Từ điển bệnh lý

ối vỡ sớm : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-01-2025

Tổng quan ối vỡ sớm

Màng ối là gì ?

Màng ối là một lớp màng mỏng, trong suốt, bao quanh thai nhi trong tử cung của người mẹ, tạo nên một môi trường an toàn và ổn định cho sự phát triển của thai nhi. Trong màng ối chứa dịch ối, một chất lỏng giúp bảo vệ thai nhi khỏi các tác động từ bên ngoài như va chạm, áp lực và nhiễm trùng. Dịch ối cũng duy trì nhiệt độ ổn định, hỗ trợ sự phát triển của hệ cơ xương và phổi của thai nhi. Màng ối cùng với dịch ối đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ma sát và cho phép thai nhi tự do di chuyển trong tử cung, góp phần vào sự phát triển của thai nhi trước khi chào đời.

Màng ối bao bọc thai nhi trong bụng mẹ

Màng ối bao bọc thai nhi trong bụng mẹ

Ối vỡ sớm là ối vỡ khi nào ?

Ối vỡ sớm là tình trạng màng ối bị rách trước khi có dấu hiệu chuyển dạ, ở bất kì giai đoạn nào của tuổi thai. Đây là một biến cố y khoa nghiêm trọng vì màng ối bị rách sẽ làm mất đi lớp bảo vệ, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và thai nhi hoặc vỡ ối hoàn toàn gây cạn ối dẫn đến tử vong ở thai nhi. Ối vỡ sớm có thể được phân loại theo thời điểm xảy ra:

  • Ối vỡ sớm (PROM - Prelabor rupture of membrane) ối vỡ trước chuyển dạ 1 giờ đến khi cổ tử cung mở 4 cm.
  • Ối vỡ non (PPROM - Preterm prelabor rupture of membrane) là ối vỡ trước chuyển dạ ở thai dưới 37 tuần.

Ối vỡ sớm ở thai đủ tháng có thể là kết quả của sự suy yếu sinh lý của màng ối, kết hợp với lực xé rách của cơn gò tử cung. Tuy nhiên, ối vỡ non (PPROM) khi thai < 37 tuần thường do nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau, trong đó tình trạng nhiễm trùng là nguyên nhân thường gặp nhất, đặc biệt ở các thai kỳ rất non tháng.

Yếu tố nguy cơ của ối vỡ sớm :

  • Viêm âm đạo
  • Tiền căn ối vỡ non
  • Tiền căn sanh non
  • Kênh cổ tử cung ngắn
  • Ra huyết ở tam cá nguyệt 2 hay 3
  • Kinh tế xã hội thấp
  • BMI thấp
  • Hút thuốc
  • Một số không có nguyên nhân



Triệu chứng ối vỡ sớm

- Dịch chảy ra từ âm đạo: Dịch lỏng, trong suốt hoặc hơi vàng, không mùi hoặc có mùi nhẹ, chảy ra bất ngờ hoặc rỉ rả liên tục. Lượng dịch có thể ít hoặc nhiều, tùy thuộc vào mức độ rách của màng ối.

- Cảm giác ẩm ướt liên tục: Thai phụ có thể cảm thấy vùng kín luôn ẩm ướt, dù đã thay quần lót nhiều lần.

- Không kiểm soát được dòng chảy: Khác với nước tiểu, dịch ối chảy ra không thể kiểm soát bằng cách co cơ vùng chậu.

- Triệu chứng nhiễm trùng : Trong trường hợp ối rỉ không phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng cho mẹ và thai với các dấu hiệu sốt, mạch nhanh, xét nghiệm máu bất thường…



Các biến chứng ối vỡ sớm

Ối vỡ sớm có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, tùy thuộc vào thời điểm xảy ra và cách xử lý. Các tác hại bao gồm:

Đối với mẹ:

Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Khi màng ối bị rách, vi khuẩn từ âm đạo có thể xâm nhập vào tử cung, gây nhiễm trùng ối hoặc nhiễm trùng huyết.

Chuyển dạ kéo dài hoặc phức tạp: Nếu ối vỡ mà không gây chuyển dạ tự nhiên, có thể cần sử dụng các phương pháp khởi phát chuyển dạ, làm tăng nguy cơ các can thiệp y khoa.

Đối với thai nhi:

Nguy cơ nhiễm trùng: Vi khuẩn từ mẹ có thể truyền sang thai, gây nhiễm trùng huyết sơ sinh hoặc các bệnh lý khác sau khi sinh.

Sinh non: Ối vỡ sớm trước tuần 37 làm tăng nguy cơ sinh non ( chuyển dạ sinh non trong vòng 1 tuần ở 50% số bệnh nhân), dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp, vàng da, hoặc các vấn đề về phát triển thần kinh cũng như gia tăng nguy cơ tử vong cho thai.

Suy thai: Khi dịch ối giảm, thai nhi có thể bị chèn ép dây rốn, dẫn đến giảm cung cấp oxy và dưỡng chất.

Các vấn đề về phát triển: Nếu ối vỡ xảy ra ở giai đoạn sớm của thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển phổi, xương và các cơ quan khác.

Sinh non thường gặp trong ối vỡ non dẫn đến bé có nguy cơ bị suy hô hấp

Sinh non thường gặp trong ối vỡ non dẫn đến bé có nguy cơ bị suy hô hấp



Phòng ngừa ối vỡ sớm

Chăm sóc thai kỳ: Khám thai định kì để theo dõi sức khỏe mẹ và thai, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về nhiễm trùng hoặc bất thường cổ tử cung, đồng thời siêu âm để đánh giá lượng nước ối, phát hiện sớm dấu hiệu thiểu ối ( một trong các biến chứng của rỉ ối ) để có biện pháp điều trị sớm thích hợp.

Phòng ngừa nhiễm trùng

  • Giữ vệ sinh vùng kín: Rửa sạch vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh an toàn, tránh thụt rửa sâu.
  • Điều trị các bệnh viêm nhiễm: Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo hoặc các bệnh lý phụ khoa khác cần được điều trị triệt để trước và trong thai kỳ.

Tránh các yếu tố nguy cơ

  • Tránh vận động mạnh: Không mang vác nặng, hạn chế hoạt động gây áp lực lên bụng.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Trong thai kỳ, quan hệ cần nhẹ nhàng, nhất là khi có nguy cơ sinh non.

Duy trì lối sống lành mạnh

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Tránh các chất kích thích: Không hút thuốc, uống rượu hoặc tiếp xúc với môi trường độc hại.

Phát hiện và xử lý sớm yếu tố nguy cơ

  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Cảm giác đau hoặc áp lực ở vùng bụng dưới, hoặc dịch âm đạo có màu hay mùi lạ cần thăm khám kiểm tra sớm.
  • Quản lý cổ tử cung ngắn: Những thai phụ có cổ tử cung ngắn cần được theo dõi chặt chẽ, có thể đặt vòng nâng cổ tử cung nếu cần.

Khám tiền sản

  • Khám sức khỏe trước khi mang thai: Phát hiện và điều trị các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các vấn đề về phụ khoa.
  • Tiêm phòng đầy đủ: Ngừa các bệnh như cúm, rubella để giảm nguy cơ nhiễm trùng trong thai kỳ.

Khám tiền sản và khám thai định kì giúp phát hiện sớm và phòng tránh nguy cơ ối vỡ sớm

Khám tiền sản và khám thai định kì giúp phát hiện sớm và phòng tránh nguy cơ ối vỡ sớm


Các biện pháp chẩn đoán ối vỡ sớm

Thường được xác nhận bằng đánh giá lâm sàng thông thường:

  • Bệnh nhân khai có ra nước âm đạo (ướt băng vệ sinh, quần)
  • Khám mỏ vịt:
    • Dịch chảy ra từ lỗ cổ tử cung và tích tụ trong âm đạo (đặc biệt khi bệnh nhân ho hoặc rặn)
    • Lấy dịch thử Nitrazine test (pH âm đạo bình thường 3,8 – 4,5, khi có nước ối pH sẽ ở khoảng 7,1 – 7,3, làm giấy quỳ đổi sang màu xanh. Dương tính giả khi có máu, tinh dịch, dùng chất sát khuẩn có tính kiềm, một số chất bôi trơn hay nhiễm Trichomonas. Có thể lặp lại test ở ngày hôm sau nếu nghi ngờ.
    • Test dương xỉ: dùng tăm bông phết dịch nước ối lên lam kính để khô rồi soi dưới kính hiển vi sẽ cho hình ảnh giống cây dương xỉ do trong nước ối có Natri Clorua (nước ối không được lẫn máu).
    • Khám âm đạo bằng tay khi cổ tử cung đã mở: cho ngón tay vào không sờ thấy màng ối và khi đẩy nhẹ đầu lên có thể thấy nước ối chảy ra (Lưu ý: khám âm đạo bằng tay không cho nhiều thông tin hơn khám mỏ vịt, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nên cần hạn chế khám âm đạo bằng trừ trường hợp thai phụ đã vào chuyển dạ hoạt động)

Trong trường hợp khó chẩn đoán, có thể sử dụng các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm PAMG-1: xác định sự phát hiện diện của PAMG-1 (placental alpha microglobulin-1) ở nồng độ ≥ 5ng/ml trong dịch âm đạo. Thai phụ cần được tư vấn kỹ về khả năng âm tính giả của test.
  • Xét nghiệm IGFBP-1 PROM: xác định sự phát hiện diện của insulin-like growth factor binding protein-1 (IGFBP-1) trong dịch âm đạo của thai phụ.
  • Theo dõi rỉ ối bằng đặt băng vệ sinh âm đạo (băng vệ sinh thường hoặc Al-Sense: dải băng trên miếng dán sẽ thay đổi màu xanh khi có nước ối)
  • Soi ối: dùng ống soi ối sẽ không thấy màng ối mà thấy tóc thai nhi (trong ngôi chỏm) đồng thời thấy nước ối chảy ra

Cần chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây ra dịch khác:

  • Són tiểu thường không ra nhiều nước và cũng không rỉ rả liên tục như trong vỡ ối.
  • Ra khí hư nhiều có thể nhầm lẫn với rỉ ối.
  • Ra nhầy ở cổ tử cung khi bắt đầu chuyển dạ thường kèm theo máu hồng.

Dùng giấy quỳ để thực hiện Nitrazine test : pH của nước ối khiến giấy quỳ đổi màu xanh

Dùng giấy quỳ để thực hiện Nitrazine test : pH của nước ối khiến giấy quỳ đổi màu xanh



Các biện pháp điều trị ối vỡ sớm

Xử trí ối vỡ sớm

Xử trí ối vỡ sớm tùy thuộc vào tuổi thai, tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, nguy cơ nhiễm trùng.

Đánh giá ban đầu

  • Thăm khám lâm sàng:
    • Kiểm tra có phải là ối vỡ không
    • Đánh giá cổ tử cung xem có dấu hiệu chuyển dạ không, cần hạn chế thăm khám nhiều lần khi có ối vỡ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Theo dõi tình trạng mẹ:
    • Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, nhịp tim tăng, hoặc đau bụng, dịch ối có mùi hôi.
  • Theo dõi thai nhi:
    • Đánh giá tim thai bằng máy monitor sản khoa.
    • Siêu âm đo lượng nước ối và kiểm tra sức khỏe thai nhi.

Xử trí theo tuổi thai

Thai chưa đủ tháng (<37 tuần):

  • Dùng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm trùng : dùng khi chẩn đoán xác định có ối vỡ.
  • Thuốc corticoid: Betamethasone hoặc Dexamethasone được sử dụng để hỗ trợ phát triển phổi thai nhi, giảm nguy cơ hội chứng suy hô hấp nếu thai dưới 34 tuần.
  • Thuốc magnesium sulfat: Bảo vệ não thai nhi khi thai dưới 32 tuần.
  • Thuốc giảm co tử cung: Chỉ định nếu có cơn co tử cung nhưng thai còn non tháng để kéo dài thai kỳ, giúp thai phát triển thêm hoặc để chờ đợi tác dụng của thuốc hỗ trợ phổi.
  • Theo dõi chặt chẽ: Thai phụ được nằm viện và theo dõi tình trạng nhiễm trùng, cạn ối, hoặc dấu hiệu chuyển dạ.

Thai đủ tháng (≥37 tuần):

  • Dùng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm trùng khi sản phụ có vỡ ối lâu.
  • Khởi phát chuyển dạ: Nếu không có chuyển dạ tự nhiên sau 12-24 giờ, bác sĩ có thể chỉ định khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin hoặc prostaglandin nếu đánh giá sản phụ có khả năng sinh thường.
  • Sinh thường hoặc sinh mổ: Tùy thuộc vào tình trạng của mẹ và thai nhi.

 Xử lý biến chứng

  • Nếu có nhiễm trùng: Điều trị kháng sinh, kết hợp xử trí sinh ngay khi cần thiết.
  • Nếu thai suy: Can thiệp cấp cứu, có thể sinh mổ nếu cần.

Quá trình theo dõi thai phụ

  • Thai phụ nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh vận động mạnh.
  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng, hoặc chảy máu.
  • Dặn dò báo ngay cho bác sĩ nếu dịch ối chuyển màu xanh, vàng hoặc có mùi hôi.
  • Theo dõi thai kĩ bằng monitor, siêu âm và thai máy.

Ối vỡ sớm là một biến chứng y khoa đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và chính xác để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Hiểu rõ nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và các chiến lược xử trí giúp tối ưu hóa kết quả điều trị và giảm thiểu biến chứng. Đồng thời, việc theo dõi sát và tư vấn đúng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thai phụ vượt qua giai đoạn này một cách an toàn.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ