Từ điển bệnh lý

Phù chân : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-03-2025

Tổng quan Phù chân

Phù nề là tình trạng xuất hiện nhiều dịch lỏng trong các khoảng kẽ của cơ thể và khiến cho mô nhìn bị sưng lên. Phù nề có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Nhưng nó có nhiều khả năng xuất hiện ở chân và bàn chân do ảnh hưởng của trọng lực.

Khi xuất hiện triệu chứng phù chân bệnh nhân thấy sưng hoặc phù nề mô ngay dưới da, da căng hoặc bóng, có vết lõm khi ấn vào sau vài giây. Vùng da phù có thể không thay đổi màu sắc hoặc đỏ lên kèm theo cảm giác nặng chân. Người bệnh có thể khó mang tất và giày, trọng lượng cơ thể cũng tăng lên.

Phân loại phù chân

Có 2 loại phù chân: phù tĩnh mạch và phù bạch huyết. 

  • Phù tĩnh mạch thường liên quan đến tăng áp lực thủy tĩnh lòng mạch, giảm protein máu làm giảm áp lực keo trong máu nên không giữ được dịch trong lòng mạch.
  • Phù bạch huyết hệ thống bạch huyết có nhiệm vụ loại bỏ protein và tế bào bạch cầu (cùng với một ít nước) khỏi mô kẽ. Tắc mạch bạch huyết khiến cho các chất này ứ lại trong khoảng kẽ gây ra phù

Ngoài ra còn loại thứ ba, phù lipid, được coi chính xác hơn là một dạng phân phối mỡ không đều chứ không phải phù thực sự

Đặc điểm của phù chân liên quan tới các bệnh lý

Thời gian xuất hiện và kéo dài của phù chân: là một gợi ý quan trọng để xác định nguyên nhân. Phù nề cấp tính (dưới 72 giờ) thường gợi ý đến các nguyên nhân cấp tính như huyết khối tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên, ngưỡng 72 giờ này chỉ mang tính tương đối và không phải lúc nào cũng chính xác. Ngay cả khi phù nề đã xuất hiện trên 72 giờ, huyết khối tĩnh mạch sâu vẫn có thể là nguyên nhân nếu các triệu chứng khác phù hợp.


Cảm giác đau khi phù chân: đây là một triệu chứng quan trọng giúp phân biệt các nguyên nhân gây phù chân. Huyết khối tĩnh mạch sâu và loạn dưỡng giao cảm phản xạ thường gây đau khá rõ rệt. Suy tĩnh mạch mãn tính có thể khiến bạn cảm thấy đau nhức âm ỉ. Còn phù bạch huyết thường không gây đau.


Phù chân cải thiện qua đêm: Giảm phù vào buổi sáng sau khi ngủ dậy có thể là một gợi ý hữu ích để phân biệt phù tĩnh mạch và phù bạch huyết. Phù tĩnh mạch có nhiều khả năng cải thiện qua đêm hơn phù bạch huyết do có sự dịch chuyển vị trí dịch tại các mô kẽ theo trọng lực.

Đặc điểm da của phù chân: phù chân do thận là phù trắng, mềm, ấn lõm. Chân phù, nóng, đỏ trong huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Kết cấu sần sùi (sừng hóa) với u nhú và cứng cơ là đặc trưng của phù bạch huyết mãn tính. Các lắng đọng hemosiderin màu nâu ở cẳng chân và mắt cá chân phù hợp với suy tĩnh mạch. Loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ ban đầu dẫn đến da ấm mềm với tăng tiết mồ hôi, sau đó, da mỏng, bóng và mát. Ở giai đoạn mãn tính, da trở nên teo và khô với co cứng khi gập. 

Vị trí phù nề: có thể cung cấp manh mối quan trọng về nguyên nhân gây bệnh. Nếu chỉ một bên chân bị phù, nguyên nhân thường liên quan đến vấn đề tại chỗ như huyết khối tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn bạch huyết. Ngược lại, nếu cả hai chân đều bị phù, nguyên nhân có thể đến từ các bệnh toàn thân như suy tim, suy thận.

    Bệnh nhân có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo phù chân

    Bệnh nhân có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo phù chân



Nguyên nhân Phù chân

  • Nguyên nhân có khả năng gây phù chân nhiều nhất ở bệnh nhân trên 50 tuổi là suy tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch ảnh hưởng đến 30% dân số, trong khi suy tim chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1%. 
  • Nguyên nhân có khả năng gây phù chân nhiều nhất ở phụ nữ dưới 50 tuổi là phù vô căn, trước đây gọi là phù chu kỳ đây là một chẩn đoán loại trừ sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.
  • Một nguyên nhân phổ biến nhưng ít được biết đến của chứng phù là tăng áp lực động mạch phổi, thường liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Những bệnh nhân có các phát hiện phù hợp với chứng ngưng thở khi ngủ, chẳng hạn như buồn ngủ vào ban ngày, ngáy khi gắng sức hoặc chu vi cổ > 43 cm, nên được đánh giá tăng áp lực động mạch phổi bằng siêu âm tim.
  • Các nguyên nhân phổ biến khác gây phù chân là suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng, bệnh gan, chấn thương, dị ứng
  • Phụ nữ mang thai, thay đổi hormon
  • Sử dụng các loại thuốc gây phù chân, ăn quá nhiều muối, béo phì, mặc quần áo bó

Suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch được đặc trưng bởi phù lõm mạn tính, thường liên quan đến lắng đọng da hemosiderin màu nâu ở cẳng chân. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng nhưng có thể có cảm giác đau nhức hoặc nặng nề. Chẩn đoán thường được đưa ra trên lâm sàng nhưng có thể được xác nhận bằng siêu âm Doppler.

Suy tim

Suy tim làm giảm khả năng bơm máu của tim, khiến máu khó lưu thông đến các bộ phận của cơ thể. Khi máu ứ đọng lại ở chân, áp lực trong mạch máu tăng cao, khiến dịch từ lòng mạch đi vào khoảng kẽ. Tình trạng này giống như khi bạn đứng quá lâu một chỗ, chân sẽ bị sưng lên. 

Tăng áp lực động mạch phổi

Tăng huyết áp phổi thường là kết quả của chứng ngưng thở khi ngủ, ít được chú ý đến là nguyên nhân gây phù nề, và có thể được chẩn đoán bằng siêu âm tim. Các nguyên nhân khác gây tăng áp lực động mạch phổi bao gồm suy tim trái và bệnh phổi mãn tính. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể cải thiện tình trạng phù chân do tăng áp lực động mạch phổi, nhưng điều này cũng chưa được khẳng định. Các chuyên gia nhận định nên siêu âm tim ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc tăng áp lực động mạch phổi và những bệnh nhân trên 45 tuổi bị phù chân không rõ nguyên nhân.

Phù nề vô căn

Phù vô căn chỉ xảy ra ở phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt và phổ biến nhất ở độ tuổi 20 và 30. Phù vô căn dẫn đến tình trạng giữ nước bệnh lý ở tư thế thẳng đứng và phụ nữ thường thấy tăng cân >1,4 kg hoặc chỉ tăng 0,7kg ở cuối ngày. Bệnh nhân thường phàn nàn về phù mặt và phù tay ngoài tình trạng sưng chân. Béo phì, trầm cảm, lạm dụng thuốc lợi tiểu có thể liên quan đến hội chứng này.

Phù bạch huyết

Phù bạch huyết nguyên phát là một rối loạn hiếm gặp được chia thành 3 loại theo độ tuổi biểu hiện: 

  • Phù bạch huyết bẩm sinh có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc biểu hiện rõ ràng khi trẻ được 2 tuổi.
  • Phù bạch huyết praecox: dạng phù bạch huyết nguyên phát phổ biến nhất, khởi phát ở độ tuổi từ 2 đến 35 và có tỷ lệ nữ/nam là 10:1. Phù bạch huyết praecox thường xảy ra ở một bên và giới hạn ở bàn chân và bắp chân ở hầu hết bệnh nhân.
  • Phù bạch huyết muộn xuất hiện sau tuổi 35.

Phù bạch huyết thứ phát phổ biến hơn nhiều so với phù bạch huyết nguyên phát và nguyên nhân thường có thể xác định thông qua khai thác tiền sử bệnh. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây phù bạch huyết chân là khối u (ví dụ, u lympho, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng), phẫu thuật liên quan đến mạch bạch huyết, xạ trị và nhiễm trùng (nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc bệnh giun chỉ). 

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu thường dẫn đến tình trạng chân bị phù, nóng, đỏ, tăng trương lực, đau cấp tính và dọc theo đường đi của tĩnh mạch. Nguyên nhân là do ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, đi kèm rối loạn đông máu và tổn thương thành mạch. 

Béo phì

Bản thân béo phì không gây phù chân nhưng béo phì có thể dẫn đến nhiều nguyên nhân khác như suy tĩnh mạch mãn tính, phù bạch huyết, phù vô căn và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là những nguyên nhân gây phù chân.

Phù nề tiền kinh nguyệt

Hầu hết phụ nữ đều bị phù nề tiền kinh nguyệt và tăng cân. Phù nề có xu hướng lan rộng, xảy ra vài ngày trước khi bắt đầu kinh nguyệt và biến mất trong quá trình bài tiết nước tiểu xảy ra khi bắt đầu kinh nguyệt. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được hiểu rõ. 

Mang thai

Tăng áp lực tĩnh mạch do tử cung to ra gần ngày dự sinh thường dẫn đến phù nề và giãn tĩnh mạch ở chi dưới. 80% phụ nữ mang thai bị phù nề, thường ở tay, chân và mặt. Phù nề thường xuất hiện ở những bệnh nhân tiền sản giật nhưng không còn được coi là yếu tố nguy cơ.

Các thuốc gây phù nề chân

  • Các nhóm thuốc chống tăng huyết áp như thuốc chẹn kênh canxi, methyldopa
  • Các thuốc hormon như Corticosteroid, Estrogen, Progesteron, Testosteron
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase
  • Thuốc chống viêm non steroid 

Nhiều loại thuốc trên lâm sàng có thể gây phù chân

Nhiều loại thuốc trên lâm sàng có thể gây phù chân



Các biện pháp điều trị Phù chân

Điều trị phù chân sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây phù. Nếu có một căn bệnh tiềm ẩn đang gây ra tình trạng phù, việc điều trị chính sẽ tập trung vào việc điều trị căn bệnh đó. Thông thường, khi nguyên nhân gây bệnh được kiểm soát, tình trạng phù cũng sẽ cải thiện đáng kể.

Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Đối với những trường hợp phù chân do lối sống hoặc các yếu tố tạm thời, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Nâng cao chân: hãy nâng cao chân lên cao hơn tim vài lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Bạn có thể kê chân lên gối để tạo độ cao.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: các bài tập đơn giản như đi bộ, đạp xe hoặc tập các bài tập dành riêng cho chân có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm phù nề.
  • Nếu phải ngồi hoặc đứng lâu, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và di chuyển chân tay để tránh tình trạng ứ trệ máu.
  • Sử dụng tất y khoa: tất y khoa có tác dụng nén nhẹ vào chân, giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm phù.
  • Hạn chế muối: giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp giảm giữ nước và giảm phù nề.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng: xoa bóp vùng bị phù theo hướng từ dưới lên trên có thể giúp đẩy chất lỏng về phía tim.
  • Bổ sung hạt dẻ ngựa: một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất hạt dẻ ngựa có thể cải thiện tuần hoàn máu và giảm phù chân. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Giảm cân: nếu bạn thừa cân, việc giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch và giảm phù nề.
  • Thuốc lợi tiểu: trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu để giúp cơ thể đào thải bớt nước thừa.

Giảm phù chân bằng các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Giảm phù chân bằng các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Phù chân xuất hiện có thể là sinh lý nhưng cũng có thể là bệnh lý. Chính vì vậy khi thấy xuất hiện phù chân một hoặc hai bên, có các triệu chứng kèm theo người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một cơ sở uy tín với chất lượng hàng đầu là địa chỉ người bệnh có thể an tâm điều trị.


Tài liệu tham khảo:

  1. Osheroff, M. Lee Chambliss and Mark H. Ebell. The Journal of the American Board of Family Medicine March 2006, 19 (2) 148-160; DOI: https://doi.org/10.3122/jabfm.19.2.148

  2. https://www.healthline.com/health/peripheral-edema#causes
  3. https://www.healthline.com/health/heart-failure/heart-failure-edema#treatment
  4. https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/edema-overview
  5. Triệu chứng học nội khoa - Tập 1 - Trường Đại học Y Hà Nội - GS.TS Ngô Quý Châu


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ