Từ điển bệnh lý

Hội chứng suy hô hấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Hội chứng suy hô hấp

Hội chứng suy hô hấp - Đích đến của mọi loại bệnh phổi nguy hiểm

Có thể nói rằng, mọi loại bệnh phổi khi tiến triển nặng đều có nguy cơ dẫn đến hội chứng suy hô hấp. Đây cũng là hậu quả mà không bác sĩ nào muốn đối diện bởi sự nguy hiểm của nó. Vậy, hội chứng suy hô hấp là gì mà đáng sợ như vậy? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn nhé.

Hội chứng suy hô hấp cấp

Hội chứng suy hô hấp

Hội chứng suy hô hấp là gì?

Hội chứng suy hô hấp cấp là một tình trạng lâm sàng gây giảm chức năng thông khí của hệ thống hô hấp một cách cấp tính, tiến triển nhanh và diễn biến nặng. Sự rối loạn trao đổi khí Oxy và CO2 sẽ gây thiếu Oxy não, tim, và các cơ quan trong cơ thể. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng trên sẽ dẫn đến tử vong. Có hai loại suy hô hấp cấp đó là:

  • Suy hô hấp cấp do thiếu Oxy và giảm khí CO2
  • Suy hô hấp cấp do thiếu Oxy không kèm theo ứ khí CO2

Nguyên nhân Hội chứng suy hô hấp

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp cấp và tất cả được phân loại ra hai nhóm nguyên nhân chính:

Nguyên nhân tại phổi:

  • Nhiễm trùng: Khi có những tổn thương phổi lan tỏa do tình trạng nhiễm trùng phổi như viêm phổi nặng do các loại vi khuẩn (Strepcococcus pneumoniae, Haemophylus influenzae, liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh,...) hoặc các loại virus (Cúm A, Coronavirus như SARS, SARS-CoV-2,...) lao kê, lao siêu kháng,...

  • Phù phổi cấp: Do tình trạng lượng máu hay dịch cung cấp đến phổi quá lớn và tăng đột ngột dẫn đến xung huyết, ứ đọng nhiều dịch trong các khoảng kẽ khiến cho dịch thoát vào trong lòng phế nang, cản trở sự trao đổi và lưu thông khí dẫn đến suy hô hấp. Dịch quá nhiều còn khiến bệnh nhân ho cả ra bọt hồng và thiếu Oxy mà tử vong. Phù phổi cấp có nhiều nguyên nhân, có thể do các bệnh lý của tim mạch, do truyền dịch quá nhiều, do chấn thương sọ não hoặc các bệnh lý về não như viêm não hay u não,... Ngoài ra, có thể gặp phù phổi cấp do cúm ác tính, nhiễm độc, sốc nhiễm trùng, đuối nước, hít phải dịch dạ dày, tắc mạch phổi,...
  • Các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính: Tình trạng này thường gặp nhất. Đó là các đợt cấp của hen phế quản nặng hoặc cơn hen ác tính, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tâm phế mạn

Hội chứng suy hô hấp còn có thể xảy ra do tình trạng tắc nghẽn đường thở cấp tính: Ví dụ như dị vật đường thở, u phế quản, u trung thất hay u thực quản chèn vào phế quản, bị bóp cổ, treo cổ, xẹp phổi cấp do đặt nội khí quản.

  • Tràn khí hay tràn dịch màng phổi mức độ nhiều cũng gây ra hội chứng suy hô hấp.
  • Các chấn thương lồng ngực hoặc liệt cơ hô hấp cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp.

Triệu chứng Hội chứng suy hô hấp

Hội chứng suy hô hấp cấp được thể hiện qua các triệu chứng điển hình sau:

  • Nhịp thở: Ban đầu bệnh nhân thở nhanh, tần số thở dồn dập > 30 lần/ phút, có sự co kéo cơ hô hấp, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng. Giai đoạn sau bệnh nhân thở chậm dần, có thể xuất hiện các cơn ngừng thở. Đây là một dấu hiệu tiên lượng rất nặng.
  • Tím tái: Khi thiếu Oxy, các vùng da như cạnh mũi, môi, đầu ngón tay sẽ có hiện tượng tím tái, nhợt nhạt. Thậm chí nếu suy hô hấp nặng có thể tím tái toàn thân. Nếu có tình trạng suy hô hấp mạn gây tăng Hemoglobin trong máu, bệnh nhân có tím rõ hơn. Tím tái có thể kèm với vã mồ hôi.
  • Hội chứng tuần hoàn: Mạch nhanh là triệu chứng điển hình và thường gặp nhất do tình trạng thiếu Oxy máu. Giai đoạn đầu bệnh nhân có thể bị tăng huyết áp, tăng cung lượng tim. Giai đoạn sau là tim đập chậm và yếu dần, có thể có cơn ngừng tim, hạ huyết áp.
  • Hội chứng suy tim phải cấp tính thường gặp trong các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính. Hội chứng này là tập hợp các triệu chứng như gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên là một dấu hiệu nặng.

Hội chứng suy tim phải cấp tính

Hội chứng suy hô hấp cấp

  • Hội chứng thần kinh thường gặp trong suy hô hấp nặng hoặc giai đoạn muộn, khi não bị thiếu Oxy sẽ dẫn đến các triệu chứng vật vã, kích thích rồi đến lơ mơ, rối loạn tri giác và nhận thức. Nặng nhất là hôn mê.

Đối tượng nguy cơ Hội chứng suy hô hấp

  • Đẻ non: Do trẻ đẻ non chưa phát triển hoàn thiện hệ thống hô hấp, cũng như cơ hô hấp còn yếu, có thể có cả những bệnh lý tim bẩm sinh nên có nguy cơ rất cao bị suy hô hấp.

Trẻ em sinh non có nguy cơ rất cao bị suy hô hấp

Trẻ em sinh non có nguy cơ rất cao bị suy hô hấp 

  • Những người cao tuổi (>65 tuổi) cũng có nguy cơ có  hội chứng suy hô hấp nếu có sức  đề kháng yếu, có nhiều bệnh nền, đặc biệt là các bệnh mạn tính ở phổi như hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Những công nhân làm việc trong các môi trường ô nhiễm hay nhiều khói bụi hoặc khí độc, hay những công nhân hầm lò làm việc trong môi trường kín, thiếu Oxy cũng có nguy cơ bị hội chứng suy hô hấp.
  • Những người nghiện thuốc lá, nghiện rượu bia hoặc người sử dụng chất kích thích,... là những đối tượng có nguy cơ bị hội chứng suy hô hấp.
  • Những người có tiền sử chấn thương lồng ngực hoặc tổn thương đường hô hấp cũng nằm trong nhóm nguy cơ này.

 


Phòng ngừa Hội chứng suy hô hấp

Suy hô hấp cấp cực kỳ nguy hiểm nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể phòng ngừa, ví dụ như suy hô hấp trong các trường hợp chấn thương do tai nạn. Tuy nhiên, phần lớn các nguyên nhân gây suy hô hấp có thể dự phòng trước được như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh lý tim mạch,... Vì vậy, các bệnh nhân cần thực hiện các cách dự phòng sau để tránh xuất hiện hội chứng suy hô hấp:

  • Cai thuốc lá
  • Tuân thủ điều trị các bệnh nền về hô hấp như COPD, hen phế quản, suy tim,...
  • Tích cực tập luyện thể dục thể thao, tập phục hồi chức năng phổi.
  • Nên đi khám sớm nếu có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp như sốt, ho, đau ngực, khó thở,...
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng phế cầu.

Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng suy hô hấp

Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp không khó nhưng cần phải xác định nhanh chóng để kịp thời xử trí cấp cứu. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để xác định nhanh tình trạng suy hô hấp cấp của bệnh nhân:

Chẩn đoán xác định 

- Hoàn cảnh xuất hiện

- Triệu chứng lâm sàng như đã nêu ở trên.

- Khí máu động mạch: PaO2 < 60 mmHg, PaCO2 > 50 mmHg khi thở khí trời.

Chẩn đoán nguyên nhân 

- Chụp X-quang rất quan trọng để định hướng chẩn đoán: Chụp Xquang có thể phát hiện tràn khí màng phổi, tình trạng khí phế thũng, các tổn thương phổi (đông đặc, thâm nhiễm, u phổi,...), hình ảnh bóng tim,...

- Điện tim và siêu âm tim: Giúp chẩn đoán các nguyên nhân gây suy hô hấp do bệnh lý tim mạch.

- Các xét nghiệm máu đặc hiệu:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
  • Xét nghiệm sinh hóa máu về các chức năng gan, thận, chỉ số viêm (CRP, Procalcitonin), điện giải đồ, phospho hữu cơ, MetHb, Lactat,...
  • Khí máu động mạch

- Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp MSCT hệ động mạch phổi, chụp CT lồng ngực
  • Nội soi phế quản đánh giá sự thông thoáng đường thở.

Chẩn đoán mức độ của hội chứng suy hô hấp

Đây là một bước quan trọng quyết định thái độ xử trí của bác sĩ trước một bệnh nhân gặp hội chứng suy hô hấp:

Dấu hiệu

Suy hô hấp nặng

Nguy kịch

Tím tái

++

+++

Vã mồ hôi

+

+++

Khó thở

++

+++

Tăng hoặc  tụt huyết áp (trụy mạch)

Không

+

(Nguy cơ tử vong cao)


 

Rối loạn ý thức


 

Không

+

(vật vã, kích thích)

++ 

(lơ mơ)

+++ 

(hôn mê)


Các biện pháp điều trị Hội chứng suy hô hấp

a. Nguyên tắc xử trí

Hỗ trợ hô hấp cấp phối hợp điều trị nguyên nhân

b. Xử trí cụ thể

- Xử trí cấp cứu:

+/ Khai thông đường dẫn khí 

  • Hút đờm dãi, dịch hầu họng hay dị vật, thức ăn,... ở đường hô hấp trên
  • Nâng hàm, đặt đầu ngửa ra sau để đường thở được thẳng nhất, kéo lưỡi khi lưỡi tụt.
  • Nội soi phế quản lấy dị vật đường thở
  • Rửa phế quản nhằm lấy sạch các dị vật hoặc các loại dịch bị hít phải, đờm dãi,...

+/ Mở khí quản khi bệnh nhân có sự co thắt, phù nề hay viêm loét thanh quản, chấn thương nặng thanh khí quản, bệnh nhân phải thông khí nhân tạo xâm nhập,...

+/ Đặt nội khí quản: Có thể đặt nội khí quản qua đường mũi hoặc đường miệng:

  • Đặt nội khí quản qua đường mũi có thể không cần đèn soi, giữ được ống thở lâu hơn nhưng còn tùy  thuộc  vào đường kính của ống mũi và tình trạng niêm mạc mũi. Ngoài ra đặt nội khí quản qua đường mũi cũng có thể gây viêm loét, chảy máu niêm mạc mũi, khó chăm sóc và dễ bị bít tắc nội khí quản hơn đường miệng.
  • Đặt nội khí quản qua đường miệng cần có đèn soi thanh quản mới có thể đặt được, khó vệ sinh răng miệng và dễ bị bệnh nhân cắn vào ống nhưng phương pháp này dễ thực hiện và có thể thực hiện nhanh chóng nên thường được các bác sĩ sử dụng trong các trường hợp cấp cứu.

+/ Dẫn lưu màng phổi: Phương pháp này được sử dụng trong các trường hợp tràn dịch màng phổi hay tràn khí màng phổi. Nếu dẫn lưu không hiệu quả sẽ cần phải xem xét phẫu thuật lồng ngực.

+/ Oxy liệu pháp: Cung cấp Oxy để đảm bảo duy trì SpO2 90% bằng các phương pháp: Thở qua canuyn mũi, mặt nạ Oxy, mặt nạ Oxy, mặt nạ Venturi, Oxy trong lều hoặc lồng ấp, thở Oxy cao áp.

+/ Chống toan máu bằng truyền dung dịch kiềm Natri Bicarbonat hoặc THAM

+/ Sử dụng các thuốc kích thích hô hấp

+/ Thông khí nhân tạo:

  • Thông khí nhân tạo không xâm nhập áp lực dương: Được chỉ định trong các trường hợp suy hô hấp cấp do phù phổi cấp, đợt cấp nặng của của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay cơn hen phế quản ác tính; suy hô hấp nặng, toan hô hấp,...
  • Phương pháp này có chống chỉ định khi bệnh nhân ngừng thở, huyết động không ổn định, quá nhiều đờm dãi, kích thích, không hợp tác, khung xương mặt không phù hợp gây hở mặt nạ.
  • Thông khí nhân tạo xâm nhập nếu phương pháp trên thất bại hoặc có chống chỉ định

c. Điều trị nguyên nhân

Các thuốc giãn phế quản (cường Beta2-Adrenergic, Ức chế Cholinergic): Được sử dụng khi có sự co thắt phế quản trong các bệnh COPD hay hen phế quản. Các thuốc được dùng qua đường khí dung và truyền tĩnh mạch.

  • Liệu pháp Corticoid: Chỉ định trong các trường hợp suy hô hấp do hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Kháng sinh: Được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dự phòng nhiễm trùng.
  • Thuốc lợi tiểu: Được sử dụng trong suy hô hấp do suy tim ứ huyết, phù phổi cấp huyết động hay tình trải quá tải thể tích.
  • Thay huyết tương trong các trường hợp nhược cơ, hội chứng Guillain - Barre.
  • Xử trí các chấn thương ngoại khoa nếu có như: Cố định xương sườn gãy, vết thương ngực hở, phẫu thuật trong trường hợp chèn ép tủy cổ.

Tài liệu tham khảo
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa | VNVC
  • Suy hô hấp cấp là gì? | Vinmec
  • Chẩn đoán và xử trí suy hô hấp cấp | BVĐK tỉnh Quảng Ninh

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ