Từ điển bệnh lý

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 28-02-2025

Tổng quan Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Giấc ngủ là một quá trình sinh lý thiết yếu, giúp cơ thể và não bộ phục hồi sau một ngày làm việc. Một giấc ngủ ngon không chỉ mang lại cảm giác sảng khoái khi thức dậy mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và hiệu suất làm việc.

Hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm để đảm bảo cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, như căng thẳng, lối sống không khoa học, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ…

Theo ước tính, có khoảng 70 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ đang gặp các vấn đề về giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ rối loạn giấc ngủ vào khoảng 23-56% dân số, làm gia tăng các bệnh lý tâm thần, rối loạn nhận thức và giảm tuổi thọ.

Tỉ lệ giấc ngủ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Tỉ lệ giấc ngủ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Vậy rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì?

Đầu tiên, rối loạn giấc ngủ là tình trạng giấc ngủ không được đảm bảo về thời gian, chất lượng hoặc tính chu kỳ, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cơ thể và các hoạt động vào ban ngày. Theo hệ thống phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ (ICSD-3), các rối loạn giấc ngủ được phân thành sáu nhóm chính. Một trong những nhóm quan trọng nhất là rối loạn giấc ngủ không thực tổn (F51 theo ICD-10) – tức là những rối loạn giấc ngủ không có tổn thương thực thể rõ ràng, mà chủ yếu liên quan đến các yếu tố tâm lý, thần kinh và hành vi.

Nhóm này bao gồm:

- Mất ngủ không thực tổn: Khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu, trằn trọc, dễ thức giấc và khó ngủ trở lại. 

- Ngủ nhiều: Ngủ ngày quá mức hoặc các cơn buồn ngủ không giải thích được, ngủ nhiều nhưng thức dậy vẫn cảm thấy không đủ.

- Rối loạn nhịp thức - ngủ: Chu kỳ ngủ bị rối loạn, dẫn đến khó ngủ vào ban đêm và buồn ngủ vào ban ngày.

- Mộng du: Người bệnh thực hiện các hành động khi đang ngủ nhưng không có ý thức, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

- Chứng hoảng sợ khi ngủ: Cơn hoảng sợ dữ dội khi ngủ, người bệnh ngồi hay đứng dậy, la hét sợ hãi, nhưng khi thức giấc thường không nhớ gì.

- Ác mộng: Những giấc mơ đáng sợ, gây tỉnh giấc đột ngột, người bệnh nhớ rất chi tiết về nội dung giấc mơ.

Không giống như các rối loạn giấc ngủ có nguyên nhân thực thể như hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn vận động giấc ngủ hay chứng ngủ rũ, nhóm rối loạn này chủ yếu liên quan đến yếu tố tâm lý, thói quen sinh hoạt.

Mộng du gây nguy hiểm cho người bệnh và cả những người xung quanh

Mộng du gây nguy hiểm cho người bệnh và cả những người xung quanh



Nguyên nhân Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh có xu hướng tăng theo độ tuổi, đặc biệt ở người trung niên và người già. Bênh cạnh đó, các yếu tố do lối sống hiện đại cũng làm gia tăng đáng kể tỷ lệ bệnh:

- Áp lực công việc và stress: Căng thẳng kéo dài gây rối loạn nhịp thức - ngủ, làm khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

- Lối sống tĩnh tại: Ít vận động làm cơ thể khó thư giãn, khó vào giấc ngủ.

- Sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ: Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính làm ức chế sản xuất melatonin - hormone quan trọng giúp điều hòa giấc ngủ.

- Ảnh hưởng của COVID-19: Thời gian giãn cách xã hội, thay đổi thói quen sinh hoạt, sự lo lắng về sức khỏe và tài chính làm tăng tỷ lệ mất ngủ.

Đại dịch COVID-19 để lại nhiều ảnh hưởng làm gia tăng tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Đại dịch COVID-19 để lại nhiều ảnh hưởng làm gia tăng tình trạng rối loạn giấc ngủ.



Triệu chứng Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể, gây ra nhiều biểu hiện khác nhau. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là mất ngủ kéo dài, người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, thức giấc nhiều lần trong đêm rồi không thể ngủ tiếp. Hệ quả là cơ thể luôn mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, kém tập trung và dễ cáu gắt. 

Ngược lại, một số người lại buồn ngủ ban ngày quá mức, dù đã ngủ đủ giờ vào ban đêm nhưng vẫn luôn cảm thấy buồn ngủ, ngủ gật không kiểm soát và gặp khó khăn trong việc duy trì sự tỉnh táo, ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt hằng ngày. 

Nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ, khiến giờ giấc ngủ bị xáo trộn, thường xuyên thức khuya, ngủ bù vào cuối tuần hoặc có cảm giác lệch múi giờ, nhất là ở những người làm việc theo ca. 

Một tình trạng khác cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ là cảm giác khó chịu ở chân khi nằm ngủ, đặc biệt là hội chứng chân không yên, gây ngứa ran, bồn chồn, thôi thúc bệnh nhân phải di chuyển chân liên tục, làm gián đoạn giấc ngủ.

Bên cạnh đó, hành vi bất thường khi ngủ cũng là triệu chứng đáng lưu ý, bao gồm mộng du, nói mớ, giật mình tỉnh giấc đột ngột hoặc có những hành động mạnh như đấm đá, vùng vẫy khi ngủ. 

Một số người còn gặp ác mộng và chứng kinh hoàng khi ngủ, gây lo lắng, tim đập nhanh, tỉnh giấc giữa đêm. Trong khi ác mộng thường khiến người bệnh tỉnh táo ngay sau khi thức dậy, thì chứng kinh hoàng khi ngủ lại khiến họ hoảng loạn nhưng không nhớ gì khi tỉnh dậy.

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị rối loạn ăn uống do giấc ngủ, họ thường vô thức ăn uống vào ban đêm mà không hề nhớ gì vào sáng hôm sau. Điều này có thể dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calo, gây tăng cân không rõ nguyên nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lâu dài.



Các biến chứng Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Rối loạn giấc ngủ kéo dài không những gây mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm:

- Suy giảm chức năng não bộ: Mất ngủ làm suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, ảnh hưởng đến công việc và học tập.

- Gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần: Mất ngủ mạn tính có thể là yếu tố khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.

- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Thiếu ngủ làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

- Rối loạn chuyển hóa và nội tiết: Mất ngủ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp II do rối loạn điều hoà hormone insulin.

- Suy giảm hệ miễn dịch: Cơ thể dễ mắc bệnh hơn, chậm phục hồi sau bệnh tật.

- Gia tăng nguy cơ tai nạn: Buồn ngủ ban ngày làm giảm khả năng phản xạ, tăng nguy cơ tai nạn giao thông và lao động.

- Giảm tuổi thọ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ kém có liên quan đến tỷ lệ tử vong sớm cao hơn do bệnh tim mạch, ung thư và suy giảm miễn dịch.

Buồn ngủ ban ngày cực kỳ nguy hiểm cho người tham gia giao thông.



Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Việc chẩn đoán đòi hỏi sự kết hợp giữa tiền sử lâm sàng, trắc nghiệm chuyên biệt và xét nghiệm cận lâm sàng nhằm loại trừ các nguyên nhân thực thể.

  • Hỏi tiền sử và khám lâm sàng:

Bác sĩ sẽ thu thập thông tin chi tiết về giấc ngủ của bệnh nhân, bao gồm:

- Thời gian ngủ trung bình, chất lượng giấc ngủ, thời gian thức giấc ban đêm, triệu chứng đi kèm như ác mộng, mộng du, hội chứng chân không yên.

- Tiền sử bệnh lý thần kinh, tâm thần (trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn).

- Thói quen sinh hoạt như uống rượu, sử dụng caffeine, tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ.

- Danh sách các thuốc đang sử dụng (bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn).

  • Công cụ đánh giá rối loạn giấc ngủ

Một số trắc nghiệm giúp xác định mức độ rối loạn giấc ngủ:

- Thang điểm buồn ngủ Epworth: Đánh giá mức độ buồn ngủ ban ngày.

- Thang đo mức độ mệt mỏi: Phân biệt giữa buồn ngủ và mệt mỏi kéo dài.

- Chỉ số mức độ mất ngủ: Xác định mức độ nghiêm trọng của mất ngủ.

- Trắc nghiệm chất lượng giấc ngủ Pittsburgh: Đánh giá tổng thể chất lượng giấc ngủ.

- Nhật ký giấc ngủ: Ghi nhận thời gian ngủ, số lần thức giấc, cảm giác tỉnh táo sau khi ngủ dậy trong ít nhất hai tuần.

  • Xét nghiệm cận lâm sàng

Để loại trừ các nguyên nhân thực thể, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm:

- Xét nghiệm máu: Công thức máu, sinh hóa máu, hormone tuyến giáp, sắt và ferritin.

- Xét nghiệm nước tiểu: Sàng lọc chất ma túy, kiểm tra các chất gây nghiện.

- Điện não đồ: Phát hiện hoạt động não bất thường.

- Đo đa ký giấc ngủ: Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, giúp đánh giá giấc ngủ qua các thông số như sóng não, nhịp thở, nhịp tim, cử động cơ.

- Test tiềm thời giấc ngủ: Được thực hiện sau khi đo đa ký giấc ngủ, đánh giá mức độ buồn ngủ ban ngày và phân biệt các nguyên nhân như ngủ rũ, rối loạn nhịp sinh học.

- CT scan hay MRI chỉ được chỉ định khi có nghi ngờ về các bệnh lý thần kinh hoặc rối loạn giấc ngủ có căn nguyên thực thể.

Đo đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.

Đo đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.



Các biện pháp điều trị Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Điều trị bệnh cần sự tiếp cận đa chiều, kết hợp giữa điều chỉnh lối sống, liệu pháp tâm lý và thuốc. Mục tiêu chính là cải thiện chất lượng giấc ngủ, điều chỉnh nhịp sinh học và giảm thiểu các yếu tố gây rối loạn giấc ngủ.

  • Nguyên tắc điều trị

- Tìm nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ: căng thẳng tâm lý, lo âu, trầm cảm hay rối loạn nhịp sinh học.

- Hạn chế lạm dụng thuốc ngủ, ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc trước.

- Kết hợp vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp hành vi và điều trị dược lý khi cần.

  • Vệ sinh giấc ngủ

- Duy trì lịch ngủ cố định: Ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần.

- Tránh các chất kích thích: Không dùng cà phê, trà đặc, rượu, nicotine ít nhất 4-6 tiếng trước khi ngủ.

- Không ăn quá no trước khi ngủ: Bữa tối nên cách giờ ngủ ít nhất 3-4 tiếng.

- Hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh: Không sử dụng điện thoại, máy tính ít nhất 1 tiếng trước khi ngủ.

- Không ngủ trưa quá dài: Giấc ngủ ngắn nên dưới 30 phút để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

- Tạo không gian ngủ lý tưởng: Phòng ngủ cần yên tĩnh, nhiệt độ mát mẻ, tránh ánh sáng mạnh và tiếng ồn.

Ánh sáng xanh làm ức chế hormone điều hoà giấc ngủ, cần hạn chế tối đa.

Ánh sáng xanh làm ức chế hormone điều hoà giấc ngủ, cần hạn chế tối đa.

  • Liệu pháp tâm lý và hành vi

- Chỉ đi ngủ khi cảm thấy buồn ngủ, không dùng giường cho các hoạt động khác như xem TV, làm việc.

- Giới hạn thời gian nằm trên giường để tăng nhu cầu ngủ tự nhiên.

- Tập thiền, hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ để giảm căng thẳng.

- Hướng dẫn bệnh nhân hiểu về tầm quan trọng của giấc ngủ và cách điều chỉnh thói quen phù hợp.

  • Điều trị bằng thuốc: Trong một số trường hợp, khi các biện pháp không dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc hỗ trợ giấc ngủ trong thời gian ngắn. Việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và không nên lạm dụng để tránh nguy cơ lệ thuộc. 

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ và can thiệp tâm lý giữ vai trò quan trọng. Nếu tình trạng kéo dài, người bệnh nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế để có hướng điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng nghiêm trọng.



Tài liệu tham khảo:

  1. Karna, B., Sankari, A., & Tatikonda, G. (2023, June 11). Sleep disorder. In StatPearls [Internet]. Tre`sure Island (FL): StatPearls Publishing; 2025 Jan-. Retrieved February 23, 2025, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560720/
  2. Szelenberger, W., & Soldatos, C. (2005). Sleep disorders in psychiatric practice. World Psychiatry: Official Journal of the World Psychiatric Association (WPA), 4(3), 186–190.
  3. Tumurbaatar, E., Tumur-Ochir, G., Bat-Erdene, E., Munkhbat, T. I., Erdenebaatar, C., Bumandorj, B., & Jadamba, T. (2023). Nonorganic sleep disorders and sleep quality among the general population of Mongolia. Proceedings of the Mongolian Academy of Sciences, 35-46.
  4. What to know about 5 sleep disorders. (2021, August 31). Medically reviewed by Raj Dasgupta, MD. Retrieved February 23, 2025, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/sleep-disorders
  5. World Health Organization. (1992). The ICD-10 classification of mental and behavioural disorders: Clinical descriptions and diagnostic guidelines (Vol. 1). World Health Organization.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ