Từ điển bệnh lý

Lồng ruột cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-06-2021

Tổng quan Lồng ruột cấp

Lồng ruột là tình trạng một phần của ống tiêu hóa bị lồng vào đoạn ruột liền kề và đây được coi là một tình trạng cấp cứu bụng hay gặp nhất ở trẻ em. 

Lồng ruột thường liên quan đến ruột non và hiếm khi ruột già. Các biểu hiện bệnh kinh điển như đau bụng và buồn nôn, chướng bụng và phân có máu. Tình trạng lồng ruột tới muộn có thể dẫn tới biến chứng như viêm phúc mạc hoặc thủng ruột. 

Nguyên nhân thường không được biết đến ở lồng ruột trẻ em trong khi ở người lớn thường là dấu hiệu chỉ điểm do ung thư. 

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh lồng ruột ở trẻ em bao gồm nhiễm trùng, xơ nang và polyp ruột trong khi các yếu tố nguy cơ ở người lớn bao gồm lạc nội mạc tử cung, dính ruột và các khối u trong ruột. 

Bằng việc sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh sẽ hỗ trợ chẩn đoán lồng ruột cả ở trẻ em và người lớn. Ở trẻ em, siêu âm ổ bụng được ưu tiên lựa chọn là phương pháp chẩn đoán khi thấy khối lồng ruột trong khi ở người lớn để chẩn đoán xác định lồng ruột thì chụp cắt lớp vi tính ổ bụng là phương pháp được lựa chọn chính.

Khi xác định lồng ruột cần tiến hành xử trí đúng và nhanh chóng. Điều trị lồng ruột ở trẻ em thường áp dụng là tháo lồng bằng bơm hơi và phẫu thuật chỉ được đặt ra khi tháo lồng không thành công. Ngược lại, ở người lớn thì việc cắt bỏ một phần ruột thường được ưu tiên sử dụng hơn. 

Lồng ruột xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Các số liệu thống kê cộng đồng ở Anh cho thấy tỷ lệ lồng ruột vào khoảng 1,57/1000 – 4/1000 trẻ mới sinh còn sống, có nghĩa là cứ 1000 đứa trẻ mới sinh ra có khoảng 1,57 tới 4 trẻ mắc lồng ruột. 

Lồng ruột gặp nhiều ở trẻ trai hơn trẻ gái, cứ 2 đến 3 trẻ nam mắc bệnh thì có 1 trẻ gái mắc bệnh. Người ta cũng nhận thấy ở trẻ em có chế độ dinh dưỡng tốt, bụ bẫm thì tỷ lệ mắc lồng ruột cao hơn.

Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh lồng ruột nhưng gặp nhiều ở trẻ từ 3 tháng cho tới 5 tuổi. Tỷ lệ lồng ruột cao nhất là ở trẻ từ 4 tháng tuổi đến 9 tháng tuổi, và sau đó giảm dần vào khoảng 18 tháng.

Khi bà mẹ mang thai, lồng ruột có thể bắt đầu từ trong thời này, và có dẫn đến teo ruột ở trẻ mới sinh. Lồng ruột xuất hiện trong 28 ngày đầu sau sinh chiếm khoảng 0,3%. Ở người lớn, lồng ruột chiếm 1% các trường hợp tắc ruột và có liên quan đến ung thư.

Lồng ruột có thể bắt gặp ở bất kỳ thời gian nào trong năm, nhưng người ta nhận thấy vào mùa đông xuân là khoảng thời gian lồng ruột ở trẻ gặp nhiều nhất. Lý giải cho vấn đề này, thì đây là khoảng thời gian mà trẻ em mắc bệnh lý về đường hô hấp cao nhất.

Hình ảnh lồng ruột


Nguyên nhân Lồng ruột cấp

Lồng ruột ở trẻ em chủ yếu xảy ra ở vùng hồi manh tràng (chiếm 90% các trường hợp) ở vị trí giữa đoạn ruột di động (hồi tràng) và đoạn ruột cố định (manh tràng và đại tràng lên). 

Lồng ruột cấp tính ở trẻ nhỏ cho tới ngày nay vẫn còn chưa được hiểu biết chắc chắn.

Một số tác giả cho rằng ở trẻ nhỏ có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, do đó lồng ruột dễ xuất hiện hơn khi có nhu động ruột, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện tăng nhu động do nguyên nhân khác nhau.

Vai trò của viêm hạch mạc treo ruột cũng được nhắc đến trong bệnh sinh của lồng ruột ở trẻ em. Ở trẻ còn bú mẹ, van Bauhin nhô vào trong lòng của đại tràng, hơn thế nữa các nang bạch huyết (mảng Payer) ở trẻ nhỏ rất phong phú, đặc biệt là ở trẻ trai. Khi các tổ chức này nhiễm trùng, quá trình viêm được khởi động dẫn tới cản trở nhu động của ruột non do đó có thể trở thành điểm bắt đầu của lồng ruột.

Người ta đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy rằng viêm hạch mạc treo có liên quan với nhiễm virus. Mùa hay xảy ra lồng ruột ở trẻ trùng khớp với thời gian mà trẻ mắc viêm nhiễm đường hô hấp trên cao nhất trong năm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có  khoảng 30 phần trăm bệnh nhân nhi có biểu hiện nhiễm virus (nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa, các triệu chứng giống cúm) trước khi trẻ được kết luận là có lồng ruột.

Mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm adenovirus cũng đã được chứng minh ở nhiều quần thể khác nhau. Trong đó có 30 đến 40 phần trăm các trường hợp trẻ mắc bệnh có bằng chứng về sự lây nhiễm trước đó với adenovirus ở ruột.

Viêm đường ruột nguyên nhân do vi khuẩn cũng có liên quan đến lồng ruột ở trẻ. Mối liên quan này được ghi nhận do nhiễm vi khuẩn Salmonella , Escherichia coli , Shigella , hoặc Campylobacter . Hầu hết các trường hợp lồng ruột ở trẻ xảy ra trong tháng đầu tiên sau khi bị viêm đường ruột do vi khuẩn này.

Lồng ruột thứ phát

Xảy ra trong khỏang 10% trường hợp trẻ mắc bệnh( thường gặp lứa tuổi < 3 tháng tuổi hoặc > 5 tuổi ). Các bệnh lý sẵn có như túi thừa Meckel, polyp, ruột đôi, khối u, tụ máu hoặc dị dạng mạch máu có thể đóng vai trò là điểm dẫn đến lồng ruột ở trẻ.

 Lồng ruột sau mổ

Lồng ruột non (thường là ruột non-hỗng tràng hoặc hồi tràng) đã được mô tả trong bối cảnh hậu phẫu. Hầu hết các trường hợp xảy ra sau khi phẫu thuật vùng bụng (đặc biệt là các thủ thuật mở) tuy nhiên nhóm lồng ruột sau mổ cũng chiếm tỉ lệ rất thấp trong số trẻ em mắc lồng ruột nói chung.


Triệu chứng Lồng ruột cấp

Đau bụng

Ở trẻ em bị mắc lồng ruột thì biểu hiện bệnh nổi bật nhất chính là đau bụng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ chưa thể nói và chỉ cho bố mẹ cũng như thầy thuốc biết thì chúng ta phải chú ý với biểu hiện như: trẻ tự nhiên xuất hiện các cơn khóc thét đột ngột, khóc dữ dội khác thường khiến trẻ phải ưỡn người ra sau, xoắn vặn bất thường. Sau mỗi một cơn đau trẻ có thể lại tiếp tục hoạt động bình thường: ăn, chơi, ngủ ; tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó các triệu chứng lặp lại và ngày càng tăng lên.

Giai đoạn muộn hơn khi có biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột và viêm phúc mạc ổ bụng thì đau bụng kéo dài liên tục.

Nôn ra thức ăn

Ở trẻ mắc lồng ruột, biểu hiện nôn trớ có thể xuất hiện ngay từ cơn đau bụng đầu tiên ở hầu hết trường hợp. Dịch nôn có thể là thức ăn, cháo, sữa hay chất nôn là dịch xanh hoặc dịch vàng nếu trẻ đến ở giai đoạn muộn hơn.

Ỉa máu

Ở trẻ lồng ruột thì không chờ đợi đến biểu hiện ỉa phân máu này mới đưa trẻ đi khám bác sĩ, bởi iả máu là một dấu hiệu ở giai đoạn sau, ít nhiều đã muộn  

Trong đa số các trường hợp trẻ mắc lồng ruột, sau khi trẻ đã tống hết phân ở trong lòng ruột phía dưới chỗ lồng ra ngoài, hơi và các chất chứa đựng trong lòng ruột ở phía trên khối lồng không thể di chuyển xuống đoạn ruột dưới  khối lồng nữa vì ruột đã bị tắc hoàn toàn nên trẻ sẽ không trung tiện và không đại tiện. Tuy nhiên, đôi khi ruột có thể không tắc hoàn toàn nên trẻ vẫn tiếp tục đi đại tiện( có đến 7% số trẻ bị ỉa chảy sau khi lồng ruột xuất hiện), đây là nguyên nhân bỏ sót hoặc chẩn đoán muộn một số trường hợp lồng ruột nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng.

Khối lồng 

Trên lâm sàng có thể sờ thấy khối lồng nếu trẻ đến sớm và bụng trẻ mềm, không căng trướng hay qua thăm hậu môn trực tràng nếu trẻ đến ở giai đoạn muộn.

 Toàn thân

Giai đoạn đầu, ngoài cơn đau trẻ vẫn ăn chơi bình thường, toàn thân ít thay đổi, song ở giai đoạn sau trẻ thường mệt, bỏ bú, ít hoạt động, mất nước, có thể sốt cao, nhất là ở trẻ nhỏ. Giai đoạn muộn trẻ mệt lả, li bì, da xanh tái nhợt nhạt, khó thở.


Các biến chứng Lồng ruột cấp

Lồng ruột cấp tính nếu không được xác định bệnh sớm và điều trị kịp thời, khối lồng sẽ bị hoại tử (2,5% hoại tử trước 48 giờ và 82% sau 72 giờ) và gây thủng ruột gây ra viêm phúc mạc ổ bụng và có thể gây tử vong.


Đối tượng nguy cơ Lồng ruột cấp

Độ tuổi: Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh lồng ruột nhưng gặp nhiều ở trẻ từ 3 tháng cho tới 5 tuổi. Tỷ lệ lồng ruột cao nhất là ở trẻ từ 4 tháng tuổi đến 9 tháng tuổi, và sau đó giảm dần vào khoảng 18 tháng.

 Đối tượng mắc bệnh đa phần là trẻ nhỏ

Giới tính: Lồng ruột gặp nhiều ở trẻ trai hơn trẻ gái, cứ 2 đến 3 trẻ nam mắc bệnh thì có 1 trẻ gái mắc bệnh. Người ta cũng nhận thấy ở trẻ em có chế độ dinh dưỡng tốt, bụ bẫm thì tỷ lệ mắc lồng ruột cao hơn.

Dinh dưỡng: Người ta cũng nhận thấy ở trẻ em có chế độ dinh dưỡng tốt, bụ bẫm thì tỷ lệ mắc lồng ruột cao hơn..

 Yếu tố mùa: Lồng ruột có thể bắt gặp ở bất kỳ thời gian nào trong năm, nhưng người ta nhận thấy vào mùa đông xuân là khoảng thời gian lồng ruột ở trẻ gặp nhiều nhất và màu hè là ít nhất.

Yếu tố virus: Các nghiên cứu chỉ ra rằng có  khoảng 30 phần trăm bệnh nhân nhi có biểu hiện nhiễm virus (nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa, các triệu chứng giống cúm) trước khi trẻ được kết luận là có lồng ruột.

Mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm adenovirus cũng đã được chứng minh ở nhiều quần thể khác nhau. Trong đó có 30 đến 40 phần trăm các trường hợp trẻ mắc bệnh có bằng chứng về sự lây nhiễm trước đó với adenovirus ở ruột.

Bất thường cấu trúc: Các bệnh lý sẵn có như túi thừa Meckel, polyp, ruột đôi, khối u, tụ máu hoặc dị dạng mạch máu có thể đóng vai trò là điểm dẫn đến lồng ruột ở trẻ.

Tiền sử: trẻ có thể tái phát lồng ruột nếu từng mắc bệnh lồng ruột trước đây, tuy nhiên tỉ lệ này không cao.

 


Phòng ngừa Lồng ruột cấp

Không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu đối với lồng ruột.  

Vì vậy bệnh lồng ruột cấp tính cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng nhất. Theo dõi trẻ sát sau tháo lồng, phát hiện sớm trường hợp tái lồng để xử trí.

Ngoài ra trẻ cần được chăm sóc nuôi dưỡng khoa học, đảm bảo có hệ đường ruột  và hệ miễn dịch tốt tránh mắc bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và nhiễm trùng đường ruột cấp tính.


Các biện pháp chẩn đoán Lồng ruột cấp

Để chẩn đoán lồng ruột trên lâm sàng, bác sĩ cần hỏi bệnh, khai thác các biểu hiện bệnh của trẻ như: đau bụng, khóc thét cơn, nôn, ỉa máu... kết hợp việc thăm khám ổ bụng và thăm hậu môn trực tràng trẻ phát hiện khối lồng ruột. Sau đó một số chỉ định hình ảnh và xét nghiệm sẽ được tiến hành để xác định bệnh trong trường hợp chưa rõ ràng cũng như giúp chẩn đoán độ nặng, biến chứng của bệnh.

Từ trước tới nay, biểu hiện lâm sàng cổ điển trong lồng ruột ở trẻ được biết là đau bụng cấp tính, phân máu không đông, và sờ thấy khối lồng ở ổ bụng vẫn được coi là tiêu chuẩn giúp xác định bệnh. 

Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng ở trẻ không phải bao giờ cũng có đầy đủ và điển hình như vậy, nên trong phần lớn các trường hợp lồng ruột đến sớm chẩn đoán sẽ rất khó khăn và cần thiết phải có sự trợ giúp của các phương tiện cận lâm sàng như  X-quang ổ bụng và đặc biệt phải kể đến là siêu âm ổ bụng tìm khối lồng.

Chụp bụng không chuẩn bị: 

Mục đích chính của việc chụp X quang ổ bụng không phải là để xác định lồng ruột mà là loại trừ thủng ruột( biến chứng của lồng ruột), vì vậy  xác định có liềm hơi  trong các trường hợp là việc hết sức quan trọng, nếu có liềm hơi, thì các xử trí hoàn toàn khác đó là phải xử trí phẫu thuật. 

Như ta đã biết X-quang ổ bụng thường không đủ nhạy hoặc đặc hiệu để chẩn đoán bệnh, nhưng vẫn có thể hỗ trợ chẩn đoán lồng ruột nếu có một hoặc nhiều phát hiện sau: Trên phim chụp x-quang ta thấy một vùng cản quang ở dưới gan hoặc trên rốn tương ứng với vị trí khối lồng( bờ gan bị che khuất) hay không thấy bóng hơi ở vùng hố chậu phải như bình thường. Chụp bụng không chuẩn bị có thể thấy được các biểu hiện của tắc ruột như một vài mức nước hơi ở bên phải trong giai đoạn sớm hoặc hình ảnh tắc ruột điển hình khi bệnh nhân đến muộn.

 Siêu âm ổ bụng tìm khối lồng

Hiện nay,  siêu âm ổ bụng tìm khối lồng là phương tiện chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi ở nhiều cơ sở y tế để chẩn đoán lồng ruột ở trẻ em với độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp tiếp cận kỹ thuật này lên tới 100% đối với các bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm. Hình ảnh siêu âm ta thấy được trong lồng ruột đó là hình ảnh mắt bò hay lò xo cuộn đại diện cho các lớp của ruột trong ruột; và khi phát hiện ra hình ảnh này, chẩn đoán lồng ruột là chắc chắn. Ngoài ra qua siêu âm ổ bụng có thể đo được kích thước khối lồng, tiên lượng mức độ chăt của khối lồng cũng như một số biến chứng của khối lồng giúp ích cho lựa chọn cách xử trí khối lồng đúng. Hơn nữa siêu âm có thể giúp đánh giá một số nguyên nhân là yếu tố thuận lợi gây lồng ruột như dị dạng bẩm sinh, khối u… cũng như giúp loại trừ bệnh lý khác gây đau bụng cấp ở trẻ.

Trong một số trường hợp như lồng ruột tái phát ở trẻ, nghi ngờ bất thường cấu trúc hay lồng ruột ở người lớn khó chẩn đoán trên siêu âm có thể chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay chụp đại tràng có bơm thuốc.

Hiên nay, MEDLATEC thực hiện chụp x quang ổ bụng không chuẩn bị và siêu âm ổ bụng gần như thường quy ở trẻ đến khám vì đau bụng để phát hiện sớm, tránh không bỏ sót bệnh.


Các biện pháp điều trị Lồng ruột cấp

Khi xác định lồng ruột cần tiến hành xử trí đúng và nhanh chóng. Điều trị lồng ruột ở trẻ em thường áp dụng là tháo lồng bằng bơm hơi và phẫu thuật chỉ được đặt ra khi tháo lồng không thành công. Ngược lại, ở người lớn thì việc cắt bỏ một phần ruột thường được ưu tiên sử dụng hơn. 

Tháo lồng bằng thụt Barit hoặc bằng hơi

Điều trị lồng ruột ở trẻ nên bắt đầu bằng tháo lồng nếu lồng ruột phát hiện sớm trước 48 giờ và không có biến chứng như đã kể trên.

Hiện nay, đa sổ lồng ruột ở trẻ được tháo lồng bằng bơm hơi. Phương pháp này tháo lồng đạt tỷ lệ thành công cao.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được tiến hành khi trẻ lồng ruột mà đến muộn sau 48 giờ và có biến chứng tắc ruột, hoại tử ruột dẫn tới thủng ruột gây ra viêm phúc mạc hoặc khi đã tháo lồng bằng hơi không có kết quả. 

Tùy theo mức độ nặng của lồng ruột mà lựa chọn tháo lồng bảo tồn hay phải cắt nối ruột.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.