Từ điển bệnh lý

Sốt xuất huyết Dengue : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết là một bệnh lây truyền do nhiễm một trong bốn loại vi rút gây bệnh sốt xuất huyết (DENV), muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus đóng vai trò then chốt trong quá trình truyền bệnh. Tình trạng nhiễm vi rút có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện với một loạt các triệu chứng lâm sàng bao gồm sốt nhẹ đến hội chứng sốc đe dọa tính mạng người bệnh. Nhiều yếu tố về vi rút, vật chủ và véc tơ được cho là có tác động đến nguy cơ lây nhiễm, bệnh tật và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sốt xuất huyết là một bệnh lây truyền do nhiễm một trong bốn loại vi rút gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh lây truyền do nhiễm một trong bốn loại vi rút gây bệnh sốt xuất huyết

Khoảng 200 trước đây đã có các ghi chép về một bệnh có vẻ như là bệnh sốt xuất huyết, nhưng mãi cho đến những năm 1940, căn nguyên gây bệnh là vi rút Dengue mới chính thức được tìm ra. Hiện nay, với ước tính khoảng 390 triệu ca nhiễm trùng trên toàn thế giới mỗi năm và hơn 2,5 tỷ người sống trong vùng có nguy cơ bị nhiễm bệnh, DENV vẫn là một loài vi rút lây truyền qua động vật chân đốt quan trong cả về góc độ khoa học và cộng đồng.

Ở Việt Nam, bệnh có xu hướng theo mùa, tập trung vào những tháng 7-8 đến tháng 11-12 ở miền Bắc và xảy ra quanh năm ở miền Nam. Số lượng ca mắc bệnh hằng năm là rất lớn, có những năm gây quá tải cho ngành Y tế, tuy nhiên, nhờ chủ động theo dõi và điều trị bệnh, số ca tử vong hằng năm do sốt xuất huyết Dengue ở nước ta vẫn đang giữ được ở mức khá thấp


Nguyên nhân Sốt xuất huyết Dengue

Virus Dengue là một thành viên của họ Flaviviridae, chi Flavivirus. Có bốn loài DENV liên quan chặt chẽ nhưng khác biệt về mặt huyết thanh của chi Flavivirus, được gọi là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Có sự miễn dịch chéo tạm thời giữa bốn loài vi rút, chúng dần yếu đi và biến mất trong nhiều tháng sau khi nhiễm trùng, do đó, những người sống trong vùng lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết đều có nguy cơ nhiễm với cả bốn loài DENV.Tất cả các DENV đều là mầm bệnh do muỗi truyền ở người, chỉ gây nhiễm trùng cấp tính.

Muỗi Aedes (Stegomyia) aegypti, là vật trung gian truyền bệnh chính của DENV. Ae. aegypti thường sinh sản trong hoặc gần nhà, đẻ trứng trong cả vật chứa nước nhân tạo và tự nhiên. Ae. aegypti thường hoạt động vào ban ngày, chúng dễ bị gián đoạn trong quá trình kiếm ăn và thường di chuyển sang vật chủ khác, thường lấy nhiều bữa máu trong một chu kỳ sinh sản duy nhất. Do đó, khi một con muỗi mang mầm bệnh, chúng có thể truyền DENV cho một số cá nhân trong gia đình.

Muỗi Aedes. albopictus cũng là vật trung gian truyền bệnh DENV trong tự nhiên

Muỗi Aedes. albopictus cũng là vật trung gian truyền bệnh DENV trong tự nhiên

Muỗi Aedes. albopictus cũng là vật trung gian truyền bệnh DENV trong tự nhiên. Loài albopictus có khả năng chịu lạnh tốt hơn và có vùng phân bố địa lý rộng hơn Aedes. aegypti. Tuy nhiên, chúng ít có khả năng truyền vi rút hơn vì chúng không hút máu người thường xuyên như Ae. Aegypti. Cả Aedes. albopictus và Aedes. aegypti cũng là vật trung gian truyền bệnh do vi rút zika và chikungunya, khả năng truyền đồng thời cả vi rút Dengue và Chikungunya của chúng đã dẫn đến sự bùng phát đồng thời của cả hai bệnh ở một số khu vực.


Triệu chứng Sốt xuất huyết Dengue

1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh của nhiễm DENV từ 3 đến 14 ngày, các triệu chứng thường phát triển từ 4 đến 7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt.

2. Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt của nhiễm DENV được đặc trưng bởi sốt cao đột ngột (≥38,5°C) kèm theo nhức đầu, nhức hai hố mắt, nôn mửa, đau cơ, đau khớp và phát ban dát hoặc dát sẩn thoáng qua. Trẻ em bị sốt cao nhưng nhìn chung ít triệu chứng hơn so với người lớn trong giai đoạn sốt. Giai đoạn sốt kéo dài từ ba đến bảy ngày, sau đó hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh mà không có biến chứng.

Các biểu hiện của người bị sốt xuất huyết

Các biểu hiện của người bị sốt xuất huyết

Các biểu hiện xuất huyết có thể xuất hiện trong giai đoạn sốt và (hoặc) giai đoạn nguy kịch với phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện xuất huyết có thể thay đổi.

Khám thực thể có thể thấy sung huyết kết mạc, ban đỏ hầu họng, nổi hạch và gan to. Làm “nghiệm pháp dây thắt” bằng cách bơm căng băng quấn huyết áp trên cánh tay đến chỉ số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương trong 5 phút. Sau khi tháo băng 1-2 phút, kiểm tra các chấm xuất huyết bên dưới băng huyết áp, nghiệm pháp là dương tính khi có từ 10 đốm xuất huyết mới trở lên trên diện tích một inch vuông (khoảng 7.3cm2)

Xét nghiệm máu trong giai đoạn này có thể thấy giảm bạch cầu và giảm nhẹ tiểu cầu, men gan tăng từ gấp 2-5 lần so với bình thường.

3. Giai đoạn nghiêm trọng

Vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân (thường là trẻ em và thanh niên) phát triển thành hội chứng tăng tính thấm thành mạch toàn thân, đặc trưng bởi rò rỉ huyết tương, chảy máu, sốc và suy đa nội tạng. Giai đoạn này kéo dài trong 24 đến 48 giờ.

Bệnh nhân có thể đỡ sốt hơn, nhưng cảm thấy mệt nhiều hơn, xuất hiện các “dấu hiệu cảnh báo” về lâm sàng như li bì hoặc kích thích, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng,…

Chụp X- quang ngực hoặc siêu âm ổ bụng có thể thấy hình ảnh thoát huyết tương gây tràn dịch màng phổi, dịch tự do ổ bụng. Xét nghiệm máu thấy giảm tiểu cầu từ trung bình đến nặng, sau đó số lượng tiểu cầu sẽ cải thiện nhanh chóng trong giai đoạn phục hồi. Rối loạn đông máu thoáng qua cũng cũng có thể được phát hiện trong giai đoạn này.

4. Giai đoạn phục hồi

Trong giai đoạn này, tình trạng rò rỉ huyết tương và xuất huyết dần được cải thiện, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và dích tích tụ được tái hấp thu. Có thể xuất hiện thêm phát ban ngứa trong giai đoạn này và kéo dài trong vài ngày. Giai đoạn phục hồi thường kéo dài từ hai đến bốn ngày, ở người lớn có thể bị mệt mỏi nhiều ngày đến vài tuần sau khi hồi phục.


Các biến chứng Sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng chống, nên bất cứ ai có biểu hiện bệnh, cần được xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ, nếu không bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:

- Suy tim, suy thận

- Xuất huyết não

Xuất huyết não

Xuất huyết não

- Sốc do mất máu

- Tràn dịch màng phổi

- Hôn mê và tử vong


Đường lây truyền Sốt xuất huyết Dengue

Sự lây truyền của vi rút Dengue được duy trì thông qua chu kỳ giữa người - muỗi - người và liên quan đến giống muỗi Aedes (Stegomyia). Vi rút Dengue cũng có thể lây truyền giữa muỗi và động vật linh trưởng không phải người, nhưng chu kỳ này không có khả năng lây truyền bệnh sang cho người.

Đường lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết

Đường lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết

Những người nhạy cảm bị nhiễm bệnh sau khi bị muỗi Aedes cái mang mầm bệnh đốt. Vi rút bắt đầu thấy xuất hiện trong máu người vào cuối giai đoạn ủ bệnh và vẫn tồn tại cho đến khi cơn sốt hạ, thường là 3 đến 7 ngày. Cá thể muỗi Aedes bất kỳ có thể bị nhiễm vi rút Dengue từ người đang nhiễm bệnh nếu chúng hút máu người này khi nồng độ vi rút trong máu người này đủ nhiều. Thời kỳ ủ bệnh của muỗi là 8 đến 12 ngày, sau giai đoạn này, muỗi lại có khả năng truyền vi rút sang người khác. Sau khi bị nhiễm, muỗi mang vi rút suốt đời và vẫn có khả năng lây truyền.

Ngoài con đường truyển bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Vi rút cũng có thê lây qua những con đường ít phổ biến hơn: Vi rút sốt xuất huyết có thể lây truyền qua các sản phẩm của máu, vết thương do kim tiêm và tiếp xúc với niêm mạc, ước tính tỷ lệ truyền DENV qua các sản phẩm máu là 37% . Vi rút cũng có khả năng truyền từ mẹ sang con ở những trường hợp trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi sinh (bao gồm cả trường hợp khởi phát triệu chứng vào ngày dự kiến sinh).


Đối tượng nguy cơ Sốt xuất huyết Dengue

Trong vùng lưu hành dịch, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, dù là nam hay nữ hoặc ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là ở nhưng khu vực nhiều sông ngòi, kênh rạch, cống rãnh và tập trung đông ngươi. Bởi vì có bốn tuýp huyết thanh vi rút Dengue gây bệnh, một người có thể mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần, vì vậy bệnh có xu hướng xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Mặc dù bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng những đối tượng sau đây dễ có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc bệnh;

- Trẻ em hoặc người lớn có cơ địa béo phì

Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn

Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn

- Phụ nữ mang thai

- Người có bệnh di truyền về máu gây rối loạn yếu tố đông máu hoặc giảm tiểu cầu

- Người mắc bệnh xơ gan, đặc biệt là xơ gan mất bù

- Người mắc các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp, COPD,…


Phòng ngừa Sốt xuất huyết Dengue

1. Bảo vệ cá nhân khỏi nhiễm vi rút

- Dùng thuốc chống muỗi để ngăn ngừa muỗi đốt

- Dùng màn, rèm có tẩm hóa chất diệt muỗi

- Phun thuốc diệt côn trùng ngoài môi trường

- Mặc quần áo dài để tránh muối đốt

2. Kiểm soát muỗi truyền bệnh

- Xử lý ao tù nước đọng, khơi thông cống rãnh, hạn chế môi trường cho muỗi sinh sôi.

- Sử dụng sinh vật ăn ấu trùng muỗi trong nước như thả cá

- Làm cho muỗi A. aegypti bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia, khi đó chúng ít bị nhiễm DENV hơn muỗi A. aegypti hoang dã.

3. Vắc xin

Đã có nhiều thử nghiệm về vắc xiin nhưng chưa có hiệu quả và chưa được áp dụng rộng rãi


Các biện pháp chẩn đoán Sốt xuất huyết Dengue

1. Chẩn đoán xác định

Lâm sàng: Cần nghi ngờ chẩn đoán nhiễm DENV ở những người sốt với các biểu hiện lâm sàng điển hình (sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, phát ban, biểu hiện xuất huyết, nghiệm pháp dây thắt dương tính) và dịch tễ học có liên quan tiếp xúc (cư trú hoặc đi lại trong vòng hai tuần đến khu vực có muỗi truyền nhiễm DENV).

Xét nghiệm cận lâm sàng: Có thể thấy bạch cầu giảm, hematocrit máu tăng cao, tiểu cầu giảm, men gan tăng tùy mức độ.

Xét nghiệm công thức máu có thể thấy bạch cầu giảm, hematocrit máu tăng cao, tiểu cầu giảm

Xét nghiệm công thức máu có thể thấy bạch cầu giảm, hematocrit máu tăng cao, tiểu cầu giảm

Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên: Chẩn đoán sự có mặt của vi rút Dengue bằng cách phát hiện các thành phần virus trong huyết thanh hoặc gián tiếp bằng huyết thanh học.

- Trong tuần đầu tiên của bệnh, chẩn đoán nhiễm DENV có thể được xác định thông qua phát hiện axit nucleic của vi rút trong huyết thanh bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hoặc kháng nguyên NS1 của vi rút trong năm ngày đầu tiên của bệnh.

- Xét nghiệm kháng thể: Immunoglobulin (Ig) M có thể được phát hiện sớm nhất là 4 ngày sau khi phát bệnh, xét nghiệm này dương tính khẳng định tinh trạng đang hoặc mới nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Kháng thể loại IgG của vi rút Dengue xuất hiện từ tuần thứ 2 của bệnh và thường chỉ có tác dụng xác định tình trạng nhiễm lần đầu hay tái nhiễm.

- Ngoài ra còn có thể nuôi cấy vi rút, nhuộm hóa mô miễn dịch để phát hiện vi rút, tuy nhiên thường không sử dụng vì không có nhiều ý nghĩa về chẩn đoán và điều trị bệnh

2. Chẩn đoán phân biệt

- Sốt xuất huyết do vi rút khác: Vi rút Ebola, Hantavirus,…

- Nhiễm vi rút Chikungunya

- Sốt rét

- Sốt thương hàn

- Leptospirosis

- Nhiễm HIV cấp tính

- Viêm gan do vi rút

- Nhiễm Rickettsia

- Nhiễm trùng huyết

- Cúm

- Bệnh Coronavirus 2019 (COVID-19)


Các biện pháp điều trị Sốt xuất huyết Dengue

Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue. Xử trí bệnh phần lớn là điều trị hỗ trợ và duy trì đủ thể tích tuần hoàn. Với những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue không có “dấu hiệu cảnh báo” và các tình trạng kèm theo như : Mang thai, trẻ sơ sinh, người già, mắc đái tháo đường, suy thận, bệnh tan máu bẩm sinh, béo phì,.. có thể điều trị ngoại trú và theo dõi. Việc điều trị cơ bản sẽ là: Hạ sốt bằng Paracetamol khi sốt cao trên 38.5 độ C (không dùng Ibuprofen), uống nhiều nước, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nâng cao thể trạng. Bệnh nhân cần đi khám kịp thời khi có bất kỳ “dấu hiệu cảnh báo” nào sau đây:

- Thay đổi về ý thức: Vật vã, kích thích hoặc li bì

- Đau bụng hạ sườn phải

- Nôn nhiều, không ăn uống được

- Tiểu ít hơn bình thường

- Đau đầu trở nên dữ dội hơn

- Biểu hiện xuất huyết: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ra máu âm đạo bất thường, tiểu đỏ, đi ngoài phân đen,…

Bệnh nhân cần điều trị nội trú khi mắc bệnh sốt xuất huyết và có “dấu hiệu cảnh báo” hoặc có các yếu tố tiên lượng diễn biến nặng ở trên. Điều trị bệnh nhân trong bệnh viện có những nội dung chính:

- Bệnh nhân có tình trạng sốc: Xử trí cấp cứu theo phác đồ sốc trong sốt xuất huyết Dengue.

- Xử trí sốt: Parecetamol đường uống hoặc tĩnh mạch (tối đa 60 mg/kg/ngày ở trẻ em, 4 g/ngày ở người lớn).

- Bù dịch: Trong trường hợp nhẹ, có thể bù nước bằng đường uống, nếu bệnh nhân mệt nhiều, mất nước nặng hơn và buồn nôn có thể truyền dịch qua đường tĩnh mạch theo phác đồ.

- Truyền khối hồng cầu cho những bệnh nhân bị chảy máu nặng hoặc hematocrit thấp và không cải thiện được bằng phương pháp truyền dịch thông thường.

Truyền khối hồng cầu cho những bệnh nhân bị chảy máu nặng

Truyền khối hồng cầu cho những bệnh nhân bị chảy máu nặng

- Truyền tiểu cầu khi tiểu cầu giảm thấp và đe dọa xuất huyết, thông thường sẽ cân nhắc truyền khi tiểu cầu giảm từ dưới 50 G/L.

- Điều chỉnh rối loạn điện giải nếu có rối loạn, hỗ trợ chức năng gan,…


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.