Từ điển bệnh lý

Hội chứng ruột kích thích : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là IBS - viết tắt của irritable bowel syndrome) xảy ra khi ruột gặp vấn đề rối loạn chức năng, bệnh nhân      bị tái phát nhiều lần nhưng khi đi khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng lại không phát hiện có các tổn      thương hay bất thương nào cả về sinh hoá lẫn giải phẫu. Tại Việt Nam người ta thường gọi hội chứng này là viêm đại tràng chức năng, viêm    đại tràng co thắt hoặc viêm đại tràng mạn tính.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích

Bệnh lý này là tình trạng khá phổ biến trên toàn thế giới, theo báo cáo ghi nhận khoảng 15 - 20% trường hợp dân số mắc phải hội chứng này.     

Tuy nhiên trên thực tế, số người bị hội chứng ruột kích thích có thể cao hơn nhiều vì chỉ có khoảng 30% số người nhận thức được bệnh và đi    khám. Thường thì phụ nữ có nguy cơ bị bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với đàn ông và người trẻ dưới 45 tuổi là đối tượng dễ mắc hội chứng này.      Tuy viêm đại tràng co thắt là hội chứng lành tính và không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng khá nhiều.


Nguyên nhân Hội chứng ruột kích thích

Cho tới nay vẫn chưa xác định được rõ ràng căn nguyên gây nên hội chứng ruột kích thích nhưng các nhà nghiên cứu cũng đã liên hệ được một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ khiến bệnh nhân bị mắc hội chứng này, ví dụ như:

- Stress: những người phải học tập, làm việc trí não cường độ cao cũng dễ dẫn tới căng thẳng thần kinh, lo âu quá độ gây áp lực lên hệ tiêu hoá;

Stress gây áp lực lên hệ tiêu hóa có thể gây hội chứng ruột kích thích

- Do bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá;

- Loại thực phẩm ăn phải: tuỳ vào cơ địa của mỗi người mà khi ăn các loại thực phẩm gây kích ứng đối với ruột;

- Sự thay đổi về nồng độ hormone khi phụ nữ trải qua thời kỳ kinh nguyệt;

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc;

- Do yếu tố di truyền: trong gia đình có người thân bị hội chứng ruột kích thích;

- Vấn đề khác về sức khỏe tâm thần: hay bồn chồn, lo lắng, rối loạn nhân cách, trầm cảm,...

Nếu không có những yếu tố nguy cơ trên thì cũng không có nghĩa là không có khả năng bị bệnh. Do đó trong trường hợp người bệnh bị xuất hiện hội chứng ruột kích thích mà bản thân không trải qua các tác nhân trên thì cần đi khám để được chẩn đoán kỹ hơn.


Triệu chứng Hội chứng ruột kích thích

Có 2 biểu hiện điển hình khi gặp hội chứng ruột kích thích mọi người cần lưu ý đó là: đau bụng, tiêu chảy và táo bón.  Cụ thể như sau:

- Đau bụng: đau không rõ ràng  và không cố định ở một vị trí cụ thể nào. Người bệnh có thể cảm nhận cơn đau ở dọc khung đại tràng, đặc biệt sẽ càng đau tại các thời điểm: ngay khi vừa ăn xong, hoặc thậm chí khi chưa kết thúc bữa ăn đã bị đau bụng, đau khi ăn phải thức ăn để lâu, thức ăn lạ, hay đau do bị lạnh bụng. Đau bụng có thể kéo dài trong 1 - 2 ngày nhưng cũng có trường hợp đau lâu ngày dai dẳng. Tần suất một tháng có thể đau bụng vài lần, có người thì nhiều tháng thì đau 1 lần;

Rối loạn đại tiện (Tiêu chảy và táo bón): Bệnh nhân có thể có cả hai triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc một trong hai triệu chứng này. Phân khi bị táo bón thường xuất hiện lớp nhầy bọc ở bên ngoài, trong phân không thấy dấu hiệu lẫn máu, một số trường hợp có phân táo gây rách niêm mạc hậu môn hoặc rách búi trĩ có thể có lẫn máu. Trường hợp tiêu chảy có thể gặp phân nhão, phân lổn nhổn, phân sống hoặc phân lỏng nước.

Bệnh nhân có thể có cả hai triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc một trong hai triệu chứng này.

Bệnh nhân có thể có cả hai triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc một trong hai triệu chứng này.

Bên cạnh 3 dấu hiệu đặc trưng đã nêu, một số rối loạn dưới đây cũng có thể là cảnh báo của hội chứng này:

- Bệnh nhân mất ngủ;

- Bụng đầy hơi và luôn có cảm giác bị nặng bụng, khó chịu;

- Trung tiện nhiều, có cảm giác khi đại tiện thường không đi hết phân;

- Nhức đầu.

Những biểu hiện này không phải là triệu chứng đặc hiệu và cũng có khả năng thay đổi theo thời gian, ngoài ra còn tùy thuộc vào chế độ ăn uống của người bệnh, đơn cử như nếu ăn phải thức ăn lạ không phù hợp với cơ địa thì ngay lập tức sẽ xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích, nếu ngừng ăn thức ăn đó và kiêng khem đầy đủ thì các triệu chứng cũng sẽ giảm dần. 


Các biến chứng Hội chứng ruột kích thích

Như ở trên đã đề cập, hội chứng ruột kích thích có các dấu hiệu điển hình bao gồm đau bụng, kèm theo rối loạn đại tiện. Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước, rối loạn điện giản,... gây ảnh hưởng toàn thân như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau đầu, gầy sút cân, loạn khuẩn ruột,... Nếu tình trạng táo bón kéo dài lâu ngày mà không có phương án điều trị thì phân sẽ bị ứ đọng trong đại tràng, dẫn tới tổn thương ruột và kéo theo các biến chứng nặng nề đường tiêu hóa cũng như toàn thân.

Không chỉ dừng lại ở đó, bệnh nhân còn hay bị đầy hơi, bí bách, đau quặn bụng,... gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt thường nhật cũng như công việc của người bệnh. Điều trị nếu không đúng cách thì bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần và để lại các biến chứng phiền toái như viêm đại tràng mạn tính, trĩ, và tiềm ẩn nguy cơ cho một bệnh lý ác tính đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng.

Hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng lớn đến đời sống bệnh nhân

Hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng lớn đến đời sống bệnh nhân

Bên cạnh đó khi bị hội chứng ruột kích thích do thực phẩm không hợp thì bệnh nhân phải ăn uống kiêng khem khiến cho cơ thể bệnh nhân bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết. Lâu ngày thể trạng dễ bị mệt mỏi và suy nhược. Những người khi mắc viêm đại tràng co thắt dễ ảnh hưởng tới tâm lý, gây chán nản và lo âu vì bệnh không được chữa trị dứt điểm. Việc căng thẳng, lo âu này lại càng gây nặng hơn tình trạng hội chứng ruột kích thích, từ đó hình thành vòng xoắn bệnh lý của hội chứng này.


Đối tượng nguy cơ Hội chứng ruột kích thích

Dưới đây là các đối tượng nằm trong nhóm có khả năng cao bị hội chứng ruột kích thích:

- Bệnh nhân dưới 45 tuổi;

- Nữ giới có nguy cơ cao hơn đàn ông;

- Người hay không ổn định về mặt tâm lý, bị căng thẳng, lo âu trong thời gian dài, mắc bệnh trầm cảm;

- Ngày nay hội chứng ruột kích thích cũng thường xuyên xảy ra ở trẻ em do những áp lực từ gia đình và xã hội như kỳ vọng thi cử, học tập và các vấn đề liên quan tới chứng trầm cảm ngày càng gia tăng ở tuổi thanh thiếu niên sẽ dẫn tới hội chứng ruột kích thích ở đối tượng này.


Phòng ngừa Hội chứng ruột kích thích

Cũng là do chưa xác định rõ nguyên nhân gây nên hội chứng ruột kích thích nên chưa có phương pháp đặc hiệu để ngăn cản hiệu quả chứng bệnh này. Tuy vậy, mỗi người có thể tham khảo những biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh:

- Chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học, hợp lý: nên có thời gian biểu ăn cố định trong ngày, không ăn lệch bữa hoặc bỏ bữa;

- Tránh tiêu thụ các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn cay, thực phẩm khó dung nạp lactose;

- Bổ sung nhiều rau củ quả trong thực đơn hàng ngày;

- Uống nhiều nước, không nên uống những đồ có gas, chất kích thích như bia, rượu hay cà phê;

Uống nhiều nước lọc tinh khiết không nên uống những đồ có gas, chất kích thích như bia, rượu hay cà phê để phòng bệnh

Uống nhiều nước lọc tinh khiết không nên uống những đồ có gas, chất kích thích như bia, rượu hay cà phê để phòng bệnh

- Không nên ăn các đồ đã để quá lâu, quá hạn sử dụng, đồ bị nấm mốc do bảo quản ở điều kiện không tốt;

- Cần tránh những thực phẩm khó tiêu và dễ khiến bụng đầy hơi: hạt mít, khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như xoài, cam, quýt,...;

- Dùng các loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc chống tiêu chảy theo hướng dẫn của bác sĩ nếu mắc phải những triệu chứng này;

- Thường xuyên rèn luyện thể lực, bỏ ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục;

- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, vui vẻ. Tìm cách tạo niềm vui và cho phép cơ thể được nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi vì học tập và công việc.


Các biện pháp điều trị Hội chứng ruột kích thích

Tùy theo các triệu chứng bệnh nhân gặp phải mà bác sĩ sẽ lựa chọn các thuốc phù hợp. Các thuốc sau đây thường được sử dụng để áp dụng điều trị cho từng biểu hiện của hội chứng ruột kích thích, bao gồm:

Thuốc giảm đau: có các loại thuốc có tác dụng chống co thắt loại hướng cơ như Duspatalin, Spasfon, No-spa...;

Thuốc chống tiêu chảy: Imodium, Smecta, Actapulgite,...;

Thuốc chống táo bón: các loại thuốc nhuận tràng phổ biến như Duphalac, Forlax, Tegaserod,...;

Các loại thuốc nhuận tràng phổ biến như Duphalac

Các loại thuốc nhuận tràng phổ biến như Duphalac

Thuốc chống sinh hơi: Pepsane, Meteospasmyl,...;

Thuốc diệt khuẩn đường ruột: mặc dù vi khuẩn không phải là yếu tố có nhiều tác động trong hội chứng này nhưng cũng ít nhiều có tham gia. Bởi vì tình trạng táo bón và tiêu chảy sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, làm tăng hiện tượng trướng bụng và tiêu chảy hơn. Phụ thuộc vào mức độ của các triệu chứng này mà có thể áp dụng các nhóm kháng sinh khác nhau hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh.

Thuốc an thần: Seduxen, Rotunda, Dogmatil,...

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị hội chứng ruột kích thích thì một điều quan trọng khác đó là bệnh nhân cần phải thay đổi chế độ dinh dưỡng:

- Cần tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: tôm, cua, cá, đặc biệt là các loại đồ ăn dễ gây nên hiện tượng đầy hơi, chướng bụng như: đồ uống có gas, khoai lang, rau củ (như bông cải xanh, bắp cải, bông cải trắng và trái cây sống);

- Không nên đưa thực phẩm chứa gluten vào trong thực đơn: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biểu hiện tiêu chảy của chứng ruột kích thích có liên quan tới gluten có trong lúa mạch, lúa mì và lúa mạch đen. Do đó cần ngưng tiêu thụ những thực phẩm này để chấm dứt tình trạng tiêu chảy;

- Không ăn nhóm thực phẩm FODMAPS: đây là những thức ăn có chứa loại đường lên men như lactose, fructose và các loại đường khác. Những đường này có trong các chế phẩm từ sữa, rau củ, ngũ cốc và trái cây. Đa phần  những người bị hội chứng ruột kích thích thường bị thiếu hụt loại enzyme có tên lactase giúp phân giải đường lactose, do đó cần tránh ăn những thực phẩm có chứa loại đường này. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng nhạy cảm với tất cả các loại thực phẩm FODMAPS. Thay vì “tẩy chay” chúng, bạn có thể cắt giảm lượng thực phẩm này để làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, khi đã tập làm quen thì có thể bắt đầu tăng dần khẩu phần chứa loại thực phẩm này.

- Rèn luyện thói quen đi cầu: nên đi đại tiện theo giờ giấc. Để kích thích cảm giác đi ngoài, có thể thực hiện động tác xoa bóp bụng trước khi đại tiện.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.