Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Nhiễm Giardia là bệnh do ký sinh trùng đã được biết từ lâu, căn nguyên là trùng roi gây bệnh, chúng ký sinh chủ yếu ở niêm mạc đường tiêu hóa của cơ thể người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường ăn uống. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng: bệnh nhân không có triệu chứng hoặc các triệu chứng tiêu hóa cấp tính như đau bụng, đi ngoài, rối loạn tiêu hóa khác,..
Nhiễm Giardia là bệnh do ký sinh trùng ký sinh chủ yếu ở niêm mạc đường tiêu hóa của cơ thể người.
Một số người bệnh tiến triển mạn tính hoặc trở thành người lành mang trùng. Chẩn đoán xác định bệnh khi soi thấy Giardia trong phân hoặc các bệnh phẩm sinh học khác. Hiện nay các thuốc điều trị ký sinh trùng thường được sử dụng để điều trị bệnh như: tinidazole, nitazoxanide, albendazole, mebendazole, metronidazole,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể có một số biến chứng như rối loạn hấp thu dẫn đến suy kiệt, chậm tăng trưởng, viêm đường mật, viêm gan,….
Giardia là ký sinh trùng cấu tạo đơn bào (Protozoa), thuộc lớp Trichomonas (trùng roi), cấu trúc roi giúp chúng di chuyển dễ dàng, thuận lợi. Trùng roi gây bệnh và ký sinh ở người có 5 loại trong đó Giardia lambia là nguyên nhân gây bệnh hay gặp ở người. Trong cơ thể người và ngoại cảnh, Giardia lambia có thể tồn tại dưới hai kiểu hình thể là thể hoạt động và thể bào nang. Thể hoạt động giống hình mắt kính có hai nhân, có 4 đôi roi, khi gặp điều kiện bất lợi, thể hoạt động tạo thành thể bào nang gồm 2 - 4 nhân, có cấu trúc vỏ dày, tránh lại một số tác nhân vật lý, hóa học,…và tồn tại lâu tại ngoại cảnh.
Giardia là ký sinh trùng cấu tạo đơn bào (Protozoa), thuộc lớp Trichomonas (trùng roi)
Trong cơ thể người, Giardia lambia ký sinh chủ yếu tại đường tiêu hóa (niêm mạc ruột đoạn đầu ruột non), sống bằng chất dinh dưỡng của vật chủ. Chúng di chuyển nhanh bằng cấu tạo roi, hình thức sinh sản chính là phân đôi theo chiều dọc. Thể bào nang được tạo từ thể hoạt động ở đại tràng và bài xuất hàng ngày theo phân ra môi trường ngoại cảnh.
Giardia lambia ký sinh tại niêm mạc ruột, hấp thu thức ăn của cơ thể, từ đó gây bệnh tại đường tiêu hóa là chủ yếu. Ký sinh trùng có thể gây bệnh một số cơ quan khác như túi mật, gan,… Triệu chứng lâm sàng đa dạng, phong phú. Một số người bệnh có thể nhiễm ký sinh trùng trong thời gian dài không biểu hiện triệu chứng, dẫn tới khó kiểm soát nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Bệnh có thể biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể người bệnh, yếu tố độc lực của chủng ký sinh trùng, số lượng ký sinh trùng bị nhiễm và đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
- Nhiễm trùng không có triệu chứng: có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn, người bệnh có thể thải bào nang Giardia lambia nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Các triệu chứng lâm sàng mơ hồ hoặc không có, trẻ em có thể giảm hấp thu, ảnh hưởng đến sinh trưởng của trẻ.
- Bệnh Giardia lambia cấp tính: thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 7 - 14 ngày, người bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt. Sau đó, bệnh nhân có thể có các biểu hiện sau: tiêu chảy nhiều lần, số lượng phân mỗi lần thường không nhiều, phân thường có bọt, mùi hôi, nhiều hạt mỡ, kèm theo đau bụng âm ỉ, mơ hồ hoặc trội thành cơn, cảm giác bụng chướng hơi, buồn nôn, nôn, người bệnh gầy sút cân, … Một số triệu chứng ít gặp hơn như gây sốt nhẹ, nổi mề đay, táo bón,.. Các triệu chứng này thường kéo dài một đến vài tuần trước khi vào giai đoạn hồi phục hoặc tiến triển thành mạn tính.
Bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần kèm theo đau bụng
- Bệnh Giardia lambia mạn tính: có thể xảy ra sau giai đoạn nhiễm cấp tính hoặc không. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như: đi ngoài phân nát nhiều đợt, số lượng phân thường ít, phân có nhiều hạt mỡ, người bệnh giảm hấp thu, trẻ nhỏ sinh trưởng kém, gầy sút cân; có hoặc không có triệu chứng đau bụng, kèm theo cảm giác đầy bụng, chán ăn, ợ hơi,… Những triệu chứng này có thể biến mất sau vài tháng, hoặc có thể tiến triển thành từng đợt. Hậu quả dẫn đến tình trạng sụt cân, suy kiệt, rối loạn điện giải, giảm dung nạp đường lactose. Xét nghiệm máu có thể thấy giảm albumin máu, protein máu, thiếu hụt các vitamin như B12, B6,…
- Bệnh Giardia lambia tại một số cơ quan khác: Giardia lambia có thể từ niêm mạc ruột xâm nhập và gây bệnh tại một số cơ quan khác như: tổn thương ống mật dẫn đến viêm đường mật, viêm túi mật; viêm gan; giảm chức năng tụy ngoại tiết ( giảm trypsin và lipase),… Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy từng cơ quan tổn thương.
Một số biến chứng của bệnh Giardia lambia là: rối loạn chức năng hấp thu đường tiêu hóa, trẻ nhỏ chậm sinh trưởng, suy kiệt, sút cân, rối loạn nước – điện
giải, viêm đường mật, viêm túi mật; viêm gan; giảm chức năng tụy ngoại tiết (giảm trypsin và lipase), …
Giardia lambia có thể lây truyền từ người sang người bằng nhiều cách thức khác nhau. Người bệnh hoặc người lành mang bào nang đều có thể lây nhiễm cho người khác. Con đường lây truyền chủ yếu là lây qua đường phân - miệng. Thể hoạt động và thể bào nang theo phân bài tiết ra ngoại cảnh, gây nhiễm thức ăn, nước uống,… Khi con người ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm ký sinh trùng, chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa, thể bào nang phát triển thành thể hoạt động gây bệnh. Ngoài ra, có thể lây truyền gián tiếp qua bàn tay bẩn, dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi bị nhiễm ký sinh trùng,... hoặc gián tiếp qua ruồi nhặng. Giardia lambia có thể lây truyền qua hoạt động tình dục không an toàn, đặc biệt là ở đối tượng quan hệ tình dục đồng giới.
Giardia lambia có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, giới tính khác nhau. Bệnh có thể xảy ra quanh năm và nhiều khu vực trên thế giới. Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh như: có tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng như sống cùng nhà, làm việc cùng, trẻ cùng nhà trẻ, lớp học,…; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, sử dụng nguồn nước có nhiễm ký sinh trùng trong sinh hoạt và ăn uống; vệ sinh thân thể chưa tốt đặc biệt vệ sinh tay, môi trường sống, làm việc nhiều ruồi nhặng; khu vực đông dân cư, chật chội, điều kinh sinh hoạt kém; người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ đồng giới nam,…
Sử dụng nguồn nước có nhiễm ký sinh trùng trong sinh hoạt và ăn uống dễ nhiễm Giardia
Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao sức khỏe; vệ sinh môi trường sống, môi trường làm việc sạch sẽ, vệ sinh thân thể tốt, đặc biệt chú ý vệ sinh tay; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt và ăn uống, không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, hạn chế thói quen ăn bốc, bảo quản thức ăn tốt; diệt ruồi nhặng; nhà vệ sinh hợp lý, xử lý phân đúng, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nói chung; phát hiện sớm và điều trị tốt cho người bệnh, quản lý tốt người lành mang trùng; khi du lịch đến các khu vực có dịch bệnh lưu hành, cần áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh đã nêu trên.a
Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh
- Các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên Giardia lambia
+ Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên: có thể sử dụng kỹ thuật ELISA để phát hiện kháng nguyên của ký sinh trùng. Độ nhạy thường cao hơn xét nghiệm soi phân. Bên cạnh đó có thể sử dụng xét nghiệm này để đánh giá điều trị ( việc xét nghiệm kháng nguyên trong phân có kết quả chuyển từ dương tính sang âm tính sau điều trị). Tuy nhiên xét nghiệm kháng nguyên có thể có nhược điểm như không thể phân biệt được Giardia lambia còn sống hay đã bị tiêu diệt.
+ Phản ứng chuỗi polymerase (xét nghiệm PCR): thường áp dụng để phát hiện Giardia lambia trong mẫu phân. Tuy nhiên không sẵn có tại nhiều cơ sở y tế.
Xét nghiệm PCR thường áp dụng để phát hiện Giardia lambia trong mẫu phân
+ Xét nghiệm phân: là xét nghiệm thường được áp dụng trong chẩn đoán bệnh do Giardia lambia. Dễ thực hiện, thời gian trả kết quả nhanh, có thể làm nhiều lần. Soi phân có thể thấy thể hoạt động, thể bào nang của ký sinh trùng. Giúp chẩn đoán xác định. Tuy nhiên cần lấy bệnh phẩm và bảo quản phân đúng cách. Bên cạnh đó kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của kỹ thuật viên. Có thể thực hiện xét nghiệm phân nhiều lần trong quá trình chẩn đoán và đánh giá đáp ứng điều trị.
Ngoài bệnh phẩm phân có thể sử dụng một số bệnh phẩm khác như dịch hút tá tràng, sinh thiết niêm mạc ruột,…
- Các xét nghiệm khác: công thức máu ngoại vi thường bình thường, một số ít trường hợp có thể tăng không đặc hiệu số lượng bạch cầu ái toan. Xét nghiệm phân có thể thấy các sợi mỡ, sợi cơ gián tiếp cho thấy sự giảm hấp thu của đường ruột. Một số người bệnh khi nội soi đường tiêu hóa thấy niêm mạc phù nề, tổn thương, có thể có loét,…
Bệnh do Giardia lambia được chẩn đoán dựa vào khai thác yếu tố dịch tễ, nguy cơ mắc bệnh; triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên trong đó chẩn đoán xác định khi tìm thấy thể hoạt động hoặc thể bào nang của ký sinh trùng trong phân hoặc một số bệnh phẩm khác.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh do Giardia lambia với một số bệnh sau như: nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do các căn nguyên khác, bệnh lỵ amip, bệnh do Cryptosporidium, nhiễm Dientamoeba fragilis, bệnh không dung nạp lactose, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích,…
Biện pháp điều trị chính bao gồm điều trị thuốc diệt ký sinh trùng và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác.
- Điều trị thuốc diệt ký sinh trùng: áp dụng đa số các trường hợp bệnh do Giardia lambia tuy nhiên cân nhắc trong một số trường hợp trường hợp bệnh nhẹ có thể giới hạn hoặc phụ nữ có thai và cho con bú. Thuốc thường được sử dụng là gồm tinidazole liều 2 g/ngày với người lớn, 50 mg/kg/ngày với trẻ trên 3 tuổi và nitazoxanide liều 500mg/lần x 2 lần/ngày với người lớn và trẻ trên 12 tuổi, 200 mg/lần x 2 lần/ngày với trẻ từ 4 đến 11 tuổi, 100 mg/lần x 2 lần/ngày với trẻ 1-3 tuổi. Thời gian điều trị với tinidazole thường là 01 ngày và 3 ngày đối với nitazoxanide.
Các thuốc thay thế khác như metronidazole (người lớn: liều 500 mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 250 mg/lần x 3 lần/ngày, trẻ nhỏ 15 mg/kg chia 3 lần/ngày, thời gian trong 5 - 7 ngày); albendazole (người lớn 400 mg/ngày x 5 ngày; trẻ nhỏ 10 - 15 mg/kg/ngày x 5 ngày), mebendazole (200 mg/lần x 3 lần/ngày x 5 ngày), Paromomycin (10 mg / kg uống ba lần mỗi ngày trong 5 đến 10 ngày),…
Sử dụng các thuốc thay thế khác như metronidazole để điều trị nhiễm Giardia
Cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc diệt ký sinh trùng khi sử dụng
Đối với phụ nữ có thai: cân nhắc lợi ích và nguy cơ, trì hoãn điều trị thuốc diệt ký sinh trùng khi có thể 3 tháng đầu của thai kỳ nếu phải chỉ định thuốc điều trị Giardia lambia có thể sử dụng Paromomycin, những tháng sau có thể sử dụng paromomycin, tinidazole, nitazoxanide, hoặc metronidazole.
- Điều trị hỗ trợ khác: thay đổi chế độ ăn, bổ sung vitamin, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, tăng cường dinh dưỡng,…
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!