Từ điển bệnh lý

Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi là một tình trạng nguy hiểm nếu như không được phát hiện kịp thời và có phương pháp xử lý đúng cách. Tình trạng tràn khí màng phổi được hiểu là hiện tượng một lượng không khí bị tích tụ trong khoang màng phổi (khoảng không gian giữa phổi và thành ngực). Lượng không khí này có thể bắt nguồn từ bên trong cơ thể (phổi) hoặc đến từ bên ngoài cơ thể và thường do một số tác nhân do bệnh lý gây ra.

Tràn khí màng phổi có tỉ lệ tái phát bệnh khá cao. Hơn thế, trường hợp tái phát tràn khí màng phổi sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng và nguy hiểm hơn so với tình trạng phát bệnh lần đầu. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo thực hiện điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi để tránh hậu quả xấu xảy ra.

Tràn khí màng phổi có tỉ lệ tái phát bệnh khá cao

Tràn khí màng phổi có tỉ lệ tái phát bệnh khá cao

 


Nguyên nhân Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Theo thống kê từ Bộ Y tế thì có tới hơn 30% tỷ lệ người bệnh đã từng bị tràn khí màng phổi sẽ bị tái phát bệnh ít nhất một lần. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tái phát tràn khí màng phổi có thể bắt nguồn từ những yếu tố sau đây:

  • Người bệnh đang mắc phải các bệnh lý mạn tính có liên quan đến hệ hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc một số căn bệnh về phổi khác như: viêm phổi mạn, bệnh lao phổi, xơ nang, bệnh sarcoid, xơ hóa phổi vô căn, ung thư phổi.
  • Trường hợp bệnh nhân đã được điều trị tràn khí màng phổi nhưng chưa thực hiện đầy đủ các bước dự phòng tái phát tràn khí màng phổi.
  • Tình trạng bệnh nhân bị tràn khí màng phổi nguyên phát nhưng không được điều trị mà bệnh tự khỏi hầu hết sẽ bị tái phát bệnh bởi màng phổi đã bị tổn thương nhưng không được xử lý.
  • Một số trường hợp tái phát tràn khí màng phổi có thể đến từ yếu tố công việc như làm việc trong môi trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đường hô hấp, làm việc trong môi trường có áp suất cao như hàng không hoặc thợ lặn,...

Một số trường hợp tái phát tràn khí màng phổi có thể đến từ yếu tố công việc như làm việc trong môi trường bị ô nhiễm

Một số trường hợp tái phát tràn khí màng phổi có thể đến từ yếu tố công việc như làm việc trong môi trường bị ô nhiễm


Triệu chứng Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Người bệnh đã từng gặp phải tình trạng bị tràn khí màng phổi sẽ cần chú ý tới những dấu hiệu nhận biết bệnh, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ tái phát cao. Các triệu chứng bệnh điển hình của tràn khí màng phổi là:

  • Đau tức ngực (cơn đau xuất hiện đột ngột, cảm giác như bị dao đâm)

Cơn đau tức ngực

  • Khó hít thở sâu
  • Ho dữ dội
  • Huyết áp giảm, choáng váng, ngất xỉu
  • Đổ mồ hôi, chân tay lạnh, tim đập nhanh,...

Ngay khi bệnh nhân phát hiện các triệu chứng bệnh như trên cần tìm tới sự trợ giúp từ các y bác sĩ sớm nhất có thể, tránh nguy cơ bệnh chuyển biến nhanh gây nguy hiểm đến tính mạng.


Các biến chứng Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi nếu không được điều trị đúng cách và kết hợp điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi thì khả năng cao sẽ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tình trạng rò rỉ khí liên tục mặc dù đã đặt ống dẫn lưu khí
  • Tràn khí màng phổi gây áp lực lên phổi, lượng oxy được trữ trong phổi sẽ giảm thiểu dẫn tới tình trạng thiếu oxy nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể (có thể dẫn tới tử vong).
  • Tim có thể bị chèn ép nếu tình trạng tràn khí màng phổi kéo dài mà không được xử lý. Nguy cơ tử vong rất cao nếu tình trạng chèn ép tim không được xử lý nhanh.
  • Tình trạng tràn khí màng phổi gây chèn ép phổi, thiếu oxy sẽ dẫn tới nguy cơ suy hô hấp hoặc tình trạng Shock. Những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu gặp phải 2 tình trạng trên thì nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao.

Đối tượng nguy cơ Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Nguy cơ bệnh nhân từng bị tràn khí màng phổi bị tái phát bệnh là rất cao chính vì vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo tất cả những bệnh nhân đã từng hoặc đang bị tràn khí màng phổi đều cần điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi. Đặc biệt những nhóm đối tượng sau đây bắt buộc phải điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi bởi nguy cơ tái bệnh có thể lên tới 90%:

  • Những bệnh nhân có bệnh lý nền về phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh viêm phổi mạn tính, hen phế quản, giãn phế nang, kén khí phổi...
  • Những người làm việc trong môi trường có sự thay đổi áp suất lớn như: Người làm việc trong hàng không (tiếp viên, phi công, phi hành đoàn,...) và những người làm việc trong môi trường biển (thợ lặn chuyên nghiệp, tàu ngầm,...)
  • Nhóm đối tượng làm việc trong môi trường có quá nhiều hóa chất độc hại, khí đốt nhiên liệu hoặc khói bụi công nghiệp.

Các biện pháp chẩn đoán Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi sẽ được kiểm tra lâm sàng với các triệu chứng bệnh điển hình kết hợp với thông tin các bệnh lý nền hiện có. Sau đó, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang vùng phổi nhằm xác định vùng bệnh gây tổn thương và các yếu tố bệnh khác. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại và các nhóm bệnh lý có liên quan mà các bác sĩ sẽ thực hiện số số phương pháp chẩn đoán khác nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như phân biệt tình trạng bệnh với các bệnh lý khác. Các phương pháp có thể được thực hiện là: Đo điện tâm đồ, soi màng phổi, thực hiện khí máu động mạch, chụp cắt lớp vi tính vùng ngực, xét nghiệm máu,...

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi sẽ được kiểm tra lâm sàng với các triệu chứng bệnh điển hình kết hợp với thông tin các bệnh lý nền

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi sẽ được kiểm tra lâm sàng với các triệu chứng bệnh điển hình kết hợp với thông tin các bệnh lý nền


Các biện pháp điều trị Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi

Điều trị bệnh nhân bị tràn khí màng phổi sẽ được thực hiện theo trình tự sau: Xử lý tình trạng bệnh giai đoạn cấp cứu trước sau đó sẽ tiến hành điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi, điều trị các bệnh lý nền có liên quan và điều trị điều trị ngoại khoa trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương. Trong đó, phương pháp xử lý giai đoạn cấp cứu và điều trị dự phòng tái phát bệnh cần được chú ý hơn cả.

Điều trị dự phòng tái phát tràn khí màng phổi sẽ được thực hiện thông qua 2 phương pháp chính là: Gây dính màng phổi qua ống dẫn lưu và gây dính màng phổi qua nội soi. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt người bệnh có thể sẽ được chỉ định nội soi lồng ngực (hoặc phẫu thuật mở ngực).

Phương pháp này được chỉ định thực hiện trên bệnh nhân tràn khí màng phổi trong các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân đã được thực hiện hút dẫn lưu rút khí 5 ngày nhưng vẫn không hết khí trong khoang màng phổi.
  • Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi tái phát nhiều lần.
  • Bệnh nhân tràn khí màng phổi thứ phát bắt nguồn từ các bệnh lý như xơ phổi, kén khí phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Bệnh nhân tràn khí màng phổi làm việc trong môi trường có áp suất cao như phi công, thợ lặn.

Những trường hợp sau đây cần tạm hoãn thực hiện phương pháp gây dính màng phổi:

  • Bệnh nhân bị rối loạn huyết động: Nhịp tim cao hơn 100 ck/ph hoặc có huyết áp tối đa < 90 mmHg.
  • Bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu: Lượng tiểu cầu sẽ nhỏ hơn 60 G/l hoặc tỷ lệ prothrombin nhỏ hơn 60%.
  • Bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp: SpO2 < 90% hoặc PaO2 < 60 mmHg.
  • Bệnh nhân đang có thể trạng yếu, mắc bệnh toàn thân.

Những trường hợp trên cần được xử lý tình trạng bệnh trước khi thực hiện phương pháp gây dính màng phổi. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo không được thực hiện phương pháp này với Iodopovidon cho người bệnh cường giáp.

Thực hiện phương pháp gây dính màng phổi qua dẫn lưu với bột Talc hoặc Iodopovidon:

Phương pháp này được thực hiện khá nhiều bởi kỹ thuật đơn giản và chi phí thực hiện không quá nhiều tuy nhiên cơ sở y tế thực hiện cần có khả năng đặt ống dẫn lưu màng phổi. Điểm chưa hoàn chỉnh của phương pháp này chính là khả năng gây dính không quá cao bởi các chất bơm qua ống dẫn lưu vào khoang màng phổi sẽ phân bổ không đều.

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện phương pháp này cần chú ý các điểm sau: Đã có kết quả chụp X-quang và các xét nghiệm máu cho thấy đủ điều kiện thực hiện dẫn lưu, nên ăn nhẹ trước khi thực hiện thủ thuật, cần được tiêm thuốc giảm đau trước khi thực hiện 15 phút.

Một số loại thuốc sẽ được sử dụng trong quá trình thực hiện thủ thuật gây dính màng phổi qua ống dẫn lưu là: Lidocain 2% ống 2ml: 10 ống, natriclorua 0,9%: 250ml, paracetamol 1g x 1 lọ, atropin 1/4 mg: 2 ống, methylprednisolon 40mg x 2 lọ, piroxicam 20mg x 2 ống, bột talc y tế vô khuẩn: 5-10 gram, iodopovidon 10%: lọ 125ml.

Các dụng cụ được sử dụng: Găng vô trùng, hộp chống sốc, găng sạch, gạc, cồn trắng 70 độ, cồn iod 1.5%, ống dẫn lưu, bộ dụng cụ mở màng phổi, bơm tiêm 50ml, bơm ăn 50ml, bơm 20ml.

  • Các bước tiến hành đặt ống dẫn lưu: Chọn vị trí đặt - Sát trùng vị trí dẫn lưu - Trải săng vô khuẩn - Gây tê tại chỗ - Đặt và cố định ống dẫn lưu - Hút áp lực âm khoang màng phổi.
  • Gây dính màng phổi với iodopovidon (hoặc bột talc) sẽ được thực hiện theo trình tự như sau: Ngâm đầu nối ống dẫn lưu trong dung dịch cồn - pha hỗn hợp thuốc vào dung dịch gây dính (iodopovidone + natriclorua 0,9% + lidocain 2%) - Bơm dung dịch gây dính vào khoang màng phổi thông qua ống dẫn lưu - Kẹp dẫn lưu khoảng 2 giờ - Tháo kẹp dẫn lưu và hút áp lực. Trong giai đoạn kẹp ống dẫn lưu, người bệnh có thể sẽ được chỉ định thay đổi tư thế nằm cứ 15 phút một lần nhằm tăng hiệu quả thử thuật (nằm ngửa - nằm sấp - nằm nghiêng).

Một số lưu ý sau khi thực hiện thủ thuật gây dính màng phổi:

  • Chú ý đến các biểu hiện lâm sàng xuất hiện như khó thở, đau ngực, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, mạch,...
  • Kiểm tra lượng khí và dịch trong bình dẫn lưu.
  • Kiểm tra chân dẫn lưu, đầu nối dẫn lưu kỹ càng nhằm nguy cơ bị rò rỉ.
  • Chụp X-quang phổi hàng ngày để kiểm tra hiệu quả của thủ thuật.  

Phương pháp nội soi màng phổi gây dính với bột Talc

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện nội soi màng phổi gây dính với bột Talc sẽ cần lưu ý các điểm sau: Bệnh nhân sẽ được tư vấn và giải thích kỹ về phương pháp và phải ký cam đoan thực hiện nội soi màng phổi, người bệnh cần nhịn ăn buổi sáng ngày thực hiện nội soi màng phổi.

Các vật dụng, thiết bị y tế cần được chuẩn bị cho phương pháp nội soi màng phổi gây dính là: Các dụng cụ nội soi màng phổi, dụng cụ can thiệp trong quá trình nội soi màng phổi, dụng cụ và thiết bị để bơm bột Talc, các dụng cụ gây mê và phẫu thuật, một số loại thuốc,...

Sau quá trình nội soi gây dính màng phổi cần theo dõi:

  • Theo dõi toàn trạng: Huyết áp, mạch, nhịp thở, tình trạng thông khí, nhiệt độ cơ thể,...
  • Kiểm tra lượng dịch và khí trong bình dẫn lưu.
  • Kiểm tra lỗ rò ở ống dẫn lưu
  • Chụp X-quang để kiểm tra hiệu quả thủ thuật

Các phương pháp gây dính màng phổi để dự phòng tái phát tràn khí màng phổi được các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thực hiện bởi hiệu quả mang lại rất cao. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những tác dụng phụ và biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải khi thực hiện các phương pháp này như: Nhiễm trùng khoang màng phổi, suy hô hấp, phù phổi cấp, viêm phổi.


Tài liệu tham khảo:

  • Biến chứng có thể gặp của tràn khí màng phổi | Hệ thống Vinmec
  • Dự phòng tái phát tràn khí màng phổi như thế nào? | Khỏe đẹp 24h

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.