Từ điển bệnh lý

Lao tai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Lao tai

Bệnh lao là một trong những bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam, theo thống kê thì số bệnh nhân tử vong do lao mỗi năm khoảng 17.000 trường hợp. Trong đó, số người mắc mới vẫn tăng hàng năm, đặc biệt tỉ lệ mắc lao kháng thuốc ngày càng gia tăng. Trong khi tỉ lệ điều trị bệnh lao chỉ khoảng 52%.

Lao phổi chiếm tỉ lệ cao nhất tới 60%. Còn lao tai thuộc nhóm lao ngoài phổi ít gặp. Vi khuẩn lao có thể xuất hiện ở tai ngoài, tai giữa hay tai trong. Trong đó, lao tai giữa phổ biến nhất, lao tai trong là biến chứng của lao tai giữa, chưa có trường hợp nào xuất hiện đơn lẻ, lao tai ngoài rất hiếm gặp.

Vì vậy, bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh lao tai ngoài và loa tai giữa.

Lao tai ngoài:

Thể bệnh thường gặp của lao tai ngoài đó là lao da luput. Bệnh sẽ xuất hiện ở vành tai và dái tai, các Luput này thường xuất hiện cùng Luput ở vùng khác như mặt, mũi, gây ra những tổn thương trên da có thể từ nông đến sâu, thậm chí vào sụn gay biến dạng vành tai hoặc gây hẹp ống tai. Các thể lao tai ngoài hiếm gặp hơn như lao bòn, lao hạt cơm.

Lao tai giữa:

Hiện nay, lao tai giữa có thể gặp thể điển hình là có lao phổi rõ rệt hoặc thể không điển hình là không có lao phổi. Thể không điển hình rất khó chẩn đoán và đòi hỏi phải có thời gian, xét nghiệm đặc hiệu và đặc biệt là bác sĩ giàu kinh nghiệm theo dõi mới phát hiện được.


Triệu chứng Lao tai

Lao tai ở người bị lao phổi

Đây là thể lao điển hình, lao tai là thứ phát khi lao phổi không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ có thể lây lan đến cơ quan khác, trong đó có tai. Trường hợp lao lai  này có thể biểu hiện ở 2 thể đó là: Lao tai thâm nhiễm và lao tai loét sùi:

Thể lao tai thâm nhiễm

Triệu chứng của thể lao này tương tự như các trường hợp viêm tai thông thường gây chảy dịch mủ tai: Màng nhĩ sẽ đục, sau đó xuất tiết trong hòm nhĩ, dịch nhiều dần có thể gây thủng màng nhĩ làm chảy dịch mủ. Nếu không được điều trị có thể tiến thành thể viêm tai lao loét sùi.

Thể viêm tai lao loét sùi:

Thể bệnh này thường có diễn biến mạn tính ngay từ đầu, khởi bệnh một cách kín đáo và ít có triệu chứng nên bệnh nhân và bác sĩ thường hay bỏ qua.

Triệu chứng điển hình của lao tai ở người bị lao phổi

- Triệu chứng cơ năng :

Hai triệu chứng điển hình là: chảy dịch tai và điếc

Dịch tai màu vàng, có mùi hôi, dịch đặc và đôi khi không đồng nhất, có thể vón cục. Mùi thối tai trong lao tai rất dai dẳng, thậm chí sau khi vệ sinh tai sạch sẽ, lau hết dịch vẫn còn mùi thối.

Điếc là triệu chứng xuất hiện sớm, tính chất đột ngột khi thính lực thay đổi ngay. Điếc trong bệnh lao tai là điếc tai trong, tức  là điếc tiếp nhận.

- Triệu chứng thực thể:

Thường khi dịch tai chảy nhiều bệnh nhân mới đi khám bệnh, Lúc này có thể thấy xuất hiện nhiều lỗ thủng trên màng nhĩ. Các lỗ thủng này tròn đều, có bờ mỏng và viền đỏ, phần màng nhĩ còn lại nhạt hơn và có dấu hiệu thâm nhiễm. Khi màng nhĩ bị thủng nhiều thì có thể thành lỗ thủng to. Thông qua lỗ thủng, bác sĩ có thể quan sát thất đáy hòm nhĩ có nhiều nụ sùi màu hồng nhạt, mềm. Khi cắt bỏ các nụ sùi này có thể tái phát lại nhanh. Đôi khi, đáy hòm nhĩ có thể có giả mạc bao hết bên trên và có thể có hiện tượng chạm xương nếu thăm dò bằng  que châm. Khi ấn vào sào bào, bệnh nhân sẽ rất đau mặc dù quan sát có thể xương chũm hoàn toàn bình thường. Có thể có hạch phản ứng xuất hiện ở sau tai và trước bình tai.

Lao tai giữa ở người không bị lao phổi

Trường hợp này rất hiếm, trước đây còn không được đề cập. Đây là tình trạng lao nguyên phát ở thời kỳ hậu sơ nhiễm ở tai.

Thể lao tai nguyên phát thường gặp ở trẻ em với các triệu chứng tương tự các bệnh viêm tai giữa do các tác nhân khác.

Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau các đợt cấp của viêm tai mũi họng. Bệnh nhân có thể có triệu chứng sốt, đau họng, đau tai, ù tai, thủng màng nhĩ và chảy mủ tai, có thể có nổi hạch trước tai.

Lỗ thủng màng nhĩ sẽ to ra một cách nhanh chóng, nụ sùi vùng đáy hòm nhĩ nhợt nhạt và có thể loang rộng thành giả mạc trắng phủ trên bề mặt hòm nhĩ.

Vì bệnh có thể tự khỏi giống các bệnh viêm tai mủ thông thường nên thường ít được chẩn đoán là lao tai.

Đôi khi bệnh có thể có diễn biến kéo dài, mạn tính và gây ra các biến chứng phức tạp như: viêm xương chũm do lao, chảy dịch tai mạn tính. Tuy nhiên thể bệnh này ít khi gây liệt mặt.

 


Các biến chứng Lao tai

Lao tai gây ra nhiều biến chứng nặng nề, trong đó có một số biến chứng điển hình sau:

- Liệt mặt: Đây là biến chứng xuất hiện bất ngờ và thường xuất hiện sớm. Liệt mặt xuất hiện cùng bên lao tai. Đôi khi biến chứng này cũng xuất hiện từ từ tăng dần. Liệt mặt trong lao tai là liệt không hồi phục. Người bệnh sẽ vĩnh viễn bị liệt nên cần điều trị lao tai ngay khi phát hiện, trước khi có biến chứng.

-  Abces dưới cốt mạc: Abces thường xuất hiện ở mặt ngoài xương chũm, từ đó gây ra các lỗ rò sau vành tai hay trong ống tai ngoài. Các lỗ rò thường bị che lấp miệng lỗ bởi tổ chức hạt, đôi khi tổ chức hạt sùi lên làm bác sĩ nhầm lẫn với ung thư. Aces dưới cốt mạc thường có ít mủ.

- Viêm mê nhĩ: Đây là biến chứng phổ biến nhất của lao tai. NGuyên nhân của biến chứng này là do mê nhĩ bị viêm bởi độc tố vi khuẩn lao. Mê nhĩ viêm làm cho bệnh nhân bị điếc nặng. Khi khám sẽ không thấy phản ứng mê nhĩ hay có phản ứng quá kích thích.

Ngoài nguyên nhân do độc tố vi khuẩn lao, viêm xương cũng có thể gây viêm mê nhĩ. Xương bị viêm có nhiều mủ thối và tổ chức sùi làm che lấp xương, giả mạc che ụ nhô. Thăm dò bằng que trâm thấy xương bị mủn và di động trong hòm nhĩ. Dây thần kinh mặt có thể bị liệt gây ra hội chứng mê nhĩ - mặt.

Viêm mê nhĩ do lao không gây ra viêm màng não như các trường hợp viêm tai xương chũm thông thường.

- Biến chứng thủng động mạch cảnh tuy ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm vì có thể có nguy cơ vỡ mạch gây tử vong. Biến chứng này được cảnh báo bởi tình trạng mủ trong hòm nhĩ đập theo nhịp mạch và rỉ máu ra ống tai ngoài.

 


Đường lây truyền Lao tai

Vi khuẩn lao có thể lây đến tai qua nhiều đường trong đó lây qua vòi Eustachi là phổ biến nhất. Ở trẻ em thì việc di chuyển của vi khuẩn lao dễ dàng hơn do cấu trúc vòi Eustachi của trẻ em to và ngắn hơn ở người lớn. Ngoài ra ở những người bị lao phổi nặng, lớp mỡ ở loa vòi bị teo khiến cho vòi Eustachi cũng bị rộng hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn lao cùng các vi khuẩn khác cùng xâm nhập tai từ đường hầu họng.

Ngoài ra vi khuẩn lao cũng có thể tấn công tai thông qua đường bạch huyết từ các hạch, V.A.

Một số tác giả cho rằng ở những bệnh nhân bị lao kê phổi, vi khuẩn lao cũng tràn vào máu và gây bệnh trên tai

Rất hiếm trường hợp lao tai mà vi khuẩn lây qua đường da. Các vi khuẩn có thể từ Luput xâm lấn dần từ vành tai vào ống tai, màng nhĩ và hòm tai.


Các biện pháp chẩn đoán Lao tai

Việc lấy mẫu dịch tai làm xét nghiệm là một thử thách đối với các bác sĩ cũng như việc không bỏ sót lao tai là một điều khó trong thực hành lâm sàng.

- Lao tai ở bệnh nhân đang bị lao phổi: Dựa vào các triệu chứng: Điếc kiểu tai trong, liệt mặt, màng nhĩ bị thủng nhiều lỗ,...

- Lao tai không bị lao phổi: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng như hạch trước tai, chảy dịch tai mạn tính, abces tai, mục xương,...

Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán lao tai:

Việc xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong lao tai đòi hỏi việc lấy mẫu xét nghiệm phải thực sự tốt, người lấy mẫu phải có nhiều kinh nghiệm.

Các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao đó là:

  • Nhuộm soi tìm AFB trong mẫu dịch rửa tai
  • Xét nghiệm phản ứng lao tố (Mantoux) hoặc IGRA (T-SPOT TB hay Quantiferon)
  • Xét nghiệm Gene Xpert.
  • Nuôi cấy lao trong môi trường lỏng (MGIT)
  • Làm giải phẫu bệnh các nụ sùi trong hòm nhĩ hay sào bào. Qua đó phát hiện nang lao hoặc vi khuẩn lao

 


Các biện pháp điều trị Lao tai

Đi với người bệnh lao tai có lao phổi:

- Trường hợp lao phổi đang tiến triển: thì cần trì hoãn việc phẫu thuật trừ khi lao tai đã gây ra những biến chứng nặng nề hoặc ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, bởi vì phẫu thuật có thể làm cho lao tiến triển nặng hơn. Các biện pháp điều trị bằng thuốc sẽ được ưu tiên hơn. Các thuốc đường uống được sử dụng đó là isoniazid (INH), Rifampicin, Ethambutol, P>A>S, Streptomycin, pyrazinamide,... 

Ngoài ra cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại chỗ như: đặt bấc thấm Heparin và Hydrocortisone hoặc INH, rắc Cloramphenicol dự phòng bội nhiễm.

- Trường hợp lao phổi ổn định: 

Cần có thái độ xử trí rương tự các trường hợp viêm tai xương chũm mạn:

  •  Nếu không có hủy xương thì điều trị thuốc giống như đã trình bày phía trên.
  • Nếu có hủy xương khi viêm xương nặng thì cần làm phẫu thuật khoét rỗng đá chũm, làm sạch xương mục. Cần phẫu thuật sớm trong các trường hợp viêm tai xương chũm do lao vì có thể gây biến chứng liệt mặt không hồi phục.

Sau phẫu thuật vẫn cần điều trị nội khoa tương tự như trên.

Tiên lượng điều trị lao tai phụ thuộc vào tổn thương tại phổi cũng như việc điều trị lao phổi.

Đối với những trường hợp lao tai không có lao phổi.

Trường hợp này thường khó chẩn đoán nên thường được chẩn đoán muộn dẫn đến điều trị muộn. Vì vậy cần xử trí giống như viêm tai thông thường.

Khi người bệnh có viêm tai giữa cấp, cần rạch màng nhĩ giải phòng dịch mủ. Nếu phát hiện viêm xương chũm cần phẫu thuật sớm để xử lý bảo tồn và lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm tìm vi khuẩn lao cũng như làm giải phẫu bệnh. Lưu ý, chỉ đục rộng xương chũm chứ không nên phẫu thuật khoét rỗng đá chũm.

Sau phẫu thuật thì nên sử dụng Streptomycin tiêm bắp kết hợp Rimifon đường uống. Ngoài ra cần tăng dường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi hợp lý và làm sạch môi trường sống, cải thiện môi trường sống được thông thoáng và nhiều ánh sáng tự nhiên.

Viêm tai ở trẻ nhỏ thường nhạy với Streptomycin và INH.

Tiêm lượng của lao tai nguyên phát tốt hơn so với người có lao phổi kèm theo.

 


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ