Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
U ác của xoang lê là tình trạng xuất hiện tổ chức ác tính bắt nguồn ở vùng xoang lê, đây là tình trạng phổ biến nhất trong bệnh cảnh của ung thư vùng hạ họng. Khối u hình thành tại vùng xoang lê sẽ phát triển và lây lan tới các vùng lân cận (cụ thể là vùng thanh quản) gây ung thư thanh quản hay ung thư hạ họng. Trong các bệnh lý thuộc vùng tai mũi họng thì ung thư hạ họng được xem là phổ biến và mức độ gây hại cực kỳ cao, chỉ đứng sau ung thư vòm họng và ung thư mũi xoang.
U ác của xoang lê là tình trạng xuất hiện tổ chức ác tính bắt nguồn ở vùng xoang lê
Bệnh nhân mắc ung thư hạ họng nếu được phát hiện sớm thì nguy cơ chữa trị khỏi bệnh sẽ rất cao. Tuy nhiên, hầu hết những ca bệnh ung thư hạ họng khi được phát hiện đều đã tiến triển tới giai đoạn muộn vì vậy khả năng điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở độ tuổi trung niên và tỉ lệ nam giới mắc bệnh thường cao hơn gấp 5 lần so với nữ giới.
Nguyên nhân chính gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, thế nhưng những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh thường đến từ:
- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thường xuyên. Thuốc lá không chỉ là tác nhân gây ra bệnh ung thư xoang lê mà nó còn đem đến nhiều loại bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư phổi. Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư hạ họng thường sẽ tỉ lệ thuận với mức độ hút thuốc của bệnh nhân. Trường hợp người bệnh hút thuốc lá kết hợp với tình trạng nghiện rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên mức cao nhất, đặc biệt đối với những đối tượng tuổi đã cao.
- Vùng hạ họng bị tổn thương thì nguyên nhân dễ nhận thấy nhất chính là do vấn đề vệ sinh răng miệng kém. Vi khuẩn, vi rút sẽ dễ dàng trú ngụ trong khoang miệng khi không được vệ sinh thường xuyên. Chúng sẽ di chuyển xuống vùng hạ họng làm tổn thương các niêm mạc, gây viêm nhiễm vùng họng, các tế bào ung thư sẽ cơ hội tấn công vùng cơ quan đang không khỏe mạnh.
- Ô nhiễm môi trường sống hoặc môi trường làm việc. Đặc biệt những trường hợp công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với bụi gỗ hoặc A-mi-ăng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người bệnh có tiền sử mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng có nguy cơ bị ung thư hạ họng.
Người bệnh có tiền sử mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng có nguy cơ bị bệnh
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhân bị ung thư hạ họng:
- Rối loạn nuốt: Người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt, cảm giác bị vướng mắc ở họng (nhẹ thì 1 bên sau đó sẽ dần bị cả 2 bên).
- Nổi hạch vùng cổ, nốt hạch có dạng rắn, ít di chuyển và không gây đau nhức.
- Đau họng kéo dài khiến cơn đau có thể lan rộng tới vùng tai.
- Giai đoạn muộn sẽ khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nói chuyện, thường xuyên bị khó thở và cân nặng thì giảm sút đáng kể.
Ung thư hạ họng thường không xuất hiện những triệu chứng bệnh một cách rầm rộ mà chỉ im lặng trong một khoảng thời gian khá dài. Xác định được các triệu chứng bệnh có khả năng dự đoán được vùng cơ quan có khối u và giai đoạn tiến triển của ung thư hạ họng. Dưới đây là các dạng ung thư hạ họng thường gặp nhất:
Ung thư xoang lê:
- Xuất hiện khối u ác của xoang lê được xem là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư hạ họng. Cảm giác khó chịu khi nuốt thức ăn hay nuốt nước bọt (chỉ xuất hiện ở một bên họng).
- Triệu chứng đau nhói vùng tai xuất hiện khi cảm giác khó nuốt tăng dần.
- Ho, khạc đờm có thể kèm máu.
Ho, khạc đờm có thể kèm máu
- Khối u phát triển lớn hơn sẽ lan vào vùng thanh quản khiến khả năng nói cũng bị ảnh hưởng, xuất hiện hạch ở cổ.
Ung thư vùng sau nhẫn phễu:
- Khối u có khả năng hình thành và phát triển ở một khu vực khó xác định, thế nhưng phạm vi gây tổn thương sẽ chủ yếu lan rộng xuống miệng thực quản.
- Triệu chứng khó nuốt có khả năng xuất hiện một cách từ từ và rất khó phát hiện.
- Vùng sau nhẫn phễu có hiện tượng gờ lên và có viêm phù nhẹ.
- Chỉ khi bệnh đã chuyển biến khá nặng mới xuất hiện hạch ở cổ.
Ung thư miệng - thực quản:
- Hình thành từ phía dưới thực quản, hạ họng và dần lan rộng tới khí quản hoặc tuyến giáp.
- Hầu hết các triệu chứng đều khó phát hiện, cho đến khi bệnh chuyển biến giai đoạn muộn mới phát hiện ra hạch cổ di căn, ảnh hưởng dây thanh quản,...
Xuất hiện các khối u ác của xoang lê được xem là dạng ung thư nguy hiểm nhất xuất phát từ vùng hạ họng. Khối u từ xoang lê có khả năng phát triển cực mạnh gây tổn thương toàn bộ vùng hạ họng và thanh quản của người bệnh. Tuy vậy, việc phát hiện bệnh từ sớm lại gặp nhiều khó khăn bởi các triệu chứng bệnh không xuất hiện nhiều và rầm rộ. Mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư hạ họng được phân biệt qua 4 giai giai đoạn bệnh:
Xuất hiện các khối u ác của xoang lê được xem là dạng ung thư nguy hiểm nhất xuất phát từ vùng hạ họng
- Giai đoạn 1: Phát triển từ 1 vùng hạ họng (thông thường là xoang lê), tỷ lệ khối u thường nhỏ hơn 2cm và chưa có hiện tượng xâm lấn ra các vùng lân cận, chưa có hạch ở cổ.
- Giai đoạn 2: Khối u đã phát triển lớn hơn (khoảng từ 2-4cm), đã có hiện tượng xâm lấn sang các vị trí khác trong vùng hạ họng hoặc bắt đầu gây tổn thương thanh quản. Ở giai đoạn này người bệnh cũng chưa xuất hiện hạch ở cổ và chưa có biểu hiện di căn sang các khu vực khác.
- Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này khối u từ hạ họng có khả năng đã xâm lấn tới thực quản hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh quản hoặc có kích thước khối u lớn hơn 4cm. Hạch cổ bắt đầu xuất hiện ở 1 bên cổ và có kích thước nhỏ hơn 3cm.
- Giai đoạn 4: Hạch nổi ở cả 2 bên cổ, có di căn xa và hầu hết các phần mềm, xương, sụn đều đã bị các tế bào ung thư gây thương tổn.
Một số nhóm đối tượng được xác định có nguy cơ mắc bệnh ung thư xoang lê khá cao như:
- Đàn ông lớn tuổi có hút thuốc lá và uống rượu thường xuyên.
- Những người bị nhiễm virus HPV.
- Những bệnh nhân mắc hội chứng Plummer-Vinson.
- Bệnh nhân có tiền sử bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh khác gây kích thích vùng họng mạn tính.
Bệnh ung thư xoang lê hay ung thư hạ họng cực kỳ nguy hiểm và có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, do đó mỗi cá nhân đều phải phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh ung thư hạ họng như sau:
- Cai thuốc lá và hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, đặc biệt là những người cao tuổi.
- Phòng tránh nguy cơ bị lây nhiễm vi rút HPV bằng cách quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc xin.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng khoa học. Chú ý bổ sung nhiều thực phẩm chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, hạn chế thức ăn đã qua chế biến nhiều dầu mỡ động vật và hạn chế các loại thịt đỏ.
- Luôn giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều trị triệt để các bệnh về tai mũi họng.
- Chữa trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (nếu có).
- Ngay khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng bệnh liên quan đến họng hay hệ hô hấp (ho, khó thở, đau họng, khó nuốt,...) thì phải tìm tới các cơ sở y tế sớm nhất có thể.
Phòng ngừa u ác xoang lê bằng cách thăm khám khi có dấu hiệu bất thường
Để chẩn đoán bệnh ung thư xoang lê hay ung thư hạ họng thì những xét nghiệm sau đây sẽ được thực hiện:
- Nội soi: Các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi vùng hạ họng và thanh quản nhằm xác định vị trí, số lượng và tính chất khối u đồng thời kết hợp thực hiện sinh thiết chẩn đoán ung thư.
- Giải phẫu bệnh: Bấm sinh thiết chẩn đoán ung thư kết hợp chọc tế bào hạch nhằm kiểm tra mức độ xâm lấn hạch của khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính - CT scan vùng cổ: Xác định mức độ lây lan của khối u ác tới các tổ chức xung quanh hoặc hạch cổ.
Ngoài thực hiện xét nghiệm, người bệnh sẽ được thăm khám nội soi, giải phẫu bệnh,..
Đánh giá mức độ lây lan của khối u ác xoang lê sẽ dựa vào bảng phân loại ung thư của hiệp hội quốc tế chống ung thư (UICC):
T (Tumor) - khối u nguyên phát được thể hiện như sau:
- T0: Không tìm thấy dấu hiệu của khối u nguyên phát.
- T1: Khối u chỉ trú ngụ tại một vị trí.
- T2: Khối u có biểu hiện lây lan sang 1 vị trí khác của vùng hạ họng hoặc xâm lấn 1 vùng tiếp giáp nhưng phần thah quản chưa bị cố định.
- T3: Tương tự như T2 nhưng một phần thanh quản đã bị cố định.
- T4: Khối u đã xâm lấn tới xương, sụn hoặc các lớp mô mềm.
- Tis: Ung thư biểu mô tiền xâm lấn.
- Tx: Chưa có đủ các thông số để xác định có tồn tại khối u nguyên phát.
N (Node) - hạch cổ:
- N0: Không thấy dấu hiệu có hạch.
- N1: Hạch nổi 1 bên, có di động.
- N1a: Hạch di động nhưng chưa có biểu hiện di căn ung thư.
- N1b: Hạch di động và đã có biểu hiện di căn ung thư.
- N2 : Hạch nổi cả 2 bên, có di động.
- N2a: Hạch di động nhưng chưa di căn ung thư.
- N2b: Hạch di động và đã bị di căn ung thư.
- N3: Hạch đã bị cố định.
M (Metastasis) - di căn xa:
- M0: Chưa có di căn xa.
- M1: Đã có di căn xa.
Chính bởi vì việc phát hiện bệnh từ các triệu chứng không rõ ràng là cực kỳ khó khăn, cho nên các chuyên y tế thường khuyến khích thực hiện sàng lọc ung thư định kỳ để sớm phát hiện mầm mống ung thư và kịp thời xử lý.
Rất nhiều người thắc mắc về việc điều trị ung thư hạ họng có chữa được hay không? Các chuyên gia y tế khẳng định bệnh ung thư xoang lê (ung thư vùng hạ họng) chưa có biện pháp điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, với công nghệ y tế hiện đại như ngày nay thì việc kiểm soát tình hình bệnh và giảm nguy cơ chuyển biến nặng là điều có thể thực hiện. Các phương pháp được thực hiện thường sẽ là:
- Phẫu thuật: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân và giai đoạn phát triển của khối u mà người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật khác nhau như: Cắt bỏ toàn phần hạ họng và thanh quản, cắt bỏ 1 phần, cắt bỏ nửa thanh quản và hạ họng, cắt bỏ nửa thanh quản và phần hạ họng trên thanh môn. Đồng thời, các nốt hạch ở cổ cũng sẽ được nạo vét triệt để nhất có thể.
- Tia xạ: Có thể thực hiện xạ trị độc lập hoặc thực hiện sau khi phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư còn sót lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thì nên thực hiện kết hợp tia xạ sau mổ và tia trường tại thanh quản, vùng hạ họng và các dãy hạch xuất hiện ở 2 bên cổ. (Lưu ý với phương pháp trị xạ điều trị ung thư xoang lê: Không được sử dụng lượng tia quá 45Gy khi vị trí cần trị xạ nằm gần tủy sống)
- Sử dụng hóa chất để điều trị ung thư xoang lê (kết hợp điều trị miễn dịch) sẽ được chỉ định cho bệnh nhân ung thư hạ họng giai đoạn cuối.
Sử dụng hóa chất để điều trị ung thư xoang lê
Tiên lượng cho người mắc bệnh ung thư xoang lê (ung thư hạ họng): Trong trường hợp người bệnh có sức khỏe tốt, không mắc phải các bệnh lý nền nghiêm trọng khác và được điều trị bệnh từ giai đoạn sớm thì cơ hội sống sót sau 10 - 15 năm khá cao. Tuy vậy, hầu hết những ca bệnh ung thư hạ họng đều đã chuyển biến đến giai đoạn muộn mới được điều trị cho nên khả năng sống sót sẽ rơi vào khoảng 3-5 năm (chiếm 35%). Nguy cơ tử vong chủ yếu là do bệnh tái phát hoặc di căn ung thư xa hoặc xuất hiện thêm một khối ung thư khác. Chính vì vậy, bệnh nhân đã được điều trị ung thư hạ họng cần phải thăm khám định kỳ theo sự hướng dẫn của các y bác sĩ nhằm kịp thời xử lý những yếu tố đe dọa tính mạng.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!