Từ điển bệnh lý

Nấm phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Nấm phổi

Nấm phổi được xem là một trong những căn bệnh không phổ biến nhưng hậu quả mà bệnh gây ra lại cực kỳ nguy hiểm. Căn bệnh này là một dạng nhiễm trùng phổi và thường chỉ xuất hiện ở những người có chức năng miễn dịch đã bị suy giảm hoặc đang mắc phải các căn bệnh mạn tính hay từng có những tổn thương phổi không hồi phục do các bệnh lý cấp tính trước đây. Theo một nghiên cứu y học cho thấy rằng, tỉ lệ người mắc bệnh nấm phổi chỉ chiếm khoảng 0.02% các bệnh lý về phổi thế nhưng nguy cơ tử vong do bệnh có thể lên tới 70% nếu như không được kịp thời xử lý.

Nấm phổi gây nguy hiểm nếu phát hiện muộn

Hiện nay, việc điều trị bệnh nấm phổi không phải khó khăn thế nhưng để phát hiện và được chẩn đoán bệnh từ sớm là rất khó. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường bị nhầm lẫn với các dạng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thông thường khác nên người bệnh sẽ chủ quan xem nhẹ. Chỉ đến khi bệnh đã có chuyển biến khá nặng thì mới xuất hiện các triệu chứng đặc trưng.


Nguyên nhân Nấm phổi

Vi nấm có thể sống ở nhiều môi trường sống khác nhau như đất, nước, trong không khí, trên bề mặt các đồ dùng,... hay thậm chí sống trên bề mặt da hoặc bên trong cơ thể người. Các loại nấm gây bệnh thường có hình dạng sợi, có nhân, thành tế bào là hợp chất glucid và được bao phủ bởi kitin (hoặc cellulose). Khả năng sinh sản cực kỳ nhanh bằng hình thức sinh sản vô tính hoặc nhân đôi bào tử. Chúng là dạng sinh vật không có rễ vì vậy cần có vật sống để ký sinh hoặc sống bằng hình thức hoại sinh. Khi cơ thể người khỏe mạnh thì hầu hết các loại nấm không thể xâm nhập vào các vùng cơ quan để gây hại, cho đến khi cơ thể chúng ta vô tình tạo ra những điều kiện thuận lợi để nấm xâm hại (ví dụ như tình trạng suy giảm miễn dịch, các bệnh lý nền gây tổn thương phổi, người bệnh đang sử dụng thuốc corticoid,...).

Một số chủng vi nấm thường được xem là tác nhân chính gây bệnh nấm phổi là: Aspergillus, Candida và Cryptococcus. 


Triệu chứng Nấm phổi

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh và chủng vi nấm ký sinh mà mỗi người bệnh lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. 

Triệu chứng bệnh nấm phổi do nấm Candida:

  • Sốt cao kéo dài hoặc sốt cao đột ngột
  • Người bệnh bị khàn tiếng
  • Khó thở
  • Ho khan hoặc có đờm

Ho là triệu chứng thường gặp ở bệnh nấm phổi

Xuất hiện một lớp màu trắng bao phủ bề mặt lưỡi, miệng và họng đều bị tổn thương dẫn tới việc ăn uống khó khăn, người bệnh bị sụt cân nhanh.

Triệu chứng bệnh do nấm Cryptococcus:

  • Sốt kèm triệu chứng đau đầu dữ dội
  • Chóng mặt và có thể dẫn tới hôn mê
  • Ho kéo dài
  •  Khó thở
  • Đau tức ngực
  • Rối loạn ý thức
  • Có thể sẽ xuất hiện các nốt phỏng hoặc loét ở miệng và họng.

Bệnh nấm phổi bắt nguồn từ nấm Aspergillus:

Dạng bệnh do nấm Aspergillus gây ra sẽ được chia làm 3 thể khác nhau: U nấm phổi, nấm phổi phế quản dị ứng và nấm phổi xâm nhập. Ở mỗi thể các triệu chứng bệnh lại xuất hiện với tần suất và biểu hiện khác nhau, thế nhưng hầu hết đều có các đặc điểm như:

  • Sốt cao và ho dai dẳng là 2 triệu chứng bệnh điển hình nhất.
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn dẫn đến sụt cân nhanh
  • Xuất hiện các cơn đau tức ngực hoặc đau họng, đau đầu.

Trường hợp người bệnh bị nấm phổi thể phế quản dị ứng sẽ xuất hiện kèm theo các triệu chứng bệnh gây tổn thương hệ hô hấp khác tương tự như tình trạng hen phế quản. Còn trường hợp thể u nấm phổi hoặc nấm phổi xâm nhập có thể gây ra tình trạng ho ra máu cực kỳ nguy hiểm.

 


Các biến chứng Nấm phổi

Bệnh nấm phổi nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách rất có thể gây ra những biến chứng nặng không thể chữa khỏi hay thậm chí dẫn tới tử vong.

Ngay từ những triệu chứng bệnh nặng như hiện tượng ho ra máu đã khiến cho người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến cả sức khỏe cũng như tâm lý. Tình trạng ho ra máu do nấm phổi nếu chuyển biến biến nặng sẽ gây bít tắc các nhóm động mạch vùng phế quản. Trường hợp các tổn thương do nấm phổi đã lan rộng hết lá phổi bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ 1 lá phổi, sức khỏe người bệnh khi chỉ còn 1 lá phổi chắc chắn sẽ không được khỏe mạnh như trước.

Một số bệnh lý khá nghiêm trọng có thể bắt nguồn từ việc điều trị bệnh nấm phổi không dứt điểm như: Biến chứng suy hô hấp cấp, hội chứng nhiễm trùng huyết, tình trạng nhiễm nấm lan tỏa khắp cơ thể (Da, màng não, thận, lách, gan, thượng thận, tim, mắt,...), nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,... Trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc tình trạng ho ra máu ồ ạt dẫn đến mất máu, kiệt sức thì nguy cơ tử vong rất cao.

Một số biến chứng khác có nguy cơ gặp phải ít hơn nhưng mức độ nguy hiểm cũng tương tự như: Lỗ rò khí quản - thực quản (hoặc rò phế quản - màng phổi), viêm màng ngoài tim, xơ hoá trung thất, các triệu chứng hô hấp mạn tính, sỏi phế quản hình thành gây tắc nghẽn đường thở,...


Đối tượng nguy cơ Nấm phổi

Nguyên nhân dẫn tới bệnh nấm phổi chủ yếu là do các loại vi nấm xâm nhập vào cơ thể và ký sinh gây hại khi cơ thể chúng ta đang gặp vấn đề không tốt về sức khỏe. Chính vì vậy, những nhóm đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh nấm phổi cao hơn bình thường:

  • Nông dân thường xuyên tiếp xúc với các loại chất thải của động vật hoang dã hoặc những người sống ở vùng núi rừng.
  • Ngư dân có nguy cơ mắc bệnh nấm phổi khá cao vì thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước có nhiều vi nấm gây bệnh, hoặc những nạn nhân từ bão lũ vô tình bị uống quá nhiều nước bẩn.
  • Môi trường sống ẩm mốc cũng rất dễ gây bệnh nấm phổi.
  • Những người có bệnh lý nền là lao phổi có nguy cơ bị vi nấm ký sinh rất cao.
  • Nhóm người bị suy giảm miễn dịch do cơ địa hoặc mắc phải các bệnh lý về phổi dạng cấu trúc như: Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), bệnh nhân đã thực hiện ghép tạng, ghép tuỷ, người bệnh đang hoá trị chữa bệnh, rối loạn miễn dịch bẩm sinh, giảm bạch cầu hạt kéo dài, đang điều trị bệnh bằng các thuốc nhóm ức chế corticosteroid trong khoảng thời gian dài, sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng dài ngày,...

 


Phòng ngừa Nấm phổi

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây bệnh nấm phổi (các động vật hoang dã, nguồn nước bẩn, nấm mốc,...)
  • Chữa trị dứt điểm các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp, đặc biệt quan tâm đến việc điều trị bệnh lao phổi, kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.
  • Người bệnh nấm phổi cần được điều trị sớm và dứt điểm, hạn chế biến chứng từ bệnh và nguy cơ tái phát bệnh.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng sẽ loại bỏ nấm gây bệnh,...
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ nuôi dưỡng một cơ thể khỏe mạnh cùng với sức đề kháng tốt, kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn,...

Các biện pháp chẩn đoán Nấm phổi

Ngay khi người bệnh bắt gặp các triệu chứng có nghi ngờ là do nấm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác thì cũng cần tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ tốt nhất. Các biện pháp chẩn đoán bệnh sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh và thông tin về tiền sử các bệnh lý có liên quan.

Chẩn đoán nấm phổi đòi hỏi sự can thiệp của các phương pháp y khoa hiện đại

Việc chẩn đoán bệnh nấm phổi được xem là khá khó khăn bởi các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với các bệnh lý hô hấp thông thường khác. Ngoài ra, loại vi nấm gây bệnh khác nhau cũng cần được lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị khác nhau. Các bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố biểu hiện lâm sàng của người bệnh để xác định phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất.

Chẩn đoán bệnh nấm phổi do nấm Candida:

  • Thực hiện nội soi phế quản nhằm kiểm tra mức độ xâm phạm của nấm candida trên mảnh sinh thiết. Có thể thực hiện nội soi thực quản và dạ dày để xác định vùng tổn thương do nấm candida gây ra.
  • Chụp X-quang phổi sẽ thấy được hình ảnh các đám mờ, xác định vùng bị tổn thương.
  • Cấy máu có nấm candida.

Chẩn đoán nấm phổi bắt nguồn từ nấm Cryptococcus:

  • Chụp X-quang vùng phổi
  • Xét nghiệm tìm kiếm nấm và các kháng thể đặc hiệu.
  • Xét nghiệm miễn dịch học: Kiểm tra lượng Precipitin có trong máu chính là phương pháp xét nghiệm đặc hiệu khi người bệnh nấm phổi có nghi ngờ do nấm Cryptococcus gây bệnh.

Chẩn đoán bệnh do nấm Aspergillus gây ra:

  • Chủng vi nấm này có thể gây bệnh nấm phổi ở 3 thể khác nhau vì vậy phương pháp chẩn đoán bệnh cũng cần được chia thành 3 nhóm chẩn đoán khác nhau.
  • U nấm phổi: Chụp X-quang phổi sẽ cho thấy hình ảnh vùng phổi bị tổn thương có hình lục lạc với liềm và có thể xuất hiện các thương tổn khác, soi trực tiếp hoặc cấy đờm phần dịch rửa phế quản nhằm xác định nấm  Aspergillus.
  • Nấm phổi phế quản dị ứng: Thực hiện chụp X-quang phổi xác định vùng thâm nhiễm do phổi đã bị tổn thương, kiểm tra lượng bạch cầu trong máu (thường sẽ tăng cao >500mm3), lượng IgE trong máu cũng sẽ tăng cao trên 2000 UI/ml.
  • Nấm phổi xâm nhập: Chụp X-quang phổi xác định mức độ tổn thương (có thể thấy hình ảnh bóng xung quanh các nốt mờ do chảy máu hoặc các tổn thương từ ổ áp xe, viêm phổi hoại tử,...), nội soi phế quản kiểm tra mức độ viêm loét trong khí phế quản, nội soi xác định sự xâm nhập của nấm trên mảnh sinh thiết (hoặc có thể thực hiện chụp cắt lớp vi tính sinh thiết thành ngực).

 


Các biện pháp điều trị Nấm phổi

Điều trị bệnh nấm phổi không khó nếu như bệnh nhân được chẩn đoán bệnh chính xác và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Phương pháp sử dụng các loại thuốc kháng nấm sẽ được thực hiện dựa vào việc xác định loại vi nấm gây bệnh và kết quả kháng sinh đồ.

Điều trị bệnh nấm phổi không khó nếu như bệnh nhân được chẩn đoán bệnh chính xác

Thuốc kháng nấm có rất nhiều loại trên thị trường tuy nhiên các nhóm thuốc sau thường đem lại kết quả điều trị nấm phổi cao nhất:

  • Nhóm thuốc echinocandins có thể đem lại hiệu quả điều trị cao và an toàn.
  • Thuốc Amphotericin B thường được dùng dưới dạng liposome nhằm giảm thiểu độc tính từ thuốc.
  • Nhóm thuốc azole có thể được điều trị nấm phổi tuy nhiên bệnh nhân mắc bệnh do vi nấm Aspergillus gây ra thường ít được sử dụng vì tỷ lệ kháng thuốc khá cao.

Trường hợp bệnh nhân nấm phổi bắt nguồn từ di chứng của bệnh lao phổi tạo hang lao thì việc điều trị nội khoa sẽ không có tác dụng. Các bác sĩ sẽ chỉ định bơm trực tiếp một lượng amphotericin vào hang lao có u nấm thông qua ống soi phế quản. Biện pháp này sẽ được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân nấm phổi có triệu chứng ho ra máu nhẹ, còn nếu như tình trạng ho ra máu đã chuyển biến nặng thì khả năng phải thực hiện phẫu thuật (động mạch phế quản có thể đã bị bít tắc).

Tham khảo:

  • Chẩn đoán và điều trị nấm phổi / Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
  • Nấm phổi - căn bệnh nguy hiểm ít người biết / Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh nấm phổi – Chẩn đoán và điều trị / Thuốc chữa bệnh
  • Bệnh nấm phổi - “kẻ thù giấu mặt” của người bệnh suy giảm miễn dịch / Kênh truyền thông tư vấn sức khỏe AloBacsi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ