Từ điển bệnh lý
Lao cột sống : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Lao cột sống
Bệnh lao cột sống là gì?
Bệnh này còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh mục xương sống, hay huỷ xương sống do lao. Lao cột sống nằm trong danh sách những bệnh lý lao ngoài phổi bên cạnh lao màng não, lao thận, lao màng bụng,... và thường gặp nhất trong hệ vận động.
Bệnh lao cột sống
Trước đây tại Việt Nam, đây được xem như một bệnh lý gây khó khăn trong công tác điều trị thì hiện nay với sự phát triển tiên tiến của khoa học hiện đại, bệnh lao cột sống có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và chưa xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
“Hung thủ" gây nên bệnh lao cột sống đó là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis hominis là một loại vi khuẩn ái khí, hay tìm đến những khu vực chứa nhiều oxy nên các vị trí có nhiều mạch máu và oxy như thân đốt sống là địa điểm ưa thích của chúng.
Các số liệu đáng quan tâm về bệnh lao cột sống:
- Lao cột sống chiếm khoảng 25 - 87% trong hệ xương khớp. Trong đó tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh bị lao xương khớp mắc lao cột sống, lao khớp là 65%;
- Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị mắc bệnh lao cột sống, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 21 - 30 tuổi và từ 41 - 50 tuổi;
- Các vị trí trên đốt sống dễ bị vi khuẩn lao tấn công:
- Lao cột sống vùng thắt lưng và vùng ngực chiếm tỷ lệ lớn (96%), nhiều nhất là cột sống ngực (xấp xỉ 80%), xảy ra từ đốt sống ngực số 7 đến đốt sống thắt lưng số 3
- Vùng đốt sống cổ là khu vực có tỷ lệ nhiễm lao thấp nhất: 4%.
Nguyên nhân Lao cột sống
Vi khuẩn lao thường xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp rồi sau đó trú ngụ và làm tổn thương phổi. Nhờ sự vận chuyển của máu hoặc bạch huyết, chúng sẽ di chuyển và tấn công các bộ phận khác trong cơ thể, trong đó có cột sống thuộc hệ xương khớp.
Triệu chứng Lao cột sống
Cũng giống như các bệnh lao khác, ở giai đoạn đầu lao cột sống sẽ tiến triển âm thầm khó nhận biết trong cơ thể người bệnh, điều này gây cản trở rất nhiều cho việc điều trị. Các triệu chứng bệnh nhân có thể gặp bao gồm:
Triệu chứng tại chỗ:
- Đau tại vị trí cột sống bị tổn thương: Vết đau mới đầu sẽ âm ỉ, có xu hướng đau tăng dần vào buổi chiều tối hoặc buổi đêm. Nếu bị lao cột sống ngực thì bệnh nhân đau ở khu vực đốt sống ngực. Nếu càng ngày càng thấy đau dữ dội thì đó là lức vùng cột sống thắt lưng bị tổn thương nghiêm trọng khiến cho một hoặc cả hai chân đều bị co giật, cảm giác đau men theo rễ thần kinh bị áp xe chèn ép;
Đau tại vị trí cột sống bị tổn thương
- Bị rối loạn biến dưỡng da, móng, tóc: Nguyên nhân là do rễ thần kinh bị chèn ép do các tổn thương gây nên bởi vi khuẩn lao;
- Biểu hiện teo cơ: các cơn đau do lao cột sống làm hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân, dần dần khiến chi dưới, cụ thể là cùng cẳng chân hay bắp chuối chân teo lại phổ biến ở lao cột sống thắt lưng. Tủy sống bị chèn ép còn gây nên một hệ luỵ khác đó là liệt vận động hai chân, sau thời gian dài khả năng vận động bị hạn chế;
- Dị tật cột sống: Hầu hết các ca bệnh bị lao cột sống đều bị dị tật biến dạng cột sống. Mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào mức độ phá huỷ cột sống do lao;
- Ổ bụng dưới phồng lên: Các áp xe do vi khuẩn lao gây nên sẽ phát triển, nếu nó chui qua các dây chằng ở bẹn, di chuyển xuống đùi, áp xe có hình nút áo. Nếu không kiểm soát sớm, bệnh nhân rất có thể bị áp xe xa với kích thước lớn như bị ở vùng mông, u toạ, mặt ngoài đùi, vùng tam giác Petit trên màng chậu sau.
Triệu chứng khi bị lao cột sống cổ:
- Đau từ cổ lan lên vùng đầu, đau xuống vai và hai tay;
- Cứng cổ, vẹo cổ;
- Khó nuốt, bị nói lắp;
- Áp xe vùng hầu họng;
- Bị liệt nửa người hoặc liệt cả tứ chi.;
- Suy giảm thần kinh.
Các biểu hiện thần kinh:
Khi bệnh nhân bị lao cột sống ngực thấp sẽ có nguy cơ cao bị liệt tứ chi và kéo theo các dấu hiệu về thần kinh đó là:
- Liệt dương;
- Đau rễ thần kinh;
- Liệt nửa người;
- Suy giảm cảm giác;
- Hội chứng chùm đuôi ngựa.
Các triệu chứng toàn thân:
- Người bệnh bị mệt mỏi liên tục;
- Sốt nhẹ, đặc biệt vào buổi chiều tối;
- Cơ thể ốm yếu, chán ăn, sụt cân;
- Hay bị đổ mồ hôi ban đêm.
Các biến chứng Lao cột sống
Lao cột sống nếu không được điều trị sớm với phác đồ phù hợp sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bệnh nhân:
- Tuỷ sống và rễ thần kinh bị chèn ép khiến bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau mạn tính. Nguyên nhân của sự chèn ép này là do: hình thành các ổ áp xe lạnh bên cạnh cột sống, xẹp đĩa đệm, viêm màng nhện tủy, thoát vị đĩa đệm. Nếu dây thần kinh bị chèn ép nằm ở vị trí cột sống thắt lưng sẽ khiến hai chi dưới bị yếu dần, dẫn tới liệt chi, rối loạn cảm giác vùng sinh dục và hậu môn, bệnh nhân không thể tự chủ đại tiểu tiện; còn dây thần kinh ở cột sống cổ bị chèn ép sẽ gây liệt cả tứ chi;
Bệnh không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe
- Cột sống bị vi khuẩn lao phá huỷ dẫn đến biến dạng cột sống, hoặc gù nhọn cột sống;
- Ổ áp xe vùng hầu họng khiến người bệnh bị khàn tiếng, gặp khó khăn trong ăn uống;
- Gia tăng nguy cơ bị gãy xương, đặc biệt là lao vùng cột sống cổ;
- Nén tuỷ sống;
- Khung xương chậu bị ảnh hưởng gây suy hô hấp;
- Có thể bị xoang;
Đường lây truyền Lao cột sống
Bản chất bệnh lao là một loại bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người bệnh sang người lành, chủ yếu là qua đường hô hấp và khởi phát với bệnh lao phổi. Vi khuẩn lao gây tổn thương ở phổi trước tiên rồi sau đó theo tuần hoàn máu và bạch huyết khu trú tại các cơ quan khác ngoài phổi, trong đó có hệ xương khớp và lao cột sống chiếm tỷ lệ lớn.
Có 3 con đường lây truyền chính của bệnh lao cột sống:
- Khi thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh lao;
Thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh lao có thể bị lây nhiễm lao
- Nhiễm vi khuẩn lao thông qua các vết thương hở trên da;
- Lây truyền từ mẹ sang con.
Đối tượng nguy cơ Lao cột sống
Các nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc lao cột sống cao bao gồm:
- Những người đã có tiền sử mắc bệnh về lao phổi hoặc lao xương;
- Người hay tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh lao;
- Người bị mắc hội chứng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, hoặc các bệnh lý mạn tính khiến hệ miễn dịch yếu, sử dụng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư;
- Nam giới có tỷ lệ mắc lao cột sống cao hơn nữ giới.
Phòng ngừa Lao cột sống
- Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ nhỏ;
Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ nhỏ để phòng ngừa bệnh lao
- Có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) nhằm tầm soát các bệnh lý, bao gồm cả bệnh lao. Phát hiện càng sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao và hạn chế biến chứng nặng về sau;
- Không tiếp xúc với những người bệnh lao, nếu có tiếp xúc thì cần chuẩn bị các biện pháp phòng tránh lây nhiễm;
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đủ chất, đủ bữa;
- Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, nâng cao khả năng vận động và tăng cường hệ miễn dịch;
- Kiểm soát các bệnh mạn tính để tránh suy giảm hệ miễn dịch;
Các biện pháp chẩn đoán Lao cột sống
Hiện nay có các biện pháp được áp dụng để chẩn đoán bệnh lao cột sống như sau:
- Chụp X-quang: biện pháp này cho phép thu lại hình ảnh những tổn thương do vi khuẩn lao, đặc biệt là tại đĩa đệm. Nếu bệnh nhân bị lao cột sống, kích thước đĩa đệm hẹp lại. ở giai đoạn muộn của bệnh, các thân đốt sống có tình trạng bị dính sát vào với nhau, bờ thân đốt sống trên và dưới đĩa đệm bị vi khuẩn lao phá huỷ hình thành nên hang lao.
- Chẩn đoán phân biệt: Đối với bệnh nhân bị lao cột sống không xảy ra phản ứng ngà xương, dày xương và có biểu hiện của phá huỷ xương, ít xảy ra ở đốt sống; còn bệnh nhân bị ung thư xương thường bị tổn thương chủ yếu ở đốt sống, đĩa đệm không bị ảnh hưởng, do đó quan sát không thấy xẹp đĩa đệm, đốt sống không bị dính vào nhau.
- Các xét nghiệm khác: phản ứng Mantoux (+), tốc độ lắng máu.
Tại MEDLATEC có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc thăm khám, chẩn đoán
Tất cả các phương pháp chẩn đoán trên đều có thể được áp dụng tại bệnh viện đa khoa Medlatec. Bên cạnh đó, các chuyên gia và bác sĩ tại bệnh viện còn có thể sử dụng các phương pháp hiện đại khác như: chụp CT - Scan 128 dãy, chụp MRI, nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng và làm kháng sinh đồ, xét nghiệm Gene Xpert, xét nghiệm Quantiferon TB Gold Plus,...
Các biện pháp điều trị Lao cột sống
Nhờ sự tiến bộ của y khoa, bệnh lao cột sống có thể được chữa khỏi khi bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị.
Nguyên tắc điều trị lao cột sống:
Điều trị bệnh lao cột sống
- Phương pháp điều trị chính trong các trường hợp là sử dụng thuốc;
- Bên cạnh dùng thuốc cần phối hợp với tập vật lý trị liệu khôi phục khả năng vận động và có chế độ sinh hoạt phù hợp;
- Đối với những trường hợp nặng có thể chỉ định phẫu thuật.
Phác đồ điều trị lao cột sống giống với phác đồ điều trị bệnh lao phổi:
- Dùng thuốc chống vi khuẩn lao: hình thức có thể là tiêm hoặc uống. Trong giai đoạn đầu điều trị, bệnh nhân cần nằm cố định trên giường cứng từ 4 - 5 tuần, không nên nằm giường nệm. Sau thời gian này để tránh tình trạng cứng khớp cần có chế độ tập luyện theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Những bệnh nhân bị lao cột sống với ổ áp xe lớn, chèn vào tuỷ sống và rễ thần kinh gây đau nhức cần được phẫu thuật sớm.
- Chữa bệnh liên quan đến cột sống: Không mang vác các đồ vật nặng, dùng thuốc để kiểm soát cơn đau, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra bệnh nhân bị gù cột sống có thể dùng nẹp để cố định.
- Lao cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Hệ thống Vinmec
- Biến chứng của lao cột sống | Phú Thọ điện tử
- Lao cột sống (mục xương sống): Cách chẩn đoán, điều trị | Viện nghiên cứu bệnh cơ xương khớp Việt Nam
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!