Từ điển bệnh lý
Đẻ non : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Đẻ non
- Đẻ non là hiện tượng người mẹ sinh con ở tuổi thai từ 28 đến dưới 37 tuần, lúc này trẻ sơ sinh có thể sống được. Hiện nay, do sự phát triển của y học nên tuổi thai khi đẻ non được tính khi đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần.
- Dựa vào tuổi thai, đẻ non được chia nhóm như sau:
+ Cực non: Tuổi thai dưới 28 tuần
+ Rất non: Tuổi thai từ 28-32 tuần
+ Non trung bình: Tuổi thai từ 32 đến dưới 37 tuần
- Tỷ lệ đẻ non: Từ 5-10% các trường hợp chuyển dạ đẻ.
Ở Việt Nam hiện nay, đẻ non là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm đối với lĩnh vực sản khoa và sơ sinh. Vì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh non tháng cao hơn so với sơ sinh đủ tháng, đặc biệt là các bệnh lý suy hô hấp, nhiễm trùng và dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là tử vong chu sinh và sơ sinh chiếm gần 50% ở trẻ sinh non và cực non. Mặt khác, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng yêu cầu một hệ thống y tế phải đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực y tế, chi phí y tế cao nhằm nỗ lực mang lại sự sống và các chức năng bình thường cho trẻ sinh non. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong hoặc để lại các di chứng cho trẻ sinh non sau này là rất cao. Vì vậy, tất cả mọi cố gắng nhằm ngăn chặn cuộc chuyển dạ và khi hợp lý, gây chuyển dạ và cho đẻ trong điều kiện ít sang chấn nhất cho thai.
Đẻ non là hiện tượng người mẹ sinh con ở tuổi thai từ 28 đến dưới 37 tuần
Trẻ đẻ non có đặc điểm khác trẻ đẻ đủ tháng như thế nào?
- Tuổi thai dưới 37 tuần
- Cân nặng của trẻ sơ sinh nhỏ hơn 2500 gam
- Phổi chưa trưởng thành nên trẻ dễ bị suy hô hấp, tím tái.
- Trung tâm điều nhiệt, hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ dễ bị co giật do sốt, hệ thần kinh phát triển chưa đầy đủ.
- Trẻ hay bị xơ cứng bì do lớp mỡ dưới da dễ bị đông lại.
- Khả năng thích ứng với hoàn cảnh môi trường sống ngoài tử cung còn kém.
- Phản xạ yếu, khả năng thích ứng với các điều kiện sống độc lập chưa tốt nên trẻ dễ mắc bệnh, dễ diễn biến nặng hơn so với trẻ sơ sinh đủ tháng.
Nguyên nhân Đẻ non
Mặc dù y học Việt Nam và thế giới ngày càng phát triển nhưng hiện nay nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ đẻ non vẫn chưa được tìm hiểu và đưa ra các bằng chứng một cách cụ thể, rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ, nguyên nhân được đề cập đến như:
Các vấn đề từ phía mẹ:
- Chấn thương: người mẹ bị ngã, bị tai nạn tác động trực tiếp đến tử cung hoặc các sang chấn gián tiếp do các thao tác phẫu thuật bệnh lý các tạng vùng bụng, vùng hố chậu, bàng quang, tiết niệu…
Người mẹ bị ngã, bị tai nạn tác động trực tiếp đến tử cung
- Do dị dạng sinh dục bẩm sinh hoặc mắc phải: tử cung có vách ngăn, hai sừng hoặc buồng tử cung bị nhỏ lại như u xơ tử cung, dính buồng tử cung một phần, hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, tiền sử có khoét chóp cổ tử cung…
- Nghề nghiệp: các tệ nạn xã hội, các bệnh nghề nghiệp, các bệnh lao động nặng nhọc…
- Các bệnh toàn thân của mẹ như thiếu máu nặng, nhiễm trùng, nhiễm độc…Bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Có tiền sử sinh non, yếu tố di truyền (bản thân mẹ trước đây đã bị sinh non…)
- Can thiệp hỗ trợ sinh sản, thụ tinh ống nghiệm, mang đa thai.
Các vấn đề do thai
- Đa thai: song thai, sinh ba, sinh bốn
- Thai sau thụ tinh ống nghiệm
- Thai dị dạng: Thai vô sọ, não úng thủy, bụng cóc, tam bội thể 18…
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Các vấn đề do phần phụ của thai
- Đa ối, ối vỡ non, rỉ ối.
- Rau tiền đạo, rau bong non
Phòng ngừa Đẻ non
Để hạn chế nguy cơ đẻ non, các thai phụ cần chú ý:
- Đi khám thai định kỳ theo hẹn.
Đi khám thai định kỳ theo hẹn
- Phát hiện, xử lý sớm các yếu tố nguy cơ từ mẹ:
+ Điều trị sớm tình trạng viêm nhiễm khi thai 24-28 tuần hoặc điều trị trước khi mang thai
+ Tìm nguyên nhân và điều trị nếu mẹ có tiền sử sinh non
+ Điều trị những bất thường ở tử cung: Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung cần được đánh giá cẩn thận qua siêu âm, dùng các thuốc giảm co, khâu vòng cổ tử cung nếu có chỉ định, đặt vòng pessary âm đạo dự phòng sinh non.
+ Theo dõi, xử trí các ra máu bất thường trong thai kỳ
+ Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi
- Phát hiện, theo dõi, xử trí các nguy cơ từ con nếu có thể.
Các biện pháp chẩn đoán Đẻ non
Chẩn đoán chuyển dạ đẻ non thường ít chính xác. Dựa vào các triệu chứng sau:
- Tuổi thai: 22 – 37 tuần. Tuổi thai tính theo ngày đầu của chu kỳ kinh cuối cùng đối với người có kinh nguyệt đều và có ghi chép cẩn thận. Hiện nay chủ yếu dựa vào ngày dự sinh trên siêu âm 3 tháng đầu (10-12 tuần).
- Cơn co bóp tử cung: Số lượng cơn đau bụng của co bóp tử cung được theo dõi trong khoảng 10 phút, cơn co tử cung kéo dài 30 giây đến 1 phút. Theo dõi cơn co tử cung ngày nay sử dụng Monitoring sản khoa (Medlatec có đầy đủ phương tiện này - ảnh minh họa). Monitoring sản khoa còn giúp theo dõi nhịp tim thai, phát hiện sớm suy thai để xử trí kịp thời.
- Cổ tử cung: Theo dõi cơn co tử cung và thăm khám thấy hiện tượng cổ tử cung xóa và mở.
- Siêu âm: Giúp đánh giá tuổi thai, tình trạng thai (ngôi, thế, trọng lượng, các dị tật bất thường…), tình trạng ối (đa ối, cạn ối…), các bệnh lý rau bong non, rau tiền đạo, dị dạng tử cung. Từ đó giúp tiên lượng cuộc đẻ, xử trí cấp cứu kịp thời.
Siêu âm: Giúp đánh giá tuổi thai, tình trạng thai
- Monitoring sản khoa: Theo dõi cơn co tử cung và tim thai ít nhất 6 giờ để đánh giá cơn co tử cung và tim thai, đặc biệt là suy thai.
- Thăm âm đạo: Xác định tình trạng cổ tử cung (kín hay xóa mở), tình trạng ối (rỉ ối, vỡ ối), nuôi cấy vi khuẩn âm đạo để tìm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B (Hiện tại Medltec tầm soát thường quy liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B cho thai phụ tuần thứ 34-35 khi đi khám thai định kỳ)
- Xét nghiệm xác định tỷ lệ Lecithin/Sphingomyelin (tỷ lệ L/S) trong nước ối, nếu ối chưa vỡ có thể chọc ối để lấy nước ối xét nghiệm chỉ số này góp phần đánh giá nguy cơ bệnh màng trong cho trẻ sinh non, từ đó có phương án tối ưu điều trị giữ thai cho người mẹ hoặc dự phòng điều trị cho trẻ sau sinh non.
- Các xét nghiệm vi sinh, huyết học, sinh hóa máu, nước tiểu để tìm các nguyên nhân gây đẻ non, tiên lượng cho mẹ và con trong quá trình điều trị.
Chẩn đoán xác định chuyển dạ đẻ non chủ yếu dựa vào quá trình theo dõi các biểu hiện của cuộc chuyển dạ, tuổi thai và một số xét nghiệm thăm dò tìm nguyên nhân và tiên lượng điều trị.
Cần chẩn đoán phân biệt đẻ non với hở eo tử cung. Phải hỏi tiền sử có sảy thai liên tiếp không, khám cổ tử cung ngoài cơn co xem có tình trạng cổ tử cung giãn rộng hay không.
Các biện pháp điều trị Đẻ non
Cần điều trị giữ thai tích cực cho thai phụ khi được chẩn đoán là dọa đẻ non với các biện pháp sau:
- Ức chế chuyển dạ: Chỉ định điều trị khi thai khỏe, tuổi thai dưới 36 tuần, cổ tử cung mở dưới 4cm, màng ối còn nguyên vẹn. Chống chỉ định khi người mẹ mắc các bệnh lý toàn thân không nên giữ thai (mẹ bệnh tim nặng, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt cao, nhiễm khuẩn…), thai suy không hồi phục, thai dị dạng, các bệnh lý rau bong non, rau tiền đạo ra máu nhiều, tiền sản giật nặng, sản giật, nhiễm trùng ối, sa dây rau…Vậy, ức chế chuyển dạ bằng cách nào:
+ Nghỉ ngơi tại giường
Ức chế chuyển dạ: Nghỉ ngơi tại giường
+ Thuốc an thần
+ Ức chế giải phóng oxytocin
+ Kháng sinh dự phòng
+ Ức chế cơn co tử cung
Nếu điều trị ức chế chuyển dạ không kết quả, cơn co tử cung tăng lên, cổ tử cung mở trên 4 cm thì coi như cuộc điều trị dọa đẻ non không thành công. Khi đó cần dừng điều trị, theo dõi sát các yếu tố chuyển dạ, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho ca đẻ.
- Gây chuyển dạ và đẻ: Cần có sự theo dõi sát các yếu tố chuyển dạ, tiên lượng cuộc đẻ và có phòng chăm sóc, hồi sức tích cực cho trẻ non tháng ngay khi sinh ra.
Các sang chấn và bệnh lý cho thai và trẻ sơ sinh non tháng bao gồm: chảy máu nội tạng, đặc biệt là xuất huyết não, suy hô hấp và viêm phổi do xẹp phổi, thiếu surfactant và các bệnh lý sơ sinh khác.
Các biện pháp can thiệp khi chuyển dạ: Hỗ trợ oxy cho thai và dự phòng ngạt sơ sinh bằng cách cho mẹ thở oxy 5 lit/phút. Tiêm Vitamin K cho mẹ khi chuyển dạ, tiêm vitamin K cho trẻ sau sinh để dự phòng xuất huyết. Tránh sang chấn cho trẻ bằng cách bảo vệ đầu ối đến khi cổ tử cung mở hết, có thể cắt rộng tầng sinh môn của mẹ giúp thai sổ dễ dàng hơn, hạn chế cho mẹ dùng an thần, giảm đau vì có thể ức chế trung tâm hô hấp của thai gây ngạt, suy thai. Hiện nay, với các trường hợp thai non tháng kết hợp các yếu tố ngôi thai bất thường, đa thai, thai hỗ trợ sinh sản…thường được các bác sĩ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn nhất có thể cho e bé.
Trẻ sau đẻ phải được hỗ trợ, hồi sức kịp thời, giữ ấm và bú mẹ sớm nếu có thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!