Từ điển bệnh lý

Dịch hạch : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 21-06-2021

Tổng quan Dịch hạch

Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là bệnh dịch hạch.

Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch.

Trong lịch sử loài người, bệnh dịch hạch từng gây các đại dịch lớn, nhiều người tử vong và gọi là “cái chết đen”. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây từ các loài động vật đặc biệt là các loài gặm nhấm sang người, trung gian truyền bệnh là bọ chét. Biểu hiện lâm sàng chính là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hạch bạch huyết viêm. Khi diễn biến nặng gây tổn thương đa cơ quan như phổi, gan, lách, màng não, nhiễm khuẩn huyết toàn thân. Cần chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để giảm các biến chứng và nguy cơ tử vong. Hiện tại vi khuẩn còn nhạy cảm các kháng sinh. Các biện pháp phòng bệnh như xử lý ổ dịch, diệt bọ chét, diệt chuột, uống kháng sinh dự phòng đối với người tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân và tiêm vắc xin phòng bệnh.

 


Nguyên nhân Dịch hạch

Yersinia pestis thuộc họ vi khuẩn Enterobacteriaceae, cầu trực khuẩn bắt màu gram âm, không di động và không sinh nha bào. Vi khuẩn dễ chết ở môi trường nóng, dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên tại môi trường lạnh tồn tại lâu hơn. Vi khuẩn có thể bị tiêu diệt bởi một số tác nhân thông thường như nhiệt độ cao, thuốc tẩy acid,…

Yersinia pestis chỉ có một loại type huyết thanh duy nhất. Vi khuẩn có thể sinh cả nội độc tố và ngoại độc tố có khả năng giúp vi khuẩn thích nghi và phát triển trong tế bào của cơ thể mà chúng ký sinh, trốn tránh bạch cầu đa nhân thực bào, gây bệnh liên quan đến chức năng đông máu, gây sốc nhiễm khuẩn,…


Triệu chứng Dịch hạch

Vi khuẩn dịch hạch sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ di chuyển đến hạch gần nhất, sau đó gây nhiễm khuẩn các cơ quan khác. Trên lâm sàng có thể gặp nhiều thể bệnh trong đó 3 thể bệnh phổ biến nhất là thể hạch, thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết

Thể hạch

Đây là thể bệnh hay gặp nhất

- Người bệnh ủ bệnh trong khoảng 1-15 ngày, trung bình từ 2-5 ngày. Thời kỳ ủ bệnh không có biểu hiện lâm sàng.

- Khởi phát có triệu chứng sưng hạch, kèm theo có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc với biểu hiện sốt cáo, gai lạnh, lưỡi bẩn, người mệt mỏi, đau mỏi người, đau đầu, đau vùng nổi hạch,… Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 ngày.

Triệu chứng người bị bệnh dịch hạch

- Thời kỳ toàn phát các triệu chứng nổi hạch và nhiễm trùng nhiễm độc biểu hiện rõ rệt. Người bệnh sốt cao liên tục, sốt rét run, co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ, người bệnh mệt lử, lờ đờ, ảnh hưởng tới tri giác, môi khô lưỡi bẩn, hơi thở hôi,… Mạch nhanh, da sung huyết, có thể có gan lách to. Sưng hạch liên quan đến ổ nhiễm khuẩn ban đầu. Tính chất hạch: hay gặp ở một bên, hiếm khi đối xứng hoặc nhiều nơi, hạch rắn và di động, kích thước vài mm đến vài cm và hạch rất đau, thậm chí người bệnh sớm trước khi nổi hạch. Hạch có thể vỡ chảy dịch mủ hoặc dịch lẫn máu, mủ, chất hoại tử và có nhiều vi khuẩn gây bệnh, để lại sẹo xơ sau khi khỏi. Hạch có thể hóa mủ hoặc từ đó tiến triển gây bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, nhiễm trùng thần kinh trung ương,…

- Thời kỳ lui bệnh: Đáp ứng với điều trị tốt sau khoảng 4-6 ngày, người bệnh đỡ sốt, hạch đỡ sưng đau, kích thước nhỏ đi và mất dần.

Thể dịch hạch ở phổi

Thời gian ủ bệnh thường ngắn, vài giờ đến khoảng 48 giờ, không có triệu chứng gì đặc biệt. Triệu chứng khởi phát thường là sốt cao, gai lạnh, sốt rét run kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người, chán ăn, buồn nôn. Các triệu chứng hô hấp biểu hiện rõ rệt trong thời kỳ toàn phát. Ban đầu ho khan, sau ho nhiều đờm, ho máu, trong dịch tiết hô hấp có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh đau ngực, cảm giác khó thở. Nghe phổi có thể thấy rales nổ. Hình ảnh viêm phế quản phổi hoặc viêm phổi ghi nhận trên phim chụp X-quang ngực. Người bệnh có thể tử vong do biến chứng phù phổi cấp hoặc suy tim sung huyết nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thể nhiễm khuẩn huyết

Đa số là thứ phát sau khi viêm hạch. Biểu hiện hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng: người bệnh li bì, mê sảng, rối loạn tri giác, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốt cao liên tục, sốt rét run, trẻ nhỏ có thể có co giật khi sốt cao, mạch nhanh, nhịp thở tăng,… Thăm khám thực thể có thể thấy hạch viêm tiên phát, gan lách to, xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, chảy máu cam ho máu, đi ngoài phân máu, tiểu đỏ,...). Trường hợp nặng có sốc nhiễm khuẩn biểu hiện huyết áp tụt kẹt hoặc không đo được, suy đa tạng. Người bệnh thường tử vong sau 48 – 72 giờ nếu điều trị muộn.

Thể bệnh khác       

- Nhiễm trùng thần kinh trung ương: Viêm màng não do dịch hạch, biểu hiện có hội chứng màng não ( đau đầu, nôn, táo bón, các triệu chứng thần kinh, kernig dương tính, gáy cứng dương tính,…) và hội chứng nhiễm trùng. Cần chọc dò dịch não tủy để chẩn đoán (dịch đục, tăng áp lực, tăng số lượng tế bào bạch cầu trong dịch não tủy, tăng protein dịch não tủy,…) và nhuộm soi, nuôi cấy tìm vi khuẩn dịch hạch.

- Viêm họng kèm theo sưng hạch cổ một bên. Họng sung huyết, amydan tấy đỏ, giả mạc trắng, đục, mủn có thể có

- Thể xuất huyết: Gặp vào ngày thứ 2 – 6 của bệnh, biểu hiện xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm bất thường về chức năng đông cầm máu.

- Thể dạ dày - ruột: Triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, nôn, đi ngoài,… kèm theo có hạch mạc treo viêm.

- Thể lưu động: Nổi phỏng nước, nơi bọ chét đốt bị viêm bạch mạch.

- Thể bệnh kín đáo: Hạch viêm nhẹ, sưng nhỏ, thường ít khi đau, sau khoảng vài tuần hạch đỡ sưng và dần biến mất.


Các biến chứng Dịch hạch

Các biến chứng có thể gặp như: Hạch vỡ hoặc hóa mủ; phù phổi cấp, suy hô hấp, suy tim sung huyết; xuất huyết tiêu hóa; sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng;…


Đường lây truyền Dịch hạch

Đường lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh dịch hạch

Đường lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh dịch hạch

Nguồn bệnh trong tự nhiên

Hay gặp nhất là các loài gặm nhấm, các động vật đó là chuột, sóc, cầy, cáo,… trong đó các loài chuột quan trọng nhất. Vi khuẩn gây chết hoàng loạt cho chuột sau đó sẽ gây bệnh ở người sau 2-3 tuần.

Ở Việt Nam, sự lây truyền bệnh liên quan đến các loài chuột như chuột nhà, chuột cống, chuột chù,…

Vecto trung gian truyền bệnh

Trung gian truyền bệnh quan trọng nhất là bọ chết, chủ yếu là loài Xenopsylla cheopis, sau đó là Pulex irrians. Khi bọ chét đốt các loài động vật và con người làm lây truyền mầm bệnh.

Đường lây

Các loài động vật là vật chủ chính, con người là vật chủ ngẫu nhiên. Bọ chét đốt và hút máu của động vật bị bệnh, sau đó động vật chết, bọ chét tìm vật chủ mới tiếp tục đốt và hút máu, trong quá trình đó sẽ truyền vi khuẩn gây bệnh sang vật chủ này. Con người có thể bị nhiễm bệnh bằng các con đường khác nhau như:

- Qua da khi bị bọ chét đốt

- Tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh hoặc phân bọ chét

- Hít phải vi khuẩn gây bệnh, hoặc vi khuẩn xâm nhập qua niêm mạc hầu họng, niêm mạc mắt, niêm mạc đường tiêu hóa, …


Đối tượng nguy cơ Dịch hạch

Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên bệnh hay gặp ở những nơi có liên quan đến các loài gặm nhấm trên, đặc biệt là loài chuột. Môi trường sống nhiều chuột, bị ô nhiễm, suy giảm chức năng hệ miễn dịch của cơ thể, sống/đến/đi/về từ vùng có dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh.


Phòng ngừa Dịch hạch

- Quản lý các nguồn bệnh bằng cách diệt bọ chét, diệt chuột;

Phòng ngừa bệnh dịch hạch

Phòng ngừa bệnh dịch hạch

- Khi phát hiện có người bệnh cần báo cáo với trung tâm kiểm soát dịch bệnh hoặc y tế dự phòng, điều trị người bệnh sớm. Xử lý chất thải, vật dụng cá nhân, chăn ga, đồ dùng đúng quy định;

- Nhân viên y tế và người chăm sóc người bệnh cần uống dự phòng kháng sinh (có thể sử dụng doxycyclin, ciprofloxacin, tetracyclin,… ) và theo dõi 7 ngày sau tiếp xúc;

- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Hiện nay, có thể sử dụng vắc xin chết hoặc vắc xin sống giảm độc lực.


Các biện pháp chẩn đoán Dịch hạch

Chẩn đoán dựa trên 3 yếu tố: Dịch tễ, triệu chứng lâm sàng đã mô tả trên và các xét nghiệm.

- Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên

+ Huyết thanh chẩn đoán: Dương tính khi hiệu giá kháng thể lần thứ 2 tăng gấp 4 lần so với lần 1. Lần thứ nhất trong tuần đầu bị bệnh, sau khoảng 10-14 ngày làm lần thứ hai.

+ Nhuộm soi tìm vi khuẩn dịch hạch. Bệnh phẩm có thể là đờm, dịch não tủy, tiêu bản máu, dịch chọc hạch,…

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh dịch hạch tại MEDLATEC

+ Nuôi cấy: Bệnh phẩm thường dùng là dịch chọc hạch hoặc máu. Tỉ lệ cấy máu dương tính với thể nhiễm khuẩn huyết khoảng 80%, thể hạch khoảng 20%. Các bệnh phẩm khác như dịch đường hô hấp, dịch não tủy, dịch dạ dày,...

- Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:

+ Công thức máu: Số lượng bạch cầu thường tăng, có thể > 30.000/mm3, chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. Trường hợp nặng có thể giảm số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu,…

+ Các marker viêm như CRP, procalcitonin tăng

+ Bất thường chức năng gan, chức năng thận, chức năng đông máu, rối loạn điện giải, toàn – kiềm trong trường hợp nặng

+ X-quang ngực có hình ảnh viêm phế quản phổi, viêm phổi, phù phổi trong trường hợp nặng.

Bệnh dịch hạch cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau: Bệnh Sodoku, bệnh do Rickettsia, lao lạch, viêm hạch do các căn nguyên khác, nhiễm khuẩn huyết do căn nguyên vi sinh khác, viêm phổi do các căn nguyên khác,…


Các biện pháp điều trị Dịch hạch

Liệu pháp kháng sinh

          - Người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời và cách ly ngay

          - Các loại kháng sinh có thể sử dụng là: Streptomycin 1-2 g/ngày ở người lớn hoặc 30 mg/kg/ngày ở trẻ nhỏ; Doxycyclin 200 mg/ngày; Cloramphenicol 50 mg/kg/ngày; Tetracyclin 30-50 mg/kg/ngày; Cotrimoxazole liều Trimethoprim 50 mg/kg/ngày. Trong thể nhiễm khuẩn huyết hoặc thể phổi, hoặc viêm màng não cần phối hợp kháng sinh.

          - Thời gian điều trị trung bình là từ 7 – 10 ngày, trường hợp nặng hoặc nhiễm trùng lan tỏa thời gian có thể lâu hơn, phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng và xét nghiệm của người bệnh

          - Trong quá trình điều trị chú ý tác dụng phụ không mong muốn của các kháng sinh.

Điều trị khác

          - Hạ sốt bằng paracetamol liều từ 10-15 mg/kg/lần khi sốt từ 38,5 độ, mỗi lần cách nhau 4-6 tiếng. Áp dụng các biện pháp hạ sốt khác như mặc quần áo thông thoáng, lau người, uống nhiều nước,…

          - Dùng các thuốc giảm đau nếu hạch to đau nhiều (thường dùng paracetamol với liều như trên), chích rạch hạch khi có chỉ định.

          - Bổ sung nước và điện giải bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch

          - Hồi sức tích cực khi có suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn,...

          - Đảm bảo thăng bằng toan- kiềm, điều chỉnh rối loạn điện giải,…


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ