Từ điển bệnh lý
Ối vỡ sớm : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Ối vỡ sớm
Trong buồng tử cung, thai nhi được phát triển, quẫy đạp và bơi trong một môi trường chất lỏng đặc biệt, đó chính là nước ối. Nước ối không chỉ có tác dụng giảm thiểu các chấn thương cơ học khi bụng mẹ bị va đập, mà còn là môi trường vô khuẩn giúp ngăn chặn được các nhiễm trùng, đồng thời, nước ối cũng là một nguồn dinh dưỡng và ổn định thân nhiệt cho thai.
Nước ối được bao bọc bởi màng ối. Khi một tác động cơ học hoặc nhiễm khuẩn gây rách màng ối sẽ dẫn đến vỡ ối.
Nước ối được bao bọc bởi màng ối
Khái niệm vỡ ối sớm là ối vỡ khi trên thai phụ đã được chẩn đoán chuyển dạ thực sự và cổ tử cung chưa mở hết. Một trong số tai biến thường gặp trong sản khoa chính là tình trạng ối vỡ sớm. Ối vỡ sớm khiến cho tỷ lệ tử vong chu sinh tăng lên. Đặc biệt, khi tuổi thai càng non tháng thì hậu quả do ối vỡ sớm càng nặng nề do tình trạng đẻ non, nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân Ối vỡ sớm
Ở trạng thái bình thường, áp lực lên màng ối thường nhỏ hơn sức căng bề mặt của nó. Khi thai đủ tháng, độ chun giãn của màng ối giảm đi để dễ dàng vỡ ối một cách tự nhiên.
Khi ngôi thai bình chỉnh không tốt trong chuyển dạ sẽ có thể gây ối vỡ sớm. Các nguyên nhân thường gặp là ngôi thai bất thường (ngôi đầu cao, ngôi ngang, ngôi mông..).
Các nguyên nhân thường gặp là ngôi thai bất thường
Tình trạng đa ối, đa thai sễ gây ối vỡ sớm. Ngoài ra, trường hợp rau tiền đạo, hoặc hở eo tử cung cũng là yếu tố thuận lợi của ối vỡ sớm.
Ối vỡ sớm còn là hậu quả của tình trạng viêm nhiễm màng ối gây nên. Màng ối có thể bị viêm do nhiều nguyên nhân, kể đến là tình trạng viêm cổ tử cung, âm đạo. Khi có sự cộng hưởng của cơn co tử cung, màng ối sẽ dễ dàng bị rách gây nên tình trạng vỡ ối.
Ở những thai phụ con so lớn tuổi, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin C, cũng là những yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng ối vỡ sớm.
Ngoài ra, ối vỡ sớm ở một số trường hợp có thể không tìm được nguyên nhân.
Các biến chứng Ối vỡ sớm
- Phụ thuộc thời gian vỡ ối dài hay ngắn mà tình trạng nhiễm trùng ối có thể xuất hiện và nặng thêm. Màng ối chính là tấm màng bảo vệ buồng ối khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn xuất phát từ âm hộ, âm đạo. Vì vậy, khi ối vỡ càng lâu, tình trạng nhiễm trùng ối càng nặng.
- Tiếp theo tình trạng nhiễm trùng ối thì thai nhi cũng sẽ bị vi khuẩn tấn công, gây ra tình trạng suy thai nguy hiểm đến tính mạng thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.
- Thời kỳ hậu sản, nhiễm trùng hậu sản cũng hay xảy ra, trường hợp nặng có thể viêm phúc mạc, thậm chí nhiễm khuẩn huyết.
- Trường hợp vỡ ối mà ngôi thai bất thường dễ xảy ra tình trạng sa dây rau, sa chi. Bản thân tình trạng ối vỡ sẽ khiến cho sự bình chỉnh ngôi thai không tốt, từ đó chuyển dạ sẽ khó khăn hơn.
Ối vỡ non không có tình trạng nhiễm trùng ối thì tiên lượng tốt cho mẹ và ngược lại. Về phía thai nhi, tiên lượng thường xấu hơn do thai có thể đẻ non tháng, dễ nhiễm trùng sơ sinh và nguy cơ suy hô hấp sơ sinh cao.
Phòng ngừa Ối vỡ sớm
- Để tránh vỡ ối sớm thì thai phụ cần được theo dõi thai định kỳ, khám phụ khoa trước và trong thời gian mang thai để phát hiện sớm những bất thường về ối, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…điều trị kịp thời các tình trạng viêm nhiễm và theo dõi sát các bất thường về thai và phần phụ của thai.
- Trong thai kỳ, bà mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý.
Trong thai kỳ, bà mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý
- Thầy thuốc cần cân nhắc việc khởi phát chuyển dạ vào thời điểm thích hợp nhất (không sớm, không muộn).
- Nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc, tránh tự ý sử dụng bừa bãi gây ra tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, nếu bị nhiễm trùng thì tình trạng sẽ nặng và nguy hiểm cho cả mẹ và thai.
- Nếu ối vỡ khi thai non tháng, để đề phòng các tai biến nặng nề cho trẻ thì cần chuyển thai phụ lên tuyến trên, nơi có khoa sơ sinh có thể chăm sóc tốt cho trẻ nhẹ cân, non tháng.
Các biện pháp chẩn đoán Ối vỡ sớm
Chẩn đoán xác định:
- Cần chẩn đoán xác định ối vỡ để có hướng xử trí thích hợp. Chẩn đoán ối vỡ không khó nhưng trong một số trường hợp chẩn đoán ối đã vỡ hay chưa khá khó xác định.
- Phần lớn các ca ối vỡ, sản phụ thấy ra nước đột ngột từ âm đạo và tiếp tục ra nước rỉ rả tiếp sau đó. Khi thăm khám âm đạo, thầy thuốc thấy nước ối chảy ra từ lỗ cổ tử cung tự nhiên hoặc sau khi sản phụ ho hoặc rặn. Động tác khám âm đạo bằng tay khi cổ tử cung đã mở, thầy thuốc có thể xác định được màng ối đã rách (trường hợp ối vỡ ở vị trí cao có thể thấy màng ối vẫn còn), nước ối chảy ra theo tay thầy thuốc.
- Xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán:
+ Soi ối: thủ thật này sử dụng ống soi ối, xác định được màng ối đã rách, thấy phần thai tương ứng với ngôi thai và thấy nước ối chảy ra.
+ Chứng nghiệm Nitrazine: sử dụng giấy quỳ để xác định ối vỡ. Do pH âm đạo dạng acid nhẹ mà pH nước ối là dạng kiềm nên sẽ đổi màu quỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp ối đã vỡ lâu, hoặc có viêm âm đạo, hay trong âm đạo có nước tiểu, hoặc sản phụ đang dùng kháng sinh… những trường hợp này có thể làm sai lệch kết quả của chứng nghiệm Nitrazine.
+ Test dương xỉ: trong nước ối có Natriclorua nên khi dung tăm bông phết dịch nước ối lên lam kinh và soi dưới kính hiển vi khi lam kính khô sẽ thấy hình ảnh giống lá dương xỉ. Kết quả sẽ không chính xác khi nước ối lẫn máu.
+ Tìm các thành phần lẫn trong nước ối: có thể tìm thấy tóc, chất gây của thai nhi khi quan sát mẫu nước ối dưới kính hiển vi, hoặc dựa vào các phương pháp nhuộm để các định tế bào hiểu bì của thai.
+ Định lượng Diamin oxidase (DAO): phương pháp này giúp xác định ối vỡ chính xác tới 90%.
+ Những trường hợp khó chẩn đoán có thể đóng khố sạch, cho sản phụ nằm nghỉ ngơi và theo dõi tiếp.
Chẩn đoán phân biệt
- Tình trạng ra nước dễ nhầm với són tiểu. Tuy nhiên, són tiểu sẽ ra ít nước và không ra liên tục như trong vỡ ối.
- Trường hợp viêm âm đạo, khí hư loãng, bệnh nhân cũng thấy ra nước âm đạo nhiều. Cần khám cẩn thận vì có thể kết hợp cả viêm âm đạo và vỡ ối.
- Bong nút nhầy cổ tử cung: điều này cũng khiến sản phụ lo lắng, thầy thuốc cần xác định đã vỡ ối hay chưa để có động thái theo dõi và xử trí thích hợp.
Các biện pháp điều trị Ối vỡ sớm
Điều trị ối vỡ sớm: thái độ xử trí theo tuần tuổi thai.
Thai 22-31 tuần: thai quá non tháng, vì vậy cần giữ thai them càng lâu càng tốt.
- Thuốc giúp thai thành phổi sớm: có thể sử dụng liều tiêm bắp chế phẩm Betamethasone 12mg/24h với 2 liều/2 ngày, hoặc thuốc Dexamethasone 6mg/12h với 4 liều/2 ngày. Lưu ý khi sử dụng các thuốc trên > 2 đợt trong 1 thai kỳ có thể làm cân nặng, chu vi đầu hoặc chiều dài của thai nhi giảm, thai nhi có thể nhỏ hơn so với tuổi thai.
- Đề phòng nhiễm khuẩn: cần hạn chế thăm khám bằng tay. Nếu cần thiết khám trong âm đạo thì có thể khám mỏ vịt. Lấy dịch âm đạo, cổ tử cung, hậu môn để nuôi cấy tìm vi khuẩn. Sử dụng kháng sinh phổ rộng phòng nhiễm khuẩn cho cả mẹ và thai trong khoảng 7 ngày (hạn chế sử dụng dài ngày vì không những không thực sự cần thiết mà còn dễ bị vi khuẩn kháng thuốc)
- Thai phụ cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đóng khố vô trùng theo dõi lượng nước ối chảy ra. Cần kiểm tra các chỉ số về dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt, huyết áp) của mẹ 6h/lần, xét nghiệm chỉ số bạch cầu, CRP… để theo dõi tình trạng viêm nhiễm. Đồng thời, mỗi tuần nên cấy dịch âm đạo khoảng 1-3 lần để định danh vi khuẩn và điều trị tích cực theo kháng sinh đồ.
- Thuốc giảm có ít có tác dụng, tuy nhiên vẫn có hiệu quả trong một số trường hợp chưa có chuyển dạ thực sự.
- Theo dõi thai hết sức quan trọng. Siêu âm để đánh giá tình trạng thai, rau, ối, phát hiện sớm các bất thường về thai. Theo dõi monitoring sản khoa mỗi ngày 3 lần.
Thai 32-33 tuần:
- Cần kiểm tra kỹ các chỉ số sức khỏe thai nhi như thai chậm phát triển, đã có dấu hiệu suy thai trên monitoring sản khoa chưa để có hướng theo dõi phù hợp.
Cần kiểm tra kỹ các chỉ số sức khỏe thai nhi như thai chậm phát triển
- Nên tiêm chế phẩm corticoid giúp trưởng thành phổi, giảm thiếu hội chứng màng trong ở sơ sinh non tháng (liều corticoid theo khuyến cáo ở trên).
- Thời điểm này, các biện pháp giúp phòng nhiễm trùng cho mẹ và thai hoặc sử dụng các thuốc giảm co bóp tử cung vẫn áp dụng giống như tuần thai 22-31 tuần.
- Khi các biện pháp nhằm giữ thai bị thất bại, phát hiện thấy tình trạng suy thai, nhiễm khuẩn hay xác định phổi thai nhi đã trưởng thành thì thầy thuốc nên khởi phát chuyển dạ đẻ.
Thai 34-36 tuần:
- Thời điểm này không còn khuyến cáo sử dung thuốc corticoid để giúp trưởng thành phổi nữa.
- Cần xác định tình trạng thai ở thời điểm nhập viện và tư vấn những nguy cơ cho cả mẹ và thai khi ối vỡ lâu. Nếu xác định phổi đã trưởng thành thì theo dõi chuyển dạ đẻ.
- Trường hợp con quý, hiếm, gia đình mong muốn giữ thai thêm thì cần phòng nhiễm trùng, theo dõi sản phụ và theo dõi thai tương tự như xử trí với các tuổi thai nhỏ hơn.
Thai từ 37 tuần trở lên:
- Theo khuyến cáo của ACG 2009 đối với thai trên 37 tuần vỡ ối sớm thì tiến hành kết thúc thai kỳ ngay để tránh biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai. Cần khởi phát chuyển dạ ngay trong 6-12 giờ sau vỡ ối hoặc càng sớm càng tốt.
- Sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
- Trường hợp không thuận lợi đẻ đường âm đạo thì cần tiến hành mổ lấy thai.
- Theo dõi sơ sinh thật sát, phát hiện sớm nhất những dấu hiệu nhiễm khuẩn, suy hô hấp, chuyển khoa sơ sinh hoặc đơn vị chăm sóc sơ sinh tốt.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!