Từ điển bệnh lý

Đa ối : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Đa ối

Trong buồng tử cung, thai nhi được phát triển, quẫy đạp, và bơi trong một môi trường chất lỏng đặc biệt, đó chính là nước ối. Nước ối không chỉ có tác dụng giảm thiểu các chấn thương cơ học khi bụng mẹ bị va đập, mà còn là môi trường vô khuẩn giúp ngăn chặn được các nhiễm trùng, đồng thời, nước ối cũng là một nguồn dinh dưỡng và ổn định thân nhiệt cho thai.

Tình trạng nước ối xung quanh thai nhi nhiều quá mức so với bình thường được gọi là đa ối (AFI > 25cm). Chỉ khoảng 1% số trường hợp thai nghén là đa ối.

Tình trạng nước ối xung quanh thai nhi nhiều quá mức so với bình thường được gọi là đa ối

Tình trạng nước ối xung quanh thai nhi nhiều quá mức so với bình thường được gọi là đa ối

Trong một nghiên cứu của Golan và cộng sự (1993) và rất nhiều các nghiên cứu khác đều cho ra một tỷ lệ phần lớn đa ối không tìm được nguyên nhân và chỉ khoảng 1/3 số trường hợp đa ối có đi kèm các bất thường về thai và mẹ (như mẹ tiểu đường, đa thai, dị dạng thai…).

Tình trạng đa ối cũng không gây bất lợi gì ở phần lớn trường hợp mang thai, tuy nhiên, khi được phát hiện đa ối thì thai phụ cần phải thăm khám cẩn thận hơn và nên được sinh con trong bệnh viện.

Cách xác định đa ối trên siêu âm dựa trên chỉ số đo 4 góc ối cộng lại (AFI), hoặc dựa trên số đo góc ối sâu nhất (chiều sâu túi ối lớn nhất đo theo phương thẳng đứng không đo phần thai, dây rốn, bánh rau…).

Ở một số trường hợp như sau khi uống nước đường, sau khi ăn khiến cho chỉ số ối bị tăng lên tạm thời. Vì vậy, khi nghi ngờ một trường hợp đa ối cần phải thực hiện siêu âm lại nhiều lần trước khi chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị.

Phân loại đa ối:

- Theo thời gian:

  • Đa ối có thể xuất hiện đột ngột (khoảng 3 ngày) gây ra các triệu chứng khó chịu cho bà mẹ được gọi là đa ối cấp. Đa ối cấp thường có nguyên nhân bất thường (như dị dạng thai…).
  • Trong đa số trường hợp, tình trạng đa ối diễn biến từ từ trong những tháng cuối thai kỳ, được phát hiện nhờ khám thai định kỳ và biểu hiện kín đáo.

- Theo mức độ:

  • Đa ối thể nhẹ (góc ối sâu nhất 8-11cm, chiếm 80% trường hợp),
  • Đa ối thể trung bình (góc ối sâu nhất 12-15cm, chiếm 15% trường hợp),
  • Đa ối thể nặng (góc ối sâu nhất > 16cm, chiếm 5% trường hợp).

Nguyên nhân Đa ối

- Dị dạng thai: dị dạng hệ thống thần kinh trung ương, ống tiêu hóa…Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai nhi dị dạng kết hợp thai vô sọ và dị tật teo thực quản chiếm khoảng 50% số trường hợp.

- Mẹ bị đái tháo đường.

Mẹ bị đái tháo đường

Mẹ bị đái tháo đường

- Mẹ mắc chứng loạn tăng trương lực cơ (hiếm gặp trên thực tế).

- Đa thai: song thai có hội chứng truyền máu (một thai thiểu ối, một thai đa ối).

- Thiếu máu bào thai, nhiễm trùng bào thai, bất đồng nhóm máu mẹ con…

Sinh bệnh học đa ối:

- Nước ối được hình thành ngay từ thời kỳ đầu thai nghén. Bản chất nước ối có thành phần giống như dịch gian bào. Từ nửa đầu thai kỳ, màng ối và da thai nhi đã cho phép các chất có trọng lượng phân tử nhỏ và nước đi qua. Dần dần, khi thai nhi phát triển ở giai đoạn quý 2 của thai kỳ bắt đầu có thể uống được nước ối và đào thải nước tiểu ra ngoài buồng ối. Biểu mô màng ối chế tiết ra hầu hết nước ối. Thành phần hóa học trong nước ối thường hằng định.

- Trường hợp thai nhi mắc dị tật teo thực quản sẽ không thể uống được nước ối, vì vậy, tình trạng đa ối xảy ra.

- Khi thai nhi mắc các dị tật về thần kinh điển hình là thoát vị cột sống hoặc thai vô sọ, dịch não tủy sinh ra sẽ bị tống vào buồng ối, gây ra đa ối bệnh lý.

- Khi bị kích thích trung tâm não tủy, việc bài tiết nước tiểu quá nhiều cũng là nguyên nhân gây đa ối. Ở trường hợp các thai thiếu yếu tố chống bài niệu cũng gây ra tình trạng tương tự trên.

- Ở những bà mẹ tiểu đường thai kỳ, tình trạng đa ối cũng thường xuất hiện trong 3 tháng cuối. Về nguyên nhân còn chưa được biết rõ. Có nhiều nghiên cứu cho rằng khi bà mẹ bị tiểu đường cũng gây ra tình trạng tăng đường huyết ở thai nhi. Thai nhi lúc này sẽ có thể gặp tình trạng lợi niệu thẩm thấu. Việc tăng bài tiết nước tiểu ở thai nhi cũng có thể gặp sau khi bà mẹ ăn no mà không phải là bị tiểu đường thai kỳ.


Triệu chứng Đa ối

- Triệu chứng của đa ối trong phần lớn các trường hợp thường rất kín đáo, lượng nước ối tăng lên một cách từ từ, thai phụ có thể không cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể. Những trường hợp này nhờ vào những lần đi khám thai định kỳ mà vô tình phát hiện ra tình trang đa ối.

- Đôi khi, đa ối xuất hiện trong bệnh cảnh hết sức cấp tính, khiến cho thai phụ đột ngột đau bụng, cảm giác khó thở. Những trường hợp này khiến cho thai phụ hết sức lo lắng, mạch nhanh, và có thể khám thấy tình trạng phù toàn thân.

- Đa ối khiến cho tử cung to quá mức, gây chèn ép vào niệu quản ở 1 hoặc 2 bên, dẫn đến tình trạng thiểu niệu.

- Khám lâm sàng: vì lượng nước ối nhiều bất thường khiến cho tử cung căng và to hơn so với tuổi thai. Khi khám, sờ nắn các phần thai sẽ khó cảm nhận, có thể thấy phản ứng sóng vỗ, và nghe tiếng tim thai xa xăm.


Phòng ngừa Đa ối

Để phòng ngừa đa ối, thai phụ cần lưu ý:

- Thai phụ cần được quản lý thai nghén tốt, khám thai theo lịch hẹn và khám lại ngay khi xuất hiện các bất thường như đau bụng, khó thở, thấy bụng to tăng nhanh quá mức…

- Thời điểm thai 24-28 tuần cần được kiểm tra nghiệm pháp dung nạp đường huyết để phát hiện tiểu đường thai kỳ và có thái độ xử trí phù hợp. Những trường hợp có nguy cơ cao tiểu đường thai kỳ như tiền sử tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước, gia đình có người tiểu đường… cần điều chỉnh chế độ ăn ngay từ giai đoạn đầu thai nghén và được kiểm soát đường huyết chặt chẽ.

- Chẩn đoán sàng lọc trước sinh bằng hình thái nhờ siêu âm hoặc các xét nghiệm sàng lọc Double test, Triple test, NIPT…tìm các dị tật bẩm sinh trong giai đoạn sớm của thai kỳ.


Các biện pháp chẩn đoán Đa ối

Chẩn đoán: Siêu âm đo chỉ số ối là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định. Ở những cơ sở không có siêu âm thai thì đa ối được chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng thấy bụng to, tử cung to hơn so với tuổi thai, cảm giác căng tức. Khi sờ nắn các phần thai sẽ khó khăn hơn so với khám thai bình thường, đặt ống nghe gỗ xác định ổ tim thai thấy tim thai mờ, xa xăm.

 Siêu âm đo chỉ số ối là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định

Siêu âm đo chỉ số ối là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định

Chẩn đoán phân biệt:

Chấn đoán phân biệt chủ yếu vì các triệu chứng cơ năng bụng to hơn tuổi thai, khó thở… tuy nhiên, nếu kỹ thuật siêu âm tốt thì đều có thể xác định được chẩn đoán.

- Chửa trứng: đây là chẩn đoán cần phân biệt ở giai đoan thai nhỏ. Trong chửa trứng cũng có tình trạng tử cung to nhanh và thường to hơn so với tuổi thai. Xét nghiệm beta-hCG cao hơn so với thai cùng lứa tuổi. Phân biệt dựa vào hình ảnh siêu âm điển hình của chửa trứng là hình ảnh ruột bánh mì trong buồng tử cung, có hoặc không có túi thai.

- Bàng quang đầy nước tiểu: trường hợp này khiến cho bụng thai phụ căng hơn, khám các phần thai khó khăn hơn… Khi cho bệnh nhân đi tiểu hết hoặc thông tiểu thì khám thai sẽ thấy thai bình thường.

- Cổ trướng: bệnh nhân có cổ trướng cũng có bụng to, căng bóng. Thường rốn lồi và tuần hoàn bàng hệ. Siêu âm thấy dịch tự do ổ bụng nhiều và cổ trướng thường diễn biến ở bệnh nhân có xơ gan, ung thư gan…

- Thai to: trường hợp thai to cũng gây ra tình trạng tử cung to hơn so với tuổi thai. Tuy nhiên, thao tác sờ nắn các phần thai và nghe tim thai lại rất dễ dàng chứ không gặp khó khăn như trong đa ối. Có thể phân biệt với đa ối bằng siêu âm thai đo các chỉ số ối trong giới hạn bình thường.

- Chửa đa thai: ở những thai phụ chửa đa thai thì có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với đa ối là tử cung to hơn tuổi thai, cảm giác khó thở, phù sớm do tử cung to chèn ép…Tuy nhiên, chẩn đoán phẩn biệt với đa ối cũng nhờ siêu âm thấy nhiều thai trong tử cung. Cũng có trường hợp đa thai mà trong đó có cả thai đa ối và thai thiểu ối (trong hội chứng truyền máu).


Các biện pháp điều trị Đa ối

Xử trí đa ối: khi được chẩn đoán đa ối, tùy thuộc mức độ đa ối như đã phân loại ở trên sẽ có thái độ điều trị thích hợp như sau:

1. Đa ối thể nhẹ: thai phụ đa ối nhẹ thường không cần điều trị gì, chỉ theo dõi siêu âm định kỳ và quản lý thai nghén bình thường.Chỉ điều trị khi đa ối có diễn biến nặng hơn và gây khó chịu cho thai phụ.

2. Đa ối thể trung bình:

- Xử trí vẫn là theo dõi là chủ yếu, chỉ nhập viện điều trị khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, khó thở. Thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường, được dùng kháng sinh phù hợp ( Amoxycillin là thuốc đầu tay của các bác sỹ sản khoa với liều điều trị 2g/ngày), bệnh nhân sẽ được theo dõi sự tiến triển của đa ối bằng siêu âm lặp lại nhiều lần. Đồng thời, nhờ siêu âm có thể phát hiện được các bất thường về sự phát triển của thai cũng như dị tật thai.

 Thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường, được dùng kháng sinh phù hợp

Thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường, được dùng kháng sinh phù hợp

- Chọc ối làm xét nghiệm sinh hóa và tế bào.

3. Đa ối thể nặng: thường đi kèm các bất thường về thai.

- Chọc ối: giúp làm giảm lượng nước ối trong buồng tử cung vì mỗi lần chọc ối sẽ loại bỏ được khoảng 1.5 lít dịch ối. Điều này giúp cho thai phụ dễ chịu hơn, đỡ khó thở, bụng giảm căng cứng. Ngoài ta, nhờ chọc ối ta còn sử dụng dich ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc thể, tế bào học. Thủ thuật này có thể có một vài biến chứng nguy hiểm cho thai như vỡ ối, rau bong non,hoặc không đảm bảo vô khuẩn sẽ gây ra viêm màng ối.

- Liệu pháp Indomethacine: nên sử dung 1.5-3mg/ngày để giúp giảm chế tiết và tăng hấp thu dịch phổi. Ngoài ra, Indomethacine còn có tác dụng giảm bài tiết nước tiểu, và tăng tính thấm qua màng thai.

- Kháng sinh: sử dụng đầu tay là kháng sinh nhóm Beta-lactam vì đã được nghiên cứu tính an toàn cho thai.

- Siêu âm nhiều lần để theo dõi sự phát triển của thai, phát hiện các dị tật hình thái thai.

- Nếu thai dị dạng thì đình chỉ thai bằng bấm ối, kích thích tạo cơn co tử cung và cho đẻ thường. Chú ý theo dõi sát sau đẻ tránh đờ tử cung, tránh để sót rau và màng rau.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ