Từ điển bệnh lý

Chốc : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Chốc

Chốc là một bệnh rất phổ biến, thuộc nhóm bệnh da nhiễm khuẩn.

Đặc trưng của bệnh là các mụn nước, bọng nước. Tuy nhiên, khác với các bệnh da bọng nước khác, mụn nước và bọng nước ở bệnh Chốc thường nông, rải rác ở bất kì vị trí nào, chúng nhanh chóng dập vỡ thành các vết trợt sau đó thì đóng vảy tiết với màu vàng mật ong khá đặc trưng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hầu hết ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ 2-5 tuổi, bé trai nhiều hơn bé gái. Chỉ có 1 số lượng ít người lớn có thể bị chốc khi có miễn dịch kém hoặc suy giảm.

Bệnh chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu. Ở những vùng khí hậu nóng ẩm, bệnh có thể diễn ra quanh năm.

Ước tính tại một thời điểm, trên toàn thế giới có khoảng 162 triệu trẻ em bị chốc. Chốc phổ biến hơn ở các nước, các khu vực kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, dân cư đông đúc, nơi ở ẩm thấp, chật chội, vệ sinh kém.

Chốc hóa là một tình trạng nhiễm trùng nông trên da, thường xuất hiện sau một tình trạng tổn thương da hoặc một vết thương tiên phát trước đó.

Chốc loét là thương tổn chốc bị loét sâu.


Nguyên nhân Chốc

Có 2 tác nhân được cho là căn nguyên chính gây bệnh Chốc là tụ cầu vàng và liên cầu. Chúng có thể đơn độc gây bệnh hoặc phối hợp với nhau. Chúng thường xâm nhập vào da người bệnh thông qua những vết thương, ổ nhiễm khuẩn tiên phát trước đó và gây bệnh.

Một số bệnh da như viêm da cơ địa, thủy đậu, ghẻ, vết đốt do côn trùng… sẽ gây ra những tổn thương nhất định trên da người bệnh, chúng hoàn toàn có thể là căn nguyên cho sự khởi phát của bệnh Chốc.

Chốc sẽ gây ra những tổn thương nhất định trên da người bệnh


Triệu chứng Chốc

Bệnh có thể biểu hiện với sự đa dạng các thương tổn hoặc chỉ có một thương tổn đơn độc.

Toàn thân:

BN có thể có biểu hiện như một tình trạng nhiễm khuẩn: sốt hoặc không, có thể kèm theo mệt mỏi, hoặc hạch viêm phản ứng.

Cơ năng:

Có thể ngứa, tùy từng BN mà mức độ ngứa nhiều hay ít. Đây chính là tác nhân gây lây lan thương tổn và thậm chí dẫn đến biến chứng bội nhiễm

Thực thể:

- Chốc không có bọng nước:

+ Thương tổn ban đầu là dát đỏ, căng da mất màu, kích thước đường kính 0,5-1cm.

+ Thương tổn tiếp theo là bọng nước, mụn nước sẽ xuất hiện trên nền da đỏ, vòm bọng nước nhăn nheo dễ vỡ, sẽ hình thành bọng mủ, mụn mủ sau vài giờ

+ Tiếp đến sẽ là các thương tổn vảy tiết màu vàng mật ong sau khi các bọng nước, mụn nước dập vỡ .

+ Sau khoảng 1 tuần, lớp vảy tiết khô dần sau đó bong ra để lại lớp da ẩm ướt, màu hồng nhạt, thường ít để lại sẹo hoặc chỉ là các dát tăng số tố trên da, sẽ lành dần theo thời gian

– Chốc loét:

+ Các triệu chứng ban đầu thường tương tự các trường hợp chốc không bọng nước

+ Tuy nhiên, thay vì tiến triển dần thành các lớp vảy tiết, các thương tổn trong chốc loét lại tiến triển theo hướng khác, hình thành nên những vết loét, có hoại tử, diễn biến lâu lành, thường để lại sẹo xấu

– Chốc bọng nước:

+ Thương tổn ban đầu là các mụn nước nhỏ, tiến triển dần thành bọng nước.

+ Vòm bọng nước mỏng, dễ vỡ, kích thước to nhỏ không đều, bên trong chứa dịch vàng trong , nhanh chóng chuyển thành vàng đậm.

+ Sau 1-3 ngày, những bọng nước này sẽ vỡ thành những vết trợt ẩm ướt, lành dần và không để lại sẹo

Vị trí:

- Thương tổn thường xuất hiện ở vùng da hở: mặt, tay, chân, ít gặp hơn ở: thân mình và các vị trí khác của cơ thể.

- Ngoài ra thương tổn có thể xuất hiện ở niêm mạc má của người bệnh ở trường hợp chốc bọng nước

Tiến triển:

Bệnh hoàn toàn có thể khỏi sau 1-2 tuần, tuy nhiên có những trường hợp bệnh tiến dai dẳng hơn do thương tổn lan tràn bởi việc chà xát vùng thương tổn làm lây lan thêm hoặc vệ sinh vùng thương tổn kém, làm bội nhiễm.


Các biến chứng Chốc

Có thể gặp biến chứng tại chỗ và toàn thân

Tại chỗ

- Chàm hoá: xuất hiện những thương tổn mới như mụn nước trên nền thương tổn chốc cũ, gây khó chịu và ngứa nhiều hơn => nặng thêm tình trạng bệnh.

- Chốc loét: thương tổn chốc lan rộng, sau vỡ để lại vết loét sâu => không điều trị sớm thương tổn lâu lành, dễ để lại sẹo xấu.

- Viêm mô tế bào: việc bị chốc sẽ gây nên những thương tổn nhất định trên da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây nên các bệnh lý khác như viêm mô tế bào.

Toàn thân

- Viêm đường hô hấp

- Nhiễm khuẩn huyết

- Viêm màng não

- Viêm cơ

- Viêm cầu thận cấp

- Sốt tinh hồng nhiệt

- Hội chứng bong vảy da do tụ cầu: nhiễm trùng cấp tính ở da do tụ cầu vàng

- Viêm tủy xương

Bệnh chốc gây nhiều biến chứng nguy hiểm


Đường lây truyền Chốc

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua những vết thương nhẹ trên da như vết xước, vết cắn, đốt của côn trùng, thương tổn phát ban, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa.

Vậy, Bệnh Chốc liệu có lây?

+ Bệnh Chốc rất dễ lây lan.

+ Khi ai đó chạm vào vết loét của người bị chốc, hoặc các vật dụng cá nhân của người bị chốc có chứa dịch tiết từ mụn nước, bọng nước thì người đó cũng có thể bị lây chốc. Rất đơn giản phải không nào?

+ Những hành động cào gãi, chà xát vết loét có thể lây lan thương tổn từ vị trí này sang vị trí khác trên da của bạn hoặc sang người khác


Đối tượng nguy cơ Chốc

Bệnh chốc thường có yếu tố dịch tễ. Thường gặp ở các

Đối tượng:

+ Bệnh dễ dàng lây lan từ trẻ này sang trẻ khác trong các lớp học hoặc trung tâm trông giữ trẻ.

+ Lây lan từ người này sang người khác trong cùng gia đình.

+ Người có chấn thương nhẹ trên da, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên bệnh Chốc.

Yếu tố thuận lợi:

+ Trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

+ Thời tiết, khí hậu nóng ẩm.

+ Điều kiện vệ sinh cá nhân kém.

+ Người có sức đề kháng kém: tiểu đường, các bệnh lý mạn tính, giảm bạch cầu...

+ Người có bệnh lý về da trước đó như viêm da cơ địa, côn trùng đốt, cắn, chấy rận, ghẻ...


Phòng ngừa Chốc

Giữ vệ sinh tốt là 1 cách để phòng ngừa bệnh Chốc hiệu quả nhất.

- Tắm hàng ngày và rửa tay, chân thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn trên da.

- Khi có vết thương trên da cần phải được vệ sinh sạch sẽ, che phủ đảm bảo không để vi khuẩn xâm nhập.

- Tránh để côn trùng đốt, điều trị triệt để các nguồn nhiễm khuẩn.

- Luôn cắt ngắn và giữ sạch sẽ móng tay của bạn, không gãi, chà xát làm lan rộng các vết thương trên da.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị chốc.

- Luôn giữ sạch sẽ các vật dụng cá nhân: đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ thể thao, quần áo, chăn màn, ga, gối, khăn tắm...

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

- Hạn chế ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.

Đề phòng lây bệnh cho người khác khi bản thân bị Chốc

- Không tiếp xúc gần với mọi người xung quanh cho tới khi vảy tiết đã khô.

- Không sử dụng chung đồ dùng với mọi người trong gia đình hay nơi công cộng.

Không sử dụng chung đồ dùng với mọi người trong gia đình hay nơi công cộng

Không sử dụng chung đồ dùng với mọi người trong gia đình hay nơi công cộng

- Thay quần áo và giặt hàng ngày

- Điều trị sớm, tích cực, tránh chà xát, cào gãi gây lan rộng tổn thương và gây biến chứng


Các biện pháp chẩn đoán Chốc

Chẩn đoán bệnh Chốc chủ yếu căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng như đã mô tả ở trên mà không cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán.

Tuy nhiên, có thể chỉ định một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh, thể bệnh, xác định các căn nguyên đồng nhiễm như nhuộm soi, nuôi cấy vi khuẩn, mô bệnh học.


Các biện pháp điều trị Chốc

Bệnh Chốc nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng đáng tiếc không đáng có.

Nguyên tắc

- Cần điều trị toàn thân kết hợp điều trị tại chỗ.

- Chống ngứa: tránh làm lây lan thương tổn

- Điều trị cả biến chứng nếu có.

Điều trị cụ thể

- Tại chỗ:

+ Làm sạch vùng thương tổn, loại bỏ vảy tiết, da hoại tử

+ Sát trùng thương tổn bằng các dung dịch: povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine, thuốc tím pha loãng 1/10000... hoặc dùng kháng sinh bôi vùng thương tổn: acid fusidic, mupirocin, erythromycin 2-3 lần/ ngày

+ Với những thương tổn bọng nước, bọng mủ, dùng dung dịch màu: milian, castellani, dung dịch eosin 2%...để làm khô cũng như sát khuẩn thương tổn.

+ Che phủ vùng thương tổn bằng gạc sạch

+ Trường hợp thương tổn vảy tiết nhiều: dùng gạc tẩm nước muối sinh lý 9‰, thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc dung dịch Jarish đắp lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy tiết.

- Toàn thân:

+ Trường hợp chốc nhiều tổn thương, lan rộng: dùng kháng sinh toàn thân (Cephalexin, Docloxacin, Clindamycin, Amoxicillin/ clavulanic), liều lượng ở người lớn, trẻ em sẽ khác nhau. Khi dùng thuốc kháng sinh nếu không thấy hiệu quả thì cần làm kháng sinh đồ.

+ Dùng thuốc chống dị ứng: để giảm ngứa khi có ngứa

+ Điều trị cả các biến chứng nếu có

Dùng thuốc trong điều trị bệnh chốc

Nếu chưa có điều kiện đến cơ sở y tế thì BN Chốc cần làm gì? Chăm sóc tại nhà như thế nào?

- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vùng thương tổn chốc

+ Tắm bằng nước chè xanh: giúp khô se những tổn thương bọng nước rất tốt.

+ Dùng các thuốc sát trùng như betadine, xanh methylen để vệ sinh hàng ngày vùng thương tổn.

- Theo dõi sát tình trạng thương tổn, nếu không cải thiện hoặc có xu hướng nặng lên thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra

- Đối với trẻ bị chốc, cha mẹ cần cho con nghỉ tại nhà để kiểm soát các hoạt động của con, theo dõi sát, tránh để trẻ sờ, gãi vùng thương tổn do tình trạng ngứa của bệnh, ngăn ngừa việc lây lan thương tổn, dẫn đến các biến chứng, cũng như tránh lây lan sang cho các trẻ khác, người khác.


Tài liệu tham khảo:

  • Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh Da Liễu của Bộ Y Tế năm 2015
  • https://dalieu.vn/benh-choc/ 3. https://www.healthline.com/health/impetigo

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.