Từ điển bệnh lý

Đau cổ vai gáy : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 13-02-2025

Tổng quan Đau cổ vai gáy

Thực trạng tại các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy: bệnh liên quan đến triệu chứng đau cổ vai gáy có xu hướng tăng về số lượng, đặc biệt là nhóm đối tượng nhân viên văn phòng, người trẻ tuổi.

Theo số liệu thống kê năm 2024 tại hệ thống Y tế MEDLATEC ghi nhận: có hơn 600 ca bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng cổ vai gáy và 255 ca bệnh được chẩn đoán đau mỏi cổ gáy, đau cổ gáy cấp tính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các đối tượng mắc bệnh có 67,5% là nữ giới và có độ tuổi trung bình từ 30-50 tuổi.

Hội chứng cổ vai gáy là tình trạng liên quan đến các triệu chứng đau, mỏi hoặc co cứng các cơ ở vị trí vùng cổ, vai và gáy. Người bệnh sẽ cảm thấy đau khi cử động cổ và cánh tay, gây hạn chế vận động và khó chịu.

Cơn đau cơ vùng cổ, vai, gáy thoáng qua hoặc cấp tính có thể tự khỏi trong khoảng 7 ngày. Trường hợp các triệu chứng đau ngày càng tăng, đau kèm triệu chứng bất thường tại các cơ quan khác hoặc cơn đau kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.



Nguyên nhân Đau cổ vai gáy

Có nhiều nguyên nhân gây cổ vai gáy tùy thuộc vào đối tượng, công việc và hoàn cảnh tác động gây cơn đau. Bài viết này phân loại thành 02 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lý.

  • Nguyên nhân cơ học

Nguyên nhân cơ học là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cơn đau cổ vai gáy cấp tính, tức thời:

  • Chấn thương: có lực tác động từ bên ngoài hoặc thực hiện động tác sai làm chấn thương, kéo căng, rách đột ngột các cơ, dây chằng, mô mềm vùng cổ vai gáy.

Ví dụ: bị chấn thương sau các môn thể thao đối kháng, bị tai nạn giao thông hoặc thói quen “bẻ cổ” (gập cổ, lắc cổ mạnh).

  • Căng cơ quá mức: tư thế làm việc, sinh hoạt không đúng làm cơ vùng cổ vai gáy căng quá mức, liên tục trong thời gian dài.

Ví dụ: tư thế ngồi máy vi tính kéo dài nhiều giờ liền, game thủ sử dụng máy tính nhiều ngày liên tục, nằm ngủ sai tư thế khiến cổ bị vẹo,...

  • Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý của cơ thể gây ảnh hưởng gián tiếp đến vùng cơ xương khớp tại cổ, vai, gáy hay nói cách khác, đau cổ vai gáy có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho một số bệnh lý như:

  • Bệnh lý liên quan đến cột sống cổ: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, vôi hóa cột sống, gai cột sống: gây chèn ép vào dây thần kinh tạo cảm giác đau.
  • Bệnh lý liên quan đến các dây thần kinh: rối loạn chức năng thần kinh vùng cổ vai gáy, viêm dây thần kinh cánh tay
  • Ung thư:đau cổ vai gáy dai dẳng trong một số trường hợp là dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh ung thư các cơ quan vùng đầu mặt cổ.
    • Yếu tố tăng nguy cơ đau cổ vai gáy

Như đã đề cập ở trên, các triệu chứng đau cổ vai gáy sẽ tùy thuộc vào đối tượng, công việc và hoàn cảnh tác động gây cơn đau, trong đó có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đau cổ vai gáy hơn như:

  • Tuổi tác:hội chứng đau cổ vai gáy có nhóm tuổi ngày càng trẻ hóa. Trước đây các triệu chứng đau cổ vai gáy gặp nhiều ở người lớn tuổi, các cơ quan thoái hóa và suy giảm chức năng, khả năng đau mỏi các cơ quan hệ cơ xương khớp cao hơn.

Ngày nay, do tính chất công việc và thói quen ngại vận động, khiến máu ít lưu thông tại vùng cổ, bả vai và dẫn đến đau mỏi.

Các công việc cần ngồi nhiều, sử dụng máy tính (nhân viên văn phòng, game thủ,...) hoặc thói quen cúi người sử dụng điện thoại liên tục, nằm ngủ sai tư thế đều có nguy cơ gây đau mỏi cổ vai gáy.

  • Những người có tiền sử các bệnh lý về cơ bắp và xương khớp, chấn thương hoặc người có chế độ ăn uống thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong thời gian dài cũng dễ xuất hiện triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy.

Tại hệ thống Y tế MEDLATEC năm 2024, trong hơn 855 ca bệnh có liên quan đến hội chứng cổ vai gáy: người dưới 30 tuổi chiếm 23%; dưới 40 tuổi chiếm 31%; dưới 50 tuổi chiếm 24% và 22% từ 50 tuổi trở lên.



Triệu chứng Đau cổ vai gáy

Hội chứng cổ vai gáy dễ dàng được nhận biết với triệu chứng, vị trí, tính chất đau và thời điểm khởi phát như:

  • Cơn đau xuất hiện ngay sau khi chấn thương, sau động tác vận động cổ quá mức hoặc sau khi ngủ dậy (do nằm sai tư thế) hoặc sau khi lao động nặng quá sức, làm việc ở một tư thế trong nhiều giờ liên tục.
  • Đau nhức, co cứng cơ tại một điểm ở cổ, vai, gáy hoặc cả vùng cánh tay hoặc lan rộng cả vùng.
  • Đau hơn khi cử động cổ, vai, cánh tay hoặc khi ấn vào làm hạn chế các động tác quay đầu, gật đầu, cử động cánh tay.
  • Có cảm giác đau, tê bì ở cổ, vai lan xuống vùng cánh tay, bàn tay hoặc lan xuống vùng lưng.
  • Một số trường hợp người bệnh có thể xuất hiện kèm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt…

 Đau mỏi cơ vùng cổ, vai, gáy

 Đau mỏi cơ vùng cổ, vai, gáy


Phòng ngừa Đau cổ vai gáy

Tình trạng đau cổ vai gáy hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu với một số thói quen đơn giản như:

Điều chỉnh tư thế làm việc, thói quen sinh hoạt

  • Điều chỉnh tư thế đầu, cổ thích hợp trong các hoạt động. Ngồi thẳng lưng, giữ khoảng cách tối thiểu 40 centimet với màn hình máy tính, nghỉ giải lao và vận động nhẹ nhàng tại chỗ thường xuyên
  • Hạn chế hoạt động nặng và các tư thế xấu gây ảnh hưởng vùng cổ vai gáy: như ngồi lệch đầu cổ, xoay cổ, lắc cổ quá mức (thói quen “tự bẻ cổ”), nằm sử dụng điện thoại…
  • Chú ý tư thế nằm ngủ: sử dụng gối và đệm phù hợp để giữ cho cổ và vai thẳng khi nằm.

Vận động, tập thể dục thường xuyên

  • Các bài tập vận động giúp tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ, xương vùng cổ vai gáy.
  • Luyện tập các môn thể thao nhẹ, không quá mất sức.

Khuyến cáo tư thế ngồi làm việc máy tínhKhuyến cáo tư thế ngồi làm việc máy tính

Ngoài ra cần tập thói quen uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2 lít nước/ ngày), ăn đa dạng thức ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng các nhóm. Bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho xương khớp.

Đau cổ vai gáy là bệnh thường gặp song có thể điều trị và dự phòng được nếu điều chỉnh các thói quen làm việc và sinh hoạt phù hợp. Khi có triệu chứng đau mỏi vùng cổ vai gáy, cần điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và hoạt động hàng ngày của người bệnh.




Các biện pháp chẩn đoán Đau cổ vai gáy

Các triệu chứng đau cổ vai gáy cấp tính có thể tự biến mất sau khoảng 1 tuần có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên người bệnh nên cẩn thận kiểm tra tại các cơ sở y tế khi triệu chứng đau kèm theo các dấu hiệu bất thường như:

  • Triệu chứng đau cổ, vai, gáy kéo dài trên một tuần.
  • Mức độ đau ngày càng tăng, tần suất cơn đau xuất hiện nhiều hơn, thậm chí lúc nghỉ ngơi.
  • Đau kèm theo một số triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao, khó thở.

Một số trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp cần phải đến bệnh viện để được can thiệp ngay lập tức:

  • Đau vùng cổ vai gáy xuất hiện đột ngột, dữ dội sau chấn thương, tai nạn.
  • Hạn chế hoàn toàn việc chuyển động vùng cổ, cánh tay.
  • Vùng cổ vai gáy bị tê bì mất cảm giác, hoặc có biến dạng hoặc sưng bất thường.
  • Có các triệu chứng toàn thân kèm theo như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao, khó thở, ... với mức độ nặng, người bệnh không chịu đựng được.

Ngoài việc khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện các thử nghiệm kiểm tra phản xạ vùng cổ vai gáy và chỉ định các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng hỗ trợ đưa ra chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân gây bệnh.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc hệ thống y tế MEDLATEC có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia về cơ xương khớp, thần kinh, phục hồi chức năng cùng với sự hỗ trợ của xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, giúp thăm khám và chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời.

Các trang thiết bị, dịch vụ tại MEDLATEC:

  • Chụp X-quang, chụp Cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): phát hiện các tổn thương xương tại cột sống, cơ hoặc mạch máu, dây thần kinh.
  • Điện cơ (đo tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh) phát hiện sự chèn ép dây thần kinh vùng cổ, vai, gáy.
  • Siêu âm phần mềm xung quanh vị trí đau.



Các biện pháp điều trị Đau cổ vai gáy

Sau khi có kết quả về tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân đảm bảo các nguyên tắc chính trong điều trị các bệnh liên quan đến cơ xương khớp và hội chứng cổ vai gáy:

  • Điều trị triệu chứng kết hợp giải quyết nguyên nhân. 
  • Kết hợp điều trị nội khoa và các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. 
  • Chỉ chỉ định ngoại khoa với các trường hợp tiên lượng nặng.

Hội chứng cổ vai gáy nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời có thể diễn biến nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.

  • Điều trị tại cơ sở y tế
  • Điều trị nội khoa: sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ…

Đa số các triệu chứng đau cấp tính sẽ hết dần sau điều trị nội khoa. Tuy nhiên người bệnh cần phối hợp và tuân thủ hoàn toàn hướng dẫn của bác sĩ trong sử dụng thuốc kết hợp nghỉ ngơi, vận động. 

    • Trong giai đoạn đau nhiều cấp tính hoặc đau sau chấn thương, cần dùng đai mềm cố định cổ để hạn chế cử động cột sống cổ.
    • Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng với các kỹ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, điện xung, sóng hồng ngoại, sáp parafin, …
  • Can thiệp ngoại khoa với thuốc tiêm hoặc phẫu thuật

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hoặc Tiêm phong bế thần kinh giúp giảm đau với các triệu chứng đau cổ vai gáy mãn tính sau khi đã điều trị bằng thuốc uống không hiệu quả.

Phẫu thuật: trong trường hợp có tổn thương nặng kéo dài, không đáp ứng điều trị nội khoa và có liên quan đến các bệnh lý rễ thần kinh hoặc tủy sống

  •  Biện pháp hỗ trợ giảm đau tại nhà

Ngoài điều trị tại bệnh viện, người bệnh có thể kết hợp các biện pháp giúp hạn chế triệu chứng đau hoặc khó chịu tại vùng cổ vai gáy như:

  • Chườm vào vùng cổ, vai gáy: chườm lạnh khi đau cấp, chườm ấm khi đau mạn.
  • Giảm đau bằng thuốc uống hoặc cao dán. Lưu ý cần theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng ngoài ý muốn, gây nặng hơn diễn biến bệnh.
  • Nghỉ ngơi và giảm tần suất hoặc mức độ công việc tác động nhiều đến vùng cổ vai gáy. Sau khi các triệu chứng đau thuyên giảm, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng, từ từ để giúp cơ cổ gáy được thư giãn.
  • Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc khi chưa hết liệu trình điều trị.

Tại Hệ thống Y tế MEDLATEC có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia về cơ xương khớp, thần kinh, phục hồi chức năng cùng với sự hỗ trợ của xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, giúp thăm khám và chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời.
Liên hệ tổng đài 1900.56 56 56 hoặc truy cập medlatec.vn để đặt lịch.


Tài liệu tham khảo:

Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ