Từ điển bệnh lý

Hạ đường huyết : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Hạ đường huyết

Trong ngày, do phụ thuộc nhiều yếu tố nên lượng đường trong máu sẽ thay đổi. Nếu ngưỡng dao động trong phạm vi bình thường thì bệnh nhân sẽ không cảm nhận được. Nhưng nếu nó xuống dưới ngưỡng bình thường và không được điều trị thì bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm, ví dụ như hôn mê hoặc tử vong. Thông thường, triệu chứng hạ đường huyết sẽ xuất hiện rõ ràng khi đường máu xuống dưới ngưỡng 3.3mmol/l, khi đường máu xuống dưới 2.7mmol/l thì được coi là hạ đường huyết mức độ nặng, cần phải xử trí cấp cứu.

Hạ đường huyết là một tình trạng mà có đặc điểm tương xứng với mức đường huyết thấp bất thường. Điều này thường xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dL tương đương với 3,9mmol/l. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh nhân tiểu đường hoặc có bệnh lý nền đặc biệt, mức đường huyết tối thiểu cho hoạt động có thể khác ngưỡng này.

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dL tương đương với 3,9mmol/l

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dL tương đương với 3,9mmol/l

Tình trạng hạ đường huyết có thể gặp phải ở nhiều đối tượng, kể cả có đái tháo đường hay không đái tháo đường, và hiếm gặp ở bệnh nhân đái tháo đường không điều trị. Tình trạng này chỉ được coi là một triệu chứng chứ không được đánh giá là một bệnh mặc dù nó có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Theo ước tính, có tới 2 – 4% người bị đái tháo đường type I tử vong do hạ đường huyết. Cơ chế gây tử vong đột ngột của hạ đường huyết là gây tổn thương thần kinh và chết não, rối loạn nhịp tim, QT kéo dài.

Ở bệnh nhân đái tháo đường type II, tình trạng hạ đường huyết xảy ra ít thường xuyên hơn. Theo nghiên cứu của Anh, bệnh nhân đái tháo đường type II điều trị Insulin dưới 2 năm hoặc trên 5 năm có tỷ lệ hạ đường huyết mức độ nặng là 7 – 25%, tần suất là 10 – 70 cơn/ 100 bệnh nhân/năm.

Hạ đường máu có triệu chứng lâm sàng có thể gây nguy hiểm do có thể gây té ngã, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, ngoài ra ở những người cao tuổi đái tháo đường type II đã từng có hơn hạ đường huyết mức độ nặng có thể gây suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức.


Nguyên nhân Hạ đường huyết

Nguyên nhân hạ đường huyết có thể chia thành hai nhóm chính: 

Hạ đường huyết lúc đói

  • Do thuốc: Chiếm tới 70% nguyên nhân gây hạ đường huyết; trong đó chủ yếu là do các thuốc điều trị đái tháo đường, Insulin, hoặc một số thuốc khác như: salicylat, quinolon, các thuốc chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển, haloperidol
  • Do rượu: gây ức chế quá trình tạo glucose
  • Các bệnh gan thận giai đoạn cuối, các nhiễm khuẩn nặng làm lượng tiêu hao glucose vượt hơn lượng sản xuất dẫn đến tình trạng hạ đường huyết
  • Thiếu hụt một số hormon chống hạ đường huyết: hormon cortisol, GH…

Thiếu hụt một số hormon chống hạ đường huyết: hormon cortisol, GH

Thiếu hụt một số hormon chống hạ đường huyết: hormon cortisol, GH

  • Một số bệnh lý ác tính gây hạ đường huyết: u lympho, u tế bào gan, leucemi,… các bệnh lý này làm chế tiết yếu tố tăng trưởng giống Insulin 2 (IGF-2), chất này làm tăng sử dụng và giảm sản xuất glucose của cơ thể
  • Insulinoma: Đây là một loại u tụy nội tiết bắt nguồn từ các tế bào tiểu đảo tụy. Insulinoma xảy ra ở 1/ 250.000 người với tuổi trung bình là 50. Có tới 80% trường hợp Insulinoma chỉ bao gồm một khối u và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhờ phẫu thuật.
  • Chế độ ăn: Ăn ít tinh bột, ăn kiêng không hợp lý
  • Tập luyện vận động quá sức
  • Thay đổi sinh lý: Ngủ muộn, hành kinh, dậy thì…

Hạ đường huyết sau ăn

Thường xảy ra sau bữa ăn khoảng 2 giờ, gặp ở một số trường hợp:

  • Cắt dạ dày: Bệnh nhân có tiền sử cắt dạ dày bán phần hoặc cắt ruột non có triệu chứng xuất hiện tái diễn sau ăn 1 đến 2 giờ do sự hấp thu glucose quá nhanh làm cho cơ thể đáp ứng tiết insulin quá mạnh. Việc chia nhỏ bữa ăn, giảm lượng carbohydrat có thể làm giảm triệu chứng
  • Hạ đường huyết do tụy nhưng không phải Insulinoma: Do phì đại tế bào beta của đảo tụy, thường gặp ở nam giới

Triệu chứng Hạ đường huyết

Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân hạ đường huyết khác nhau tùy từng bệnh nhân và mức đường trong máu của họ, đáp ứng của cơ thể với ngưỡng đường đó

Các triệu chứng phân từ nhẹ đến nặng như sau:

Triệu chứng hạ đường huyết

Triệu chứng hạ đường huyết

  • Run tay chân
  • Cảm giác hồi hộp hoặc lo lắng
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Khó chịu hoặc thiếu kiên nhẫn
  • Cảm giác oang mang
  • Tim đập nhanh
  • Cảm giác lâng lâng hoặc chóng mặt
  • Đói
  • Buồn nôn
  • Da tái nhợt
  • Buồn ngủ
  • Cảm giác yếu hoặc không có năng lượng
  • Mờ / suy giảm thị lực
  • Ngứa ran hoặc tê ở môi, lưỡi hoặc má
  • Nhức đầu
  • Co giật
  • Hôn mê

Ngoài ra, có một số tình trạng hạ đường huyết không có triệu chứng, tình trạng này sẽ để lại một số tác hại như sau:

  • Làm giảm cơ chế hoạt động của hormon ngăn chặn hạ đường huyết
  • Làm giảm hoặc mất triệu chứng hạ đường huyết ở những lần sau

Phòng ngừa Hạ đường huyết

Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà nắm được các triệu chứng và cách xử trí hạ đường huyết sớm tại nhà, tránh để tình trạng nặng hơn, đặc biệt là ở các bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, nếu xuất hiện các dấu hiệu của cơn hạ đường huyết cần ngưng thuốc hạ đường huyết, bổ sung nước đường, kẹo hoặc các chế phẩm chứa carbohydrat và kiểm tra đường máu mao mạch.

Nếu xuất hiện hạ đường huyết nhiều lần, cần xác định và tìm thời điểm glucose thấp thường xuyên và thay đổi lối sống để tránh tình trạng này.

Nếu đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.

Kiểm soát đường máu tốt, theo dõi lượng đường trong máu bằng máy test đường máu mao mạch hoặc máy theo dõi đường huyết liên tục CGM để phát hiện sớm các tình trạng hạ đường huyết và xử trí sớm.

Kiểm soát đường máu tốt, theo dõi lượng đường trong máu bằng máy test đường máu mao mạch

Kiểm soát đường máu tốt, theo dõi lượng đường trong máu bằng máy test đường máu mao mạch

Một số thời điểm nên kiểm tra đường máu:

  • Trước và sau bữa ăn
  • Trước và sau khi tập thể dục, đặc biệt là các buổi tập cường độ cao
  • Trước khi đi ngủ
  • Thay đổi liều Insulin, thay đổi lịch làm việc, thói quen sinh hoạt, sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ gây hạ đường huyết, các bệnh lý cấp tính.

Một số lưu ý khác:

  • Ăn uống đúng giờ giấc, không bỏ bữa hoặc trì hoãn bữa ăn, đặc biệt là khi đang sử dụng Insulin.
  • Sử dụng thuốc chính xác theo đơn của bác sĩ.
  • Đem theo vòng tay hoặc vòng cổ nhận dạng y tế để người khác có thể biết bệnh nhân có bệnh tiểu đường.
  • Tập luyện vận động nhẹ nhàng, vừa sức, không vận động quá sức đột ngột.
  • Tránh sử dụng rượu lúc đói.

Các biện pháp chẩn đoán Hạ đường huyết

Chẩn đoán xác định

  • Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm mức đường huyết trong máu tĩnh mạch hoặc mao mạch.
  • Khi nồng độ đường trong máu xuống dưới ngưỡng 3.9mmol/l được coi là hạ đường huyết, còn khi nồng độ đường máu xuống dưới ngưỡng 2.8mmol/l được coi là hạ đường huyết mức độ nặng.

Khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC để xét nghiệm đường máu ngay tại nhà

Khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC để xét nghiệm đường máu ngay tại nhà


Các biện pháp điều trị Hạ đường huyết

1. Mức độ nhẹ:

- Giai đoạn này thường bệnh nhân chỉ có một số biểu hiện nhẹ như vã mồ hôi, run tay chân, cảm giác đói và hoàn toàn có thể tự điều trị được.

- Nếu tình trạng xảy ra khi đang làm việc hoặc khi lái xe cần ngừng lại nghỉ cho tới khi hết các triệu chứng.

- Điều trị theo “Quy tắc 15 – 15”

Quy tắc 15 - 15 tức là dùng 15 gam carbohydrate để tăng lượng đường trong máu và kiểm tra lại sau 15 phút. Nếu kết quả vẫn dưới 3,9 mmol/l (tương đương 70mg/dl) tiếp tục sử dụng 1 lần nữa. Tiếp tục lặp lại các bước này cho tới khi lượng đường trong máu tối thiểu là 3,9 mmol/l và không xuất hiện các triệu chứng nặng hơn. Khi lượng đường máu trở về bình thường, ăn thêm một bữa nhẹ để đảm bảo đường máu không giảm trở lại. Quy tắc này đảm bảo bệnh nhân không ăn quá nhiều đồ ngọt làm cho lượng đường trong máu tăng cao.

Một số chế phẩm có thể dùng: Viên nén hoặc tube glucose định mức, ½ cốc nước trái cây, 1 thìa đường hoặc 1 thìa mật ong, các loại kẹo ngọt, nước đường…

- Chú ý:

  • Ở trẻ em, cần dùng ít hơn 15 gam carbohydrat để chỉnh đường máu: Trẻ sơ sinh cần 6 gam, trẻ mới biết đi cần 8 gam và trẻ nhỏ cần 10 gam/lần.
  • Một số carbohydrat phức tạp (như chocolate) có thể làm chậm quá trình hấp thu glucoce và không nên được sử dụng để điều trị trong trường hợp khẩn cấp.
  • Nếu tình trạng hạ đường huyết diễn ra thường xuyên cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

2. Mức độ trung bình

Biểu hiện chủ yếu ở giai đoạn này là tình trạng kém tỉnh táo, mệt lả, đau đầu. Giai đoạn này có thể điều trị bằng cách bổ sung glucose đường uống ở liều lớn hơn nhưng thường hiệu quả không cao.

3. Mức độ nặng

Giai đoạn này thường bệnh nhân xuất hiện mất ý thức, các dấu hiệu thần kinh ngoại vi, co giật hoặc hôn mê và cần được đưa đến cơ sở y tế và xử trí càng sớm càng tốt.

Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng Insulin không chính xác (quá liều hoặc không ăn sau tiêm Insulin) và có nhiều trường hợp xuất hiện cơn hạ đường huyết nhiều lần.

Lúc này bệnh nhân đã có rối loạn tri giác nên việc sử dụng glucose đường uống có thể làm bệnh nhân sặc vào đường thở. Lúc này buộc phải sử dụng glucose đường tĩnh mạch kèm glucagon tiêm bắp hoặc dưới da.

Sử dụng glucose đường tĩnh mạch kèm glucagon tiêm bắp hoặc dưới da cho những bệnh nhân hạ đường huyết mức độ nặng

Sử dụng glucose đường tĩnh mạch kèm glucagon tiêm bắp hoặc dưới da cho những bệnh nhân hạ đường huyết mức độ nặng

* Truyền glucose tĩnh mạch

  • 10 - 25g (dung dịch Dextrose 50%, hoặc glucose 50%).
  • 50 - 100ml dung dịch glucose 30%.
  • Theo dõi sát lượng đường máu và các dấu hiệu sinh tồn, tri giác của bệnh nhân
  • Với trẻ <5 tuổi liều dùng 0,25 - 0,4mg.
  • Tuổi từ 5 - 10 tuổi liều dùng 0,5 - 1,0mg.
  • Trên 10 tuổi liều dùng là 1,0mg.

* Lưu ý:

  • Cần xét nghiệm đường máu mao mạch ngay đối với tất cả các bệnh nhân mất tri giác, co giật, hôn mê; lấy máu xét nghiệm đường máu tĩnh mạch nhưng khi xác định hôn mê do hạ đường huyết thì cần xử trí cấp cứu ngay, không cần chờ kết quả đường máu tĩnh mạch.
  • Cần tìm các nguyên nhân khác hoặc các tổn thương phối hợp ở bệnh nhân hạ đường huyết.
  • Xử trí triệu chứng, hồi sức tích cực, đảm bảo chức năng sống cho bệnh nhân.
  • Điều trị phối hợp với tìm và xử trí nguyên nhân hạ đường huyết.

Tài liệu tham khảo:
  1. “Hạ glucose máu”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Nội tiết – Chuyển hóa, ban hành kèm theo QĐ số 3879/QĐ-BYT ngày 30/09/2014 của Bộ Y Tế
  2. Cẩm nang điều trị Nội khoa – Nhà xuất bản Đại học Huế năm 2016
  3. Hypoglycemia – Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ ADA

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ