Từ điển bệnh lý

Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh phổi đang từ giai đoạn ổn định đột ngột chuyển hướng xấu đi, gây tác động tiêu cực tới chức năng của phổi và cần phải áp dụng phác đồ điều trị khác thay thế. Trên thực tế đã có những đợt cấp COPD do không được phát hiện và cấp cứu kịp thời dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Các số liệu đáng lưu ý về bệnh COPD:

- Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, vào năm 2016 trên thế giới có tổng cộng 251 triệu ca mắc COPD, trong đó có 12% là tỷ lệ những bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên;

- Mỗi năm COPD cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, chiếm 5% số ca tử vong trên toàn cầu;

- Tại Việt Nam tỷ lệ các ca bệnh COPD là 7,1% ở nam giới và 1,9%  ở nữ giới trong độ tuổi từ 40 trở lên. Mặc dù trình độ y học đã ngày càng phát triển nhưng tỷ lệ mắc cũng như tử vong vì COPD vẫn chưa có dấu hiệu giảm ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.


Nguyên nhân Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Nguyên nhân phổ biến và trực tiếp gây nên đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đó là do nhiễm trùng bắt nguồn từ vi khuẩn hoặc virus:

- Virus thường gặp: Influenza, Rhinovirus, Human Metapneumo Mia Virus, Coronavirus (COVID-19), Respiratory Syncytial Virus (Virus hợp bào RSV), Parainfluenza, Adenovirus,...;

Coronavirus (COVID-19) là một trong những nguyên nhân gây nên đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Coronavirus (COVID-19) là một trong những nguyên nhân gây nên đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

- Vi khuẩn thường gặp: Moraxella Catarrhalis, Haemophilus Influenzae, Streptococcus Pneumoniae, Staphylococcus Aureus,...

Một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

- Yếu tố ngoại khoa: Bệnh nhân gặp chấn thương, gãy xương vùng ngực, sau khi trải qua phẫu thuật ngực và bụng;

- Yếu tố nội khoa: 

  • Những bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp như: tràn khí màng phổi, tắc mạch phổi, mệt cơ hô hấp, nhiễm trùng phủ tạng khác  hoặc bị rối loạn chuyển hoá,...;
  • Bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc sai cách hoặc không tuân theo phác đồ, bệnh nhân có sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc an thần, thuốc gây mê, loạn nhịp tim,....
  • ⅓  những ca bệnh còn lại không xác định rõ nguyên nhân.

Triệu chứng Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Nhiệm vụ chính của phổi chính là trao đổi khí oxy và Carbon Dioxide (CO2) để duy trì sự sống cho cơ thể. Việc trao đổi chất này ở những bệnh nhân bị COPD sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do phổi của họ hoạt động không bình thường. Lúc này khí CO2 sẽ dần tích tụ dẫn đến thiếu hụt oxy. Nếu nồng độ CO2 tích tụ trong cơ thể nhiều quá mức hoặc hàm lượng oxy quá thấp sẽ khiến bệnh nhân tử vong.

Triệu chứng điển hình nhất của một cơn đợt cấp đó là khó thở. Bệnh nhân cảm thấy lồng ngực bị bóp nghẹt, không đủ không khí. Không chỉ khi đang vận động, gắng sức mà điều này còn xảy ra khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi.

Những dấu hiệu đáng lưu ý khác:

Ho: Tình trạng này xảy ra ngày một thường xuyên và tăng nặng. Bệnh nhân có thể bị ho khan, ho có đờm màu xanh hoặc vàng có lẫn máu. Khi nằm xuống bệnh càng nặng, bệnh nhân phải thay đổi tư thế hoặc ngồi hẳn lên thì mới thấy dễ thở hơn;

Ho thường xuyên và tăng nặng là một trong những triệu chứng của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 

Ho thường xuyên và tăng nặng là một trong những triệu chứng của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 

Thở khò khè: Do có mủ hoặc chất nhầy chặn đường thở khiến người bệnh thở khò khè;

Sốt: Đây có thể là một biểu hiện của nhiễm trùng và báo hiệu sắp xảy ra một đợt cấp mới;

- Co thắt ngực: Thay vì sử dụng cơ hoành, lúc này người bệnh phải sử dụng cơ ngực để thở. Ngực di chuyển nhanh hoặc chậm hơn nhiều so với bình thường, hơi thở không đều;

Khó ngủ, gặp trở ngại trong ăn uống: Bệnh nhân luôn trong trạng thái khó ngủ, ăn không ngon;

Đau bụng hoặc sưng chân: Dấu hiệu này có thể liên quan tới những vấn đề về phổi và tim mạch;

Hay bị đau đầu vào buổi sáng sớm: Do hiện tượng carbon dioxide tích tụ quá nhiều trong máu;

- Đổi màu da và móng tay: xuất hiện màu hơi xanh ở quanh môi bệnh nhân, đồng thời móng tay đổi sang màu tím hoặc xanh lam. Màu da cũng chuyển thành vàng hoặc xám.


Các biến chứng Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Khi các đợt cấp thường xuyên xuất hiện thì sẽ xảy ra tình trạng gia tăng mức độ nghiêm trọng của những bệnh về viêm đường hô hấp, kéo theo chất lượng cuộc sống giảm sút, gia tăng chi phí trong công tác điều trị. Không chỉ có vậy, chức năng hô hấp của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng lớn và bệnh hô hô diễn tiến xấu đi, nguy hiểm hơn là khiến cho bệnh nhân bị tử vong. Tỷ lệ tử vong sẽ càng cao đối với bệnh nhân trải qua nhiều đợt cấp.

Biến chứng tử vong đối với người bệnh

Biến chứng tử vong đối với người bệnh

Nghiên cứu tổng hợp từ 25 trung tâm trên thế giới đã chứng minh rằng tỷ lệ sống của người bệnh sau khi trải qua mỗi đợt cấp sẽ ngày càng giảm dần: hơn 1000 bệnh nhân đã từng trải qua đợt cấp COPD, thì tỷ lệ sống của những người bệnh này giảm còn 50,7 sau 2 năm. Khi chức năng hô hấp ở bệnh nhân COPD đợt cấp suy giảm, khiến bẫy khí gia tăng, trường hợp nhiễm khuẩn tại bệnh viện và tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc cũng theo đó tăng lên.


Đối tượng nguy cơ Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có khả năng cao bị COPD đợt cấp. Những người này mỗi năm có thể bị một hoặc hai đợt cấp và chúng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Có những yếu tố nguy cơ sau đây dẫn đến đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

- Người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm và có nhiều khói bụi độc hại;

- Người có thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc, hít phải khói thuốc từ người khác;

- Người từ 40 tuổi trở lên. Chức năng phổi suy giảm cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đợt cấp COPD.

Người từ 40 tuổi trở lên, chức năng phổi suy giảm cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đợt cấp COPD

Người từ 40 tuổi trở lên, chức năng phổi suy giảm cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đợt cấp COPD


Các biện pháp chẩn đoán Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Chẩn đoán triệu chứng

Đối với trường hợp những bệnh nhân đã mắc COPD thì đợt cấp xảy ra sẽ có những biểu hiện như sau:

- Khạc đờm nhiều hơn, màu sắc của đờm có sự thay đổi;

- Gia tăng cảm giác khó thở;

- Có hoặc không có những biểu hiện toàn thân khác như: đau ngực, sốt, rối loạn ý thức,...

Ngoài ra, bác sĩ cũng dựa trên những triệu chứng tăng nặng của đợt cấp để chẩn đoán thêm:

Hô hấp: Khi nghỉ ngơi cũng cảm thấy khó thở, tím tái, SPO2 < 88%, chuyển động ngực bụng bất thường, co kéo cơ hô hấp phụ, ho không hiệu quả, nhịp thở > 25;

Khí máu: PaCO2 > 45, PaO2 < 55 mmHg;

Tim mạch: Rối loạn nhịp tim, tim đập > 110 lần/phút, da xanh tái, 2 chi dưới có dấu hiệu phù;

Rối loạn ý thức.

Tiền sử bệnh nhân đã hoặc đang điều trị oxy  lâu dài tại nhà, đồng thời kèm theo các bệnh lý: Tổn thương hệ thần kinh, nghiện rượu, bệnh về tim mạch,... 

Chẩn đoán nguyên nhân gây nên đợt cấp COPD:

- Nguyên nhân trực tiếp và hay gặp thường là virus hoặc vi khuẩn;

- Nhiễm lạnh, hít phải khói bụi, khí độc, không khí ô nhiễm;

- Nhiễm trùng khu vực khác: Não, ổ bụng;

- Các bệnh lý đi kèm: Suy tim, tắc mạch phổi, phẫu thuật (đặc biệt là phẫu thuật  lồng ngực và bụng);

- Dùng thuốc điều trị không đúng cách, không theo phác đồ hoặc sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ;

- Rối loạn chuyển hoá: Giảm kali, tăng đường máu.


Các biện pháp điều trị Cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Phụ thuộc vào giai đoạn cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà áp dụng phác đồ điều trị cho phù hợp. Trường hợp bệnh nhân COPD đợt cấp sẽ phải thay đổi phác đồ điều trị ban đầu. Nghiên cứu  chỉ ra rằng mỗi năm tỷ lệ đợt cấp ở bệnh nhân sẽ xuất hiện từ 0,85 - 3 đợt/người. Trung bình một năm số ngày của 1 đợt cấp diễn ra là từ 12 - 14 ngày/người.

Tỷ lệ bệnh nhân bị COPD xuất hiện 1 đợt cấp trong vòng từ 2 - 4 năm là từ khoảng  60 - 70%.  Dựa vào những số liệu này ta có thể thấy đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất thường gặp, do đó việc kiểm soát và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp là vô cùng quan trọng nhằm làm giảm và hạn chế tối đa tỷ lệ COPD đợt cấp. Việc chẩn đoán cũng như điều trị sớm giúp cho bệnh nhân có thể kiểm soát được triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. 

Đối với việc cấp cứu tại nhà: 

- Khi tình trạng đợt cấp COPD xảy ra, cần cho bệnh nhân thở oxy tại nhà trong trường hợp ở nhà đã trang bị sẵn hệ thống oxy. Liều lượng: thở 1 - 3 lít oxy/phút, duy trì SpO2 ở mức 90 - 92%;

Khi tình trạng đợt cấp COPD xảy ra, cần cho bệnh nhân thở oxy tại nhà trong trường hợp ở nhà đã trang bị sẵn hệ thống oxy

Khi tình trạng đợt cấp COPD xảy ra, cần cho bệnh nhân thở oxy tại nhà trong trường hợp ở nhà đã trang bị sẵn hệ thống oxy

- Sử dụng thuốc giãn phế quản: Kết hợp các nhóm thuốc giãn phế quản khác nhau, đồng thời tăng tối đa liều thuốc giãn phế quản dạng uống và dạng khí dung;

- Dùng Corticoid đường phun hít;

- Sử dụng thuốc kháng sinh;

Các loại thuốc dùng cho trường hợp cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà cần được sử dụng tuân theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phối hợp với việc điều trị kết hợp tại nhà như sau:

- Vận dụng các bài tập vật lý trị liệu như tập thở, tập ho khạc đờm để chức năng hô hấp mau chóng được hồi phục;

- Bệnh nhân cần bỏ hút thuốc lá và không hít thuốc thụ động từ người khác để tránh tình trạng bệnh tăng nặng và diễn tiến xấu hơn;

- Không được bỏ thuốc điều trị;

- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gia tăng tỷ lệ đợt cấp tái diễn: không đến chỗ đông người, luôn giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh;

- Khám bệnh định kỳ ít nhất 6 tháng/lần tại cơ sở y tế;

- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để ngăn chặn nhiễm trùng đường hô hấp. Các vắc xin được khuyến cáo là có hiệu quả tốt đối với người bị COPD là vắc xin ngừa phế cầu, vắc xin phòng ho gà;

- Uống nhiều nước để làm loãng dịch nhầy, khai thông đường thở;

- Duy trì các thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc vào ban đêm, ăn uống khoa học, lành mạnh, ít chất béo, tập thể dục nhẹ nhàng kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn;

- Nếu xuất hiện các triệu chứng tăng nặng mà việc cấp cứu tại nhà không khả thi, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Các trường hợp dưới đây cần phải lập tức cho bệnh nhân nhập viện: 

- Bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tím tái, mệt lả;

Bệnh nhân cần nhập viện điều trị khi xuất hiện dấu hiệu tím tái, mệt mỏi

Bệnh nhân cần nhập viện điều trị khi xuất hiện dấu hiệu tím tái, mệt mỏi

- COPD trở nặng khi ở giai đoạn ổn định;

- Không đáp ứng điều trị ban đầu tại nhà;

- Xuất hiện tình trạng loạn nhịp tim;

- Có các bệnh lý nền nặng khác.


Tài liệu tham khảo:

  • Đợt cấp COPD | BVĐK Tâm Anh
  •  Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà | TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ HẠ LONG
  • Xử trí đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính | Vinmec
  • Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà | HEALTH VIỆT NAM

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.