Từ điển bệnh lý
Đau lưng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Đau lưng
Xã hội càng phát triển, tiện nghi cuộc sống ngày càng đầy đủ và thoải mái, mặt trái kèm theo đó là tăng nguy cơ con người phải đối diện với bệnh tật. Thực trạng tại các bệnh viện, các bệnh liên quan đến lối sống ngày càng nhiều, trong đó bệnh do đau lưng có xu hướng ngày càng tăng lên về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi.
Theo số liệu khám chữa bệnh được thống kê trong 11 tháng của năm 2024, hệ thống y tế MEDLATEC ghi nhận có gần 13 nghìn lượt khám chuyên khoa cơ xương khớp, trong đó 31% người bệnh có các triệu chứng đau lưng. Sau khi thăm khám, có 21% được chẩn đoán có thoái hóa/đau cột sống các vị trí; 13% loãng xương; 12% có tình trạng thoát vị; 2% liên quan đến dây thần kinh tọa.
Đau lưng (Back pain) là một bệnh thuộc hệ cơ xương khớp hay gặp trong đời sống, cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua hoặc có thể diễn biến trong thời gian dài, gây khó khăn trong sinh hoạt hoặc làm việc.
Đau lưng gặp nhiều ở cả đối tượng nam và nữ giới, với nhiều thể loại nghề nghiệp khác nhau và độ tuổi mắc phải thì ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê tại MEDLATEC, trong gần 3.800 lượt khám bệnh với lí do là đau lưng, có 16% là người dưới 30 tuổi, 37% người từ 30 đến dưới 50 tuổi, 14% từ 50 đến dưới 60 tuổi.
Nguyên nhân Đau lưng
Nguyên nhân dẫn đến đau lưng sẽ khác nhau ở từng đối tượng, nhóm tuổi tuổi và tính chất công việc lao động, trong đó chủ yếu do 2 nhóm: nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lí.
Nguyên nhân cơ học
Nguyên nhân cơ học chiếm phần lớn gây nên triệu chứng đau lưng.
- Tai nạn, ngã gây chấn thương đột ngột cột sống, đĩa đệm hoặc các mô mềm xung quanh cột sống.
- Nâng, vác đồ vật nặng sai tư thế, quá sức
- Thói quen ngồi, nằm không đúng tư thế chuẩn trong thời gian dài
Nguyên nhân bệnh lí
Lưng bị đau có thể là dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, vì vậy cần phải được thăm khám và phát hiện sớm. Một số bệnh lí thường gặp liên quan đến triệu chứng đau lưng như:
- Thoái hóa cột sống: người bệnh có cơn đau liên tục ở vùng lưng hoặc thắt lưng, đau tăng mỗi khi cúi người, bê vác đồ nặng. Cột sống giúp nâng đỡ cơ thể, áp lực lên cột sống quá tải và lâu dài dẫn đến tổn thương.
- Gai cột sống: Cơn đau xuất hiện khi người bệnh thay đổi tư thế nằm/ngồi sang đứng lên, triệu chứng đau ở dọc vùng cột sống lưng hoặc có thể lan xuống hai bên chân. Gai cột sống là phần xương mọc chìa ra ngoài cột sống (nhìn như chiếc gai). Khi có chuyển động, gai cột sống sẽ cọ xát với xương và phần mềm xung quanh cột sống.
- Loãng xương: thường gặp ở phụ nữ trung niên, sau khi sinh con, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy. Người bị loãng xương trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ nên dễ bị người bệnh bỏ sót. Hơn 50% người được chẩn đoán loãng xương là do tình cờ phát hiện trong quá trình chụp chiếu khi kiểm tra sức khỏe.
- Thoát vị đĩa đệm: triệu chứng liên quan là có cơn đau âm ỉ hoặc liên tục ở vùng thắt lưng hoặc hông. Đau nhiều khi vận động quá sức hoặc thậm chí là khi ho, hắt hơi.
- Đau dây thần kinh tọa: điểm đau bắt đầu từ vị trí thắt lưng, lan dọc xuống vùng mông, chân theo đường đi của dây thần kinh tọa, có thể kèm theo cảm giác nóng, tê bì. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất, chạy từ tủy sống xuống hông, đến ngón chân, khi bị chèn ép sẽ gây cảm giác đau.
Đau lưng do thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh tọa là nguyên nhân gây đau lưng thường gặp ở người già.
- Hẹp ống sống thắt lưng: ống sống bị thu hẹp gây chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ thần kinh, gây cảm giác đau ở vùng thắt lưng và có thể đau lan xuống chân
- Vẹo cột sống: cột sống bị cong vẹo có thể do bẩm sinh hoặc do đã chịu áp lực quá tải, sai tư thế trong thời gian dài. Vẹo cột sống ở người trưởng thành do các thói quen liên quan đến tư thế ngồi, nằm sai trong khoảng thời gian dài, được gọi là vẹo cột sống mới khởi phát.
- Khối bất thường hoặc khối u cột sống: khối u sẽ chén ép lên cột sống và tủy sống gây tổn thương, người bệnh có thể có các cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội, tuy nhiên đây là nguyên nhân ít gặp.
Nguyên nhân khác gia tăng nguy cơ đau lưng
Ngoài 2 nhóm nguyên nhân đã kể trên, một số yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ, triệu chứng đau mỏi lưng như:
- Tuổi tác: Đau lưng gặp nhiều ở người lớn tuổi, đa phần trên 40 tuổi.
- Thừa cân, béo phì: người có cân nặng lớn sẽ tạo áp lực lên cơ thể và vùng lưng lớn hơn những người khác, đặc biệt khi vận động, di chuyển nhiều.
- Những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: lười vận động, hút thuốc,... cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ đau mỏi lưng.
- Tính chất công việc: những người phải ngồi nhiều, ít vận động, người lao động nặng,...
- Người đang có tình trạng nhiễm trùng một số cơ quan trong cơ thể có thể gây xuất hiện những cơn đau ở lưng. Ví dụ đau hai bên lưng là chỉ điểm của khuẩn đường tiết niệu.
Triệu chứng Đau lưng
Đau lưng là các cơn đau nhói, đột ngột hoặc là cơn đau âm ỉ, liên tục tại cột sống hoặc các vùng lân cận. Cơn đau có thể bắt đầu đột ngột, mức độ đau và tần suất đau giảm dần theo tự nhiên hoặc do được can thiệp.
Tùy theo thời gian diễn biến, nếu các đợt đau lưng kéo dài dưới 6 tuần gọi là đau lưng cấp tính, hoặc các cơn đau kéo dài trên 3 tháng gọi là đau lưng mạn tính.
Phân loại theo vị trí, tính chất đau nhức, đau lưng sẽ được chia thành 04 thể thường gặp tương ứng với các vùng trên lưng (hình minh họa), bao gồm: đau lưng trên, đau lưng giữa, đau lưng dưới, đau lưng bên phải hoặc trái.
Các vị trí đau lưng
Đau lưng trên: Cơn đau từ vị trí cột sống cổ C1 đến cuối khung sườn, thường gặp nhất là tại đốt sống T1 - T6 (cột sống ngực)
Đau lưng giữa: cơn đau xung quanh vị trí cột sống ngực đến cột sống thắt lưng.
Đau lưng dưới: còn gọi là đau lưng vùng thấp từ cột sống thắt lưng đến vùng xương cùng, xương cụt. Vị trí đau lưng dưới thường gặp là đau cột sống thắt lưng (đốt sống L1 đến L5)
Đau lưng một bên: Cơn đau xuất hiện ở bên lưng trái hoặc bên lưng phải, nguyên nhân là do có sự sai lệch giữa ở đốt sống vùng chậu, thắt lưng hoặc khớp hông giữa hai bên phải trái không đều nhau.
Các biến chứng Đau lưng
Đau lưng ảnh hưởng tới cuộc sống, người bệnh bị giới hạn, gặp khó khi chuyển động, lao động. Người bị đau lưng thường xuyên hoặc dai dẳng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, thậm chí có thể phải nghỉ ngơi, điều trị trong thời gian dài. Đau lưng lâu dài làm giảm chất lượng cuộc sống, sinh hoạt khó khăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Nếu chẩn đoán và điều trị không kịp thời, cơn đau lưng sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn, bỏ qua giai đoạn vàng để can thiệp và phục hồi. Người bệnh có thể gặp các biến chứng khác như: tê bì hoặc yếu liệt hai chân, mất khả năng vận động, thậm chí là mất kiểm soát tiểu tiện. Đau lưng kèm theo các biến chứng làm quá trình điều trị trở nên phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, chi phí cao. Khó khăn trong sinh hoạt và đi lại có thể trở thành gánh nặng cho chính người bệnh và gia đình.
Phòng ngừa Đau lưng
Để hạn chế các nguy cơ có khả năng gây đau lưng hoặc làm nặng thêm tình trạng đau lưng, trong sinh hoạt và công việc hàng ngày cần lưu ý:
- Thận trọng khi nâng vác vật nặng: giữ thẳng lưng ở tư thế ngồi xổm rồi từ từ đứng lên, không gập lưng
- Chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ canxi và vitamin D. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực lớn lên cơ thể nói chung và cột sống nói riêng.
- Luyện tập các tư thế lúc đi, đứng, ngồi, nằm theo khuyến cáo, tránh cong vẹo cột sống.
- Chọn đệm ngủ phù hợp giúp nâng đỡ cột sống.
- Đối với người có tính chất công việc ngồi nhiều, cần ngồi thẳng lưng, chiều cao bàn phù hợp với chiều cao ghế và người ngồi.
- Luyện tập thể dục hàng ngày.
Các biện pháp chẩn đoán Đau lưng
Đau lưng là dấu hiệu do nhiều nguyên nhân và triệu chứng của nhiều bệnh lý. Khi có triệu chứng đau lưng, đau vùng lưng kéo dài trên một tuần, gây khó chịu trong sinh hoạt hoặc công việc, cần đến bệnh viện hoặc phòng khám có chuyên khoa cơ xương khớp, thần kinh để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị đúng, kịp thời.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khi có các dấu hiệu sau:
- Đau lưng đột ngột, mức độ nặng sau chấn thương.
- Đau lưng kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân, đi kèm với các một hoặc nhiều triệu chứng như:
- Đau lưng kèm sốt và ớn lạnh.
- Đau dai dẳng, đau kèm cảm giác tê bì, yếu liệt chân.
- Đau trở nặng vào ban đêm hoặc đau lan xuống bụng dưới.
- Bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ.
- Cơn đau ngày càng tăng về mức độ và tần suất
- Người từng có tiền sử đau lưng do bệnh lí đã được chẩn đoán trước đó, đặc biệt là với người từng bị ung thư.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng và chỉ định một số phương pháp chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân như:
- Chụp X-quang phát hiện gãy- rạn xương, khớp, gai xương.
- Chụp Cộng hưởng từ (MRI) hoặc Chụp cắt lớp vi tính (CT): tìm các vấn đề bệnh lý/bất thường ở đĩa đệm, đốt sống, gân cơ, dây thần kinh, dây chằng, mạch máu, cơ và xương và vị trí, hoặc thậm chí là phát hiện khối u xương, gãy xương nén.
- Điện cơ (đo tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh) phát hiện sự chèn ép dây thần kinh.
- Đo mật độ xương: đánh giá tình trạng loãng xương.
- Xạ hình xương.
- Siêu âm phần mềm xung quanh vị trí tổn thương.
Tại hệ thống Y tế MEDLATEC có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia về cơ xương khớp, thần kinh, phục hồi chức năng cùng với sự hỗ trợ của xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, giúp thăm khám và chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời.
Máy đo loãng xương tại MEDLATEC
Các biện pháp điều trị Đau lưng
Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ theo đơn
Tùy theo tình trạng đau của người bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau tại chỗ hoặc thuốc giãn cơ.
Một số thuốc chỉ nhằm có tác dụng giảm cảm giác đau tức thời, không lạm dụng thuốc và không tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng
Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn các động tác nhằm điều chỉnh cách chuyển động khi đau lưng hoặc các bài tập nhằm tăng tính linh hoạt của các cơ vùng lưng-bụng, ngăn ngừa cơn đau tái phát hoặc hạn chế đau lưng trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Can thiệp ngoại khoa
Trong một số trường hợp cột sống bị tổn thương nặng hoặc bệnh lí nghiêm trọng, nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, cần thực hiện can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật).
Để điều trị dứt điểm triệu chứng đau lưng, bác sĩ cần tìm hiểu và điều trị theo nguyên nhân, mức độ biến chứng, bên cạnh đó cần sự phối hợp của người bệnh và gia đình. Điều trị đúng nguyên nhân và kịp thời giúp người bệnh hạn chế diễn biến nặng và các biến chứng xấu đến sức khỏe, thẩm mỹ.
Điều trị giảm đau tạm thời
Tùy tình trạng đau, mức độ đau của người bệnh mà có các cách giúp giảm đau khác nhau, song không phải cách nào cũng có thể làm giảm đau dứt điểm. Sau đây là một số phương pháp giúp giảm triệu chứng đau lưng tạm thời:
Dùng thuốc giảm đau
- Thuốc giảm đau có hiệu quả nhanh, giúp giảm triệu chứng đau tạm thời, trong thời gian ngắn. Cơ chế của thuốc giảm đau không giúp điều trị nguyên nhân gây ra đau lưng, thậm chí có thể có tác dụng phụ nếu sử dụng kéo dài, sai cách. Vì vậy không nên lạm dụng thuốc giảm đau và tự sử dụng thuốc tại nhà không theo chỉ định của bác sĩ.
Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng
- Trong trường hợp các cơn đau lưng dữ dội, liên tục, không thể tiếp tục làm việc, thì cần nằm nghỉ tại chỗ, tránh các hoạt động mạnh, gắng sức.
- Các tư thế nằm nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau, tùy vị trí đau và tư thế nằm, có thể đặt gối dưới chân hoặc ở lưng để giúp thả lỏng, thư giãn các cơ vùng lưng-cột sống. Ví dụ: đặt gối dưới bắp chân khi nằm ngửa hoặc đặt dưới hông và xương chậu khi nằm sấp.
Chườm lạnh và chườm nóng
Nếu đau lưng kèm theo sưng, viêm, nóng rát vùng lưng, có thể sử dụng túi chườm. Đầu tiên chườm lạnh bằng đá hoặc khăn lạnh trong 7-10 phút để làm giảm bớt triệu chứng sưng, nóng. Sau đó chườm nóng khoảng 7-10 phút để cột sống được thư giãn. Lưu ý nhiệt độ khi chườm nóng hoặc chườm lạnh. Nên sử dụng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn vải, không chườm đá trực tiếp lên cơ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!