Từ điển bệnh lý

Tiền sản giật : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tiền sản giật

Một trong những tai biến sản khoa mà các mẹ bầu nào cũng đều có nguy cơ đối diện ở bất kỳ thời kỳ nào của thai kỳ đó là tiền sản giật. Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị đóng một vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé

Thế nào là tiền sản giật?

Tiền sản giật là bệnh lý được đặc trưng bằng tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu, thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên ở một vài trường hợp có thể gặp tiền sản giật ngay trong giai đoạn sớm sau khi đẻ. Đây là một trong những biến chứng sản khoa gặp phải khoảng 12-20%, và đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho khoảng 17% mẹ bầu.


Nguyên nhân Tiền sản giật

Hiện nay chưa có nguyên nhân rõ ràng gây tiền sản giật trong thai kỳ. Theo các chuyên gia sản khoa , khi có một yếu tố làm giảm lưu lượng máu đến cơ quan nuôi dưỡng thai nhi là bánh rau thì sẽ sảy ra rối loạn tiền sản giật.

Một  số yếu tố nguy cơ tác động đến giảm lưu lượng máu đến bánh rau gây tiền sản giật và sản giật ở phụ nữ mang thai như:

  • Tiền sản giật thường thấy ở những người phụ nữ  lần đầu tiên sinh con.
  • Tiền sản giật cũng thường gặp ở những người phụ nữ đẻ nhiều lần;
  • Tuổi mẹ cao trên 35 tuổi hoặc mang thai quá sớm dưới 20 tuổi;
  • Mẹ bị tăng huyết áp mạn tính;

Mẹ bầu tăng huyết áp mạn tính có nguy cơ cao mắc tiền sản giật

  • Mẹ có mắc các bệnh lý nền như :bệnh lý về thận, bệnh mô liên kết, đái tháo đường, các bệnh lý về mạch máu (như: viêm mạch,…);
  • Có tiền sử gia đình về sản giật, tiền sản giật;
  • Mẹ béo phì, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích.

Triệu chứng Tiền sản giật

Một trong những dấu hiệu đầu tiên thường gặp của tiền sản giật là tăng huyết áp khi mang thai( tức là: huyết áp vượt quá 140/90mmHg.) Tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng, đa phần được phát hiện trong quá trình khám thai. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng nên lưu ý một số dấu hiệu sau gợi ý bệnh lý tiền sản giật.

  • Huyết áp cao;
  • Tăng cân nhiều;
  • Phù: thường gặp phù ở mặt, tay, chân;

Phụ nữ mang thai bị phù nên thận trọng

  • Đau đầu dữ dội;
  • Rối loạn thị lực như tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Đau bụng trên, thường là đau bên phải dưới xương sườn;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Đi tiểu ít;
  • Nhiều trường hợp có cảm giác khó thở, tức ngực do có dịch trong phổi.

Mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ để được theo dõi huyết áp, cân nặng. Và cũng nên chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo trên. Nếu thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu đó, đặc biệt : đau đầu dữ dội, mất thị lực, đau bụng,… cần đến bệnh viện ngay.


Các biến chứng Tiền sản giật

Các biến chứng có thể xảy ra với thai nhi:

  • Đẻ non;
  • Suy tử cung rau cấp tính làm rau bong non dẫn đến suy thai, thai chết lưu;
  • Suy tử cung rau mạn tính làm thai kém phát triển;
  • Đa ối.

Đa ối gây nguy hiểm cho thai nhi

Các biến chứng có thể xảy ra với mẹ:

  • Gây co giật, phù não;
  • Suy thận cấp;
  • Phù và tụ máu dưới bao gan;
  • Đông máu nội quản rải rác trong lòng mạch (DIC);
  • Gây giảm tiểu cầu;
  • Phù phổi cấp huyết động;
  • Hội chứng HELLP gặp khoảng 10%.

Phòng ngừa Tiền sản giật

- Khám và quản lý thai định kỳ: theo dõi huyết áp, nước tiểu, dấu hiệu phù;

- Khám thai và siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai;

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học:

  • Không nên ăn mặn;
  • Uống nhiều nước: khoảng 1500ml/ngày;
  • Hạn chế ăn đồ chiên rán, đồ nướng;
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý;
  • Vận động, thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe mình như : đi bộ, bơi lội, yoga;

Chế độ luyện tập thể chất ở mẹ bầu cần phù hợp

  • Không nên đứng hoặc ngồ quá lâu, có thể kê chân cao hơn khi nằm ngủ;
  • Không sử dụng các chất kích thích như: uống rượu, bia, chất có Cafein.

Các biện pháp chẩn đoán Tiền sản giật

Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật sớm

Việc phát hiện sớm cũng như có biện pháp điều trị dự phòng sớm tiền sản giật có vai trò vô cùng quan trong trong bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Với sự tiến bộ của nền y học hiện nay, việc tầm soát tiền sản giật có thể thực hiện từ những quý đầu của thai kỳ.

Cơ sở khoa học của phương pháp này dựa vào sự thay đổi của tỷ số nồng độ của 2 chất sFlt-1/PlGF trong máu của thai phụ. sFlt-1 là yếu tố kháng tân tạo mạch và PlGF là yếu tố tân tạo mạch. Nồng độ hai yếu tố này có sự thay đổi, trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng của tiền sản giật, dẫn đến tỷ số sFlt-1/PlGF tăng. Do vậy, bác sỹ có thể xem xét sự thay đổi nồng độ này để tiên lượng sớm.

Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật thường được thực hiện từ tuần 11 đến 13 tuần 6 ngày cùng với xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test. Đây là xét nghiệm máu không xâm lấn, nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Ngoài ra để xác định mẹ bầu có bị tiền sản giật không, bác sỹ cần phải dựa vào các phương pháp chẩn đoán khác như :

  • Xét nghiệm nước tiểu : Để định lượng protein có trong nước tiểu;
  • Xét nghiệm máu : Tổng phân tích máu, chức năng gan , thận, mỡ máu;
  • Siêu âm thai: Đánh giá tình trạng thai như trọng lượng thai, lượng nước ối, đo các xung động mạch tử cung,…

Mẹ phải hiểu biết về các biến chứng nói chung và các triệu chứng của tiền sản giật, sản giật nói riêng trong từng thời kỳ mang thai.


Các biện pháp điều trị Tiền sản giật

Nguyên tắc xử trí:

  • Phát hiện sớm các dấu hiệu của tiền sản giật, để  điều trị sớm, theo dõi và đề phòng biến chứng.
  • Khi có triệu chứng dù là thể nhẹ cũng nên được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa và được quản lý, theo dõi thai và sản phụ chặt chẽ.

Khi nghi ngờ tiền sản giật mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt

  • Đối với tiền sản giật thể nặng có biến chứng: Cần phải nhập viện sớm và hội chẩn các chuyên khoa khi cần thiết, theo dõi và điều trị tại các phòng hồi sức sản khoa.
  • Trong quá trình chuyển dạ hoặc khi có dấu hiệu nặng, biến chứng: Bác sỹ cần tiên lượng kịp thời để can thiệp phẫu thuật bảo tồn tính mạng mẹ, lấy thai khi có chỉ định.

Thuốc điều trị

  • Thuốc chống co giật: Magie sulfat 15%;
  • Thuốc hạ huyết áp nếu thai phụ có tăng huyết áp: Methyl dopa là thuốc được lựa chọn hàng đầu.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ