Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh hạ cam là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do trực Haemophilus ducreyi gây bệnh. Bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến cấp tính, với biểu hiện đặc trưng là loét, đau tại các săng lây truyền và tình trạng viêm mủ các hạch bạch huyết vùng bẹn. Do có cùng yếu tố nguy cơ, bệnh nhân mắc bệnh hạ cam có thể tăng khả năng lây truyền HIV từ 5-9 lần.
Bệnh hạ cam
Dịch tễ bệnh hạ cam xuất hiện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng cao ở các quốc gia kém phát triển như châu Phi và hiếm gặp ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh hạ cam thấp và chủ yếu ở khu vực phía Nam; trong đó, bệnh thường gặp hơn ở nam giới. Mặc dù vậy, tỷ lệ chính xác của bệnh hạ cam còn chưa rõ do ít labo xét nghiệm có thể phát hiện được Haemophilus ducreyi (nuôi cấy hoặc khuếch đại acid nucleic); ngoài ra, có thể nhầm lẫn với các căn nguyên khác gây loét sinh dục như giang mai, nhiễm virus herpes,...
Trực khuẩn gram âm Haemophilus ducreyi là căn nguyên gây bệnh hạ cam. Vi khuẩn có hình que ngắn, hai đầu tròn, không di động, bắt màu hai cực và thường nằm tiếp nối với nhau thành chuỗi. Cytotoxin do vi khuẩn tiết ra đóng vai trò quan trọng trong tổn thương tế bào biểu mô và sự hình thành vết loét. Độc tố này tương tự như các độc tố của Escherichia coli, Shigella, Campylobacter,...
Trực khuẩn gram âm Haemophilus ducreyi là căn nguyên gây bệnh hạ cam
Triệu chứng bệnh hạ cam qua các giai đoạn
- Thời gian ủ bệnh của bệnh hạ cam từ 3 đến 10 ngày.
- Bệnh thường không có tiền triệu. Đau hạch bẹn, loét sinh dục là nguyên nhân chủ yếu khiến nam giới đi khám bệnh. Ở bệnh nhân nữ, triệu chứng thường không rõ, có thể gặp chảy máu trực tràng, ra khí hư, đau khi quan hệ tình dục, khi đại, tiểu tiện.
- Ban đầu, tổn thương trong bệnh hạ cam là sẩn mềm có quầng đỏ xung quanh sau tiến triển thành mụn mủ, trợt và loét sau 1-2 ngày. Vết loét hạ cam thường đau, mềm; kích thước từ 2-10mm, đợn độc hoặc liên kết thành vết loét lớn hay hình rắn bò, xung quanh phù nề. Tổn thương có đáy là tổ chức hạt mủ, dễ chảy máu được phủ bởi dịch tiết mủ hoại tử xám, vàng và bờ rõ, không cứng. Số lượng vết loét có thể có một hoặc nhiều do tự lây nhiễm, nữ thường có nhiều vết loét hơn.
- Đa phần các trường hợp có tổn thương khu trú ở thân dương vật, rãnh và bao qui đầu (ở nam giới) hay âm vật, cổ tử cung, hậu môn, chạc âm hộ, môi lớn, môi nhỏ, tiền đình âm đạo (với nữ giới). Có thể gặp tổn thương ngoài vị trí ngoài sinh dục (niêm mạc miệng, vú, ngón tay, đùi). Bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt nhẹ; tuy nhiên, trực khuẩn H.ducreyi không gây nhiễm khuẩn toàn thân và gây tổn thương các cơ quan xa.
- Sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 1-2 tuần, khoảng 1/3 số bệnh nhân hạ cam xuất hiện viêm hạch bẹn một bên (sưng, đau, nóng đỏ). Hạch bẹn sẽ mềm dần và vỡ tự nhiên, tiết dịch mủ đặc sánh như kem
- Bệnh có thể diễn biến nặng hơn nếu bội nhiễm vi khuẩn yếm khí (gây loét hoại thư, phá hủy cơ quan tổn thương) hay đồng nhiễm HIV (vết loét lâu lành, lớn hơn nhưng ít bị viêm hạch bạch huyết nặng). Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, không tìm thấy vi khuẩn H.ducreyi dù mẹ đang bị bệnh.
- Bệnh tiên lượng tốt nếu được điều trị: Vết loét sẽ tiến triển tốt sau điều trị 1 tuần, nhưng hạch bẹn có thể lâu hơn. Trước khi điều trị, bệnh nhân cần được xét nghiệm HIV do vết loét làm tăng khả năng nhiễm bệnh. Ngoài ra, cũng cần xét nghiệm huyết thanh sàng lọc herpes, giang mai trên các bệnh nhân hạ cam trong vòng 3 tháng do khoảng 10-15% số bệnh nhân có thể đồng nhiễm.
Mặc dù bệnh gây đau nhiều cho bệnh nhân, tiên lượng bệnh thường tốt nếu được điều trị kịp thời; một số trường hợp có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tổn thương loét sâu, lan rộng, bội nhiễm vi khuẩn có thể gây hoại thư dương vật.
Trực khuẩn lây truyền trực tiếp khi quan hệ tình dục, hiếm khi lây truyền gián tiếp. Do khả năng lây truyền của săng hạ cam cao và cơ thể không tạo miễn dịch khi mắc bệnh hạ cam, bệnh có thể tự nhiễm khi gãi ở chỗ da lành khác. Ở nam giới, biểu hiện bệnh rõ ràng, tổn thương thường đau; ngược lại, triệu chứng ở nữ giới lại kín đáo hơn và phụ nữ dễ trở thành người mang mầm bệnh, lây bệnh cho bạn tình.
Các vùng nhiệt đới và á nhiệt dới là vùng dịch tễ của bệnh hạ cam. Đặc biệt, ở những nơi nạn mại dâm phổ biến, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, tỷ lệ mắc càng cao. Bệnh nhân hạ cam có thể đồng mắc với các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục.
Giảm nguy cơ lây truyền cho người khác: Bệnh nhân cần tránh quan hệ tình dục đến khi vết loét khô, điều trị đủ phác đồ.
Quản lý bạn tình: Dù có xuất hiện triệu chứng hay không, các đối tượng bạn tình của bệnh nhân mắc hạ cam cần được tiến hành sàng lọc và điều trị kịp thời nếu họ có quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc bệnh hạ cam và các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Tìm hiểu đối tượng bạn tình có mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không. Ngoài ra, cần chung thủy một vợ một chồng, tránh quan hệ tình dục với nhiều người để giảm nguy cơ mắc bệnh
- Khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, miệng; việc sử dụng bao cao su đúng cách giúp bảo vệ tránh các bệnh lý lây qua đường tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn.
- Các hành vi tình dục gây rách da, tổn thương bộ phận sinh dục khiến nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục cao hơn. Do đó, cần tránh khi quan hệ tình dục
- Tiêm vắc xin viêm gan B, sùi mào gà và một số các loại virus khác giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
- Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán sớm người mắc bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và có biện pháp dự phòng phù hợp.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán sớm người mắc bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hoa Kỳ đã đưa ra định nghĩa về ca bệnh xác định và ca bệnh nghi ngờ.
Theo đó, bệnh nhẩn đoán được chẩn đoán xác định bệnh hạ cam khi ca nghi nhiễm lâm sàng được khẳng định bằng kết quả xét nghiệm.
Ca bệnh nghi ngờ khi có các tiêu chuẩn sau:
- Bệnh nhân có một hoặc nhiều tổn thương loét
- Triệu chứng lâm sàng, biểu hiện của loét sinh dục và sưng hạch địa phương đặc trưng của bệnh hạ cam
- Bệnh nhân không có bằng chứng nhiễm T.pallidum khi soi kính hiển vi nền đen dịch tiết vết loét hoặc huyết thanh chẩn đoán giang mai được thực hiện ít nhất 7 ngày kể từ khi khởi phát vết loét
- HSV PCR hoặc nuôi cây HSV được thực hiện trên dịch tiết vết loét âm tính
- Nhuộm soi tìm trực khuẩn Ducrey: Lấy bệnh phẩm ở dịch chọc hút hạch xoài vùng bẹn, săng hạ cam. Bệnh phẩm có thể nhuộm Gram, Giemsa hoặc phương pháp Pappenheim. Trong trường hợp bội nhiễm, có thể khó phát hiện trực khuẩn Ducrey.
- Xét nghiệm mô bệnh học: Đối với những tổn thương bị bội nhiễm và lan rộng, thường cần phải làm sinh thiết đê xét nghiệm mô học.
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn: Bệnh phẩm (mủ ở hạch xoài thường có tỷ lệ dương tính cao) được nuôi cấy trên môi trường thạch giàu dinh dưỡng có huyết thanh và hemoglobin. Thường sau 2 đến 4 ngày, có thể kéo dài đến 01 tuần, vi khuẩn sẽ mọc. Độ nhạy của xét nghiệm nuôi cấy phân lập H.ducreyi được ghi nhận ở 60 đến 80% bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng khi so sánh với xét nghiệm PCR.
- PCR: Là xét nghiệm mới có độ nhạy và đặc hiệu cao;
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh hạ cam tại BVĐK MEDLATEC
Chẩn đoán phân biệt của bệnh loét sinh dục gặp ở đối tượng quan hệ tình dục không an toàn rất đa dạng và cần dựa yếu tố dịch tễ. Tại các nước phát triển, căn nguyên chủ yếu do nhiễm herpes và giang mai, ngoài ra, cần loại trừ các căn nguyên không nhiễm trùng khác như dị ứng thuốc, hội chứng Behcet,…Mặc dù, khai thác tiền sử và khám lâm sàng đơn độc thường không thể kết luận chính xác bệnh gì vì các triệu chứng như đau, sưng hạch vùng bẹn và nhiều vết loét có thể gặp trong nhiều bệnh; tuy nhiên, có một số đặc điểm có tính chất gợi ý như sau:
- Vết loét trong bệnh hạ cam thường sâu, có mủ, có liên quan đến triệu chứng đau hạch vùng bẹn.
- Biểu hiện của nhiễm herpes sinh dục là nhiều vết loét, nông, đau, có thể có mụn nước. Ngoài ra, nhiễm herpes thường liên quan đến các đợt bệnh tái phát.
- Biểu hiện của giang mai là săng cứng, không đau, đáy sạch.
- U hạt ở bẹn thường là các tổn thương loét không đau, tiến triển không có sưng hạch khu vực. Tổn thương thường nhiều mạch máu và có máu đỏ. Tương tự như bệnh hạ cam, u hạt vùng bẹn hiếm xuất hiện ở Mỹ, nhưng lại gây dịch ở nhiều khu vực như Ấn Độ. Papua, New Guinea và Nam Phi.
Hiện nay, trực khuẩn hạ cam đã kháng lại một số thuốc như ampixilin, ciprofloxacin, erythromycin, sulfamides, chloramphenicol, tetraxyclin, kanamyxin, streptomycin và co-trimoxazole.
- Có thể lựa chọn một trong các phác đồ được khuyến cáo điều trị hiện nay:
+ Ceftriaxone 250mg tiêm bắp liều duy nhất, hoặc
+ Azithromycin 1g uống liều duy nhất, hoặc
+ Spectimycin 2g tiêm bắp liều duy nhất, hoặc
+ Erythromycin 500mg uống 4 lần/ ngày trong thời gian 7 ngày.
- Sau điều trị kháng sinh 2 đến 3 ngày, các triệu chứng sẽ đỡ dần và khỏi sau 01 tuần (triệu chứng sưng hạch bẹn thường có thời gian khỏi chậm hơn)
- Bệnh nhân HIV mắc bệnh hạ cam có thể được điều trị bằng các phác đồ trên; tuy nhiên, thời gian điều trị thường kéo dài hơn và nguy cơ thất bại điều trị cao hơn.
- Bệnh nhân hạ cam cần được sàng lọc cả giang mai và HIV ở thời điểm khám và xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu kết quả âm tính.
- Thời gian để giảm các triệu chứng phụ thuộc vào kích thước ổ loét, thường sau 3 đến 7 sau điều trị; tuy nhiên, vết loét lớn cần trên 2 tuần. Ngoài ra, sự hồi phục chậm hơn ở đối tượng nam giới chưa cắt bao quy đầu có vết loét dưới bao quy đầu. Nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị, cần cân nhắc tới các nguyên nhân:
+ Chẩn đoán chưa chính xác
+ Bệnh nhân đồng nhiễm với bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác
+ Bệnh nhân nhiễm HIV
+ Không tuân thủ điều trị
+ Vi khuẩn H.ducreyi thuộc nhóm kháng thuốc
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!