Từ điển bệnh lý

Loãng xương : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Loãng xương

Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp, sự suy giảm mô xương và phá vỡ cấu trúc của xương. Do đó, nó có thể dẫn đến giảm sức mạnh của xương khiến người mắc bệnh dễ bị gãy xương.

Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp, sự suy giảm mô xương và phá vỡ cấu trúc của xương

Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp, sự suy giảm mô xương và phá vỡ cấu trúc của xương

Loãng xương là một trong những bệnh lý về hệ xương phổ biến nhất ở con người, đại diện cho một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Loãng xương ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới, trong đó nữ giới gặp nhiều hơn. Với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ mắc loãng xương tăng dần ở các nước. Đây là một căn bệnh thầm lặng, ít triệu chứng nhưng kéo theo đó là tình trạng gãy xương, tăng huyết áp,… gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người ta ước tính rằng số bệnh nhân loãng xương trên toàn thế giới khoảng hơn 200 triệu người. Hàng năm, có khoảng 9 triệu người bệnh bị gãy xương do loãng xương. Theo báo cáo, ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ, 30% phụ nữ bị loãng xương hoặc có nguy cơ loãng xương nặng. Ước tính rằng 40% phụ nữ sau mãn kinh và 30% nam giới sẽ bị gãy xương trong phần còn lại của cuộc đời. Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy có khoảng 3 triệu người bị loãng xương, trong đó 75% là nữ giới.


Nguyên nhân Loãng xương

Loãng xương được chia làm hai nhóm chính:

- Loãng xương nguyên phát: Gặp ở phụ nữ sau mãn kinh, người già.

- Loãng xương thứ phát: Do các nguyên nhân như rối loạn nội tiết, bệnh lý gan thận…

Bộ xương của con người là một mô rất năng động. Chúng chuyển hóa không ngừng. Có hai quá trình giúp cân bằng hệ xương là quá trình tạo xương và hủy xương. Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, xương được mô hình hóa (modelling) giúp kích thước, khối lượng, độ chắc khỏe của xương tăng lên nhanh chóng đạt được khối lượng xương đỉnh (khối lượng xương cao nhất, sức mạnh xương lớn nhất). Sau quá trình này, xương mất dần đi hàng năm. Sự tái tạo xương (remodelling) là việc loại bỏ xương cũ để thay thế bằng xương mới, được sử dụng để sửa chữa các vết nứt nhỏ và ngăn chúng trở thành gãy xương, giúp duy trì một bộ xương khỏe mạnh. Vì một lý do nào đó, quá trình hủy xương mạnh mẽ hơn quá trình tạo xương hoặc quá trình tạo xương kém hơn dẫn đến mất xương, rỗng cấu trúc xương, giảm sức mạnh xương và loãng xương.

Ví dụ: Tuổi mãn kinh và tuổi cao làm quá trình hủy xương mạnh hơn quá trình tạo xương làm tăng nguy cơ gãy xương.


Triệu chứng Loãng xương

80% người mắc loãng xương không có biểu hiện lâm sàng. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp khi người bệnh loãng xương đã lâu, có biến chứng của loãng xương.

Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

- Đau mỏi dọc các xương dài. Đau cả ngày và đêm. Đôi khi có thể đau tăng về đêm.

- Gù, giảm chiều cao. Khi một người có giảm chiều cao từ 3cm/2 năm là dấu hiệu rất rõ gợi ý đến loãng xương.

- Gãy xương sau những cú ngã nhẹ. Đây là biến chứng của loãng xương. Với tất cả trường hợp gãy xương sau những va chạm nhẹ, gãy xương tự phát cần được đo loãng xương.


Đối tượng nguy cơ Loãng xương

Có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến loãng xương bao gồm

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới. Đặc biệt nữ giới sau mãn kinh.

- Tuổi: Khi chúng ta già đi, quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn và sự phát triển xương mới cũng chậm hơn. Theo thời gian, xương của con ngườ có thể yếu đi và nguy cơ loãng xương tăng lên.

- Tình trạng mãn kinh: Sau mãn kinh, xương của nữ giới bị mất đi nhanh chóng, dẫn đến loãng xương.

- Thể trạng: Phụ nữ và nam giới thấp gầy có nguy cơ loãng xương cao hơn những người có chiều cao và cân nặng chuẩn.

- Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Phụ nữ Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Tương tự, đàn ông da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đàn ông Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico.

- Lịch sử gia đình: Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ loãng xương tăng lên ở những người trong gia đình có bố mẹ bị gãy xương do loãng xương.

- Yếu tố gen: Những người mắc HC tăng calci niệu nguyên phát có tính chất gia đình, HC Marfan… có nguy cơ loãng xương cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

- Chế độ ăn: Chế độ ăn ít canxi và vitamin D, thiếu đạm có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

- Lối sống: Uống rượu, hút thuốc lá, ít vận động là các yếu tố nguy cơ cao của loãng xương.

- Nội tiết: Giảm estrogen, testosterol làm tăng tình trạng loãng xương. Cường cận giáp, suy thượng thận, HC Cushing, nhiễm độc giáp, đái tháo đường.

- Bệnh kèm theo: Bệnh tiêu hóa (viêm tụy mạn, phẫu thuật đường tiêu hóa, bệnh gan mạn tính, bệnh Crohn, HC kém hấp thu…), bệnh thận mạn tính, bệnh cơ xương khớp (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, loạn dưỡng cơ…), ung thư, HIV,….

- Thuốc: Corticoid là loại thuốc hàng đầu gây loãng xương. Thuốc này phổ biến và bán tràn lan trên thị trường. Corticoid gặp ở nhiều dạng thuốc như thuốc viên nén (thuốc tây), viên tán, viên hoàn, thuốc thang… và được kê để điều trị nhiều bệnh lý trong đó có cả các tình trạng đau cơ xương khớp. Ngoài các thuốc corticoid, các loại thuốc khác như thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị ung thư, một số loại thuốc điều trị đái tháo đường… cũng là những yếu tố nguy có gây loãng xương.


Phòng ngừa Loãng xương

Mỗi người, ngay từ khi còn trẻ cần chú ý tập luyện thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao, dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt cần bổ sung calci và vitamin D. Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, điều trị các bệnh lý nền ổn định, hạn chế dùng thuốc ảnh hưởng đến xương,… cũng rất quan trọng để dự phòng loãng xương.


Các biện pháp chẩn đoán Loãng xương

Lâm sàng

Do loãng xương là bệnh lý âm thầm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi có biến chứng nên chẩn đoán loãng xương chủ yếu dựa vào đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA (phương pháp được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo). Sau khi đo và tính chỉ số T-score chúng ta có các ngưỡng như sau:

- T-score ≤ -2.5: chẩn đoán loãng xương

- T-score từ -1.0 đến -2.5: Thiểu xương (giảm mật độ xương).

- T-score >-1.0: Mật độ xương bình thường.

Để phát hiện loãng xương sớm, chúng ta cần chủ động đo mật độ xương sớm. Những trường hợp nên đo mật độ xương bao gồm;

Ở người lớn tuổi (> 50 tuổi)

- Tuổi ≥65 tuổi (cả phụ nữ và nam giới)

- Gãy xương

- Các yếu tố nguy cơ lâm sàng của loãng xương: tiền sử gia đình, bệnh kèm theo, sử dụng thuốc có nguy cơ loãng xương, uống rượu, hút thuốc lá, thể trạng thấp bé,…

- Xquang có hình ảnh tăng thấu quang, xẹp đốt sống.

Ở ngưởi trẻ tuổi (<50 tuổi)

- Gãy xương sau cú ngã nhẹ.

- Suy sinh dục hoặc mãn kinh sớm (<45 tuổi)

- Hội chứng kém hấp thu.

- Sử dụng glucocorticoid kéo dài.

- Sử dụng các thuốc có nguy cơ cao khác.

- Cường cận giáp nguyên phát.

Chẩn đoán phân biệt

- Cường cận giáp

- Hình ảnh trong bệnh nhuyễn xương và loạn dưỡng xương do thận

- Bệnh Paget

- Bệnh còi xương

- Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

- Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA.

Có nhiều phương pháp để đo mật độ xương như siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… Song, đo mật độ xương bằng tia X năng lượng kép (DEXA) là phương pháp tiêu chuẩn, được tổ chức y tế thế giới để tầm soát, chẩn đoán và điều trị loãng xương. Phương pháp này đo mật độ xương ở vị trí: cột sống thắt lưng và cổ xương đùi, từ đó tính ra chỉ số T-score (mật độ xương của người bệnh so với mật độ xương đỉnh – mật độ xương tối đa). Khi chỉ số T-score ≤ -2.5 là loãng xương.

- Xquang

Xquang có vai trò phát hiện gãy xương (một biến chứng của loãng xương). Bên cạnh đó, Xquang có giá trị phát hiện loãng xương thông qua hình ảnh tăng thấu quang, hình ảnh viền tranh… Tuy nhiên, khi phát hiện được loãng xương trên Xquang thì lúc đó xương đã mất khoảng 30%.

Xquang được chỉ định cho những trường hợp loãng xương có chấn thương, người trên 70 tuổi, người nghi ngờ có gãy xương do loãng xương.

- Cắt lớp vi tính

Phương pháp này ít được chỉ định cho bệnh nhân loãng xương thông thường. Thường chỉ định cho những người bệnh nghi ngờ gãy xương mà hình ảnh Xquang không rõ, hoặc Xquang có hình ảnh gãy xương song bác sĩ phẫu thuật cần thêm thông tin cho điều trị ngoại khoa.

- Cộng hưởng từ

Cộng hưởng từ là phương pháp hiện đại. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp xẹp đột sống, nghi ngờ xẹp mới (dưới 1 tháng). Xquang cột sống chỉ phát hiện được có xẹp đốt sống, nhưng không phát hiện được xẹp mới hay cũ. Ở những người bệnh có xẹp mới đốt sống, người bệnh đau nhiều, có thể lựa chọn phương pháp bơm ciment sinh học để phục hồi chiều cao đốt sống và giảm đau cho người bệnh.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm không có giá trị chẩn đoán loãng xương, nhưng có giá trị tìm nguyên nhân loãng xương và theo dõi điều trị.

- Xét nghiệm cơ bản

Tất cả người bệnh loãng xương cần làm các xét nghiệm cơ bản bao gồm: tế bào máu ngoại vi, calci, vitamin D, men gan, chức năng thận. Những xét nghiệm này giúp bác sỹ kê đơn thuốc hợp lý hơn, điều trị sát với tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

- Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây loãng xương ở những ngưởi nghi ngờ loãng xương thứ phát.

Nếu nghi ngờ loãng xương thứ phát, tùy nguyên nhân mà bác sỹ hướng tới, người bệnh có thể phải làm các xét nghiệm như: hormone tuyến giáp, hormone tuyến cận giáp, cortisol máu, glucose, HbA1c, kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng chuỗi kép, yếu tố dạng thấp, calci niệu 24 giờ…

- Xét nghiệm theo dõi điều trị (marker chu chuyển xương).

Khi xương chuyển hóa, các quá trình hủy xương và tạo xương sẽ tiết ra một số chất đặc hiệu. Thông qua định lượng những chất này, bác sĩ sẽ so sánh giúp đánh giá đáp ứng điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, các xét nghiệm này còn có giá trị tiên lượng nguy cơ gãy xương.

+ Marker tạo xương: Osteocalcin, P1NP, P1CP, BSAP…

+ Marker hủy xương: CTX (beta-crosslaps), NTX, pyridiline, cathepsin K…


Các biện pháp điều trị Loãng xương

Mục đích của điều trị loãng xương là giảm nguy cơ gãy xương, nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì mật độ xương ổn định.

Điều trị không dùng thuốc

Một số biện pháp can thiệp, bao gồm bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D là những khía cạnh cơ bản để điều trị hoặc phòng ngừa loãng xương. Bên cạnh đó, các bài tập tăng cân và tăng cường cơ bắp thường xuyên suốt đời, ngừng sử dụng thuốc lá và rượu cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng loãng xương.

- Bổ sung calci.

Trong cơ thể chúng ta luôn cần một lượng calci cung cấp hàng ngày. Đặc biệt với người loãng xương, người cao tuổi, khả năng hấp thu calci kém làm nguy cơ loãng xương, gãy xương tăng lên. Các khuyến cáo cho thấy cần bổ sung 1000-1200mg calci/ngày.

- Bổ sung vitamin D

Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi, sức khỏe của xương, hoạt động của cơ bắp. Các nhà khoa học khuyến nghị bổ sung 600 IU/ngày ở người trưởng thành dưới 70 tuổi và liều cao hơn (800UI/ngày) ở người trên 70 tuổi. Các nguồn thực phẩm chính của vitamin D bao gồm sữa tăng cường vitamin D, nước trái cây và ngũ cốc, cá nước mặn và gan. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao thiếu vitamin D như hội chứng kém hấp thu, thiếu máu ác tính, bệnh gan mạn tính, suy thận,… cần bổ sung lượng vitamin D nhiều hơn. Trước khi bổ sung vitamin D, người bệnh cần định lượng yếu tố này để có phương án bổ sung hợp lý.

- Hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá

Uống quá nhiều rượu bia có tác dụng bất lợi cho xương nên cần tránh. Rượu làm tổn thương gan mạn tính, thiếu calci, dễ làm mất khối cơ, mất thăng bằng, dễ ngã. Không nên uống nhiều hơn 7 ly/tuần, 1 ly tương đương với 120 mL rượu vang, 30 mL rượu hoặc 260 mL bia.

Cà phê, thuốc lá cũng là các yếu tố nguy cơ của loãng xương. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng tối đa.

- Bài tập

Nên áp dụng chế độ tập thể dục chịu trọng lượng thường xuyên (ví dụ: đi bộ 30-40 phút mỗi buổi) trong suốt cuộc đời. Tập thể dục giúp trẻ em phát triển hệ xương tốt hơn. Ở người trưởng thành, nó giúp duy trì khối lượng xương đỉnh. Đặc biệt, đối với người lớn tuổi, các bài tập thể dục vừa sức giúp làm chậm quá trình mất xương, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và tăng sức mạnh cơ bắp, cuối cùng là giảm nguy cơ té ngã. Người bệnh nên tránh các bài tập gập người về phía trước. Các hoạt động  đẩy, kéo, nâng, cúi, bê vác nặng sẽ chèn ép cột sống dẫn đến gãy xương.

- Phòng chống té ngã

Ngã là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp gãy xương do loãng xương. Do đó, cần thực hiện một số biện pháp để phòng ngừa té ngã trong gia đình, đặc biệt đối với những bệnh nhân ốm yếu, dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tinh thần, do đó dẫn đến đột quỵ. Người bệnh cần sống trong môi trường tối giản, ít đồ đạc; đi dép mềm có quai, ma sát tốt; sàn lát gạch chống trơn trượt; để các vật dụng ở nơi thấp, vừa tầm với. Hạn chế leo trèo, đứng trên ghế, với cao…

Điều trị dùng thuốc

- Thuốc chống hủy xương

+ Biphosphonate: Đây là nhóm thuốc sử dụng đầu tay cho cả bệnh nhân loãng xương nguyên phát và thứ phát.

+ Denosumab

+ Liệu pháp hormone thay thế

+ Strontium reanalate

+ SERMs

- Thuốc làm tăng khả năng tạo xương

+ Hormone cận giáp (PTH)

Với một bệnh nhân loãng xương, bác sỹ sẽ cân nhắc dựa vào nguyên nhân loãng xương, mức độ loãng xương. tình trạng cụ thể từng người bệnh (tình trạng dị ứng, các bệnh lý kèm theo, kinh tế…) mà lựa chọn loại thuốc, đường dùng phù hợp.

Tiên lượng

Nếu loãng xương được phát hiện sớm và điều trị phù hợp thì kết quả tốt. Khi loãng xương không được điều trị, nó có thể dẫn đến đau mãn tính và gãy xương.

Gãy xương bệnh lý, đặc biệt ở cổ xương đùi hoặc cột sống, là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Gãy cổ xương đùi thường do té ngã và có thể dẫn đến tàn tật và thậm chí tăng nguy cơ tử vong trong lần đầu tiên sau chấn thương. Đối với xương cột sống, nó có thể gãy sau những vận động nhẹ, người bệnh không có cú ngã nào đáng kể. Vì vậy, cần hết sức chú ý trong sinh hoạt hàng ngày đối với người bệnh loãng xương.

Tài liệu tham khảo.

1. Varacallo MA, Fox EJ. Osteoporosis and its complications. Med Clin North Am. 2014 Jul;98(4):817-31

2. Bartosch P, McGuigan FE, Akesson KE. Progression of frailty and prevalence of osteoporosis in a community cohort of older women-a 10-year longitudinal study. Osteoporos Int. 2018 Oct;29(10):2191-2199

3. Cosman F, de Beur SJ, LeBoff MS, Lewiecki EM, Tanner B, Randall S, et al. Clinician’s guide to prevention and treatment of osteoporosis. Osteoporos Int. 2014;25:2359–81.

4. Dunnewind T, Dvortsin E P, Smeets H M et al.Economic consequences and potentially preventable costs related to osteoporosis in the Netherlands. Value Health. 2017;20(06):762–768.

5. Qaseem A, Forciea M A, McLean R M, Denberg T D; Clinical Guidelines Committee of the American College of Physicians.Treatment of low bone density or osteoporosis to prevent fractures in men and women: a clinical practice guideline update from the American College of Physicians Ann Intern Med 201716611818–839.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ