Từ điển bệnh lý

Rách sụn viền khớp vai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 15-05-2025

Tổng quan Rách sụn viền khớp vai

Sụn viền khớp vai là gì?

Sụn viền khớp vai là một lớp lót trong ổ chảo của xương vai, giúp tăng cường tính ổn định của khớp vai. Tình trạng tổn thương lớp sụn viền này khá thường gặp, nhất là với những đối tượng có chơi các môn thể thao như đánh golf, quần vợt, cầu lông…Phương án điều trị phụ thuộc vào tình trạng tổn thương cũng như triệu chứng của người bệnh, có thể sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, một số trường hợp cần điều trị bằng phẫu thuật.

Khớp vai được tạo thành bởi ổ chảo của xương vai, đầu trên xương cánh tay, viền ổ chảo và hệ thống dây chằng xung quanh. Cũng giống như khớp khuỷu, khớp vai là một trong những khớp cần cử động nhiều. Tuy nhiên, khớp vai lại là một khớp có tính ổn định kém, thường được ví như quả bóng golf nằm trên điểm phát bóng. Do đó, để “gia cố” độ vững chắc cho khớp vai, ổ chảo được làm sâu thêm nhờ một lớp vòng sụn xơ được gắn vào vành ngoài của ổ chảo. Vòng sụn xơ này vừa có tác dụng làm sâu thêm lòng ổ chảo, vừa có tác dụng làm tăng diện tích tiếp xúc với đầu xương cánh tay. Ngoài ra, viền ổ chảo cũng là điểm bám vào của một số dây chằng ổ chảo cánh tay, đây chính là điểm bắt đầu của đầu dài gân cơ nhị đầu cánh tay. Cơ nhị đầu là một cơ lớn ở cánh tay, có vai trò chủ đạo trong việc gấp khuỷu, dạng và xoay cánh tay ra ngoài. Do đó, những tư thế làm cơ nhị đầu căng giãn quá mức, có thể dẫn đến tổn thương phần sụn viền khớp vai.


Cấu trúc của khớp vai



Nguyên nhân Rách sụn viền khớp vai

Rách sụn viền khớp vai hầu hết đều liên quan đến chấn thương hoặc những vận động quá tầm hoặc sai tư thế. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất đó là những lực kéo mạnh nhưng lệch tâm tác động lên cơ nhị đầu cánh tay. Điều này thường gặp ở những bệnh nhân ngã ngửa ra sau ở tư thế cánh tay duỗi thẳng hoặc gặp ở những người nâng một vật nặng quá sức. Trong trường hợp này, vị trí tổn thương thường là viền trên của sụn khớp ổ chảo.

Một tư thế khác cũng thường gây tổn thương sụn viền khớp vai đó là tư thế ném, điều này xảy ra nhiều hơn ở các vận động viên hoặc ở những người có công việc phải dùng lực cánh tay nhiều như thợ rèn, thợ cơ khí (sử dụng búa nhiều). 

Tư thế ném- tư thế thường gây rách sụn viền khớp vai

Tư thế ném- tư thế thường gây rách sụn viền khớp vai

Ngoài ra, những tư thế liên quan đến việc cánh tay cần xoay ra ngoài và dạng một góc 90 độ trở lên làm cơ nhị đầu bị xoắn, do đó cũng làm tăng nguy cơ rách sụn viền

Tổn thương rách sụn viền có thường gặp không?

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có nhiều số liệu về tỷ lệ rách sụn viền. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh lý này chiếm khoảng 10% những nguyên nhân gây đau ở vai. 

Khảo sát ở những bệnh nhân đã từng nội soi khớp vai vì nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ rách sụn viền khớp vai chiếm khoảng 6-26% tùy theo từng nghiên cứu.


Triệu chứng Rách sụn viền khớp vai

Khi sụn viền ổ chảo bị tổn thương, triệu chứng thường gặp nhất là đau trong quá trình vận động và hạn chế tầm vận động của khớp vai. Triệu chứng này thường xuất hiện cấp tính sau chấn thương hoặc sau một số tư thế vận động đặc biệt, tuy nhiên cũng có thể mạn tính, biểu hiện tăng dần, thường gặp ở những đối tượng có những hoạt động liên quan đến vận động khớp vai lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài.

Tình trạng đau thường xuất hiện khi vận động, giảm hơn khi nghỉ ngơi, tình trạng đau xuất hiện vào ban đêm đau không liên quan đến vận động tư thế thường gợi ý đến nguyên nhân đau khác.

Với những bệnh nhân có triệu chứng đau vùng khớp vai, đặc biệt tình trạng đau xuất hiện sau những chấn thương như ngã chống tay ở tư thế duỗi, chấn thương trực tiếp vào vai hoặc sau những tư thế đặc biệt như xách vật nặng, cánh tay bị kéo giãn đột ngột hoặc sau động tác ném gắng sức, những đối tượng này cần được kiểm tra về tính toàn vẹn của sụn viền khớp vai.

Ở những vận động viên chơi các môn thể thao như bóng chuyền, golf, quần vợt, bóng chày…có thể gặp tình trạng suy giảm khả năng ném hoặc tốc độ ném. Một số người có thể nghe thấy tiếng lách cách khi vận động khớp vai.

Rách sụn viền khớp vai có những loại nào?

Rách sụn viền khớp vai thường có 3 loại, phân chia theo vị trí tổn thương:

  • Rách sụn viền trước - dưới, thường làm cho khớp vai mất tính ổn định, mất độ vững chắc.
  • Rách sụn viền trên từ trước ra sau hay còn gọi là rách SLAP, hay gặp ở những vận động viên.
  • Rách sụn viền sau: ít gặp hơn hai loại trên, cũng thường xảy ra ở vận động viên hoặc do chấn thương.

Các biện pháp chẩn đoán Rách sụn viền khớp vai

Việc chẩn đoán rách sụn viền khớp vai không phải dễ dàng, do tổn thương nằm sâu trong ổ khớp, các triệu chứng lâm sàng thường không điển hình. Do đó, khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ rách sụn viền, bác sĩ cần thăm khám cẩn thận, đánh giá chi tiết, phối hợp với các kỹ thuật khám chuyên khoa và các phương tiện cận lâm sàng, đặc biệt là cộng hưởng từ và nội soi khớp.

Nhìn: quan sát xem bệnh nhân có mất đối xứng khớp vai không, có tình trạng teo cơ hay phù nề, co cứng cơ không.

Khám: 

  • Sờ gân cơ nhị đầu đầu gần, nếu bệnh nhân đau gợi ý đến có tổn thương.
  • Đánh giá tầm vận động khớp vai, đặc biệt với các động tác dang cánh tay, xoay trong, xoay ngoài.
  • Quan sát và đánh giá chuyển động của khớp vai.

Một số các kĩ thuật khám chuyên khoa có thể áp dụng như:

  • Kiểm tra trượt trước: người bệnh ở tư thế ngồi, hai tay chống hông. Một tay người khám cố định vai người bệnh, một tay dùng lực đẩy khuỷu người bệnh ra trước và lên trên. Thử nghiệm dương tính khi người bệnh đau.
  • Kiểm tra độ nén quay: người bệnh nằm ngửa, cánh tay dang 90 độ với tư thế gấp khuỷu 90 độ. Người khám dùng lực nén lên cánh tay, đồng thời thực hiện động tác xoay trong và xoay ngoài cánh tay. Nếu có tổn thương sụn viền, người bệnh sẽ đau và khớp vai có cảm giác bị kẹt hoặc phát ra tiếng động.
  • Kiểm tra nén chủ động (O'Brien): bệnh nhân ở tư thế đứng, gập vai ở tư thế 90 độ, khuỷu tay duỗi thẳng. Sau đó khép cánh tay 10-15 độ (cánh tay di chuyển nhẹ vào phía đường giữa cơ thể), xoay cánh tay vào trong cho đến khi ngón cái hướng xuống dưới. Người khám ấn cánh tay xuống dưới (ấn về phía sàn) còn người bệnh kháng lại lực đó để giữ cánh tay ở vị trí cũ. Sau đó bệnh nhân xoay cánh tay ngược lại sao cho lòng bàn tay ở tư thế ngửa, tương tự, người khám ấn cánh tay người bệnh xuống dưới và người bệnh kháng lại lực đó. Khi có tổn thương sụn viền, người bệnh thấy đau ở tư thế đầu và không đau ở tư thế sau.

Cách khám khả năng nén chủ động 

Cách khám khả năng nén chủ động

  • Kiểm tra tay quay: người bệnh ở tư thế ngồi, cánh tay dang 160 độ, khuỷu gấp 90 độ. Người khám một tay dùng lực ấn theo trục cánh tay người bệnh, một tay xoay cánh tay người bệnh vào trong và ra ngoài. Thử nghiệm dương tính nếu nghe thấy tiếng lục cục và người bệnh đau.
  • Kiểm tra Speed hoặc Yergason: với kiểm tra Speed, cánh tay người bệnh ở tư thế ngửa, khuỷu duỗi, hơi gập vai. Người khám dùng lực kéo căng tay người bệnh xuống dưới, người bệnh dùng lực để giữ tay ở tư thế cũ. Với kiểm tra Yergason, cánh tay người bệnh ở tư thế ngửa, khuỷu gấp và tiến hành tương tự như kiểm tra Speed. Kết quả dương tính nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng đau.

Các chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán rách sụn viền khớp vai.

X- quang thường quy: thường được sử dụng để phân biệt với một số nguyên nhân gây đau vái khác. Các vị trí thường được chụp là Xquang khớp vai thẳng-nghiêng, x quang xương vai.

Siêu âm khớp vai, siêu âm phần mềm: không có nhiều giá trị trong chẩn đoán rách sụn viền khớp vai, nhưng thường được sử dụng để xác định tổn thương gân, cơ kèm theo.

Chụp cộng hưởng từ khớp vai là phương tiện thường được sử dụng trong trường hợp nghi ngờ rách sụn viền. Tuy nhiên với các trường hợp rách sụn viền sau, cộng hưởng từ thường khó đánh giá.

Chụp cắt lớp vi tính khớp vai: không phải lựa chọn ưu tiên. Hầu hết được sử dụng khi người bệnh không chụp được cộng hưởng từ.

Nội soi khớp: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. Tuy nhiên đây là một thủ thuật xâm lấn, cần được thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa.



Các biện pháp điều trị Rách sụn viền khớp vai

Việc điều trị rách sụn viền khớp vai cần được cá thể hoá theo từng nhóm đối tượng.

- Với những đối tượng là vận động viên chỉ định phẫu thuật nên được đặt ra sớm, trong thời gian chờ phẫu thuật có thể sử dụng các bài tập tại nhà.

- Với những người có công việc liên quan nhiều đến vận động khớp vai, việc phẫu thuật cũng nên được ưu tiên. Ngược lại, với nhóm người việc cử động khớp vai hạn chế, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là lựa chọn ưu tiên. Nếu tình trạng không cải thiện sẽ xem xét đến phương án phẫu thuật.

- Với những đối tượng trên 60 tuổi, việc phẫu thuật đa số không mang lại nhiều lợi ích, lựa chọn ưu tiên là vật lý trị liệu và phục hồi chức năng khớp vai.

Ban đầu, bệnh nhân được điều trị để giảm triệu chứng đau bằng cách hạn chế các động tác có thể gây triệu chứng. Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (Nsaid’s) hoặc acetaminophen có thể được sử dụng để giảm triệu chứng đau cấp. Khi tình trạng đau được cải thiện, người bệnh sẽ tiến hành các bài tập phục hồi chức năng để cải thiện tầm vận động, tăng sức mạnh cho khớp và khôi phục chuyển động không đau.

Với những người bệnh có nhu cầu hoạt động khớp vai cao hoặc triệu chứng không cải thiện sau khi điều trị bằng phục hồi chức năng, chỉ định phẫu thuật sẽ được đặt ra. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật giảm dần theo độ tuổi và khả năng phục hồi vận động sau phẫu thuật đạt khoảng 70% các trường hợp.


Tài liệu tham khảo:

  1. Mary Lloyd Ireland, MD John R Hatzenbuehler, MD, FACSM, Superior labrum anterior to posterior (SLAP) tears, 2024
  2. Paul L. Liebert, MD, Tomah Memorial Hospital, Tomah, WI, Glenoid Labral Tear


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ