Từ điển bệnh lý

Mang thai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-02-2025

Tổng quan Mang thai

Mang thai là một hành trình tuyệt vời và kỳ diệu, kéo dài suốt 40 tuần. Tuổi thai thường được tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Trong thời gian này, thai nhi trưởng thành dần dần trong tử cung người mẹ, trải qua ba giai đoạn chính: tam cá nguyệt đầu tiên, giữa và cuối. Mỗi giai đoạn đều có những thay đổi sinh lý quan trọng đối với cả mẹ và bé.

Trong khi thai nhi hình thành và phát triển, cơ thể người mẹ cũng trải qua vô số biến đổi, từ nồng độ hormon, sự phát triển của các cơ quan sinh dục cho đến sự gia tăng kích thước bụng và các triệu chứng khác. Mang thai không chỉ là một quá trình sinh lý mà còn là một chuỗi cảm xúc sâu sắc, đòi hỏi sự chăm sóc toàn diện và theo dõi sức khỏe định kỳ để đảm bảo sự khỏe mạnh cho cả mẹ và con.

 Mang thai là hành trình kì diệu kéo dài khoảng 40 tuần

 Mang thai là hành trình kì diệu kéo dài khoảng 40 tuần



Triệu chứng Mang thai

Trễ kinh: là dấu hiệu quan trọng, dễ nhận biết nhất, đặc biệt ở phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trễ kinh có thể do các nguyên nhân khác như rối loạn nội tiết, căng thẳng hoặc bệnh lý phụ khoa. Ở những phụ nữ kinh nguyệt không đều, dấu hiệu này rất khó theo dõi và dễ bỏ sót.

Các dấu hiệu nghén sớm:

+ Buồn nôn, nôn (thường xuất hiện sau trễ kinh vài ngày cho đến vài tuần).

+ Tăng cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi khẩu vị.

+ Tăng nhạy cảm với các mùi quen thuộc.

+ Mệt mỏi, tăng tần suất tiểu tiện.

+ Căng tức ngực, quầng vú sẫm màu hơn.

+ Cảm giác tăng thân nhiệt.



Các biện pháp chẩn đoán Mang thai

Bác sĩ sẽ thăm khám để kiểm tra các dấu hiệu định hướng đến có thai.

Tử cung: to hơn bình thường, mềm và thay đổi hình dạng.

Thay đổi âm đạo – cổ tử cung: Niêm mạc âm đạo và cổ tử cung chuyển sang màu tím sẫm.

Vú: tăng kích thước, xuất hiện các nốt nhỏ xung quanh quầng vú (tuyến Montgomery) – đây là tuyến tiết chất nhờn để bảo vệ vùng da này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Từ 16–20 tuần, một số sản phụ có thể bắt đầu tiết ra sữa non.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Định lượng beta-hCG (human chorionic gonadotropin): là hormon do lá nuôi thai tiết ra, xuất hiện trong máu khoảng 7–11 ngày sau thụ tinh. Hormon này thường tăng gấp đôi sau mỗi 48–72 giờ trong 6 tuần đầu. Giá trị hCG > 25 mIU/mL được coi là xác định có thai.

Siêu âm qua ngã âm đạo: là phương pháp chính xác để chẩn đoán xác định mang thai sớm. Siêu âm bụng có thể được sử dụng nhưng ít nhạy hơn do khó tiếp cận với tử cung, thường dùng trong thai kỳ muộn hoặc khi không thể thực hiện siêu âm qua ngã âm đạo. Một số mốc quan trọng trong siêu âm giai đoạn đầu cần lưu ý:

+ Túi thai có thể thấy từ tuần thứ 4–5 (hCG khoảng 1500–2000 mIU/mL).

+ Túi noãn hoàng (mang chức năng cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ quá trình tạo máu sớm trước khi nhau thai phát triển đầy đủ) xuất hiện ở tuần thứ 5.

+ Phôi thai và hoạt động tim thai được xác định từ tuần thứ 6–7.

Định lượng beta hCG qua đường máu giúp khẳng định và theo dõi thai sớm

Định lượng beta hCG qua đường máu giúp khẳng định và theo dõi thai sớm



Các biện pháp điều trị Mang thai

Trong quá trình mang thai, thai phụ sẽ cần thăm khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé và kiểm tra sức khỏe của bản thân, đảm bảo cho mẹ và thai nhi có sự đồng hành khỏe mạnh.

Giai đoạn đầu thai kỳ (3 tháng đầu):

Thai phụ nên đi kiểm tra sớm, khi có dấu hiệu nghi ngờ có thai (chậm kinh, test nhanh dương tính, ra máu âm đạo bất thường,...). Trong thời gian này, mẹ bầu cần thăm khám 2-3 lần với mục đích:

Chẩn đoán xác định tình trạng mang thai: đảm bảo rằng thai phụ mang thai ổn định, không có dấu hiệu bất thường như chửa ngoài tử cung.

Tính tuổi thai và dự kiến ngày sinh: Bác sĩ sử dụng ngày đầu kỳ kinh cuối (nếu kinh nguyệt đều) hoặc kết quả siêu âm trong khoảng 8-12 tuần để tính toán tuổi thai, đưa ra dự kiến sinh cho em bé. Ngày dự kiến chỉ lấy trong khoảng thời gian này và cho phép sai số với thực tế khoảng 7 -1 0 ngày.

Đánh giá sức khỏe thai phụ: kiểm tra các yếu tố nguy cơ như huyết áp, sàng lọc bệnh lý (đái tháo đường, bệnh tim mạch, tiểu sử sảy thai), đánh giá thiếu máu, vi chất, chức năng tuyến giáp, xác định nhóm máu, loại trừ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con (HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai,..) và các chỉ số khác.

Trong thời điểm 11-13 tuần 6 ngày, thai phụ nên sàng lọc nguy cơ tiền sản giật, đặc biệt với những bà mẹ có nguy cơ cao (tuổi mẹ dưới 18 hoặc trên 35, mắc bệnh lý nền, béo phì, mang thai lần đầu, khoảng cách với lần mang thai trước dưới 2 năm hoặc trên 10 năm, IVF,..)

Sàng lọc dị tật thai nhi: các xét nghiệm sàng lọc như double test, NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing) kết hợp siêu âm hình thái (đo độ mờ da gáy, đánh giá các cấu trúc thai nhi) cần được thực hiện trong khoảng 11-13 tuần 6 ngày để để phát hiện các bất thường sớm.


Giai đoạn giữa thai kỳ (3 tháng giữa):

Đây thường là giai đoạn dễ chịu nhất trong thai kỳ, khi mẹ đã vượt qua thời kỳ nghén nhiều và bắt đầu tận hưởng khoảng thời gian đồng hành cùng bé yêu. Thời gian này thai phụ cần đi thăm khám trung bình 1 tháng 1 lần, với các mốc cụ thể sau:

Thai 16-18 tuần:

+ Siêu âm hình thái thai nhi: để đánh giá sự phát triển của các bộ phận cơ thể và phần phụ của thai.

+ Kiểm tra sức khỏe thai phụ: khám lâm sàng, đo huyết áp, kiểm tra nước tiểu, đánh giá các chỉ số bất thường của sức khỏe mẹ.

Thai 20-22 tuần: Siêu âm ánh giá chi tiết hơn về hình thái thai nhi, phát hiện các dị tật cấu trúc về tim mạch, hệ thần kinh, tiêu hóa,...

Thai 24-28 tuần:

+ Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ: Mẹ bầu sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ, một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thai phụ cần nhịn ăn đủ 8-12h trước khi làm test.

+ Kiểm tra các chỉ số của mẹ: khám lâm sàng (đo vòng bụng, kiểm tra huyết áp, đánh giá phù,..) kết hợp xét nghiệm máu và nước tiểu.

Giai đoạn cuối thai kỳ (3 tháng cuối)

Hành trình mang thai bước vào giai đoạn về đích, thai phụ sẽ thấy nặng nề hơn và có nhiều dấu hiệu mới xuất hiện. Càng về cuối thai kỳ, tần suất thăm khám càng thường xuyên hơn nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi; đánh giá ngôi thai, lượng nước ối, nhau thai và các yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ. Các mốc khám thai cụ thể:

Thai 30-32 tuần:

+ Siêu âm thai: kiểm tra hình thái, đánh giá sự phát triển theo tuần tuổi thai, phát hiện các vấn đề như suy thai hoặc bất thường nhau thai, lượng nước ối.

+ Kiểm tra sức khỏe mẹ: đo huyết áp, kiểm tra dấu hiệu phù, đo vòng bụng, bề cao tử cung, xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Thai 35-36 tuần:

Xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B: Bác sĩ sẽ lấy dịch âm đạo, trực tràng để kiểm tra streptococcus nhóm B, một nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong khi sinh.

Thai 37-40 tuần:

Khám thai hàng tuần để kiểm tra sức khỏe của thai phụ và theo dõi các dấu hiệu sắp chuyển dạ. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm thai, monitor sản khoa để theo dõi tim thai và cơn co tử cung khi cần thiết.


Các câu hỏi thường gặp trong thai kỳ:

Tôi cần ăn uống như thế nào để tốt cho thai nhi?

Bác sĩ trả lời: Dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình mang thai, không chỉ giúp thai nhi phát triển tối ưu mà còn giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ.

Nhu cầu dinh dưỡng cụ thể:

+ Tam cá nguyệt thứ nhất: không cần tăng nhiều năng lượng, duy trì mức cân đối như trước khi mang thai (trung bình 2000kcal/ ngày).

+ Tam cá nguyệt thứ hai: tăng khoảng 340 kcal/ngày (tăng thêm 20% so với bình thường).

+ Tam cá nguyệt thứ ba: tăng khoảng 450 kcal/ngày (tăng thêm 25% so với trước khi mang thai).

Thành phần dinh dưỡng:

+ Protein: nhu cầu khuyến cáo là 1,1 g/kg cân nặng/ngày, có trong nguồn thực phẩm: thịt nạc, cá, trứng, đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa.

+ Lipid (chất béo): DHA và EPA cần thiết cho sự phát triển não bộ và thị giác của thai nhi. Nên bổ sung tối thiểu 200 mg DHA/ngày. Nguồn thực phẩm như cá hồi, cá mòi, hạt chia, hạt lanh.

+ Carbohydrate: là nguồn năng lượng chính, chiếm khoảng 50–60% khẩu phần. Nên ưu tiên carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, gạo lứt, yến mạch.

+ Các vi chất dinh dưỡng quan trọng:

Axit folic (nhu cầu khuyến cáo: 400–800 mcg/ngày trước và trong thai kỳ) có trong rau xanh cải bó xôi, măng tây, ngũ cốc bổ sung, đậu lăng.

Sắt (nhu cầu khuyến cáo: trung bình 30 mg/ngày) có nhiều trong thịt đỏ, gan, rau bina, đậu, đồng thời nên bổ sung cùng vitamin C (cam, chanh) để tăng hấp thu sắt.

Canxi (nhu cầu khuyến cáo: 1000–1200 mg/ngày) từ nguồn thực phẩm: sữa, phô mai, sữa chua, hạnh nhân, cá nhỏ ăn cả xương.

Vitamin D (nhu cầu khuyến cáo: 600 IU/ngày) bổ sung từ cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng, ánh nắng mặt trời.

I-ốt (nhu cầu khuyến cáo: 220 mcg/ngày) bổ sung thông qua muối có chứa I-ốt, hải sản, trứng.

Kẽm cần cung cấp 11-12mg/ngày từ nguồn thực phẩm như thịt, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt.

+ Thực phẩm không nên dùng:

Thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín kỹ: sushi, hải sản sống, trứng sống, rau sống,..

Một số loại rau, củ như rau ngót, rau chùm ngây, ngải cứu, rau răm, măng tươi,..không nên dùng lượng nhiều vì dễ gây kích thích tử cung.

Caffeine: chỉ nên dùng dưới 200 mg/ngày (tương đương 1–2 cốc cà phê).

Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn: nên tránh trong thai kỳ.

Tôi có thể tập thể dục trong thai kỳ không?

Bác sĩ trả lời: có, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cho bà bầu, bơi lội hoặc các bài tập an toàn dưới sự hướng dẫn và khuyến cáo của bác sĩ là rất tốt cho thai kỳ.

Khi nào tôi cảm nhận được thai nhi bắt đầu cử động?

Bác sĩ trả lời: thường từ tuần thứ 18–22 của thai kỳ. Với phụ nữ mang thai lần đầu tiên có thể cảm nhận muộn hơn (khoảng 20–22 tuần).

Cử động thai như thế nào là bình thường?

Bác sĩ trả lời: Thai nhi khỏe mạnh thường có khoảng 10 cử động trong 20 phút. Em bé trong bụng mẹ cũng có chu kỳ ngủ. Trong giấc ngủ, thai thường giảm hoặc không cử động. Chu kỳ ngủ thường kéo dài từ 20-40 phút và không bao giờ quá 90 phút. Mẹ bầu có thể đếm cử động thai trong khoảng 26 - 32 tuần. Thời điểm được lựa chọn thường là đầu buổi tối, thai phụ nên nằm để nhận biết cử động của bé tốt hơn. Nếu có dưới 6 cử động trong 2 giờ cần thăm khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.

Những dấu hiệu nào nguy hiểm trong thai kỳ cần đi khám ngay?

Bác sĩ trả lời:

+ Đau bụng dưới dữ dội hoặc chảy máu âm đạo.

+ Đau đầu nặng, mờ mắt, phù chân tay bất thường, co giật (dấu hiệu tiền sản giật, sản giật).

+ Giảm hoặc mất cử động thai nhi.

+ Ra nước âm đạo lượng nhiều (nguy cơ vỡ ối sớm).

+ Sốt cao, li bì, mệt mỏi, nghén nhiều

Giảm nghén có phản ánh tình trạng thai phát triển bất thường không?

Bác sĩ trả lời: Giảm nghén không nhất thiết phản ánh tình trạng phát triển bất thường của thai nhi. Nghén thường giảm đi sau 3 tháng đầu. Tuy nhiên, nếu hết nghén đột ngột và kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác (đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo,..) thai phụ nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Tôi có thể tiêm phòng trong thai kỳ không?

Bác sĩ trả lời: Có, thai phụ cần tiêm các vaccine an toàn bao gồm uốn ván, cúm, và ho gà (trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc 3). Mũi tiêm cuối cùng cần hoàn thành trước khi đẻ ít nhất 1 tháng.

Tôi có nên quan hệ tình dục trong thai kỳ?

Bác sĩ trả lời: Có, nếu thai kỳ không có bất thường, quan hệ tình dục nhẹ nhàng là an toàn. Thai phụ chỉ nên tránh quan hệ khi có nguy cơ sảy thai, chảy máu âm đạo, nhau tiền đạo hoặc có chống chỉ định của bác sĩ.

Tại sao tôi bị phù và có nguy hiểm không?

Bác sĩ trả lời: Sự gia tăng lưu lượng máu và áp lực của tử cung lên tĩnh mạch khiến máu chậm trở về có thể gây phù chân. Nếu phù kèm đau đầu, mờ mắt, tăng huyết áp thai phụ cần khám ngay để loại trừ nguy cơ tiền sản giật.

Dinh dưỡng phù hợp giúp một thai kỳ khỏe mạnh

Dinh dưỡng phù hợp giúp một thai kỳ khỏe mạnh

Trên đây là các thông tin cần thiết về mang thai. Để chẩn đoán và theo dõi tốt thai kỳ, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ thai phụ. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

Bộ Y tế Việt Nam. (2021). "Hướng dẫn chăm sóc trước sinh."

American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). (2018). Practice Bulletin No. 189: Nausea and vomiting of pregnancy. Obstetrics & Gynecology, 131(1), e15-e30. https://doi.org/10.1097/AOG.0000000000002456

Cunningham, F. G., Leveno, K. J., Bloom, S. L., Dashe, J. S., Hoffman, B. L., Casey, B. M., & Spong, C. Y. (2018). Williams Obstetrics (25th ed.). McGraw-Hill Education.

National Institute for Health and Care Excellence (NICE). (2023). Ectopic pregnancy and miscarriage: Diagnosis and initial management in early pregnancy.

World Health Organization (WHO). (2022). Ultrasound use in maternal and perinatal care. Geneva: WHO.

American Society for Reproductive Medicine (ASRM). (2021). Beta-hCG and its role in early pregnancy. Fertility and Sterility Reports, 2(3), 123-129. https://doi.org/10.1016/j.xfre.2021.05.001


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ