Từ điển bệnh lý

Dị vật ống tai ngoài : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Dị vật ống tai ngoài

Cấu trúc đại thể của tai gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Cấu trúc đại thể của tai gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

- Tai ngoài gồm:

+ Loa tai: cấu tạo bằng sụn và da, có chức năng đón nhận âm thanh.

+ Ống tai ngoài: cấu tạo 1/3 ngoài là sụn - 2/3 trong là xương, có chức năng dẫn âm thanh đến màng nhĩ.

- Ống tai ngoài được lót bởi một lớp màng xương và da mỏng. Phần màng xương cực kỳ nhạy cảm. Do đó, những nỗ lực loại bỏ dị vật có thể làm bệnh nhân vô cùng đau đớn.

- Ống tai ngoài không thẳng mà gấp khúc tại vị trí tiếp giáp giữa phần sụn và xương khiến cho đường kính của ống tai tại vị trí này bị thu hẹp lại, làm cản trở sự thoát ra của các chất tiết, dị vật. Các dị vật có thể bị mắc tại vị trí này, gây khó khăn trong việc loại bỏ. Mặt khác những động tác lấy dị vật ở phía ngoài ống tai (1/3 ngoài) không đúng cách có thể khiến dị vật bị đẩy vào sâu hơn trong ống tai và mắc kẹt tại điểm hẹp này.

- Ngoài ra, màng nhĩ có thể bị tổn thương do đẩy dị vật vào sâu hơn trong ống tai hoặc do các dụng cụ được sử dụng trong quá trình lấy dị vật. Hình ảnh đầy đủ, thiết bị phù hợp, bệnh nhân hợp tác và bác sĩ có tay nghề cao là những chìa khóa để lấy dị vật thành công.

- Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có dị vật trong tai không có triệu chứng, và ở trẻ em, dị vật tai thường là một phát hiện tình cờ. Những bệnh nhân khác có thể bị đau, có các triệu chứng của viêm tai giữa, giảm thính lực hoặc cảm giác đầy tai. Đa số các trường hợp dị vật tai là trẻ em, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 75% bệnh nhân có dị vật tai ở độ tuổi dưới 8 tuổi. Thiếu các nghiên cứu tương tự trên bệnh nhân người lớn.

- Các dị vật trong tai phổ biến nhất bao gồm các hạt đồ chơi bằng nhựa, đá cuội và hạt bỏng ngô. Côn trùng phổ biến hơn ở bệnh nhân trên 10 tuổi. Trong một loạt các nghiên cứu thì 30% bệnh nhân yêu cầu gây mê toàn thân để dễ dàng lấy dị vật trong tai, phần lớn những bệnh nhân này dưới 7 tuổi.

- Dị vật có thể gắp được (ví dụ: cao su xốp, giấy, mảnh bông gòn,…) có tỷ lệ thành công cao hơn khi lấy ra trực tiếp dưới hình ảnh nội soi. Ngược lại, các dị vật bị dính vào thành ống tai (ví dụ: các loại hạt, viên sỏi, hạt bỏng ngô) có tỷ lệ lấy ra thành công thấp hơn và có liên quan đến nhiều biến chứng hơn, đặc biệt là vết rách ống tai ngoài.

- Hiện nay có nhiều kỹ thuật lấy dị vật trong tai, và việc lựa chọn kỹ thuật nào phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, loại dị vật nghi ngờ và kinh nghiệm của bác sĩ. Các kỹ thuật phổ biến bao gồm: nhỏ nước, dùng kẹp (ví dụ: kẹp cá sấu), vòng kim loại, móc và ống hút.

Một số ví dụ:

+ Côn trùng sống có thể bị giết nhanh chóng bằng cách nhỏ cồn, hoặc lidocain (Xylocain) 2%, hoặc dầu khoáng vào ống tai. Do đó việc này nên được thực hiện trước khi cố gắng lấy chúng ra khỏi tai, nhưng không được sử dụng khi màng nhĩ bị thủng. 

+ Nên tránh nhỏ nước vào tai với bệnh nhân có pin cúc áo trong tai vì dòng điện ở trong pin có thể gây hoại tử mô. 

+ Acetone có thể được sử dụng để hòa tan các dị vật xốp.

- Kỹ thuật tiếp cận để loại bỏ dị vật lần đầu tiên rất quan trọng vì tỷ lệ thành công giảm rõ rệt nếu lần thử đầu tiên thất bại. Theo đó, các biến chứng cũng tăng lên khi số lần thất bại tăng. Nỗ lực lấy dị vật không đúng cách thường gây đau đớn, có thể gây chảy máu làm hạn chế quan sát dị vật cũng như các cấu trúc của thành ống tai và có thể chèn thêm dị vật vào ống tai. Vì vậy, tất cả các trường hợp nghi ngờ có dị vật trong tai cần được thăm khám kịp thời, cẩn thận bởi bác sỹ tai mũi họng để có hướng xử trí phù hợp, nhanh chóng. Từ đó hạn chế đến mức tối đa các biến chứng gây ra bởi dị vật cũng như cách lấy bỏ dị vật.

- Đa dị vật không phải là hiếm gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Do đó, tất cả các lỗ tự nhiên khác của vùng đầu phải được kiểm tra sau khi đã loại bỏ dị vật khỏi ống tai ngoài.

Có nhiều kỹ thuật lấy dị vật trong tai

Có nhiều kỹ thuật lấy dị vật trong tai

- Thuốc nhỏ kháng sinh là cần thiết ở những bệnh nhân bị đồng thời viêm tai và cũng cần được xem xét sử dụng ở bệnh nhân có vết rách ống tai hoặc các chấn thương khác ở ống tai.


Triệu chứng Dị vật ống tai ngoài

Ống tai ngoài thường gặp 3 loại dị vật khác nhau. Thứ nhất là các lọai dị vật mềm, dẹt như mảnh giấy, mảnh bông gòn, mảnh mica…; thứ 2 là các loại dị vật tròn gồm: các hột nhỏ như hột điều, hột chanh, hột quýt, hột chuỗi nhỏ, viên bi xe đạp, nút tai nghe…; thứ 3 là các loại dị vật sống và di động, kiến là dị vật di động thường gặp nhất trong ống tai, sau đó là ve chó. Ngoài ra còn còn có thể gặp rất nhiều loại dị vật khác như là bông ngoáy tai, hạt thóc…

- Nếu dị vật là loại dẹt như mảnh giấy, mảnh mica: dị vật thường lấp ló ở cửa ống tai ngoài vì ngón tay lúc nào cũng to hơn ống tai ngoài, không thể nhét dị vật vào sâu bằng ngón tay được trừ khi nó bị đẩy dần vào trong bằng 1 dụng cụ dài.

- Dị vật tròn thường nhỏ hơn đường kính ống tai ngoài nên dễ bị mắc vào sâu hơn. Nhiều khi mắt thường không thể phát hiện được, phải có hỗ trợ bằng đèn Clar hoặc máy nội soi mới xác định được dị vật là gì và ở vị trí nào của ống tai. Dị vật càng ở sâu càng khó xử trí. Thông thường dị vật tròn mới vào chỉ ở 1/3 ngoài nhưng khi người xử trí không biết cách chẳng những không lấy dị vật ra ngoài được mà lại đẩy dị vật vào sâu hơn. Nhiều khi gây thủng màng nhĩ và dị vật nằm gọn trong tai giữa.

- Dị vật di động thường gặp là kiến. Bệnh nhân đột ngột thấy có tiếng rột rột và đau nhức trong tai. Còn một loại dị vật sống ở ống tai ngoài tương đối đặc biệt đó là ve chó thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Ve chó thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn

Ve chó thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn

Khi ve vào tai, nó lấy 2 càng cứng của mình bấu chắc vào ống tai sát màng nhĩ, đồng thời hút máu bệnh nhân để sống. Một thời gian ngắn, bụng ve to ra chứa đầy máu chiếm cả phần trong của ống tai ngoài. Triệu chứng ve vào tai rất âm thầm, bệnh nhi và cả người nhà đều không biết. Muốn xác định bệnh phải có máy nội soi hoặc đèn soi tai có lúp. Nếu không có kinh nghiệm, soi vào chỉ thấy 1 mảng đỏ chiếm gần hết ống tai, không có hình dáng gì là ve cả, đến khi gắp ra mới biết đó là ve.


Phòng ngừa Dị vật ống tai ngoài

- Tò mò và khám phá cơ thể là một giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ. Dạy trẻ rằng không nên nhét bất cứ thứ gì vào tai để ngăn ngừa những rủi ro do dị vật tai gây ra.

- Nếu bạn nghi ngờ một đứa trẻ đã nhét vật gì đó vào tai của mình, điều quan trọng là phải tiếp cận những tình huống này một cách đúng đắn, để có thể phát hiện và loại bỏ các dị vật một cách an toàn.

- Không tắm sông, suối để tránh bị những dị vật sống chui vào ống tai, mũi.

Không tắm sông, suối để tránh bị những dị vật sống chui vào ống tai

Không tắm sông, suối để tránh bị những dị vật sống chui vào ống tai

- Không nằm đất, phải mắc màn khi ngủ để tránh dị vật như kiến, gián đất,…bò vào tai.

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nếu gia đình nuôi thú cưng (chó, mèo..) cần vệ sinh cho chúng thường xuyên, đề phòng ve, rận từ chúng bò vào tai người.


Các biện pháp điều trị Dị vật ống tai ngoài

Xử trí

- Dị vật dẹt (mảnh giấy, mảnh mica, mảnh bông, …)

+ Dùng kẹp như: kẹp khuỷu, kẹp Hartmann gắp ra dễ dàng vì loại dị vật này không chui vào sâu được.

+ Sau khi gắp dị vật ra, kiểm tra lại xem còn sót không.

+ Không dùng móc để lấy.

- Dị vật tròn (Hột chuỗi nhỏ, viên bi xe đạp, hột điều,…)

+ Cho bệnh nhân cúi đầu sao cho ống tai có dị vật hướng xuống đất, lắc mạnh đầu dị vật có thể rơi ra.

+ Nếu dị vật dính vào ống tai và khó rơi ra có thể dùng dụng cụ có khoen (vòng kim loại) len lỏi vào chỗ trống giữa dị vật và thành ống tai, đưa đầu khoen qua khỏi dị vật và lôi dị vật từ trong ra. Dùng khoen ít bị va chạm, bệnh nhân ít bị đau.

+ Không nên dùng kẹp vì dễ làm dị vật bị đẩy sâu vào trong, rất khó để lấy ra.

- Dị vật sống:

Dị vật thường gặp nhất là con kiến. Kiến vào ống tai vẫn còn sống, cọ quậy gây đau nhức khó chiu.

+ Cho bệnh nhân nằm đầu nghiêng, tai có dị vật hướng lên trần nhà, nhỏ nước ấm 37 - 37,5o­­­C vào ống tai. Chú ý nhỏ vào vành ống tai và để nước chảy dần vào. Nhỏ 2 - 3 giọt mà đầy ống tai là nhỏ sai, ở dưới vẫn còn không khí, kiến vẫn còn sống và tiếp tục gây khó chịu. Nhỏ 7-8 giọt mà chưa thấy đầy ống tai là nhỏ đúng, tiếp tục nhỏ con kiến sẽ trồi lên và bò ra ngoài.

+ Sau cùng cho bệnh nhân nằm nghiêng, tai bị bệnh hướng xuống đất, nước trong ống tai sẽ chảy ra ngoài, có thể lấy bông khô lau nhẹ nhàng vùng vành tai và lỗ tai ngoài, không nhất thiết phải lau sạch nước trong ống tai, ống tai sẽ tự khô dần.

Khám chẩn đoán để gắp dị vật trong tai

Khám chẩn đoán để gắp dị vật trong tai

Ve chó: 

+ Muốn gắp ve chó phải có máy nội soi hoặc ống soi tai có lúp.

+ Dùng kẹp Hartmann gắp từng con ra ngoài.

+ Kiểm tra lại xem còn sót con ve nào không.

Gián đất

+ Nhỏ nước ấm cho đầy ống tai để giết con gián. Vài phút sau con gián chết thì dùng kẹp để gắp ra.

+ Sau đó phải bơm nước để rửa sạch ống tai vì con gián rất bẩn.

+ Nên kiểm tra lại xem còn sót bộ phận nào của con gián không.


Tài liệu tham khảo:

1. Tai mũi họng nhập môn, PGS.TS.Nhan Trừng Sơn, NXB Y Học 2016.

2. DiMuzio J Jr, Deschler DG. Emergency department management of foreign bodies of the external ear canal in children. Otol Neurotol. 2002;23:473–5.

3. Ansley JF, Cunningham MJ. Treatment of aural foreign bodies in children. Pediatrics. 1998;101(4 pt 1):638–41.

4. Thompson SK, Wein RO, Dutcher PO. External auditory canal foreign body removal: management practices and outcomes. Laryngoscope. 2003;113:1912–5.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ