Từ điển bệnh lý

Sảy thai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Sảy thai

Thông thường, các ông bố nào cũng mong muốn có được niềm hạnh phúc trọn vẹn khi biết vợ mình có thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc lớn, tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu đang có xu hướng gia tăng trong cuộc sống ngày nay.

Sảy thai là nỗi lo của các cặp vợ chồng

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này và cần phải có hướng xử trí như thế nào để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản sau này. Cùng các bác sỹ chuyên khoa tìm hiểu về bệnh lý này nhé.


Nguyên nhân Sảy thai

Để biết được những nguyên nhân gây nên hiện tượng sảy thai, mẹ bầu trước tiên cần phải tìm hiểu được khái niệm sảy thai là gì? Theo y văn từ trước, sảy thai là hiện tượng thai bị tống ra ngoài buồng tử cung trước tuổi thai 20 tuần. Có 2 loại sảy thai đó là :

- Sảy thai tự nhiên;

- Sảy thai liên tiếp: sảy thai này kế tiếp nhau, tái phát, thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Vậy những nguyên nhân nào có thể để gây sảy thai như vậy? Thực tế cho thấy, để xác định được nguyên nhân gây sảy thai là rất khó, bác sỹ chuyên khoa cẩn phải hỏi rất kỹ tiền sử bản thân và gia đình, quá trình sảy thai kết hợp với thăm khám, các xét nghiệm và phương pháp thăm dò để tìm nguyên nhân gây sảy thai. Các nguyên nhân thường hay nghĩ đến:

- Rối loạn nhiễm sắc thể được coi là nguyên nhân đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây sảy thai như: thừa nhiễm sắc thể (47 nhiễm sắc thể ) như tam thể ở các nhóm A,B,C,E,F thì các thai này thường hay bị sảy sớm. Hoặc thiếu nhiễm sắc thể (45 nhiễm sắc thể) ở nhóm D,G hay thiếu nhiễm sắc thể giới tính XO( hội chứng Turner) đều gây sảy thai.

Rối loạn nhiệm sắc thể là nguyên nhân gây sảy thai

- Do nguyên nhân nội tiết: thiếu hụt hormon nội tiết estrogen và progesteron, có khi thiếu riêng biệt một hormon, có khi giảm đồng thời cả hai hormon.

- Các nguyên nhân do tử cung như: hở eo tử cung, u xơ tử cung, tử cung kém phát triển, dị dạng tử cung,…

- Các bệnh lý nhiễm trùng cấp tình do virus, do vi khuẩn, do ký sinh trùng như: cúm, giang mai, toxoplasma,…

- Người mẹ mắc các bệnh lý toàn thân như : đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh tim mạch, bệnh thận,… Người mẹ nghiện rượu hoặc sử dụng các chất kích thích như : hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ gây sảy thai.

- Bất đồng yếu tố Rh giữa mẹ và thai nhi.

- Do sang chấn  cũng là nguyên nhân có thể gây sảy thai.

Cho dù mẹ nằm trong nguyên nhân nào ở trên đây thì cũng cần được thăm khám, tư vấn và trao đổi thẳng thắn với bác sĩ tình trạng bản thân đã gặp phải từ trước đó để có được lời khuyên xác đáng nhất.


Triệu chứng Sảy thai

Vì sảy thai thường diễn biến theo 2 giai đoạn: dọa sảy và sảy thai thực sự. Nếu ở trong giai đoạn dọa sảy thai thì tiên lượng vẫn giữ được thai. Do vậy mẹ bầu cũng cần phải nhận biết được các dấu hiệu của sảy thai để đi khám và được điều trị kịp thời.

- Các dấu hiệu trong giai đoạn dọa sảy thai: Ra máu âm đạo, ra máu đỏ hay máu có màu đen và thường lẫn với dịch nhầy, số lượng máu ra ít một nhưng liên tiếp. Mẹ bầu không có dấu hiệu đau bụng hoặc chỉ có cảm giác đau tức bụng dưới.

Dấu hiệu trong giai đoạn dọa sảy thai cần lưu ý

- Các dấu hiệu trong giai đoạn sảy thai thực sự: Máu âm đạo ra nhiều, mầu đỏ tươi, máu loãng lẫn với máu cục, kèm theo là tình trạng đau bụng dưới nhiều, thành từng cơn, liên tục. Ở giai đoạn đoạn này, tiên lượng xấu, không giữ được thai.

Cho dù mẹ có dấu hiệu nào đi chăng nữa thì khi có dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay bác sĩ sản khoa để được thăm khám kịp thời.


Phòng ngừa Sảy thai

Sảy thai là tai biến mà các mẹ bầu không ai mong muốn xảy ra với mình. Vậy để dự phòng hiện tượng này xảy ra, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng tốt giúp mẹ và bé khỏe mạnh

Đối với bất kỳ ai trong số chúng ta, để có một cơ thể khỏe mạnh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai thai thì cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối khi có bầu. Ngoài thực hiện ăn uống đầy đủ, mẹ bầu nên uống bổ sung viên sắt và axit folic. Những thực phẩm này nhằm hỗ trợ cơ thể mẹ bầu không bị thiếu máu, đồng thời việc thiếu axit folic chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thiếu dinh dưỡng của em bé trong thai kỳ và gây nên hiện tượng sảy thai.

Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Đặc biệt hơn đối với mẹ bầu nên thực hiện khám tại những cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Nếu trong quá trình thăm khám có phát hiện thấy một số bất thường như hở eo tử cung,... thì sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện khâu vòng eo cổ tử cung từ sớm (hầu hết được thực hiện ở tuần 14 - 15 của thai kỳ) nhằm tránh gây nên hiện tượng bị sảy thai. Việc thực hiện khâu eo cổ tử cung là một trong những thủ thuật khá đơn giản, người bệnh không phải nằm lại viện lâu.

Thai có hiện tượng bất thường

Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường khi mang thai như: Đau bụng, ra máu âm đạo (dù là ra ít) cũng  cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay.

Khi xuất hiện triệu chứng bất thường thai phụ nên đi khám càng sớm càng tốt

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp để tránh tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục. Đây cũng là nguyên nhân gây sảy thai.

Nghỉ ngơi hợp lý

Khi mang thai, mẹ bầu nên để cơ thể được nghỉ ngơi nhiều, không nên thực hiện các hình thức lao động nặng nhọc và đặc biệt không nên ngâm mình dưới nước ao tù.

Ngoài ra, khi mang bầu mẹ không nên mang theo những đôi giày cao gót vì chúng có thể dễ gây nên té ngã. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích có hại như rượu, bia, thuố lá và nên tránh xa các chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm vải, mực in,...

Một điều cần tuyệt đối kiêng kỵ đó là mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ, mặc dù là thuốc cảm thông thường hay thuốc bổ. Mẹ nên tuyệt đối ghi nhớ sử dụng thuốc cần có chỉ dẫn của bác sĩ.

Tâm trạng luôn thoải mái, vui vẻ không nên lo âu, buồn phiền khi mang thai và cần tránh tiếp xúc với người xung quanh nếu họ có mắc bệnh cảm cúm hoặc những bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp khác.

Đặc biệt lưu ý đối với những chị em phụ nữ có tiền sử sảy thai liên tiếp (từ 2 lần trở lên) thì cả vợ và chồng đều cần được đi khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đầy đủ và có sự tư vấn tỉ mỉ, cẩn thận của bác sĩ trước những lần mang thai tiếp theo. Đây chính là hành trang giúp gia đình bạn có thể đón chào những em bé khỏe mạnh, vui vẻ nhất.


Các biện pháp điều trị Sảy thai

Hướng xử trí trong giai đoạn dọa sảy thai

Việc điều trị trong giai đoạn dọa sảy thai có ý nghĩa rất lớn đối với người phụ nữ mang thai. Vì trong giai đoạn này nếu được xử trí sớm, đúng, tích cực thì việc giữ được thai là rất cao, tiên lượng tốt.

- Đầu tiên, bác sỹ cần phải xác định xem thai còn sống hay không bằng siêu âm và xét nghiệm máu Beta-HCG.

- Khuyến cáo mẹ bầu nên được nghỉ ngơi tuyệt đối.

- Chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh và trái cây, ít dầu mỡ, dễ tiêu, không ăn thức ăn tái sống.

- Uống đủ nước mỗi ngày: Khuyến cáo 1.5 - 2 lít nước/ ngày.

Phụ nữ mang thai nên uống đủ nước

- Sử dụng các thuốc giảm co thắt để chống các cơn co tử cung như: spacmaverin,…

- Progesterone đường uống, đường đặt âm đạo hay tiêm bắp cũng như liểu lượng và thời gian sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng, tình trạng thai.

- Kháng sinh trong trường hợp có bằng chứng về viêm nhiễm đường sinh dục.

- Các thuốc hỗ trợ khác như: Acid folic, vitamin,…

Có thể thấy đây là các hướng xử trí trong giai đoạn dọa sảy đặc biệt quan trọng mà bác sỹ sản khoa nào cũng cần thực hiện đối với mẹ bầu.

Hướng xử trí trong giai đoạn đang sảy thai

- Nếu sảy thai tự nhiên thì mẹ bầu không cần phải can thiệp gì, chỉ theo dõi tình trạng ra máu âm đạo và đau bụng. Thông thường, sảy thai tự nhiên máu âm đạo ra như chu kỳ kinh nguyệt và sau 2 tuần thai tự sảy ra ngoài.

- Đối với trường hợp bọc thai đã nằm trong âm đạo hoặc nằm ở ống cổ tử cung, bác sỹ sẽ tiến hành gắp bọc thai bằng kìm quả tim, sau đó nạo buồng tử cung để đảm bảo không bị sót tổ chức rau.

- Đối với sảy thai nhiễm khuẩn thì cần phải điều trị kháng sinh trước khi nạo buồng tử cung.

Chính bởi thế khi mẹ thấy hiện tượng bất thường lời khuyên đầu tiên là đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám, hướng dẫn điều trị hợp lý nhất giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ.

Mẹ bầu thấy hiện tượng bất thường hãy đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám

Phương hướng xử trí với sảy thai liên tiếp

Việc điều trị dựa theo nguyên nhân gây sảy thai như trình bày ở trên, như:

- Điều trị nguyên nhân toàn thân như: Đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp,...

- Điều trị nguyên nhân do rối loạn hormon nội tiết.

- Khâu vòng cổ tử cung đối với hở eo tử cung.

- Với những trường hợp do rối loạn nhiễm sắc thể nên tham khảo lời khuyên của các bác sỹ di truyền trước khi mang thai.

Chính bởi thế việc khám, xét nghiệm tiền hôn nhân hoặc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi mang bầu là điều vô cùng quan trọng đối với những người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc không chỉ đối với nữ giới mà nên thực hiện ở các cặp vợ chồng.

Trên đây là một số thông tin tổng quan về hiện tượng sảy thai ở các mẹ bầu, để được thăm khám, tư vấn chi tiết về chuyên khoa sản hoặc thực hiện các xét nghiệm tiền hôn nhân, bạn có thể liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng lắng nghe, đặt lịch tư vấn giúp bạn 24/7.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ