Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh thương hàn và phó thương hàn do vi khuẩn Salmonella typhi và Salmonella paratyphi A, B, C gây bệnh.
Bệnh lây theo đường tiêu hóa, có thể gây thành các vụ dịch, gây nhiễm khuẩn toàn thân, thường có biểu hiện sốt kéo dài kèm theo các triệu chứng tiêu hóa, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong. S.typhi thường gây bệnh cảnh nặng nề hơn so với các vi khuẩn còn lại.
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào lâm sàng và xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh dương tính hoặc hiệu giá kháng thể O > 1/100.
Nguyên tắc điều trị chính là liệu pháp kháng sinh và điều trị hỗ trợ, xử lý biến chứng kịp thời. Hiện nay tuy đã có vắc xin phòng bệnh tuy nhiên vẫn không được chỉ định rộng rãi do hiệu quả phòng ngừa không cao và tác dụng phụ tương đối.
Salmonella thuộc họ vi khuẩn đường ruột, có hơn 2400 type vi khuẩn đã được phân lập, gây bệnh ở cả người và động vật. Trong đó Salmonella typhi và Salmonella paratyphi A, B, C chỉ gây bệnh thương hàn và phó thương hàn ở người, các chủng vi khuẩn còn lại có thể gây bệnh trên hệ tiêu hóa, hệ cơ quan khác trên cả người và động vật.
Salmonella là trực khuẩn bắt màu gram âm, di động được nhờ lông mao, không có vỏ, sinh nội độc tố gây bệnh, có thể tồn tại trong môi trường nước một thời gian dài và chống lại một số hóa chất thông thường. Trực khuẩn có 3 loại kháng nguyên chính là: kháng nguyên O, kháng nguyên H, kháng nguyên Vi.
Lâm sàng đa dạng có thể biểu hiện triệu chứng nhẹ, mơ hồ đến bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, biến chứng nhiều cơ quan, thậm chí tử vong. Thể bệnh điển hình gồm các triệu chứng sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: 3 -21 ngày (trung bình 1-2 tuần), đa số người bệnh trong thời kỳ này không có triệu chứng lâm sàng, 1 số ít có thể có triệu chứng viêm dạ dày, tiêu chảy cấp sau tự giới hạn.
- Thời kỳ khởi phát: Bệnh diễn biến từ từ với các triệu chứng:
Biểu hiện của người bị bệnh thương hàn
Thăm khám thực thể ghi nhận hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc, bụng chướng, có dấu hiệu óc ách hố chậu, sờ thấy quai chậu, khám thấy lách to, gõ đáy phổi có thể thấy đục nhẹ.
+ Thời kỳ toàn phát:
+ Thời kỳ lui bệnh: Vào khoảng tuần thứ 3-4, lâm sàng giảm sốt, triệu chứng giảm dần và hồi phục kéo dài.
Ở trẻ dưới 1 tuổi, bệnh thường rất nặng, dễ gặp biến chứng và tiên lượng tử vong cao. Trẻ dưới 5 tuổi, đôi khi triệu chứng lâm sàng không điển hình, biểu hiện đi ngoài phân lỏng nước, sốt cao co giật, nôn nhiều,…
Biến chứng đường tiêu hóa
- Xuất huyết tiêu hóa: thường xảy vào tuần thứ 2, thứ 3 của bệnh. Nếu xuất huyết tiêu hóa nặng có thể có sốc mất máu, cần hồi sức tích cực.
- Thủng ruột: thường xảy ra vào tuần thứ 3, thứ 4 của bệnh.
- Biến chứng gan mật: viêm túi mật, viêm gan
- Biến chứng khác đường tiêu hóa: viêm đại tràng, viêm ruột thừa, viêm tụy. Ít khi gặp viêm lưỡi
Biến chứng tim mạch
- Có thể gặp trụy tim mạch, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, đông máu rải rác trong nội mạc,…
Biến chứng thần kinh
- Viêm não, viêm màng não trong các thời kỳ bệnh. Các biến chứng khác như: viêm tủy, viêm dây thần kinh sọ, hội chứng Guillain-Barré,… ít gặp hơn
Biến chứng đường tiết niệu
- Viêm cầu thận, hội chứng thận nhiễm mỡ
Biến chứng nhiễm khuẩn khu trú ở cơ quan
- Phổi, họng, thận-bể thận, bàng quang,… đều có thể tụ mụ bởi vi khuẩn.
Người lành mang trùng
Người mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn gây bệnh được đào thải ra bởi người bệnh đang ở giai đoạn nhiễm khuẩn cấp tính hoặc người lành mang trùng. Ở người bệnh vi khuẩn có thể đào thải và gây nhiễm bẩn thức ăn, nước uống qua phân, nước tiểu, chất nôn, dịch mủ,… Khi bước vào giai đoạn hồi phục, một số người bệnh tiếp tục đào thải vi khuẩn trong 2-3 tháng tiếp theo. Ở người lành mang trùng không có triệu chứng có thể tiếp tục đào thải vi khuẩn tới 1 năm và nguy cơ gây nhiễm khuẩn thức ăn nước uống cao.
Đường lây truyền bệnh thương hàn
Ở môi trường nước, trực khuẩn có thể sống lâu trong ao, hồ, cống nước rãnh. Trong thức ăn đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, thịt, vi khuẩn có thể tồn tại mà không gây biến đổi màu sắc hay mùi vị của thực phẩm. Khi sử dụng nước uống và thực phẩm bị nhiễm khuẩn, con người sẽ bị nhiễm bệnh.
Lây truyền trực tiếp qua đường phân-miệng hay gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra có thể lây gián tiếp qua côn trùng, ruồi nhặng mang vi khuẩn gây bệnh từ phân đến thức ăn.
Những người đang sống hoặc đi vào khu vực dịch thương hàn đang xảy ra hoặc lưu hành, người tiếp xúc với người bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hoặc người lành mang trùng tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, lương thực thực phẩm bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
+ Các biện pháp phòng ngừa chung: Chẩn đoán và phát hiện kịp thời, cách ly và điều trị đúng với người bệnh, người lành mang trùng cần theo dõi và điều trị làm giảm sự thải trừ vi khuẩn gây bệnh; vệ sinh và xử lý chất thải đúng tại môi trường sinh sống; vệ sinh cá nhân tốt đặc biệt vệ sinh tay; sử dụng nguồn nước sạch; an toàn lương thực, thực phẩm; …
+ Vắc xin phòng bệnh: Tuy đã có vắc xin được phê duyệt nhưng không khuyến cáo tiêm chủng rộng rãi do hiệu quả phòng bệnh khoảng 70% và có một số tác dụng phụ. Các loại vắc xin bao gồm: vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin Vi polysaccharide, vắc xin uống giảm độc lực,…. Chỉ định cho những đối tượng như: nhân viên y tế và người nhà chăm sóc người bệnh hoặc người lành mang trùng, nhân viên làm việc tại phòng xét nghiệm có tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, người đến các khu vực dịch tễ có bệnh lưu hành.
Tiêm vắc xin phòng bệnh thương hàn
a. Chẩn đoán xác định
Dựa vào dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
- Dịch tễ khai thác có đến/đi/ở/qua vùng có dịch đang lưu hành hoặc có tiếp xúc với người bệnh. Lâm sàng: thể bệnh điển hình như trên hoặc triệu chứng sốt trên 1 tuần chưa tìm được nguyên nhân, có biểu hiện tiêu hóa chán ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện trước là táo bón sau đi ngoài phân lỏng nước, gan to, lách to, bụng chướng và có dấu hiệu óc ách trong ổ bụng, đào ban,…
- Các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên và xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên gây bệnh thương hàn tại MEDLATEC
+ Chẩn đoán căn nguyên:
+ Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:
b. Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau:
+ Nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, ổ áp xe sâu như áp xe gan, áp xe lách, bệnh sốt rét,…
+ Bệnh về máu có bạch cầu thấp, bệnh hệ thống như bệnh tạo keo,…
a. Liệu pháp kháng sinh
- Kháng sinh được ưu tiên sử dụng là kháng sinh nhóm Fluroquinolon như ciprofloxacin 15 mg/kg/ngày, olfoxacin 10-15 mg/kg/ngày,… Thời gian điều trị trung bình khoảng 5-7 ngày, kéo dài đến 2 tuần với những trường hợp có biến chứng hoặc nghi ngờ vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Những trường hợp nặng nên dùng đường tĩnh mạch
- Các kháng sinh thay thế như: nhóm cephalosporin thế hệ III (ceftriaxone, Cefoperazone, Cefixime) đường uống hoặc đường tĩnh mạch, liều lượng theo cân nặng, dùng trong khoảng 10 – 14 ngày; Azithromycin 15 mg/kg/ ngày ở trẻ nhỏ, 1g/ngày ở người lớn, dùng từ 5-7 ngày. Các kháng sinh khác như Cotrimoxazole, Ampicillin, Amoxcillin (dùng khoảng 2 tuần) không được khuyến cáo nhiều trừ khi có bằng chứng vi khuẩn còn nhạy cảm.
- Đối với người lành mang trùng: cần siêu âm ổ bụng hoặc chụp đường mật cản quang để chẩn đoán có sỏi túi mật hay không. Kháng sinh có thể sử dụng là ciprofloxacin 1g/ ngày x 4 tuần hoặc amoxicillin 3-6g/ngày x 6 tuần. Trường hợp người bệnh có sỏi túi mật chỉ định cắt túi mật nếu điều trị nội khoa thất bại.
b. Điều trị hỗ trợ và phát hiện, xử lý biến chứng
- Sử dụng corticoid: trong trường hợp có biến chứng, bệnh nặng có rối loạn tri giác, sốc,... Thuốc khuyến cáo là dexamethasone: trong 30 phút đầu tiên truyền tĩnh mạch 3 mg/kg, sau đó giảm liều xuống 1 mg/kg/6 giờ x 8 lần. Thời gian sử dụng dexamethason trong 48 tiếng, không dùng kéo dài do làm tăng tỉ lệ tái phát.
- Hạ sốt bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/ lần khi sốt từ 38.5oC, mỗi lần cách nhau 4-6h. Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt khác như mặc quần áo thông thoáng, lau người, uống nhiều nước,…
- Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, thăng bằng toan- kiềm.
- Nếu có biến chứng xuất huyết tiêu hóa: chỉ định truyền máu và theo dõi sát tình trạng chảy máu.
- Biến chứng thủng ruột: cần can thiệp ngoại khoa như khâu lỗ thủng, rửa sạch ổ bụng,… Nếu tình trạng nặng cần hồi sức tích cực.
c. Điều trị khác
- Chế độ ăn: ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, đủ năng lượng, uống nhiều nước
- Không chỉ định các thuốc nhuận tràng vì nguy cơ thủng ruột hoặc xuất huyết tiêu hóa.
1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm”, Bộ Y tế, 2015.
2. CDC, Salmonella.
3. WHO, Typhoid.
4. John V. Ashurst; Justina Truong; Blair Woodbury, Salmonella typhi. StatPearls [Internet].
5. Henning Trawinski , Sebastian Wendt, “Typhoid and paratyphoid fever”, Z Gastroenterol 2020; 58(02): 160-170.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!