Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn được biết đến với tên viết tắt COPD là một căn bệnh phổ biến về phổi, đặc biệt ở độ tuổi ngoài 55. COPD được xem là một trong những dạng bệnh lý về phổi gây tử vong cao nhất (có thể lên tới 5% số ca tử vong trên thế giới hàng năm) chính vì vậy việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần được đặc biệt chú ý.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một căn bệnh phổ biến về phổi
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường do nhiều yếu tố tác động tới hệ hô hấp trong một khoảng thời gian dài khiến cho chức năng hô hấp bị tổn thương. Hai tình trạng chính góp phần gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chính là: Viêm phế quản tắc nghẽn và tình trạng khí phế thũng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể điều trị khỏi dứt điểm mà chỉ có thể điều trị dài hạn nhằm kiểm soát các triệu chứng bệnh nguy hiểm xảy ra, hạn chế các biến chứng và ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi chức năng và chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được thực hiện tốt sẽ giúp chất lượng cuộc sống người bệnh không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường bắt nguồn từ việc người bệnh tiếp xúc quá nhiều với các tác nhân gây hại cho đường thở. Các loại khí độc công nghiệp, khí đốt từ nhiên liệu, khói bụi từ môi trường,... đặc biệt là thuốc lá, thuốc lào. Những tác nhân này sẽ được cơ thể người bệnh hít phải và xâm nhập vào hệ hô hấp, sau một khoảng thời gian nhất định mà tổn thương đường thở sẽ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm COPD (tùy thuộc vào cơ địa của cơ thể).
Người bệnh tiếp xúc quá nhiều với các tác nhân gây hại cho đường thở do ô nhiễm không khí
Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu được phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị đúng cách thì sức khỏe người bệnh sẽ hầu như không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu quá trình điều trị chưa thực sự phù hợp hoặc quá trình chăm sóc bệnh nhân sau điều trị chưa hiệu quả thì nguy cơ người bệnh gặp phải những biến chứng nặng từ bệnh là rất cao.
- Tràn khí màng phổi: Đây là biến chứng xảy ra phổ biến nhất từ những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Biến chứng này sẽ gây ra tình trạng xẹp phổi, khiến người bệnh thiếu Oxy và dẫn tới suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tràn khí màng phổi là biến chứng xảy ra phổ biến nhất từ những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Tăng áp lực động mạch phổi: Đây là dạng biến chứng gây tác động ngược lại tới bệnh COPD, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, nguy cơ dẫn tới suy tim phải.
- Suy tim phải: Biến chứng từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể dẫn tới suy tim phải, tiên lượng của người bệnh sẽ bị giảm đi đáng kể.
- Đa hồng cầu: Lượng hồng cầu tăng đồng nghĩa với việc sự hình thành các huyết khối cũng tăng, nguy cơ bị tắc mạch máu.
- Các biến chứng về thần kinh khiến chất lượng cuộc sống bị giảm thiểu đáng kể.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn bình thường là: Nhóm người có độ tuổi trên 55 (đặc biệt là nam giới), những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá, những người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với quá nhiều chất độc hại, những đối tượng sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng,...
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường ít có triệu chứng bất thường ở giai đoạn đầu cho nên việc phát hiện sớm để chữa trị gặp nhiều khó khăn hoặc có thể nhầm lẫn với tình trạng viêm phế quản mạn tính hay những bệnh lý mạn tính khác của đường hô hấp. Hầu hết những trường hợp bệnh nhân phát hiện ra bệnh đều đã bị tổn thương phổi khá nặng và các triệu chứng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân không tránh xa khói thuốc hoặc các chất kích thích, các loại khói bụi độc hại.
Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD cần được thực hiện dự trên 3 tiêu chí: Giáo dục sức khỏe cho người bệnh, vật lý trị liệu hô hấp và hỗ trợ tâm lý, tái hòa nhập xã hội. Trước khi thực hiện vật lý trị liệu, các bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh cai thuốc lá đồng thời củng cố kiến thức về bệnh và các cách xử lý tình huống khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Sau quá trình vật lý trị liệu, các bác sĩ cũng sẽ được hỗ trợ tâm lý nhằm giúp người bệnh mau chóng tái hòa nhập với xã hội bởi tình trạng rối loạn tâm thần dạng trầm cảm được xem là 1 biến chứng phổ biến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các phương pháp vật lý trị liệu cho bệnh nhân COPD là gì?
Các phương pháp vật lý trị liệu cho bệnh nhân COPD
Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân học cách loại bỏ các dịch tiết phế quản, loại bỏ đờm làm cho thông thoáng đường thở. Bệnh nhân có nhiều đờm gây ảnh hưởng đến hô hấp hoặc khó khăn trong việc khạc đờm sẽ được chỉ định tập. Có 2 kỹ thuật chính để thực hiện phương pháp này.
Ho có kiểm soát: Đây là động tác giúp người bệnh không bị mệt mỏi hay khó thở khi cố gắng ho đờm ra khỏi cổ họng. Người bệnh cần tuân thủ thực hiện kỹ thuật này thông qua các bước sau:
- Ngồi trên giường hoặc trên ghế một cách thoải mái và thư giãn
- Hít vào một hơi thật sâu
- Nín thở trong vài giây
- Ho mạnh 2 lần (lần 1 để long đờm, lần 2 đẩy đờm ra ngoài)
- Hít vào từ từ và nhẹ nhàng. Trước khi muốn thực hiện lại động tác ho có kiểm soát thì người bệnh hãy thở dạng chúm môi một vài lần.
Kỹ thuật thở ra mạnh: Trong trường hợp sức khỏe người bệnh quá yếu không thể tập ho có kiểm soát hoặc thực hiện chưa đủ lực thì có thể thực hiện kỹ thuật này.
Các bước thực hiện:
- Hít vào chậm và sâu
- Nín thở trong vài giây
- Thở ra thật mạnh và cố kéo dài nhất có thể
- Hít vào nhẹ nhàng
Có thể thực hiện kỹ thuật này nhiều lần trong ngày nhưng cách mỗi lần thực hiện cần hít thở đều trước khi thực hiện lại.
Phương pháp này chủ yếu giúp bệnh nhân khắc phục được sự ứ khí trong phổi và đối phó với những tình trạng khó thở. Nhóm đối tượng chính cần thực hiện phương pháp này là bệnh nhân COPD có tình trạng bị viêm phế quản mãn, thường xuyên bị viêm nhiễm phù nề hoặc bị tắc nghẽn đường thở do đờm. Có 4 bài tập thở trong nhóm vật lý trị liệu này, đó là:
Bài tập thở chúm môi:
- Người bệnh ngồi với tư thế thoải mái nhất
- Thả lỏng cổ và vai
- Hít vào thật chậm qua mũi
- Môi chúm lại giống như đang huýt sáo rồi từ từ thở ra bằng miệng (lưu ý: thời gian thở ra nên dài gấp đôi thời gian hít vào).
Bài tập thở hoành:
- Bệnh nhân ngồi tư thế thoải mái, thả lỏng vai và cổ.
- Đặt 1 bàn tay lên ngực và 1 bàn tay lên bụng cùng lúc.
- Hít vào thật chậm bằng mũi và kiểm soát sao cho vùng bụng có cảm giác phình to lên nhưng vùng lồng ngực không di chuyển.
- Hóp bụng lại sau đó thở ra từ từ bằng miệng sao cho phần bụng lõm xuống và ngực không di chuyển. Thời gian thở ra nên dài gấp đôi thời gian hít vào.
Các biện pháp xử lý khi bị khó thở:
- Người bệnh cần lựa chọn tư thế ngồi hoặc đứng hợp lý khi bị khó thở. Tìm kiếm các điểm tựa như tường để giúp giữ cho việc di chuyển cơ hoành khi hít thở dễ dàng hơn.
- Kết hợp với kỹ thuật thở mím môi.
- Nên đặt tay lên đầu gối khi ngồi sẽ giúp các nhóm cơ hô hấp ở lồng ngực hoạt động dễ dàng hơn, làm nở phổi.
Xử lý các cơn khó thở về đêm:
Để tránh tình trạng xuất hiện các cơn khó thở về đêm khiến người bệnh gặp nguy hiểm thì cần phải: Sử dụng thuốc giãn phế quản loại có tác dụng kéo dài, đặt bình xịt thuốc trong tầm tay với, dùng nhiều gối để kê đầu cao hơn.
Trường hợp bệnh nhân bị tỉnh giấc do khó thở thì hãy ngồi dậy tựa lưng vào tường hoặc thành giường, giữ tư thế ngồi hơi cúi về phía trước, khuỷu tay chống đầu gối và từ từ thực hiện hít thở mím môi.
- Người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn xây dựng một chế độ tập thể dục lành mạnh phù hợp với sức khỏe hiện tại. Các bài tập thể dục không chỉ cải thiện tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà còn nâng cao sức khỏe giúp chống chọi lại nhiều dạng bệnh tật khác nữa.
- Các bài tập vận động thường sẽ tập trung vào tay và chân trước và dần sẽ củng cố toàn thân để cơ thể người bệnh có thể thích nghi một cách từ từ.
- Kết hợp đi bộ hoặc leo cầu thang hàng ngày cũng được xem là những bài tập tốt cho hệ hô hấp cũng như các hệ cơ quan khác
Trước khi đưa ra các phương pháp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra lại các thông tin về triệu chứng bất thường của bệnh và tiền sử mắc bệnh có liên quan. Hầu hết nhưng người có bệnh nền hen suyễn và kết hợp hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh COPD khá cao hoặc bệnh nhân có người thân trong gia đình mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Một số loại xét nghiệm có thể được thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh COPD:
- Đo chức năng hô hấp hay còn được gọi là phương pháp hô hấp ký: Phương pháp này sẽ chỉ ra được lượng không khí tối đa mà bệnh nhân có thể hít vào và thở ra nhằm xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Bệnh được chẩn đoán xác định khi kết quả đo chức năng hô hấp là tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoặc hồi phục không hoàn toàn sau test phục hồi phế quản.
- Chụp X-quang phổi: Kiểm tra khả năng bị khí phế thũng, loại bỏ các vấn đề khác ở phổi và tim.
Chụp X-quang phổi: Kiểm tra khả năng bị khí phế thũng, loại bỏ các vấn đề khác ở phổi và tim
- Chụp CT: Phát hiện khí phế thũng, khả năng có thể thực hiện phẫu thuật và tầm soát ung thư phổi.
- Khí máu động mạch: Kiểm tra lượng khí Oxy và khí Carbonic trong máu có ổn định hay không.
Hầu hết những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có thể chữa trị bằng thuốc duy trì và kết hợp với các biện pháp phục hồi chức năng hô hấp. Tuy nhiên, vẫn có những ca bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật mới có thể xử lý được tình trạng nghiêm trọng từ bệnh, tránh nguy cơ biến chứng nặng hơn.
Điều trị COPD bằng thuốc có thể sử dụng ở dạng viên nén uống, thuốc dạng xịt trực tiếp vào đường thở, thuốc tiêm trực tiếp vào máu hoặc máy hỗ trợ điều trị (khí dung). Những nhóm thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là: Nhóm thuốc giãn phế quản đường phun, hít, xịt, khí dung hoặc đường uống hay đường tiêm, truyền, thuốc Steroid dạng hít (ICS), thuốc hít dạng kết hợp ICS và thuốc giãn phế quản, thuốc Steroid đường uống, thuốc ức chế Phosphodiesterase-4 và một số loại thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hoặc nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nếu người bệnh được chỉ định cần phải thực hiện phẫu thuật để xử lý tình trạng bệnh thì sẽ được thực hiện thông qua các loại phẫu thuật như: Phẫu thuật giảm thể tích phổi, phẫu thuật nội soi giảm thể dịch phổi, cấy ghép phổi, cắt bóng khí (bullectomy) hay đặt van một chiều khí quản.
Chỉ định cần phải thực hiện phẫu thuật để xử lý tình trạng bệnh
Để quá trình điều trị bệnh có thể diễn ra hiệu quả nhất thì việc phục hồi chức năng và chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là đối với những đối tượng có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao nếu không được chuẩn bị kỹ càng trước sẽ rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
- Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) | Hellobacsi
- 5 biến chứng của bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính và cách phòng ngừa | Sotaysuckhoe
- Phục hồi chức năng hô hấp và chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính | benhviendktinhquangninh
- Phục hồi chức năng hô hấp và chăm sóc giảm nhẹ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính | Bệnh viện Bạch Mai
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!