Từ điển bệnh lý

Rối loạn tiền đình : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn thăng bằng của cơ thể do tổn thương hệ thống tiền đình của tai trong (rối loạn tiền đình ngoại biên), các trung tâm xử lý của hệ thần kinh trung ương (Rối loạn tiền đình ngoại biên) hoặc cả hai. Các triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương có thể chồng chéo lên nhau và việc phân biệt đôi khi gặp nhiều khó khăn. Các triệu chứng thường bao gồm chóng mặt, mất thăng bằng …




Nguyên nhân Rối loạn tiền đình

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có thể được phân loại thành 2 nhóm: nguyên nhân ngoại biên và nguyên nhân trung ương, triệu chứng cả hai đều có thể biểu hiện cấp tính hoặc mãn tính. Thuật ngữ "ngoại biên" dùng để chỉ bệnh lý của chính hệ thống tiền đình bào gồm: mê đạo màng và dây thần kinh tiền đình. Thuật ngữ "trung ương" dùng để chỉ bệnh lý của hệ thần kinh trung ương.

Rối loạn tiền đình ngoại biên

  • Chóng mặt kịch phát lành tính khi thay đổi tư thế (Benign Paroxysmal Positional Vertigo - BPPV)
  • Bệnh Ménière (Ménière's disease - MD)
  • Viêm thần kinh tiền đình cấp tính
  • Bệnh lý tiền đình do ngộ độc

+ Ngộ độc tiền đình do rượu

+ Ngộ độc tiền đình do các kháng sinh nhóm Aminoglycoside

+ Ngộ độc tiền đình do Salycilates

+ Ngộ độc tiền đình do Quinine và Quinidine

+ Ngộ độc tiền đình do Cisplatine

Rối loạn tiền đình trung ương:

  • Bệnh não Wernicke
  • Nhồi máu não khu vực động mạch sống nền
  • Chảy máu tiểu não
  • Xơ cứng rải rác
  • Thất điều Freidreich


Dịch tễ học

  • Theo nghiên cứu Furman và cộng sự năm 2010, người bệnh mắc chứng rối loạn tiền đình có nguy cơ té ngã cao hơn do chóng mặt và mất thăng bằng dáng đi, và té ngã là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong ở người bệnh từ 70 tuổi trở lên.
  • Tỷ lệ mắc chứng rối loạn tiền đình chung trong 1 năm là 4,9%, trong khi tỷ lệ mắc trong suốt cuộc đời là 7,4%. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tiền đình bao gồm giới tính nữ, trình độ học vấn thấp, tuổi trên 40, bệnh tim mạch và rối loạn trầm cảm.
  • Nguy cơ mắc rối loạn tiền đình ngoại biên do nhóm bệnh lý mạch máu não tăng hơn ở nam giới, người thừa cân, có thói quen sử dụng rượu - bia, sử dụng thuốc lá, những người có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, người có rối loạn chuyển hóa Lipid



Triệu chứng Rối loạn tiền đình

1. Các triệu chứng chung

1.1. Chóng mặt

- Đây là triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiền đình tiền đình. Chóng mặt điên hình (vertigo) là cảm giác không có thật (illusion) về chuyển động của cơ thể hoặc của môi trường xung quanh thường kết hợp với các triệu chứng khác như cảm giác cơ thể bị lật nhào hoặc bị lôi đi (impulsion) hoặc cảm giác như người đang di chuyên thụt lùi hoặc tiền về phía trước hoặc các đồ vật nhảy nhót trước mắt (oscillopsia), nôn, buồn hoặc thất điều.

- Thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã ...

1.2. Rối loạn thăng bằng

Có nhiều mức độ:

- Rối loạn mức độ nặng: người bệnh không thể đứng được, dấu hiệu này thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên.

- Rối loạn mức độ nhẹ hoặc vừa: được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám tiền đình.

+ Dấu hiêu Römberg: người bệnh ở tư thế đứng thẳng hai chân chụm, hai tay dang thẳng ra phía trước, hai mắt nhắm. Dấu hiệu Römberg xuất hiện khi người bệnh đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía (về phía tổn thương).

Cũng làm như trên nhưng hai ngón tay trỏ của người bệnh gần chạm với hai ngón tay trỏ của thầy thuốc (đứng đối diện với người bệnh) có hiện tượng di lệch các ngón tay về một phía.

+ Bước đi hình sao: người bệnh nhắm mắt ở tư thế đứng, thầy thuốc yêu cầu họ bước về phía trước một đoạn sau đó lùi về phía sau. Song nhiều lần làm như vậy do người bệnh luôn lệch về một phía nên đường đi sẽ không thẳng mà có hình zic zắc (như hình sao).

+ Rung giật nhãn cầu (nystagmus): là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục, có nhịp, khá đều đặn và liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau. Trong hội chứng tiền đình, nystagmus bao gồm hai chuyển động xen kẽ nhau (một nhanh và một chậm) với đặc điểm:

* Hướng chuyển động: ngang, ngang - quay, dọc, đa hướng.

* Chiều của rung giật nhãn cầu theo quy ước là chiều chuyển nhanh của nhãn cầu.

* Có thể xuất hiện một cách tự phát hoặc khi nhìn ngang hoặc khi nghiệm pháp nhiệt (thầy thuốc dùng nước nóng 44 độ C và và nước lạnh 30 độ C bơm vào ống tai ngoài để gây kích thích vào các ống bán khuyên sẽ gây nên dấu hiệu rung giật nhãn cầu). Tuỳ theo hướng của rung giật nhãn cầu để xác định bên nào có tổn thương tiền đình, nếu kích thích nước nóng rung giật nhãn giật về bên tổn thương, nếu kích thích nước lạnh thì giật về bên đối diện.

  1. Đặc điểm riêng

2.1. Rối loạn tiền đình ngoại biên

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên thường có xu hướng tồn tại trong các giai đoạn ngắn, không thường xuyên, gây khó chịu cho người bệnh nhiều hơn loại có nguồn gốc trung ương.
  • Rung giật nhãn câu thường xuất hiện phối hợp cùng chóng mặt. Rung giật thường một hướng, không có dạng đánh dọc, mất đi khi nhìn cố định.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể giảm thính lực hoặc ù tai do tổn thương dây thần kinh sọ số 8.

2.2. Chóng mặt do nguồn gốc trung ương

  • Thường do các tổn thương ở các nhân tiền đình ở thân não hoặc các đường kết nối. Chóng mặt do tổn thương tiểu não ít gặp hơn.
  • Chóng mặt do nguồn gốc trung ương có thể kèm theo rung giật nhãn cầu hoặc không. Rung giật nhãn cầu có thể đánh dọc, đánh ngang, một hoặc nhiều hướng, có thể có đặc trưng khác nhau ở hai mắt.
  • Ngoài ra, chóng mặt còn kèm theo các triệu chứng thần kinh khu trú như các thiếu sót về vận động và/hoặc cảm giác, tăng phản xạ gân xương, dấu hiệu Babinski, thất điều chi hoặc nói khó.



Các biến chứng Rối loạn tiền đình

  • Biến chứng liên quan đến rối loạn tiền đình nói chung là kết quả của nguy cơ té ngã tăng lên và chất lượng cuộc sống giảm sút. Đặc biệt ở những người bệnh cao tuổi, di chứng của những lần té ngã nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí tử vong.
  • Bất kể thế nào, những người bệnh bị chóng mặt nghiêm trọng vẫn bị suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống do không thể thực hiện nhiều hoạt động thường ngày mà những người khác thường xuyên dựa vào, chẳng hạn như lái ô tô, vận hành máy móc, đi xe đạp, chạy hoặc thậm chí là đi bộ. Nhiều người bệnh bị chóng mặt mất khả năng làm việc trong lĩnh vực mà họ đã từng làm trước đây hoặc thậm chí là không thể làm việc. Khi rối loạn chức năng tiền đình là do bệnh lý ngoại biên, mất thính lực có thể đi kèm và làm trầm trọng thêm tình trạng khuyết tật, giống như các bệnh lý thần kinh sọ não hoặc các triệu chứng thần kinh khác có thể cùng tồn tại với các nguyên nhân gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương.



Phòng ngừa Rối loạn tiền đình

  • Giáo dục người bệnh là một phần quan trọng trong quá trình quản lý lâm sàng rối loạn tiền đình. Trọng tâm ban đầu của quá trình điều trị phải là chẩn đoán chính xác dựa trên tiền sử bệnh chi tiết, khám sức khỏe toàn diện và xét nghiệm chẩn đoán hỗ trợ. Sau khi chẩn đoán được xác định, sẽ cung cấp tư vấn về chẩn đoán và tiên lượng. Việc lập kế hoạch chăm sóc cá nhân giúp người bệnh có thể tự chịu trách nhiệm và chủ động chăm sóc bản thân. Thuốc kiểm soát triệu chứng thường hữu ích, nhưng người bệnh cần được tư vấn về các tác dụng phụ và tương tác thuốc tiềm ẩn mà các loại thuốc này có thể gây ra.
  • Đối với những người bệnh bị chóng mặt thực sự, người bệnh cần đi khám bởi bác sĩ tai mũi họng và bác sĩ thần kinh. Việc phát hiện sớm những người bệnh bị chóng mặt do nguyên nhân hệ thần kinh trung ương là điều cần thiết. Các bác sĩ lâm sàng cần phải quen thuộc với các kỹ thuật khám tại giường để phân biệt nguyên nhân ngoại biên và nguyên nhân trung ương của chóng mặt, cũng như hiểu được cách diễn biến thời gian và các triệu chứng liên quan giúp thu hẹp chẩn đoán.

Do vậy, rối loạn tiền đình là hội chứng thường gặp và có thể tiềm ẩn rất nhiều bệnh lý phức tạp phía sau. Khi có triệu chứng cần phải khám bởi bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân chính xác cho triệu chứng đó.

Những câu hỏi cần hỏi bao gồm:

  • Chóng mặt có phải là rối loạn tiền đình?

Chóng mặt chỉ là 1 triệu chứng có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý. Đây là triệu chứng thường gặp trong rối loạn tiền đình.

  • Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn tiền đình?

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có thể được phân loại thành 2 nhóm: nguyên nhân ngoại biên và nguyên nhân trung ương. Cự thể trình bày ở trên

  • Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán tình trạng bệnh của mình?

Khi có triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình cần tới cơ sở y tế để khám chuyên khoa.

  • Tôi cần phải điều trị những gì khi bị tiền đình?

Tùy nguyên nhân mà có phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng bệnh của bạn.

  • Rối loạn Tiền đình có hay tái phát?

Tùy nguyên nhân khác nhau mà có thể tái phát hay không, do vậy Bạn cần khám chuyên khoa để điều trị theo nguyên nhân, giảm thiểu triệu chứng tái phát

  • Rối loạn tiền đình có phải là tai biến mạch máu não?

Triệu chứng tiền đình có thể là 1 trong các triệu chứng của tai biến mạch máu não.



Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn tiền đình

Xét nghiệm: các xét nghiệm huyết học, nồng độ hóc môn tuyến giáp, ceruloplasmine, đồng, men gan, định lượng nồng độ vitamin B12 ....

- Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để phát hiện các tổn thương ở thân não, tiểu não (dị tật, u não, đột quỵ).

- Đo thính lực đồ: Kiểm tra các dấu hiệu mất/giảm thính lực hoặc các triệu chứng như ù tai có thể liên quan đến rối loạn tiền đình.

- Điện thế khêu gợi: điện thế khêu gợi thị giác hữu ích trong hỗ trợ chẩn đoán xơ cứng rải rác hoặc điện thế khu gọi thính giác hỗ trợ chẩn đoán tổn thương hệ tiền đình ngoại vi.



Các biện pháp điều trị Rối loạn tiền đình

  • Đây là hội chứng có rất nhiều nguyên nhân gây ra, do vậy tùy theo nguyên nhân khác nhau mà có thể có phương pháp điều trị đặc hiệu hoặc không.

Tiên lượng

  • Tiên lượng của rối loạn tiền đình phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân. Tiên lượng của BPPV là tốt khi được điều trị thích hợp nhưng thường tái phát. Bệnh Ménière được đặc trưng bởi các cơn tái phát và bệnh tiến triển, dẫn đến cả mất thính lực và các vấn đề về thăng bằng dẫn đến khuyết tật; theo thời gian, tai thứ hai bị ảnh hưởng tới 47% các trường hợp, với 78% xảy ra tuần tự thay vì đồng thời. Kiểm soát triệu chứng và phục hồi chức năng bằng cách thay đổi lối sống làm chậm tiến triển nhưng có thể không ngăn ngừa hoàn toàn. Các quá trình khác, chẳng hạn như viêm dây thần kinh tiền đình và viêm mê đạo, có thể tự khỏi
  • Tiên lượng cho chứng chóng mặt do tổn thương trung ương là khác nhau, tuy nhiên thường là xấu.



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ