỗn hợp hạn chế - tắc nghẽn.

Các xét nghiệm khác đánh giá chức năng phổi không nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nhưng sẽ giúp cho bác sĩ lâm sàng đánh giá tình trạng chức năng phổi của các bệnh nhân có rối loạn thông khí hạn chế, tắc nghẽn hay hỗn hợp. Đối với các bệnh nhân này, việc định kỳ đo khả năng khuếch tán carbon monoxide (DLCO), xét nghiệm khí máu khi nghỉ ngơi và khi gắng sức là cần thiết để đánh giá tình trạng nặng của phổi cũng như sự tiến triển của bệnh.

Việc nội soi phế quản và sinh thiết phổi cũng được đặt ra khi việc chẩn đoán gặp khó khăn.

Chẩn đoán mắc lao ở người bụi phổi sẽ cần thêm các xét nghiệm đặc hiệu về lao. Hiện nay, để phát hiện lao có rất nhiều phương pháp được sử dụng thông qua việc xét nghiệm máu và xét nghiệm đờm như: Xét nghiệm Quantiferon, Nhuộm soi tiêu bản đờm, nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng (MGIT), Xét nghiệm Gene-Xpert,...

Tại bệnh viện đa khoa Medlatec hiện đã có đầy đủ chuyên gia cũng như tất cả các phương tiện có thể chẩn đoán mắc lao ở người bệnh bụi phổi như chụp Xquang, CT Phổi, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm Quantiferon TB Gold Plus, soi đờm trực tiếp nhuộm huỳnh quang, xét nghiệm Gene Xpert, nuôi cấy MGIT.


Các biện pháp điều trị Bụi phổi kết hợp với lao

Thường thì ít có khuyến cáo phải điều trị ở các bệnh nhân bụi phổi, chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với khói bụi độc hại, cai thuốc lá nếu có, phục hồi chức năng phổi và điều trị các đợt bệnh bội nhiễm. Các trường hợp bệnh nặng gây suy hô hấp sẽ cần phải điều trị tích cực bằng các phương pháp:

  • Sử dụng các thuốc giãn phế quản phối hợp các thuốc long đờm để làm đường thở thông thoáng hơn, giúp bệnh nhân dễ thực hiện động tác hít thở hơn.
  • Cai thuốc lá là một biện pháp tiên quyết cần thực hiện nếu muốn bệnh cải thiện. Bởi hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn thông khí tắc nghẽn gây khó thở.
  • Thở Oxy nếu khó thở mạn tính. các bác sĩ sẽ dựa vào các chỉ số chức năng hô  hấp và khí máu để quyết định việc thở Oxy dài hạn tại nhà hoặc thở máy.
  • Nếu tình trạng bệnh quá nặng nề hoặc phổi có nhiều kén khí hay các tổn thương lớn không hồi phục gây ảnh hưởng đến chức năng thông khí, các bác sĩ có thể xem xét chỉ định đặt van một chiều phế quản, phẫu thuật cắt thùy phổi hay cấy ghép phổi.

Thuốc điều trị trong mắc lao ở người bệnh bụi phổi cũng giống như điều trị lao ở các bệnh nhân mắc lao khác. Các thuốc đặc trị cũng gồm có 2 loại chính là thuốc chống lao thiết yếu ( 5 loại thuốc là: isoniazid, rifampicin, pyrazinamid, streptomycin, ethambutol) và thuốc chống lao hàng 2 (gồm các thuốc: kanamycin, amikacin, capreomycin; nhóm fluoroquinolones và một số thuốc khác)

Trong trường hợp phát hiện lao tiềm ẩn ở người bệnh bụi phổi, việc điều trị sẽ gồm ít thuốc hơn với các phác đồ cụ thể theo các khuyến cáo mới nhất, trong vòng 6-9 tháng.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ