Bác sĩ: BS Ngô Thị Thu Hà
Chuyên khoa: Răng hàm mặt
Năm kinh nghiệm: Trên 5 năm
Trong quá trình phát triển răng, các yếu tố di truyền hoặc yếu tố môi trường (tại chỗ, toàn thân) ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của răng. Các bất thường của răng rất đa dạng, được phân chia thành các loại: bất thường về số lượng, kích thước, hình dạng, cấu trúc, màu sắc, sự mọc răng và thay răng.
Răng thừa là tình trạng số lượng răng vượt quá mức tiêu chuẩn bình thường.
Răng thừa là tình trạng số lượng răng vượt quá mức tiêu chuẩn bình thường, hàm răng sữa là 20 răng (10 răng hàm trên, 10 răng hàm dưới), hàm răng vĩnh viễn là 28 – 32 răng (tùy số lượng răng khôn mọc).
Răng thừa là một trong hai bất thường về số lượng răng, những thay đổi về số lượng răng phát sinh từ các rối loạn trong giai đoạn khởi đầu hay giai đoạn lá răng (sự hủy hoại lá răng hoặc lá răng hoạt động quá mức).
Hình ảnh 1. Răng thừa vùng cửa giữa hàm trên ở trẻ 7 tuổi
Răng thừa xảy ra với tỷ lệ khoảng 0.2 – 0.8% ở hàm răng sữa, 1.5 – 3% ở hàm răng vĩnh viễn; tỷ lệ nam/ nữ là 2:1, hàm trên/ hàm dưới là 5:1. Tỷ lệ người bệnh có răng thừa ở hàm răng sữa thì có tới 30 – 50% nguy cơ có răng thừa ở hàm răng vĩnh viễn.
Răng thừa thường xuất hiện nhiều nhất ở kẽ hai răng cửa hàm trên, tiếp đến là vùng răng hàm (phía má), vùng răng hàm nhỏ thứ hai hàm dưới, có trường hợp đối xứng hai bên cung hàm.
Răng thừa có thể có hình dạng bình thường (gọi là răng thêm), đa số các răng thừa thường nhỏ, dị dạng, có hình chóp hay hình củ.
Hiện nay nguyên nhân gây nên tình trạng thừa răng có nhiều giả thuyết khác nhau, liên quan đến những rối loạn trong quá trình hình thành răng.
Do sự tăng trưởng quá mức của lá răng tạo nên các mầm răng thừa.
Do sự tăng trưởng quá mức của lá răng tạo nên các mầm răng thừa hoặc do sự dài ra của các lá răng.
- Do sự phân đôi của một mầm răng bình thường:
- Nếu sự phân chia đồng đều thì răng thừa có hình dáng bình thường.
- Nếu sự phân chia không đồng đều thì răng thừa có hình dáng bất thường.
Răng thừa có liên quan rõ rệt với tình trạng răng lộn vào trong, khe hở môi hàm ếch (40%), hội chứng miệng – mặt – tay, hội chứng loạn sản đòn sọ, hội chứng Gardner: nhiều u xương ở xương hàm, u xơ, nang ở da, polyp ruột. Tỷ lệ mọc thừa răng ở trẻ bị sứt môi là 22.2%, loạn phát xương đòn sọ dao động khoảng 22%.
Răng thừa không phải là trường hợp phổ biến trong cộng đồng, có thể có triệu chứng hoặc không tùy thuộc vào vị trí mọc răng.
Răng thừa có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hay ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám chuyên khoa.
- Răng thừa có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hay ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám chuyên khoa hoặc khi chụp phim X-quang răng.
- Răng thừa ở vị trí giữa 2 răng cửa giữa hàm trên thường gặp nhất và biểu hiện sớm ở thời kỳ răng hỗn hợp của trẻ bằng khe thưa bất thường giữa 2 răng cửa.
- Một số trường hợp, răng thừa gây nên tình trạng dắt thức ăn, khó vệ sinh răng miệng có thể dẫn đến sâu răng hoặc viêm lợi vùng kẽ.
- Răng thừa ngầm cũng có thể hình thành nang răng, gây đè đẩy và tiêu chân răng lân cận, tiêu xương và ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng ăn nhai, cuộc sống của người bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc răng thừa, bao gồm:
- Nếu cha mẹ hoặc người thân mắc bệnh mọc thừa răng thì nguy cơ đứa con cũng mắc bệnh này rất cao.
- Một số nhà nghiên cứu khoa học cho rằng môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây bệnh mọc thừa răng, đặc biệt mọc thừa rất nhiều răng.
Cha mẹ hoặc người thân mắc bệnh mọc thừa răng thì nguy cơ đứa con cũng mắc bệnh này rất cao.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng răng thừa và đưa ra các phương án điều trị kịp thời, cần phối hợp các phương pháp chẩn đoán sau:
Hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng
Việc thăm khám lâm sàng trực tiếp giúp bác sĩ nắm được các vấn đề gây khó chịu cho bệnh nhân, đồng thời giúp định hướng phương pháp cận lâm sàng phù hợp với tình trạng của người bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị đúng và dự phòng cho bệnh nhân.
Phim X quang răng
Phim X – quang răng là phương tiện chẩn đoán có giá trị và hiệu quả với trường hợp răng thừa.
Phim thường dùng trong chẩn đoán răng thừa:
- Phim cận chóp
- Phim cắn.
- Phim panorama.
- Phim Cephalometric.
- Phim CT Conebeam.
Phim CT Conebeam là phương tiện đặc biệt được chỉ định trong các trường hợp răng ngầm, hình ảnh 3D và các lát cắt giúp xác định chính xác vị trí và tương quan của răng thừa ngầm với các tổ chức khác, giúp xử trí điều trị chính xác và hiệu quả.
Việc đưa ra quyết định điều trị với răng thừa phụ thuộc nhiều vào vị trí răng mọc, ảnh hưởng của răng hoặc nguy cơ biến chứng đối với các răng lân cận và tổ chức xung quanh. Xử lý răng thừa là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện, không nên xem xét riêng lẻ.
Chỉ định nhổ bỏ răng thừa
- Răng thừa vùng cửa gây chậm mọc hoặc chèn ép răng cửa, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc răng thừa gây nên sự thay đổi mọc răng hoặc chiếm chỗ răng cửa giữa.
- Răng thừa gây cản trở khớp cắn, tạo nang, gây bệnh lý khác như sâu răng, viêm lợi…
Răng thừa gây cản trở khớp cắn, tạo nang, gây bệnh lý khác như sâu răng, viêm lợi…
- Chỉnh hình răng của một răng cửa gần răng thừa được dự kiến điều trị.
- Răng thừa vùng cửa gây ảnh hưởng đến việc ghép xương ổ răng thứ cấp ở bệnh nhân khe hở môi và hàm ếch.
Chỉ định theo dõi không nhổ bỏ răng thừa
- Răng liên quan đã mọc đầy đủ, đúng chỗ.
- Không có kế hoạch điều trị chỉnh hình răng mặt.
- Răng thừa không gây biến chứng: cản trở khớp cắn, ảnh hưởng thẩm mỹ, tạo nang, gây sâu răng…
- Nhổ bỏ răng thừa gây ảnh hưởng xấu tới các răng liên quan hoặc răng kế cận.
Lưu ý khi nhổ bỏ răng thừa
- Răng thừa có thể không biểu hiện triệu chứng gì hoặc có thể gây biến chứng, ảnh hưởng tới ăn nhai và cuộc sống người bệnh. Khi răng thừa có chỉ định nhổ bỏ, cần lưu ý các vấn đề sau:
Trước khi nhổ răng
- Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá kỹ vị trí, tương quan, ảnh hưởng của răng thừa với các răng lân cận và tổ chức xung quanh trước khi thực hiện nhổ bỏ.
- Bác sĩ chỉ định các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để đánh giá: chụp phim kiểm tra (trường hợp răng thừa ngầm cần chỉ định chụp phim CT Conebeam), xét nghiệm máu trước nhổ răng.
Trong khi nhổ răng
- Tùy vị trí răng mọc thừa sẽ có phương án nhổ bỏ phù hợp, nhổ răng thông thường hoặc nhổ răng phẫu thuật.
Sau nhổ răng
- Chăm sóc sau nhổ răng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, không tự ý sử dụng thuốc hoặc không dùng thuốc theo đơn.
- Theo dõi các phản ứng bất thường sau nhổ răng như sốt cao, chảy máu kéo dài, đau nhức nhiều… để báo bác sĩ điều trị kịp thời xử trí các vấn đề.
Dự phòng
- Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần giúp phát hiện sớm những bất thường số lượng răng như thiếu răng hoặc thừa răng, ảnh hưởng tới các răng lân cận hoặc gây biến chứng bệnh lý.
- Thăm khám kiểm tra răng ngay khi có các triệu chứng bất thường để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng lâu dài.
Hyperdontia
- Hyperdontia là thuật ngữ chỉ tình trạng mọc quá nhiều răng trong miệng. Đây là bệnh hiếm gặp, chiếm 1 – 4% dân số thế giới, thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
- Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng hyperdontia vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy mối liên quan giữa bệnh hyperdontia và một số rối loạn di truyền sau: Hội chứng Gardner, hội chứng Ehlers – Danlos, bệnh Fabry, khe hở môi và hàm ếch, hội chứng loạn sản đòn sọ.
- Chẩn đoán Hyperdontia dựa vào thăm khám lâm sàng (rất dễ nhận ra khi các răng mọc trên hàm, trong miệng) hoặc dựa vào chụp phim X – quang răng để kiểm tra.
Trong một số trường hợp, hyperdontia không cần điều trị, một số trường hợp khác cần phải nhổ bỏ toàn bộ răng mọc thừa. Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định nhổ bỏ nếu:
- Răng mọc thừa nhiều kết hợp các tình trạng rối loạn di truyền.
- Không thể ăn nhai được hoặc những răng mọc thừa gây tổn thương niêm mạc, môi má khi ăn nhai.
- Răng thừa gây tình trạng đau hoặc khó chịu cho người bệnh.
- Khó khăn trong vệ sinh răng miệng (chải răng, sử dụng chỉ tơ nha khoa), gây sâu răng hoặc viêm lợi.
- Răng thừa ảnh hưởng tới thẩm mỹ hoặc gây khó chịu cho người bệnh.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!