Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
Trong quá trình sinh con bằng đường âm đạo, nhiều thai phụ đã gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí là bị kiệt sức. Để giúp sức cho sản phụ sinh nở dễ dàng hơn trong giai đoạn sổ thai, bác sĩ có thể áp dụng biện pháp sinh giúp bằng dụng cụ kẹp forceps hoặc giác hút.
Trong đó biện pháp hỗ trợ sinh bằng giác hút hoạt động theo cơ chế là kéo hút đầu thai nhi ra khỏi âm đạo của mẹ bằng cách đặt một cái chén làm bằng kim loại hoặc chất liệu silastic lên đầu em bé. Dưới áp lực chân không tạo ra từ máy hút hoặc máy bơm bằng tay, bác sĩ sẽ kết hợp với cơn gò tử cung và sức rặn của sản phụ để kéo thai nhi ra ngoài. Thủ thuật này được thực hiện với điều kiện đầu của em bé đã di chuyển xuống thấp, lọt tới mức +2 hoặc +3 và có thể nhìn thấy tóc em bé khi khám âm đạo.
Khi đầu của thai nhi đã sổ được toàn bộ ra ngoài thì bác sĩ sẽ khóa máy hút lại, trên đầu thai nhi nắp đặt sẽ tự động bung ra và sau đó vẫn tiếp tục thực hiện đỡ sinh các phần vai, thân, chi dưới như một ca sinh bình thường.
Tương tự như các thủ thuật y tế khác sử dụng trong quá trình sinh nở, biện pháp giác hút cũng có nguy cơ gây nên một số ảnh hưởng tới cả mẹ và bé nhưng các rủi ro này thường ít gặp, nếu có cũng không để lại những biến chứng quá nghiêm trọng.
Ưu điểm lớn nhất của việc vận dụng các kỹ thuật trợ sinh đường âm đạo (trong trường hợp này là dùng giác hút) là giúp tránh phải thực hiện sinh mổ đối với các ca sinh khó. Vì sinh mổ ít nhiều cũng gây ra các rủi ro nguy hiểm hơn so với sinh thường như các biến chứng xuất huyết nặng hoặc nhiễm trùng. Bên cạnh đó nếu sản phụ có kế hoạch sinh từ 2 con trở lên thì việc sinh thường sẽ giúp phòng ngừa những tai biến có thể xảy ra khi sản phụ phải thực hiện phẫu thuật lấy thai nhiều lần.
Hình ảnh mô tả hỗ trợ sinh bằng giác hút
Những ca sinh khó qua ngả âm đạo có khả năng sẽ được bác sĩ chỉ định áp dụng thủ thuật giác hút. Bên cạnh những lợi ích mà phương pháp này đem lại thì nó cũng có nguy cơ gây nên những biến chứng không mong muốn cho sản phụ và em bé.
1. Đối với sản phụ
Bị rách đường sinh dục dưới;
Biểu hiện đau dưới đáy chậu sau khi sinh bằng giác hút;
Đại tiện và tiểu tiện không tự chủ sau sinh;
Bí tiểu, khó tiểu trong thời gian ngắn.
2. Đối với thai nhi
Tổn thương da đầu:
Đây là tổn thương phổ biến khi sinh bằng trợ giúp của giác hút. Ngay cả khi sinh thường thì mẹ cũng có thể nhận ra trên da đầu của bé có vết sưng nhỏ. Trong khi sinh, phần đầu của thai nhi sẽ phải chịu một áp lực lớn do đường dẫn sinh và cổ tử cung của mẹ gây nên do đầu là bộ phận đầu tiên đưa bé đi qua đường dẫn sinh. Nếu trong quá trình sinh, đầu em bé nằm nghiêng sang một bên thì vết sưng có thể nằm ở một bên đầu của bé. Chỉ trong khoảng từ 1 - 2 ngày sau sinh tình trạng sưng này có thể biến mất.
Ngoài ra, hỗ trợ sinh bằng giác hút cũng có nguy cơ tạo nên những vết xước nhỏ phía trên da đầu thai nhi. Nguyên nhân có thể là do thời gian sinh nở kéo dài hoặc giác hút được sử dụng quá nhiều lần để đưa bé ra ngoài. Đa phần các vết thương chủ yếu là nằm ở ngoài da và lành lại một cách nhanh chóng mà không để lại sẹo hoặc bất kỳ dấu vết lâu dài nào về sau.
Trước đây thì phần lớn đầu giác hút được chế tạo từ kim loại, giải thích cho lý do tại sao đỉnh đầu của bé hay xuất hiện các vết sưng, bầm tím hoặc trầy xước nhẹ. Hiện nay phần lớn các giác hút được đổi sang làm bằng chất liệu silastic hoặc bằng nhựa để tránh gây sưng đầu cho bé.
Xuất huyết nội sọ:
Đây là biến chứng chảy máu bên trong hộp sọ, mặc dù rất ít gặp nhưng lại là một tai biến nguy hiểm khi thực hiện hỗ trợ sinh bằng giác hút. Việc áp dụng một lực hút lớn lên phần đầu của bé sẽ làm tăng nguy cơ gây tổn thương các tĩnh mạch dưới da đầu, từ đó dẫn tới hiện tượng xuất huyết nội sọ, hậu quả là sau này bé có thể bị mất khả năng ngôn ngữ, mất trí nhớ hoặc mất khả năng di chuyển ở vùng bị ảnh hưởng.
Tụ máu:
Máu hình thành dưới da sẽ tạo nên khối máu tụ. Tình trạng này diễn ra khi bị tổn thương động mạch hoặc tĩnh mạch khiến cho máu bị tràn ra khỏi mạch máu, thấm vào các mô ở xung quanh. Trong quá trình sinh nở nếu sử dụng biện pháp giác hút để hỗ trợ thì có thể hình thành nên 2 loại khối máu tụ ở thai nhi đo slaf tự máu đầu và tụ máu dưới cân Galeal. Cụ thể như sau:
Tụ máu đầu: xảy ra khi khoang phía dưới các sợi che phủ xương sọ bị chảy máu. May mắn thay là hiện tượng này không gây nên những biến chứng nguy hiểm cho bé nhưng để tụ máu đầu biến mất thường phải mất từ 1 - 2 tuần. Khi bé bị tụ máu đầu sẽ không phải thực hiện phẫu thuật hay cần điều trị gì thêm;
Tụ máu dưới cân Galeal: tình trạng này nghiêm trọng hơn tụ máu đầu, xảy ra khi xuất hiện dấu hiệu tụ máu ngay dưới da đầu. Bởi vì dưới da đầu là một khoảng trống rộng nên máu có nguy cơ tích tụ khá nhiều ở khu vực này và điều đó khiến cho hiện tượng tụ máu dưới cân Galeal trở thành biến chứng nghiêm trọng nhất khi trợ sinh bằng công cụ giác hút. Nếu lực hút của giác hút không tác động đủ mạnh để kéo đầu bé ra ngoài thì da đầu bé sẽ bị kéo và làm tách lớp mô dưới da đầu ra khỏi hộp sọ, gây tổn thương tới cách tĩnh mạch nằm phía dưới.
Tuy nhiên hiện nay, nhờ việc thay thế chất liệu chế tạo giác hút thành nhựa và silastic nên đã giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc biến chứng tụ máu ở thai nhi.
Xuất huyết võng mạc:
Là khi thai nhi bị chảy máu ở phía sau mắt và là tình trạng khá phổ biến ở trẻ mới sinh. Xuất huyết võng mạc không phải là một biến chứng nghiêm trọng, có thể nhanh chóng biến mất và không để lại hậu quả lâu dài. Chảy máu võng mạc vẫn chưa rõ là do nguyên nhân gì gây nên nhưng yếu tố sử dụng giác hút gây áp lực lên đầu thai nhi cũng có khả năng là tác nhân dẫn tới tình trạng này.
Chứng vàng da:
Hiện tượng vàng da cũng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và có thể là do trong quá trình sinh nở mẹ đã phải dùng tới công cụ giác hút. Khi trong máu của thai nhi có một nồng độ lớn bilirubin sẽ khiến cho bé bị vàng da, vàng mắt. Đây là một loại sắc tố màu vàng hình thành do sự phá vỡ của các tế bào hồng cầu. Nếu áp lực giác hút gây nên quá lớn sẽ khiến cho các mạch máu bị tổn thương, máu rỉ ra tạo nên một vết bầm lớn (có màu xanh hoặc đen) ở trên da đầu thai nhi. Dần dần cơ thể sẽ hấp thụ lượng máu này từ vết bầm và khi các tế bào máu hồng cầu này bị phá vỡ sẽ giải phóng ra một lượng lớn bilirubin và thông thường gan sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, khi mới chào đời gan của bé chưa được phát triển hoàn thiện hoặc khả năng loại bỏ bilirubin còn kém thì lượng bilirubin dư thừa trong máu sẽ lắng đọng lại và biểu thị trên da, dẫn đến sự ngả vàng của da và mắt. Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh có thể tự hết trong khoảng 2 - 3 tuần nhưng có những trường hợp cần phải điều trị bằng liệu pháp ánh sáng từ 1 - 2 ngày.
Cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa
Các trường hợp cần được chỉ định hỗ trợ sinh bằng giác hút
1. Chỉ định
Suy thai;
Chuyển dạ giai đoạn 2 (giai đoạn rặn đẻ) kéo dài: con đầu từ 60 phút trở lên, con thứ là trên 30 phút. Đầu thai nhi ngừng di chuyển và có dấu hiệu bị mắc kẹt lại trong đường sinh;
Khi quan ngại thai nhi xảy ra các bất thường ở tim thai trong quá trình chuyển dạ;
Mẹ bầu có biểu hiện kiệt sức khi sổ thai;
Thai phụ mắc các bệnh lý nội khoa như: tiền sản giật, tim mạch, thần kinh cơ,...;
Đối với các trường hợp sản phụ không được rặn vì mắc các bệnh như hen phế quản, suy hô hấp, suy tim thì nên trợ sinh bằng kẹp forceps.
Qua thăm khám, tư vấn bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh phù hợp đối với mẹ
2. Chống chỉ định
Ngôi thai bất thường: bé ở tư thế ngôi mặt hoặc ngôi trán;
Thai nhi có các bệnh lý: bệnh lý mô liên kết, bệnh tạo xương bất toàn, bệnh lý về máu;
Đầu bé không lọt qua âm đạo hoặc lọt không đối xứng;
Không hỗ trợ sinh bằng giác hút đối với thai nhi dưới 34 tuần bị nguy cơ xuất huyết não rất cao.
3. Điều kiện để thực hiện sinh giúp bằng giác hút
Bác sĩ chịu trách nhiệm tiến hành thủ thuật bắt buộc phải là người có kinh nghiệm trợ sinh bằng dụng cụ, kết hợp với các điều kiện dưới đây:
Màng ối của sản phụ đã vỡ;
Cổ tử cung mở trọn;
Thai nhi đã lọt đầu thai;
Đã xác định rõ ràng ngôi thai và kiểu thế;
Trọng lượng em bé phải tương xứng với khung chậu của mẹ;
Bàng quang rỗng;
Có chuẩn bị thuốc hỗ trợ giảm đau đầy đủ;
Có phòng mổ;
Đã được sự chấp thuận của bệnh nhân.
Cần dừng thực hiện thủ thuật khi:
Gặp khó khăn trong việc đặt dụng cụ;
Đầu thai không thể lọt xuống dễ dàng khi kéo;
Đã cố gắng thực hiện kéo 3 lần nhưng không sổ thai.
Thủ thuật hỗ trợ sinh bằng giác hút có tác dụng giúp sản phụ sinh nở dễ dàng hơn nên cần phải tuân theo đúng nguyên tắc và thủ tục, cần đảm bảo đủ điều kiện mới tiến hành để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra đối với cả thai nhi và sản phụ. Nếu không đủ điều kiện cho phép cần chấm dứt ngay thủ thuật hỗ trợ sinh, chuyển sang phương án xem xét mổ lấy thai để cả bé và mẹ đều được an toàn.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!