Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Phát ban ở ngực là tình trạng da ở vùng ngực xuất hiện các tổn thương, thường là mẩn đỏ, sần sùi, ngứa, hoặc nổi mụn nước. Đôi khi da có thể bong tróc hoặc trở nên khô ráp gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy hoặc châm chích nhẹ.
Phát ban có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những yếu tố phổ biến là dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da hoặc quần áo làm từ chất liệu dễ gây kích ứng. Mồ hôi tích tụ hoặc ma sát từ quần áo trong những ngày nóng bức cũng có thể khiến da bị phát ban. Thậm chí, trong một số trường hợp, phát ban ở ngực có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý toàn thân khác như phản ứng với thuốc, hoặc các bệnh lý tự miễn, hoặc bệnh về da như eczema hay mề đay.
Trong trường hợp phát ban kéo dài, lan rộng hoặc xuất hiện kèm theo các triệu chứng bất thường khác, người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ. Việc điều trị kịp thời không chỉ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Phát ban ở ngực có thể là biểu hiện của bệnh lý toàn thân
Phát ban ở ngực có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm kích ứng da, nhiễm trùng, bệnh lý da liễu và các bệnh toàn thân, cụ thể:
- Kích ứng và dị ứng da: Phát ban có thể là kết quả của các tác nhân kích thích hoặc phản ứng dị ứng từ môi trường.
+ Viêm da tiếp xúc: Tiếp xúc với hóa chất trong xà phòng, sữa tắm, nước hoa, kem dưỡng da, chất tẩy rửa, vải quần áo hoặc kim loại (như niken trong trang sức) có thể gây phát ban đỏ, ngứa, bong tróc.
+ Phản ứng dị ứng (mề đay): Dị ứng với thực phẩm, thuốc hoặc côn trùng cắn có thể gây phát ban dạng sẩn phù, ngứa dữ dội, lan rộng.
+ Ma sát và mồ hôi: Mồ hôi tích tụ ở vùng ngực, đặc biệt dưới nếp gấp da hoặc khi mặc quần áo bó sát, có thể gây hăm da, kích ứng và nổi mẩn đỏ.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng có thể gây phát ban trên ngực.
+ Viêm nang lông: Vi khuẩn Staphylococcus aureus xâm nhập vào nang lông gây sưng đỏ, nổi mụn mủ nhỏ, đôi khi đau hoặc ngứa.
+ Nhọt: Là một ổ viêm nhiễm sâu hơn trong da, có thể xuất hiện dưới dạng cục sưng đỏ, đau, có mủ.
+ Nhiễm trùng do liên cầu khuẩn: Gây mảng đỏ lan rộng, đau, sưng, có thể kèm theo sốt.
+ Thủy đậu: Phát ban dạng mụn nước, kèm theo sốt, ngứa, dễ lan rộng.
+ Zona: Gây phát ban thành dải, đau rát, nổi mụn nước, thường khu trú ở một bên cơ thể.
+ Sởi, sốt phát ban do virus khác: Ban lan tỏa, có thể kèm sốt, đau họng, nổi hạch.
+ Nấm da: Gây mảng đỏ hình vòng, ngứa, bong vảy, có thể lan rộng nếu không điều trị kịp thời.
+ Lang ben: Do Malassezia gây ra, thường xuất hiện dưới dạng đốm da đổi màu (trắng, nâu, hồng), đặc biệt ở vùng da ẩm ướt như ngực, lưng.
+ Nhiễm ký sinh trùng:
Ghẻ (Sarcoptes scabiei): Gây phát ban dạng mụn nước nhỏ, rất ngứa, đặc biệt vào ban đêm, có thể thấy các rãnh ghẻ trên da.
Giun, sán: thường gặp ở người nuôi chó, mèo hoặc hay ăn rau sống, gỏi cá. Ban kèm ngứa kéo dài, gây giảm chất lượng sống của người bệnh.
- Bệnh lý da liễu
+ Viêm da cơ địa: Thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, gây đỏ da, bong vảy, ngứa.
+ Vảy nến: Gây mảng đỏ dày, có vảy trắng bạc, thường xuất hiện ở vùng ngực, khuỷu tay, đầu gối.
+ Viêm da tiết bã: Gây phát ban đỏ, bong vảy nhờn ở vùng ngực, mặt, da đầu.
+ Bệnh lichen phẳng: Gây tổn thương dạng sẩn, màu tím, ngứa, có thể xuất hiện ở ngực.
- Bệnh lý toàn thân
+ Phản ứng dị ứng thuốc: Một số thuốc (kháng sinh, NSAIDs, thuốc chống co giật) có thể gây phát ban lan rộng, đỏ da toàn thân, có thể kèm theo sốt, ngứa.
+ Lupus ban đỏ hệ thống: Gây phát ban hình cánh bướm trên mặt, có thể lan đến ngực, kèm theo đau khớp, mệt mỏi.
+ HIV/AIDS: Phát ban có thể là triệu chứng sớm của nhiễm HIV hoặc xuất hiện do nhiễm trùng cơ hội.
+ Bệnh Paget vú: Một dạng ung thư hiếm gặp, gây phát ban đỏ, bong vảy, có thể loét ở vùng núm vú và quầng vú.
Các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc da có thể là nguyên nhân gây phát ban ở ngực
Dự phòng phát ban ở ngực chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu các yếu tố kích thích và chăm sóc da đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hữu ích để tránh tình trạng phát ban xảy ra hoặc tái phát
- Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Nếu bạn có tiền sử dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da, hãy cẩn trọng khi sử dụng bất kỳ sản phẩm mới nào. Nên lựa chọn các sản phẩm không chứa hương liệu, parabens, hoặc các chất hóa học có thể gây kích ứng da. Tránh mặc quần áo làm từ chất liệu tổng hợp hoặc quá chật, vì chúng có thể gây ma sát và kích ứng da. Nên chọn đồ làm từ cotton hoặc các chất liệu mềm mại để giảm thiểu sự kích ứng.
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Đảm bảo tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ nhàng không chứa hương liệu hoặc các hóa chất mạnh. Tránh tắm bằng nước quá nóng, vì nó có thể làm khô da và làm trầm trọng thêm các triệu chứng phát ban. Sau khi tắm, sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu để giữ cho làn da mềm mại và không bị khô. Việc dưỡng ẩm đúng cách giúp duy trì lớp bảo vệ da, ngăn ngừa kích ứng từ môi trường bên ngoài.
- Giảm căng thẳng và lo âu: Căng thẳng tinh thần có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về da, bao gồm phát ban. Các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe làn da. Ngủ đủ và đúng giấc giúp cơ thể phục hồi và duy trì sự cân bằng hormone, điều này có thể làm giảm nguy cơ phát ban liên quan đến căng thẳng hoặc các bệnh da liễu.
- Tránh các yếu tố gây kích ứng từ môi trường: Thời tiết nóng và ẩm có thể làm tăng tiết mồ hôi, gây kích ứng da và làm phát sinh phát ban. Hãy cố gắng giữ cơ thể mát mẻ và thoải mái, đặc biệt là ở vùng ngực. Sử dụng quạt, điều hòa không khí hoặc các sản phẩm chăm sóc da giúp làm dịu khi trời nóng. Nếu bạn tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tia cực tím có thể làm da dễ bị tổn thương và kích ứng.
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các thực phẩm có chứa vitamin A, C, E và omega-3, giúp duy trì sức khỏe làn da và tăng cường hệ miễn dịch. Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp da luôn khỏe mạnh, giảm thiểu tình trạng khô da và kích ứng.
- Kiểm tra da định kỳ: Nếu bạn thuộc nhóm dễ bị phát ban, việc thăm khám da liễu định kỳ là cần thiết. Bác sĩ có thể giúp phát hiện sớm các bất thường trên da và tư vấn phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị phù hợp, giúp bảo vệ làn da một cách hiệu quả.
Chăm sóc da đúng cách giúp tăng hàng rào bảo vệ da, dự phòng phát ban ở ngực
Chẩn đoán phát ban ở ngực là một quá trình quan trọng để xác định nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng
- Hỏi bệnh:
+ Tiền sử dị ứng: Các tiền sử dị ứng với các chất như mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc, hoặc vật liệu như kim loại, vải giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra phát ban.
+ Tiếp xúc với yếu tố kích thích: Việc sử dụng sản phẩm chăm sóc da mới, thay đổi quần áo hoặc các chất liệu vải, hoặc tiếp xúc với hóa chất hoặc kim loại là yếu tố nguy cơ của phát ban ở ngực.
+ Triệu chứng đi kèm: Các triệu chứng đi kèm như ngứa, đau, sốt, hoặc sự xuất hiện của các vết loét giúp nhận định được mức độ và nguyên nhân gây ra tổn thương. Phát ban có thể là triệu chứng của một bệnh lý toàn thân, do đó cần đánh giá các triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng ở cơ quan khác.
+ Các bệnh lý nền: Đánh giá các bệnh lý nền có thể liên quan đến phát ban, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ, các bệnh lý miễn dịch, hoặc các vấn đề về gan, thận.
- Khám bệnh:
Khám da là bước quan trọng để bác sĩ có thể xác định chính xác đặc điểm của phát ban và phân loại nguyên nhân:
+ Vị trí và hình dạng của phát ban: Vị trí của phát ban trên ngực là một vùng nhỏ hoặc lan rộng. Hình dạng của phát ban cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán nguyên nhân.
+ Tính chất tổn thương: Bác sĩ sẽ kiểm tra xem các tổn thương da có đặc điểm như mụn nước, vết loét, nốt sần, hoặc vết nứt không. Tình trạng của tổn thương có thể giúp xác định xem phát ban là do nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus, hoặc nấm) hay do các nguyên nhân không nhiễm trùng như dị ứng hoặc viêm da tiếp xúc.
+ Phân bố và thay đổi theo thời gian: Ban có thay đổi theo thời gian hay không, ví dụ như có lan rộng ra hay xuất hiện các nốt mới hay không. Sự phát triển này có thể cho thấy gợi ý nguyên nhân của phát ban và mức độ tiến triển của bệnh.
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu:
+ Kiểm tra mức độ nhiễm trùng: Việc xét nghiệm máu có thể giúp xác định các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc phản ứng dị ứng. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng phát ban là do nhiễm trùng hoặc phản ứng miễn dịch, các xét nghiệm như công thức máu, CRP có thể được thực hiện để đánh giá mức độ viêm.
+ Xét nghiệm dị ứng: Loại trừ phát ban là do dị ứng, bằng các xét nghiệm máu để xác định tác nhân gây dị ứng và kháng thể IgE.
+ Xét nghiệm ký sinh trùng: Tìm nguyên nhân gây phát ban ở ngực do ký sinh trùng như ghẻ, giun đũa chó mèo,..
+ Kiểm tra chức năng gan, thận, đường huyết: đánh giá sức khỏe toàn trạng, xác định yếu tố nguy cơ của bệnh lý.
+ Xét nghiệm HIV, giang mai, HSV, HPV: giúp loại trừ ban ở ngực do các tác nhân trên.
Sinh thiết da hoặc soi tươi: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu da để sinh thiết hoặc soi tươi để kiểm tra vi khuẩn, nấm, hoặc ký sinh trùng. Điều này có thể cần thiết nếu nghi ngờ phát ban do nhiễm trùng hoặc các bệnh lý ngoài da.
Điều trị phát ban ở ngực phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra phát ban, vì vậy việc xác định đúng nguyên nhân là rất quan trọng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến dựa trên các nguyên nhân khác nhau:
- Điều trị phát ban do kích ứng, dị ứng:
+ Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Để ngăn ngừa phát ban tái phát, bạn cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như sản phẩm mỹ phẩm, chất liệu vải, hoặc các hóa chất có thể kích ứng da.
+ Thuốc kháng histamine: Là nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm ngứa và các triệu chứng dị ứng, có thể được sử dụng dưới dạng viên uống hoặc kem bôi ngoài da. Các loại thuốc như cetirizine, loratadine, hoặc diphenhydramine có thể giúp làm dịu triệu chứng.
+ Corticosteroid dạng bôi: Nếu phát ban do dị ứng gây viêm và ngứa, bác sĩ có thể chỉ định kem corticosteroid (như hydrocortisone) để giảm viêm, sưng và ngứa. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng thuốc này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và không nên lạm dụng.
+ Kem dưỡng ẩm: Việc giữ ẩm cho da rất quan trọng, đặc biệt đối với những người bị eczema hoặc viêm da dị ứng. Các kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu hoặc các chất kích ứng giúp làm dịu da và giảm khô da.
+ Thuốc ức chế miễn dịch (tùy trường hợp): Trong một số trường hợp nặng hoặc kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế miễn dịch như tacrolimus hoặc pimecrolimus để giảm viêm da mà không sử dụng corticosteroid.
- Điều trị phát ban do nhiễm trùng:
Thuốc kháng sinh: Nếu phát ban do nhiễm trùng vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh (như amoxicillin, clindamycin) để điều trị nhiễm trùng. Thuốc này sẽ giúp giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Thuốc kháng nấm: Nếu phát ban là do nhiễm nấm da (ví dụ như bệnh nấm da, viêm da nấm), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm, có thể là kem bôi ngoài da hoặc thuốc uống (như clotrimazole, fluconazole).
Thuốc kháng virus: Nếu phát ban do nhiễm virus, như thủy đậu hoặc zona, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như acyclovir hoặc valacyclovir để giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.
Giảm đau và chăm sóc vết loét: Trong trường hợp có loét hoặc mụn nước, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) và các biện pháp chăm sóc da đặc biệt để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
- Điều trị phát ban do giun đũa chó mèo:
+ Thuốc tẩy giun: Trong trường hợp phát ban do giun đũa chó mèo (Toxocariasis), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tẩy giun như albendazole hoặc mebendazole để tiêu diệt giun đũa trong cơ thể.
+ Thuốc kháng viêm: Nếu phát ban đi kèm với viêm da hoặc phản ứng dị ứng, thuốc kháng viêm như corticosteroid có thể được sử dụng để giảm sưng và ngứa.
- Điều trị phát ban do bệnh lý toàn thân: Phụ thuộc vào từng bệnh lý mà bác sĩ để đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau nhằm ổn định bệnh lý nền, từ đó giảm hiện tượng phát ban ở ngực.
Thuốc đường uống kết hợp với đường bôi ngoài da để điều trị phát ban ở ngực
Trên đây là các thông tin cần thiết về phát ban ở ngực. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!