Từ điển bệnh lý

Giãn phế nang : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-06-2021

Tổng quan Giãn phế nang

Phế nang được biết đến là một đơn vị được phân cấp cuối cùng trong phổi và vai trò của chúng vô cùng quan trọng. Phế nang có hình dáng như những túi khí nhỏ li ti kết dính với nhau tạo thành một tổ hợp giống hình dáng một chùm nho, chúng thường nằm tại vị trí đầu các ống dẫn khí nhỏ nhất. Đường kính mỗi phế nang chỉ khoảng 0,1 - 0,2mm và có chứa khí bên trong. Số lượng phế nang có trong cơ thể một người trưởng thành có thể lên tới 300 triệu túi phế nang khiến cho tổng bề mặt hô hấp của phổi có thể đạt tới 120 m2.

Bệnh giãn phế nang 

Giãn phế nang phổi

Cơ chế hoạt động của phế nang song song với hoạt động giãn nở của phổi khi con người hít thở. Khi chúng ta hít vào, các phế nang sẽ hút không khí vào và phình to ra, ngược lại khi chúng ta thở ra thì các phế nang sẽ xẹp lại và đẩy không khí ra ngoài. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục và đều đặn sẽ đảm bảo lưu thông và trao đổi khí của cơ thể. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cơ thể gặp phải những tác động không mong muốn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan hệ hô hấp thì các phế nang cũng sẽ bị tổn thương. Tình trạng giãn phế nang khi các phế nang bị mất tính đàn hồi, giảm độ co giãn hay thậm chí hư hỏng và không thể hồi phục,... khả năng trao đổi khí của phế nang bị suy yếu.


Nguyên nhân Giãn phế nang

Tình trạng giãn phế nang xuất hiện bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân gây ra và hầu hết là do vấn đề về bệnh lý nền ảnh hưởng.

  • Bệnh viêm phế quản mạn tính có khả năng lây nhiễm sang phế nang làm phá hủy cấu trúc và gây giãn phế nang.
  • Bệnh lao phổi bắt nguồn từ vi khuẩn lao có thể làm căng giãn phế nang và làm xơ hóa thành phế nang.

Vi khuẩn lao có thể làm căng giãn phế nang và làm xơ hóa thành phế nang.

  • Bệnh hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm căng giãn phế quản, hệ thống mao mạch ở phổi và cả vùng phế nang.
  • Người bệnh bị bụi phổi vô cơ: Đây là dạng bệnh lý xuất hiện chủ yếu do môi trường làm việc có chứa quá nhiều bụi bẩn kèm các loại bụi phổi (silic, amiăng hay bụi than). Bệnh bụi phổi sẽ khiến thành phế quản bị viêm nhiễm, phế nang cũng sẽ bị ảnh hưởng giãn và xơ.
  • Tình trạng lão suy: Đây là dạng bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi do hoạt động phổi diễn ra quá lâu nên phế nang dễ bị xơ hóa và giãn.
  • Thiếu protein AAT (một dạng bệnh di truyền) sẽ khiến độ đàn hồi của phế nang giảm sút nghiêm trọng, các enzyme sẽ gây thương tổn đến phổi, dẫn đến giãn phế nang.
  • Giãn phế nang cũng có thể là do hệ quả của bệnh Sarcoidose.
  • Tình trạng lồng ngực bị biến dạng hoặc phế quản bị chít hẹp rất dễ khiến tắc nghẽn phế quản và phế nang, dần chuyển biến thành bệnh giãn phế nang.

Triệu chứng Giãn phế nang

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các bệnh lý khác kèm theo mà mỗi người lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những triệu chứng được cho là điển hình nhất về bệnh giãn phế nang như:

  • Khó thở: Mức độ khó thở sẽ tăng dần khi bệnh tình chuyển biến nặng hơn tuy nhiên sẽ dịu đi trong khi người bệnh nằm ngủ.
  • Ho: Người bệnh có thể xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm đặc, trong trường hợp ho có đờm mủ thì khả năng cao do người bệnh có bệnh lý nền là viêm phế quản.
  • Lồng ngực có triệu chứng bị biến dạng, căng tròn dạng hình thùng.
  • Đau vùng thượng vị bắt nguồn từ hoạt động quá sức của cơ bụng.
  • Da dẻ tím tái: Môi là nơi bị tím tái đầu tiên, sau đó sẽ lan dần tới các đầu ngón tay ngón chân.
  • Chán ăn, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, dễ nhức đầu vào buổi sáng sớm,.

Người giãn phế nang có thể xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm đặc

Người giãn phế nang có thể xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm đặc


Các biến chứng Giãn phế nang

Giãn phế nang có thể gây ra các cơn ho kéo dài trong nhiều ngày không thuyên giảm, khi làm việc nặng nhọc hoặc đang mệt mỏi rất dễ làm tình trạng khó thở tăng mạnh hơn, chán ăn, uống khiến cân nặng người bệnh dễ giảm sút nhanh,... Những triệu chứng của bệnh sẽ dần nghiêm trọng hơn làm chất lượng cuộc sống người bệnh gặp khó khăn, tình trạng sức khỏe cũng sẽ bị đe dọa nhiều.

Bệnh giãn phế nang có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nặng trong trường hợp người bệnh không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách. Một số biến chứng từ bệnh giãn phế nang như: Tình trạng tràn khí màng phổi, suy hô hấp, tắc nghẽn động mạch phổi, tâm phế mạn tính,...

Trường hợp bệnh nhân bị giãn phế nang ở thể ác tính thì phổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ tan biến dần bởi cấu trúc nhu mô bị phá hủy dần từ đáy. Đã có không ít trường hợp bệnh nhân bị suy kiệt dần và dẫn tới tử vong sau một vài năm.


Đường lây truyền Giãn phế nang

Bệnh giãn phế nang không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người, thế nhưng một số bệnh lý là nguyên nhân gây giãn phế nang lại có nguy cơ lây lan rất dễ. Bệnh lao phổi, viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn, virus,... đều là những loại bệnh lý hô hấp dễ lây truyền. Theo một số nghiên cứu y học gần đây đã cho thấy rằng tỉ lệ những người bị viêm phế quản hầu hết đều gặp phải tình trạng giãn phế nang.

Một vài trường hợp bệnh giãn phế nang có thể di truyền từ mẹ sang con, cụ thể hơn là tình trạng thiếu hụt protein AAT có thể di truyền. Hoặc tác động từ môi trường cũng có thể gây viêm bụi phổi hàng loạt và dẫn tới giãn phế nang.


Đối tượng nguy cơ Giãn phế nang

Hầu hết tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh giãn phế nang và đặc biệt xuất hiện nhiều nhất ở các nhóm đối tượng như:

  • Nhóm những người đang có các bệnh lý nền liên quan đến hệ hô hấp: Lao phổi, hen phế quản, viêm phế quản, bụi phổi,...
  • Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí sẽ dẫn tới các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến phế nang.
  • Bố mẹ bị mắc chứng thiếu hụt protein AAT thì khả năng cao sẽ di truyền cho con cái, nguy cơ bị giãn phế nang cao.
  • Nhóm những người đã từng gặp phải các chấn thương vùng ngực, hoặc những người từng thực hiện các cuộc phẫu thuật quanh vùng ngực.
  • Nhóm người làm những ngành nghề như: Thổi kèn, thổi thủy tinh rất dễ gặp phải tình trạng giãn phế nang. Chính vì áp lực quá lớn và thường xuyên đến phế nang, làm hoạt động co giãn phế nang tần suất cao hơn, lâu dần sẽ bị giãn phế nang.

Phòng ngừa Giãn phế nang

Bệnh giãn phế nang không chỉ là một căn bệnh đơn thuần về hệ hô hấp mà tác hại của bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ quan khác nhau. Chính vì vậy, mỗi cá nhân cần thực hiện nhiều phương pháp phòng chống bệnh ngay từ khi chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

  • Luôn giữ gìn sức khỏe đường thở cũng hư sức khỏe toàn thân. Đặc biệt chú ý đến các vùng cơ quan như răng miệng, tai mũi họng bởi những vùng cơ thể này rất dễ là nguồn cơn của nhiều bệnh lý về hô hấp. Nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp mà không được chữa trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phế nang và phổi.
  • Thiết lập chế độ ăn khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng, loại bỏ những loài vi khuẩn virus xâm nhập vào cơ thể. Bổ sung lượng vitamin A,C,E và các vitamin nhóm B sẽ giúp nâng cao thể trạng. Đồng thời cũng nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn và không hút thuốc lá, các chất kích thích gây hại cho cơ thể.
  • Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt quan tâm tới các bài tập thở bụng, khí công,...
  • Môi trường sống cũng tác động không nhỏ đến sự hình thành những căn bệnh hô hấp. Cần sử dụng các đồ dùng bảo hộ nhằm hạn chế tối đa các loại khói bụi, vi khuẩn độc hại đến từ môi trường xung quanh. Có thể sử dụng nước phun lên đường phố nhằm hạn chế khói bụi, không sử dụng bếp than tại những nơi đông dân cư và hít phải khí than trực tiếp, không đốt các loại túi nilon, cao su, nhựa,...
  • Bệnh nhân cần chữa trị dứt điểm các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm phế quản. Một số bệnh lý về răng miệng, hay vùng tai mũi họng cũng cần được chữa trị dứt điểm, loại bỏ nguy cơ viêm nhiễm lây lan xuống phế quản và phổi.

Các biện pháp chẩn đoán Giãn phế nang

Ngay khi phát hiện ra những triệu chứng có nghi ngờ là do giãn phế nang, bệnh nhân cần lập tức tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ tốt nhất. Các bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng trước để xác định khả năng mắc bệnh cao hay không. Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán bệnh như sau:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh chụp x-quang sẽ cho thấy mức độ căng phồng lồng ngực, khoang liên sườn rộng ra, xương sườn nằm ngang. Hình ảnh cung động mạch phổi bị nổi lên, nhu mô phổi sáng hơn bình thường, khoảng sáng sau tim rộng ra, sự phân bổ khí và máu không đều ở phổi,...
  • Chụp cắt lớp vi tính đa dãy với độ phân giải cao là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán giãn phế nang. Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy hiện đại, đạt chuẩn đã phát hiện rất nhiều trường hợp bệnh nhân giãn phế nang giúp việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả, nhanh chóng.
  • Thực hiện điện tim đồ và thăm dò các chức năng hệ hô hấp.

Các biện pháp điều trị Giãn phế nang

Lựa chọn phương pháp điều trị như thế có hiệu quả hay không còn cần phải phụ thuộc vào tính chính xác khi chẩn đoán bệnh tình. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ xác định những loại bệnh lý nền hiện có của người bệnh để lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.

- Nguyên tắc chữa trị bệnh giãn phế nang: Thực hiện các biện pháp nhằm giúp phổi xẹp bớt và giảm lượng khí những vùng bị tích tụ quá nhiều khí trong phổi. Tiếp theo sẽ giúp người bệnh giảm công hô hấp và cải thiện khả năng gắng sức bằng việc thở bình oxy. 

Bên cạnh đó, việc điều trị giãn phế nang phải được kết hợp với các bệnh lý nền và các biến chứng mà bệnh gây ra. Hầu hết những trường hợp bệnh nhân bị giãn phế nang đều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến phế quản, do vậy cần điều trị phế quản bằng một số loại thuốc chuyên trị. Một số loại thuốc thường được chỉ định dùng cho bệnh nhân giãn phế nang là:

  • Thuốc giãn phế quản: giúp phổi giảm triệu chứng căng phồng quá mức, hỗ trợ tăng khả năng gắng sức, giảm triệu chứng khó thở.
  • Thuốc Corticoid dạng uống hoặc dạng khí: Nhằm điều trị dự phòng các triệu chứng viêm nhiễm.
  • Một số loại kháng sinh khác cũng được chỉ định dùng nhằm điều trị các dạng nhiễm khuẩn do viêm phổi hay viêm phế quản.

Song song với việc điều trị bệnh giãn phế nang và các bệnh lý có liên quan thì bệnh nhân cũng cần lưu ý thực hiện các việc sau đây để có được kết quả điều trị tốt nhất:

  • Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bằng cách loại bỏ thuốc lá và các chất kích thích khác nhằm giúp quá trình điều trị bệnh tiến triển nhanh hơn, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia.
  • Tập một số bài tập vật lý trị liệu như bài tập thở chúm môi nhằm hạn chế tình trạng khí bị ứ đọng trong lồng ngực, giảm triệu chứng khó thở.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao sức đề kháng.

Tập thể dục là biện pháp hỗ trợ điều trị giãn phế nang

Tập thể dục là biện pháp hỗ trợ điều trị giãn phế nang

Mặc dù điều trị giãn phế nang là không khỏi hoàn toàn, nhưng các bác sĩ của bệnh viện đa khoa Medlatec đã hỗ trợ điều trị và hướng dẫn tập phục hồi chức năng phổi cho rất nhiều bệnh nhân bị giãn phế nang để nâng cao chất lượng cuộc sống, đề phòng các nguy cơ bội nhiễm phổi và hạn chế biến chứng của giãn phế nang.

Bài viết tham khảo:

Biến chứng của giãn phế nang | Bệnh viện Vinmec

Tìm hiểu về bệnh giãn phế nang | Bệnh viện Thu Cúc

Giãn phế nang – Nguyên nhân, giấu hiệu và điều trị | Hồng ngọc

Tìm hiểu về bệnh phế nang | Sổ tay sức khỏe


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.